Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học đã và đang làm việc tại Viện Hàn lâm nhìn lại các thành tựu đáng tự hào, những đóng góp quan trọng của Viện Hàn lâm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo vệ đất nước giai đoạn 1954-1975, những đóng góp quan trọng của Viện Hàn lâm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo vệ đất nước trong giai đoạn cả nước tiến lên CNXH 1975-1986 và trong 37 năm thực hiện đổi mới và phát triển đất nước; những định hướng phát triển Viện Hàn lâm giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Trần Đức Cường, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm; PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; các diễn giả của Hội thảo: GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH Việt Nam; GS.TS. Phong Lê, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học; PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cùng các nhà khoa học nguyên là lãnh đạo, đang là lãnh đạo của các Viện nghiên cứu, các ban chức năng thuộc Viện Hàn lâm; đại diện các nhà khoa học đến từ trường đại học, các viện nghiên cứu, các bộ/ ban/ ngành tại Hà Nội cùng đại diện hơn 10 cơ quan báo đài, truyền hình, thông tấn báo chí đến đưa tin hội thảo.
GS.TS. Hồ Sỹ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội thảo
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là cơ quan thuộc chính phủ, có chức năng nghiên cứu các vấn đề cơ bản về
Khoa học xã hội Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng XHCN; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đào tạo về KHXH; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước. Chính vì vậy, hội nhập quốc tế về KHXH và Nhân văn đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi, chia sẻ và tiếp thu tri thức nhân loại về KHXH và Nhân văn.
Trong 70 năm hình thành và phát triển, Viện Hàn lâm có nhiều thành tựu lớn trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Xuất phát điểm từ Ban Văn - Sử - Địa, đến nay Viện Hàn lâm có 42 đơn vị thuộc và trực thuộc, với đội ngũ nghiên cứu đông đảo, các viện nghiên cứu bao trùm mọi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước. Thành tựu của Viện Hàn lâm trong 70 năm qua được ghi nhận qua các công trình nghiên cứu đồ sộ, các ấn phẩm nổi tiếng, các tư vấn tham mưu chính sách, nghiên cứu lý luận và thực tiễn của đất nước, tổng kết thực tiễn để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước.
GS Phong Lê, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học trình bày Báo cáo tại Hội thảo
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Chủ tịch trân trọng và đánh giá cao những đóng góp cùng thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm trong 70 năm qua. Chủ tịch Phan Chí Hiếu cho biết, trong mỗi giai đoạn của lịch sử vẻ vang 70 năm, dù có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm và cống hiến, các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật, thể hiện qua 21 công trình, cụm công trình khoa học của Viện Hàn lâm trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 28 công trình, cụm công trình được trao tặng giải thưởng Nhà nước.
PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành trình bày Báo cáo tại Hội thảo
Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm còn thực hiện thành công nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu các cấp; xuất bản hàng ngàn đầu sách khoa học; hàng vạn tác phẩm khoa học được đăng tải trên các
Tạp chí khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế, được giới học thuật, các trường đại học, các nhà hoạch định chính sách công nhận là tài liệu có giá trị tham khảo cao trong nghiên cứu, truyền bá tri thức khoa học xã hội và nhân văn.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ, Chủ tịch Phan Chí Hiếu khẳng định, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm đang tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bồi đắp cho kho tàng tri thức về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các mặt hạn chế trong công tác nghiên cứu khoa học hiện nay, Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhấn mạnh,
Hội thảo khoa học không chỉ nhằm mục đích đánh giá, tổng kết các thành tựu khoa học lớn của Viện Hàn lâm trong 70 năm qua, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào và đam mê nghiên cứu khoa học của các thế hệ cán bộ, nhất là thế hệ trẻ của Viện Hàn lâm, mà còn là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận và tổng kết những bài học kinh nghiệm, nhận diện các vướng mắc, hạn chế trong nghiên cứu khoa học, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn trình bày Báo cáo tại Hội thảo
Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận, cùng nhìn lại và đánh giá thành tựu 70 năm nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm (1953-2023): qua 21 công trình, cụm công trình khoa học của Viện Hàn lâm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 28 công trình, cụm công trình được trao tặng giải thưởng nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là các công trình/ cụm công trình về lịch sử, văn học, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, xã hội, ngôn ngữ, Hán Nôm với các nhà khoa học có tên tuổi danh tiếng của đất nước như GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS. Trần Huy Liệu, GS. Đặng Thai Mai, GS. Trần Văn Giàu, GS. Vũ Khiêu, GS. Cao Xuân Huy, GS.VS Hồ Tôn Vinh, GS. Đinh Gia Khánh, GS. Nguyễn Đổng Chi, GS. Cao Huy Đỉnh, GS. Đào Duy Anh, GS.VS Phạm Huy Thông, GS. Hà Văn Tấn, GS. Hoàng Xuân Hãn, GS, Nguyễn Văn Huyên, GS. Trần Đức Thảo, Trần Văn Giáp.... và các thế hệ tiếp nối hiện nay Cũng trong 70 năm qua, Viện Hàn lâm có hàng nghìn đầu sách khoa học được xuất bản và hàng vạn, hàng triệu tác phẩm khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trình bày Báo cáo tại Hội thảo
Bên cạnh đó, hội thảo đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu nổi bật: văn học, sử học, văn hóa, khảo cổ, tôn giáo, dân tộc, con người, kinh tế, xã hội, nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu vùng; các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế, đặt ra cơ hội, thách thức trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của. Hội thảo thu hút đông đảo ý kiến trao đổi và phản biện của nguyên lãnh đạo, nguyên các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu đang làm việc tại Viện Hàn lâm, các nhà quản lý và các nhà khoa học đến từ Đại học quốc gia Hà Nội và nhiều tổ chức khác.
Chủ đề Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm. Nhân dịp này, Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm đã dành những lời chúc mừng đến các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là giữ mai ngọn lửa say mê nghiên cứu khoa học, tình yêu và niềm tin vào chặng đường phát triển mới của Viện Hàn lâm trong các giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu bế mạc Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn đánh giá cao những báo cáo được trình bày và khẳng định những thành tựu to lớn mà Viện Hàn lâm đã đạt được trong 70 năm xây dựng và phát triển vẻ vang. Tiếp bước truyền thống cùng với lực lượng nghiên cứu tương đối mạnh, Viện Hàn lâm tiếp tục là chiếc nôi cho những nghiên cứu, phát hiện mới về khoa học xã hội và nhân văn của cả nước, góp phần hình thành các quan điểm của Đảng về nhiều vấn đề then chốt như chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, gia nhập vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Viện Hàn lâm đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Từ việc nhìn nhận lại những thành tựu của Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch nhấn mạnh một số bài học sâu sắc cần rút ra: cần đầu tư mạnh hơn nữa cho đội ngũ nghiên cứu kế cận, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp họ có thêm nhiều động lực trong nghiên cứu và cống hiến cho Viện Hàn lâm và cho đất nước. Để vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được các mục tiêu phát triển, các cán bộ, viên chức và người lao động Viện Hàn lâm cần tiếp tục không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng Viện Hàn lâm trở thành một tổ chức nghiên cứu uy tín có tầm cỡ khu vực và thế giới, xứng đáng với truyền thống 70 năm vẻ vang mà các thế hệ tiền nhiệm đã dày công xây dựng và vun đắp.
Theo Vass.gov.vn