Đoàn chủ tịch điều hành phiên khai mạc Hội thảo (từ trái qua phải: PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Phan Chí Hiếu, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, TS. Phạm Quang Ngọc)
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo.
Các đại biểu Trung ương: PGS,TS. Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Cùng dự có đại diện các bộ, ngành: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao;
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học có tham luận tại Hội thảo; đại diện các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.
Về phía tỉnh Ninh Bình, có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh...
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, các vị đại biểu, khách quý đã về tham dự Hội thảo.
Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, Ban tổ chức Hội thảo nhận được gần 50 bài tham luận của chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, giảng viên ở Trung ương và địa phương, học giả quốc tế, doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh lân cận với Ninh Bình. Các tham luận đều có có chất lượng, chiều sâu với nhiều góc nhìn, chiều cạnh tiếp cận nghiên cứu đa ngành, liên ngành khác nhau về định dạng bản sắc và thương hiệu địa phương, như: Lịch sử, Khảo cổ, Văn hóa, Bảo tồn, Di sản học, Kinh tế, Chính sách, Công nghiệp văn hóa, Kiến trúc, Du lịch, Tài nguyên-môi trường…Để nhằm nhận diện, đánh giá một cách toàn diện, chuyên sâu, khách quan, khoa học về định dạng rõ các giá trị bản sắc của tỉnh Ninh Bình trong việc xây dựng các thương hiệu địa phương, nhằm góp phần định dạng rõ các giá trị bản sắc của địa phương trong quá khứ, hiện tại và định vị tương lai.
TS. Phan Chí Hiếu nêu rõ:
Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" diễn ra trong 1 ngày với 3 phiên tham luận chuyên đề: Phiên 1 báo cáo chung và báo cáo chuyên đề; Phiên 2 cáo cáo bổ sung; Phiên 3 báo cáo những khía cạnh chuyên biệt và trao đổi, thảo luận bàn tròn giữa lãnh đạo địa phương - chuyên gia, nhà khoa học - doanh nghiệp… về các vấn đề liên quan để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Ninh Bình, nhằm xây dựng chiến lược thương hiệu mới cho tỉnh Ninh Bình là trở thành đô thị đáng sống, đáng làm ăn và yên tâm đầu tư.
Chủ tịch Phan Chí Hiếu đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, cho ý kiến chuyên sâu về tuyến vấn đề có tính trọng tâm gồm: Các luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm nhận diện, định dạng cụ thể giá trị bản sắc mang tính đặc thù, nổi trội, lợi thế riêng có của tỉnh; trao đổi, thảo luận về việc xây dựng, quảng bá thương hiệu dựa trên giá trị bản sắc di sản văn hóa và thiên nhiên tỉnh Ninh Bình sau 30 năm tái lập tỉnh; làm thế nào để tạo được nguồn vốn bền vững cho bảo tồn các giá trị bản sắc; đưa ra vấn đề gợi mở để địa phương giải được bài toán hài hòa giữa câu chuyện bảo tồn và phát triển; xem xét cơ chế, quy định ưu tiên đặc biệt dành riêng cho di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cũng như di sản quốc gia đặc biệt; đánh giá bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước, tình hình phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tác động tới Ninh Bình, cả những thách thức và thời cơ vàng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình… đồng thời, mong muốn các đại biểu cho những gợi ý cụ thể về các nội dung của cơ chế, đặc thù dành cho tỉnh Ninh Bình.
TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại phiên khai mạc
Cũng tại phiên khai mạc, TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược, với lợi thế cạnh tranh riêng có, là cửa ngõ phía Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng thuộc hành lang kinh tế quốc gia Bắc - Nam, điểm trung chuyển của ba vùng kinh tế. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú cùng bề dày lịch sử văn hóa.
TS. Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, thương hiệu mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho địa phương và công dân của địa phương mà còn cho các bên liên quan. Vì vậy, chính quyền địa phương, tổ chức và người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu điểm đến, khai thác điểm mạnh, có chiến lược phát triển thích hợp nhằm nâng cao vị thế của địa phương trong lòng công chúng trong và ngoài nước.
Trên cơ sở những giá trị nổi bật riêng có về di sản và thiên nhiên thế giới, truyền thống văn hóa, lịch sử, kết quả thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, TS. Phạm Quang Ngọc đưa ra một số nội dung để các bộ, ngành Trung ương, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, thống nhất, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù góp phần thực hiện mục tiêu nhanh, bền vững của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới như: Cần xác định vấn đề và đổi mới cách tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương; xây dựng Chiến lược marketing địa phương gắn với định vị mới về Ninh Bình; xây dựng đô thị di sản gắn với đô thị 4.0; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và đổi mới phương thức huy động, phân bổ nguồn lực.
Với mục tiêu và định hướng phát triển trong tương lai, tỉnh Ninh Bình cần định vị một tầm nhìn mới, vị thế phát triển mới, hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình sắp tới để tăng tốc thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển, vì vậy, các đại biểu gợi ý cụ thể về các nội dung của cơ chế, đặc thù dành cho tỉnh Ninh Bình. Hội thảo dành 1 ngày với ba phiên tham luận chuyên đề: Báo cáo chung và báo cáo chuyên đề; Báo cáo những khía cạnh chuyên biệt và 2 phiên trao đổi, thảo luận bàn tròn giữa lãnh đạo địa phương - chuyên gia; nhà khoa học - doanh nghiệp về các vấn đề liên quan để hiện thực khát vọng phát triển của Ninh Bình, nhằm xây dựng chiến lược thương hiệu mới cho tỉnh Ninh Bình, đó là trở thành đô thị đáng sống, đáng làm ăn cũng như yên tâm đầu tư.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm mục đích đánh giá, xác định các giá trị bản sắc riêng có của tỉnh Ninh Bình, từ đó, làm cơ sở cho lựa chọn, quy chuẩn hóa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu mang giá trị độc đáo, khác biệt của địa phương có tầm ảnh hưởng vùng, quốc gia, quốc tế. Đồng thời, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tác nhằm xây dựng thương hiệu địa phương, nâng tầm vị thế và giá trị tổng hợp của vùng đất, văn hóa, lịch sử, con người Ninh Bình, qua đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới.
Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Hội thảo khoa học, để có báo cáo kiến nghị chính sách về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển tỉnh Ninh Bình; đồng thời, chắt lọc để xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về "Xây dựng thương hiệu địa phương tỉnh Ninh Bình".
Theo Vass.gov.vn