Tham dự Tọa đàm có tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian, Tạp chí Hán Nôm, Tạp chí Khảo cổ học, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội, các cán bộ biên tập của Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, cùng toàn thể cán bộ Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Lê Minh
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Tổng Biên tập Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, hình thức trình bày của các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hiện nay khá đa dạng (từ khổ, bìa, co chữ, cách viết hoa, cách viết tắt, thông tin tác giả, cách ghi tài liệu tham khảo, cách ghi chú thích, cách dẫn nguồn...), về hình thức trình bày các tạp chí không nhất thiết phải giống nhau hoàn toàn nhưng cần theo thông lệ chung của các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong đó có quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước).
PGS.TS. Lê Hồng Lý, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian, cho rằng, các tạp chí của Viện Hàn lâm cần sớm thống nhất về hình thức trình bày (khuôn khổ, bìa, cách trích dẫn, co chữ…). Theo PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm cần thống nhất về khuôn khổ 19x27cm, hình thức bìa nên theo một hoặc vài gam màu (chứ không nên quá nhiều gam màu), việc trình bày thông tin về Hội đồng biên tập hay mục lục nên khoa học hơn, cách trích dẫn nên áp dụng theo một tạp chí trong danh mục ISI hoặc Scoupus.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Lê Minh
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, TS. Nguyễn Hữu Mùi, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, TS. Vũ Mạnh Toàn, Nguyễn Thị Hoa cho rằng, cần sớm thống nhất hình thức trình bày các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm, một số kiến nghị của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam về hình thức trình bày các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm là cần thiết.
PGS.TS. Tạ Kim Ngọc cho rằng, cần thống nhất cách trích nguồn của các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm, bài viết đăng trên các tạp chí nên theo một mẫu thống nhất gồm: tóm tắt, từ khóa, phân loại ngành (có dịch sang tiếng Anh), mở đầu, phương pháp nghiên cứu, kết quả và thảo luận (được trình bày thành các tiểu mục), kết luận, chú thích (nếu có), tài liệu tham khảo, tên bài viết nên viết thường và không quá 20 từ. Theo TS. Ngô Văn Vũ, việc thống nhất hình thức trình bày các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm là cần thiết, nên sớm chính thức trở thành cẩm nang cho những người làm công tác biên tập tạp chí khoa học.
Buổi Tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi. Các ý kiến tham luận rất thiết thực vì đề cập trực tiếp đến những vấn đề nghiệp vụ của những người làm công tác biên tập tạp chí khoa học.
Kiều Quỳnh Anh