TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO; Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Nguyên Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO; Ông Jonathan Baker, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Ông Phinith Chanthalangsy, Trưởng ban Khoa học xã hội, Văn phòng UNESCO khu vực Đông Nam Á; Bà Christine Kavazanjian, Văn phòng UNESCO khu vực Châu Âu; Bà Trần Thị Thanh Hương, Chuyên gia tư vấn, Văn phòng UNESCO Việt Nam cùng đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế cùng đại diện lãnh đạo và chuyên gia của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.
Phát biểu khai mạc của TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của VASS với tư cách phụ trách tiểu ban KHXH của UNESCO. TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định tầm quan trọng của chủ đề hội thảo, góp phần hỗ trợ cho các hoạt động, tham vẫn KHXH&NV tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chủ đề hội thảo có ý nghĩa thiết thực, gắn liền chặt chẽ trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển của VASS tầm nhìn 2030 và 2045, đây cũng chính là mốc thời gian Việt Nam mong muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Với vai trò là Trưởng tiểu ban KHXH của UNESCO, TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng lớn của Khoa học xã hội trong phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi quốc gia cũng như trân trọng những cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà KHXH trong việc cung cấp bằng chứng khoa học cùng những phát hiện mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết kịp thời những vấn đề xã hội, tôn giáo, dân tộc… đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Hội thảo có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm, đánh dấu chặng đường dài cùng những đóng góp lớn lao của thế hệ các nhà khoa học VASS. Qua đó tiếp thêm động lực tri thức và sức mạnh để thế hệ sau bước tiếp.
Thay mặt Đảng ủy Viện Hàn lâm, Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam, TS. Đặng Xuân Thanh bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất đến Ủy ban UNESCO, các tổ chức, đối tác, các chuyên gia, nhà khoa học đã hỗ trợ VASS trong thời gian qua. Hội thảo sẽ góp phần mang lại những tri thức quí báu, khai phóng tầm nhìn tri thức cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và sự nghiệp chung của UNESCO trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Đào Quyền Trưởng bày tỏ niềm vui mừng được tham dự cùng các đại biểu và đánh giá cao ý tưởng của Hội thảo rất có ý nghĩa khi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm. Trên cơ sở phân tích vai trò quan trọng của KHXH đối với sự phát triển bền vững, ông cũng nhấn mạnh, lĩnh vực này được UNESCO đặc biệt quan tâm, chính sách của UNESCO và KHXH có sự tương đồng, đóng góp hiệu quả vào đời sống con người. Bên cạnh đó, Ông Đào Quyền Trưởng cũng chỉ ra một số thách thức mà hai bên phải đối mặt và cần tăng cường hợp tác hơn nữa vào các quốc gia trong đó có Việt Nam trong công cuộc xây dựng xã hội công bằng và bền vững.
Ông Phinith Chanthalangsy, Trưởng ban Khoa học xã hội, Văn phòng UNESCO khu vực Đông Nam Á trình bày báo cáo tại Hội thảo
Hội thảo nhận được 04 báo cáo. Các diễn giả cùng sự các ý kiến của các trí thức, học giả, các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành… cùng nhau định vị lại vai trò của ngành KHXH &NV, phương thức tiếp cận và tìm hiểu những thách thức mà Việt Nam đag đối mặt cũng như thúc đẩy nỗ lực liên ngành để giải quyết những thách thức này. Theo đó các bài trình bày làm rõ các nội dung cụ thể: (1) Giới thiệu tài liệu chiến lược ban đầu về KHXH&NV UNESCO tại khu vực Đông Nam Á, làm rõ lĩnh vực chuyên môn KHXH&NV UNESCO và tầm nhìn trong khu vực; (2) Giới thiệu phương pháp Foresight của UNESCO trong xây dựng chiến lược, chia sẻ kỹ thuật xác định mục tiêu chung và tiểu mục tiêu cho KHXH&NV; (3) Tổng quan về nghiên cứu và các chương trình hành động của KHXH&NV tại Việt Nam, trong đó có nêu chương trình hành động của tiểu ban KHXH&NV, nhằm xác định những lĩnh vực KHXH&NV mà Việt Nam và UNESCO cùng quan tâm, những lĩnh vực/ hoạt động cần cải thiện, phương thức thực hiện…); (4) Xác định lĩnh vực và hoạt động để đạt được các mục tiêu về KHXH&NV tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam (vấn đề, chiến lược, hoạt động, đối tác, khung thời gian, nguồn lực kỹ thuật và tài chính).
GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Nguyên Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO trình bày báo cáo tại Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung vào 04 định hướng của UNESCO về chính sách và vận động chính sách; đổi mới học tập; giới, khuyết tật, sự đa dạng; đạo đức trong trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu. Các đại biểu cùng thảo luân về tài liệu chiến lược ban đầu của UNESCO trong lĩnh vực KHXH&NV tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Đồng thời phác thảo các dự án tiềm năng cho chương trình KHXH&NV UNESCO và đối tác chiến lược và tiềm năng có thể tạo ra sự khác biệt trong việc tháo gỡ những thách thức của biến đổi xã hội đang xuất hiện ở Việt Nam, Đông Nam Á và Châu Á- Thái Bình Dương. Qua đó tìm hiểu cơ hội cải thiện và thúc đẩy mối quan hệ giữa chính sách và nghiên cứu nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ, các học giả, các tổ chức xã hội dân sự ở Đông Nam Á chú trọng hơn tới lấy con người làm trung tâm trong quá trình phát triển các chính sách toàn diện và bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo là bước đầu tiên hướng tới xây dựng mạng lưới các chuyên gia trong lĩnh vực KHXH&NV, những người sẽ sẵn sàng cùng UNESCO tham gia phản biện về các phương thức giải quyết các vấn đề về biến đổi xã hội đang cấp bách nhất mà cả khu vực và Việt Nam đang phải đối mặt.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, việc thúc đẩy KHXH&NV không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà cần đi sâu thiết thực vào đời sống và nhiều hình thức khác nhau. Trên cơ sở định hướng nghiên cứu và những tham vấn cụ thể, Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam sẽ phối hợp thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học hiệu quả tại VASS trong thời gian tới.
Theo Vass.gov.vn