Hoạt động khoa học » Hội thảo khoa học

Hội thảo quốc tế “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới”

07:00 - 07/06/2023

Trong hai ngày 06-07/6/2023, tại trụ sở 59 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Hội Triết học và Viện Khổng Tử thuộc Trường Đại học Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới”. Hội thảo vinh dự được đón tiếp Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Hình ảnh: Hội thảo quốc tế “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới” số 1
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía các đại biểu Trung Quốc có GS. Chung Thụy Thiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Quảng Tây; GS. Vi Đông Tuyết, Phó Viện trưởng thường trực, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Sư phạm Quảng Tây. Tới dự Hội thảo, về phía các đại biểu Việt Nam có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam; Bà Đỗ Thanh Vân, Viện trưởng Viện Khổng Tử và Ông La Quân, Phó Viện trưởng Viện Khổng Tử, Đại học Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học. Tham dự Hội thảo còn có sự góp mặt đông đảo của các nhà khoa học của Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ thuộc Viện Hàn lâm; Hội Triết học; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tạp chí Cộng sản; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Ngoại thương; Viện Khổng tử tại Đại học Hà Nội và đặc biệt là các nhà khoa học đến từ Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Thanh Hoa, Đại học Quảng Tây, Đại học Sư phạm Nam Kinh của Trung Quốc.
 
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chào mừng tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh khẳng định ý nghĩa của hội thảo cả trên bình diện học thuật lẫn bình diện hợp tác Việt- Trung. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là những quốc gia phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa thành công tiêu biểu. Trên con đường phát triển này, cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã phải đối diện, trải qua nhiều khó khăn, thách thức cả về lý luận lẫn thực tiễn. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản cùng sự đồng lòng và quyết tâm của nhân dân ở mỗi nước, cả Việt Nam và Trung Quốc đều vượt qua được những khó khăn, thách thức, trở ngại và tiếp tục một cách thành công con đường phát triển xã hội chủ nghĩa.
 
Phó Chủ tịch khẳng định, những thành quả mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa đã chứng minh cho tính đúng đắn và hiệu quả của sự phát triển, sáng tạo lý luận ở mỗi Đảng, mối nước; đã đưa mỗi nước ngày càng phát triển giàu mạnh hơn, cuộc sống của nhân dân mỗi nước ngày càng đầy đủ hơn, phong phú hơn và tốt đẹp hơn. Đặc biệt, những thành quả đó một mặt đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, đó là những vấn đề căn cốt như: Xây dựng Đảng Cộng sản với tư cách đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền, xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh tế tổng quát trong chủ nghĩa xã hội; mặt khác, vừa tạo động lực và làm nòng cốt cho phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, vừa có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của thế giới, của nhân loại.
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới” số 2
Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Trước bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động như hiện nay, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh khẳng định, tiến lên chủ nghĩa xã hội vẫn là một xu thế phát triển tất yếu, và hơn bao giờ hết, Việt Nam và Trung Quốc càng cần tỏ rõ các giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, tỏ rõ vị trí, vai trò và sự đóng góp của các nước xã hội chủ nghĩa trên bản đồ thế giới, góp tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Để làm được điều đó, cả Việt Nam và Trung Quốc đều cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt. Góp sức vào công cuộc trọng đại này của mỗi nước, các nhà khoa học chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết tốt các vấn đề lý luận nảy sinh trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, trong việc sáng tạo và phát triển những vấn đề lý luận dẫn dắt sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước đi đến thành công rực rỡ.
 
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng khi góp mặt tại Hội thảo; đồng thời trân trọng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam- Trung Quốc trong thời gian qua, hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở chuyến thăm thành công đến Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10 năm 2022 vừa qua, hai bên đã đạy được nhiều nhận thức chung quan trọng về vấn đề thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển, cùng nhau vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội. Hai bên cũng đã cùng đưa ra Tuyên bố chung Trung Quốc- Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc.
 
Ông Bành Thế Đoàn đặc biệt nhấn mạnh đến thành tựu mà Lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Trung Quốc đánh giá cao 35 năm sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, thực hiện tốt Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), sau 10 năm đã đạt được nhiều thành tựu trọng đại mà trước nay chưa từng có, đặc biệt là công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã đạt được nhiều thành quả tích cực, chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh chóng không ngừng, thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đời sống quần chúng nhân dân không ngừng được cải thiện, địa vị quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện tiềm năng và viễn cảnh tươi sáng của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
 
Hai bên đều cho rằng, những thế hệ lãnh đạo trước đây như Chủ tịch Mao Trạch Đông hay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp và xây dựng truyền thống hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em” chính là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần phải kế thừa, bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa. Trong tương lai, hai Đảng hai quốc gia phải kiên trì phương hướng tiến lên của chủ nghĩa xã hội, cùng nhau thúc đẩy chủ nghĩa xã hội không ngừng phát triển, thể hiện ưu thế của chế độ xã hội chủ nghĩa và mở ra bức tranh tương lai tươi sáng.
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới” số 3
PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam cho biết, những thành tựu trong xây dựng và phát triển CNXH ở hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là sự khẳng định sức mạnh, sức sống và tương lai của CNXH trên thế giới. Giáo sư nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội tốt các chuyên gia, nhà khoa học hai nước trao đổi học thuật, thông tin về lý luận và thực tiễn của CNXH ở mỗi nước để tham khảo và học hỏi và mong muốn các nhà khoa học tập trung làm rõ các vấn đề như: (1) Phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; (2) Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; (3) Xây dựng văn hóa, phát triển con người; (4) Xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
 
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn các thành tựu của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và Trung Quốc. CNXH là một quá trình lịch sử dần dần xóa bỏ tình trạng kém phát triển để ngày càng phát triển hơn, làm cho dân giàu hơn, nước mạnh hơn, công bằng hơn, tiến bộ hơn, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển kjacs, cũng như thu hẹp mất cân bằng giữa các vùng, các dân tộc, các ngành nghề trong nước. Theo đó, CNXH là con đường để đạt được mọi thành tựu trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và phát triển con người.
 
PGS.TS. Nguyễn Tài Đông khẳng định, sự thành công của CNXH ở Việt Nam và Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa đối với nội bộ hai nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng, có đóng góp to lớn cho thế giới. Do vậy, Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn đã được giải quyết, những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam, Trung Quốc. Trên cơ sở đó, hai bên sẽ đánh giá những đóng góp của các quốc gia này đối với thế giới trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao, môi trường, hòa bình và giải quyết những vấn đề toàn cầu. Qua đó, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông gợi mở những vấn đề cần học giả tập trung thảo luận trên ba phương diện: Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới trên phương diện kinh tế; phương diện tư tưởng, chính trị; phương diện văn hóa và hội nhập quốc tế.
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới” số 4
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được 21 báo cáo, được chia làm 03 phiên thảo luận, tập trung phân tích những đóng góp CNXH ở Việt Nam, Trung Quốc đối với thế giới trên tất cả các phương diện của đời sống từ kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, đến ngoại giao, quân sự, giải quyết những vấn đề toàn cầu…Thực tế cho thấy, những đóng góp này không chỉ thể hiện qua các thành quả mà Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong quá trình phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa mà còn thể hiện ở sự chủ động đóng góp tâm lực và vật lực hết sức trách nhiệm của hai nước trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới và nhân loại vì một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Các ý kiến trình bày, thảo luận đã nêu bật được những thành tựu và khó khăn, thách thức của Việt Nam và Trung Quốc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hai quốc gia cũng phần nào thể hiện được tinh thần khoa học, tinh thần trách nhiệm của những nhà khoa học, những cán bộ làm công tác nghiên cứu tư tưởng của chủ nghĩa Mác, sự phát triển và vận dụng tư tưởng ấy ở mỗi quốc gia và đóng góp đối với thế giới. Những nội dung này sẽ còn tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và làm rõ hơn nữa đóng góp trực tiếp vào sự phát triển lý luận nền tảng của Đảng Cộng sản ở mỗi quốc gia, nhằm ngày càng khẳng định sự kiên định vào con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội mà cả hai quốc gia đang hướng đến.
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới” số 5
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
 
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật quí báu để các nhà khoa học trao đổi học thuật và chia sẻ kết quả nghiên cứu về những thành tựu, bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời lan tỏa những giá trị và đóng góp thiết thực của hai nước đối với sự phát triển chung của thế giới và nhân loại.
 
Theo Vas.gov.vn
Tags:
Tin cùng chuyên mục