Hoạt động khoa học » Hội thảo khoa học

Làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

15:00 - 13/10/2020

Hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” do Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm tổ chức vào ngày 13/10/2020 tại Sapa, Lào Cai.

Hình ảnh: Làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam số 1
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo
 
Viện Hàn lâm hiện có gần 40 tạp chí đang hoạt động, mỗi tạp chí có tia ra khoảng 300 bản/số, thế nhưng, số ra này đã và đang góp phần thế nào vào việc phổ biến tri thức khoa học vào đời sống, và làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động của các tạp chí hiện nay trước sự tác động, ảnh hưởng và phát triển của cuộc CMCN4.0 vẫn là những vấn đề nhận được sự quan tâm của hầu hết những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm).

Đây cũng là mục tiêu hướng đến của Hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam” do Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm tổ chức vào ngày 13/10/2020 tại Sapa, Lào Cai. Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, đăng kí tham gia của gần hai trăm nhà báo, những người đang trực tiếp công tác và hoạt động trong các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm và được kì vọng sẽ gợi mở được nhiều hướng đi mới, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tạp chí chuyên ngành.
 
Thực tế cho thấy, về cơ bản, gần 40 tạp chí đang hoạt động tại Viện Hàn lâm hiện nay, đã góp phần tích cực trong tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học liên quan đến kết quả nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, cung cấp các thông tin nghiên cứu đạt chất lượng cao, góp phần nâng cao dân trí, đưa thông tin khoa học vào đời sống văn hóa, tri thức của nhân dân; đồng thời là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà lý luận và các độc giả trao đổi, thảo luận, tham gia tổ chức tổng kết thực tiễn để qua đó làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chuyên ngành, góp phần tham mưu, đề xuất cho các cơ quan chức năng trong xây dựng thực thi chính sách, nhất là đi sâu vào những vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động.
 
Tuy nhiên bên cạnh các tạp chí phát triển đúng hướng, khẳng định được uy tín, được độc giả đón nhận, vẫn còn không ít tạp chí chưa đạt được chất lượng hoạt động như mục tiêu đề ra, sản phẩm đầu ra là các số tạp chí chủ yếu phát hành nội bộ; một số tạp chí đã có trang điện tử nhưng chưa được khai thác triệt để để tồn tại với tư cách tạp chí điện tử độc lập mà mới chỉ được sử dụng ở mức độ cơ bản, nội dung thông tin không được cập nhật thường xuyên, do đó đã vô tình đánh mất đi sự quan tâm theo dõi của độc giả và những người quan tâm…
 
Hình ảnh: Làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam số 2

PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội (Học viện Khoa học xã hội) tham luận tại Hội thảo
 
Có thể nhận thấy một thức tế, đa phần các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm đều có sản phẩm đầu ra thấp, một nửa số tạp chí tia ra đều được sử dụng để “biếu”, “tặng” sử dụng làm tài liệu lưu chiểu, độc giả có thể tra cứu, tham khảo ở các thư viện chuyên ngành của đơn vị, số còn lại bước đầu được “thương mại hóa” nhưng đạt tỷ lệ rất thấp, thậm chí quay trở lại “lưu kho” gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên khoa học. Ðiều này đã và đang tạo nên một nghịch lý, hoạt động của các tạp chí vẫn phải được diễn ra, bao gồm cả một hệ thống nhân sự vận hành đi kèm gồm Tổng biên tập, Phó tổng biên tập, thư kí tòa soạn, nhân viên phòng biên tập - trị sự… với số lượng nhân lực chiếm không hề nhỏ, bên cạnh đó nguồn lực về tài chính để đầu tư cho một số ra tạp chí là rất lớn, với số lượng gần 40 tạp chí như hiện nay, bài toán về nhân sự, tài chính, hướng đi mới cho các số ra của tạp chí trước tác động, ảnh hưởng của CMCN 4.0 đã và đang đòi hỏi các tạp chí phải nhanh chóng tìm được biện pháp tháo gỡ.
 
Tạp chí đương nhiên không phải "chiếc bánh ngọt" đối với bất kì một đơn vị chủ quản nào, mà trên hết, tạp chí cần phải là diễn đàn khoa học thực sự của các nhà nghiên cứu, trở thành diễn đàn công bố các kết quả nghiên cứu nên rất cần được nhìn nhận nghiêm túc và sự đầu tư đúng mức. Thông qua các nội dung đăng tải, các nhà khoa học phải kể được “câu chuyện” nghiên cứu, chuyển được giá trị hàn lâm vào đời sống đương đại trở thành tri thức đạt chất lượng cao, vừa mang hơi thở xã hội vừa mang giá trị “hàn lâm’ riêng có, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và tăng hàm lượng tri thức đối với độc giả quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, hướng đến làm tăng giá trị, hiệu quả hoạt động của các tạp chí theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra, đáp ứng sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Viện Hàn lâm, đưa hoạt động của các tạp chí chuyển từ "thụ động" sang "chủ động", sẵn sàng thay đổi tư duy, cách làm phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.
 
Hình ảnh: Làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam số 3

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế phát biểu tại Hội thảo

Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, xu hướng số hóa các tạp chí đang là hướng đi được các nhà khoa học ưu tiên trao đổi. Xây dựng tài nguyên số cho các tạp chí là một xu thế tất yếu và phổ biến. Nó giúp giải quyết vấn đề lưu trữ, bảo quản tài liệu, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin và cải thiện dịch vụ cung cấp thông tin cho người dùng tin là quan điểm được hầu hết các diễn giả tham gia Hội thảo đề cập. Trong thời gian tới, với nhiều điều kiện thuận lợi về công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, với nhiệt tâm và trình độ chuyên môn ngày càng cao của những người làm báo chí tại các tạp chí chuyên ngành của Viện Hàn lâm, các nhà khoa học tin rằng tin rằng hiệu quả hoạt động của các tạp chí sẽ từng bước được nâng cao. Thông qua ứng dụng quản trị tri thức bằng công nghệ thông tin, số hóa tạp chí để gia tăng lợi ích, tiết kiệm chi phí, thời gian và tiền bạc trong việc phổ biến các giá trị tri thức. Qua đó, nâng tầm ảnh hưởng và chất lượng hoạt động của các tạp chí, phục vụ đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
 
Nhấn mạnh điều này, PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội (Học viện Khoa học xã hội) cho rằng để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tạp chí cần chú ý đến việc thay đổi tư duy từ các cấp lãnh đạo, đẩy mạnh cơ chế đặt bài từ các chuyên gia nhằm nâng cao chất lượng nội dung các bài viết; chủ động xây dựng lộ trình về việc xuất bản tạp chí điện tử hướng tới ứng dụng và triển khai có hiệu quả hoạt động của các tạp chí là yêu cầu cấp bách cần làm ngay.

Hình ảnh: Làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam số 4

Toàn cảnh Hội thảo

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế cũng cho rằng, các tạp chí của Viện Hàn lâm không được đứng ngoài sự phát triển của khoa học công nghệ, cần có đầu tư thích đáng về cả tài chính và nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển chung của tạp chí, hướng tới nâng cao chất lượng các bài tạp chí đáp ứng tốt các tiêu Chuẩn quốc tế cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng các kênh hợp tác, phát hành bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt…
 
Nhất trí quan điểm mà các nhà khoa học trao đổi, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: việc thay đổi tư duy trong cách thức tổ chức hoạt động tại các tạp chí, ổn định nhân sự, thay đổi quy trình, cách thức truyền tải thông tin, đẩy mạnh cơ chế đặt bài đinh từ các chuyên gia nhằm nâng cao chất lượng nội dung, số hóa tài nguyên tạp chí nhằm kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đi trước đón đầu, nắm bắt và đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của độc giả; xác định chất lượng bài tạp chí phải tương xứng, song hành với mọi đầu tư nguồn lực, xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp, sẵn sàng thay đổi tư duy, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tạp chí là việc phải làm thường xuyên, liên tục theo đúng kế hoạch đề ra trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.
 
Phạm Vĩnh Hà
theo vass.gov.vn
Tags: Liên Chi hội nhà báo Viện Hàn lâm Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục