Hoạt động khoa học » Hội thảo khoa học

Hội thảo quốc tế 'Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN'

12:03 - 26/12/2017

Chiều ngày 14 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN”.

Đến dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch VASS; đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Trung tâm Phân tích Dự báo thuộc VASS và một số viên nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Về phía UNDP có Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú UNDP; Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc UNDP Việt Nam; GS. Rajah Rasiah, Đại học Malaya, Cố vấn cao cấp, UN/UNDP tại Việt Nam.
 
Chủ tịch VASS – GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn và Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc chủ trì Hội thảo.
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế 'Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN' số 1

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch VASS phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Trên thế giới, nền kinh tế toàn cầu đã chuyển sang quĩ đạo tăng trưởng “bình thường mới” với tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với những thập niên tới. Đã có những thay đổi đáng kể liên quan đến quá trình toàn cầu hóa, cũng như sự tăng tốc của tiến bộ công nghệ, nhiều chuyên gia gọi là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.
 
Ở Việt Nam, giai đoạn tăng trưởng nóng diễn ra trong nửa cuối thập niên trước đã để lại những hậu quả kéo dài cần tiếp tục xử lý. Sau hơn 5 năm thực hiện ổn định vĩ mô và tái cơ cấu, nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất với tăng trưởng bắt đầu phục hồi, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, để đưa nền kinh tế trở lại quĩ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững thì Việt Nam cần giải quyết rất nhiều vấn đề, thông qua việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước, bối cảnh thời đại, và quy luật phát triển chung.
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự, cảm ơn sự hợp tác có hiệu quả giữa VASS và UNDP; đồng thời nhấn mạnh, chủ đề của cuộc Hội thảo này rất có ý nghĩa bởi năng suất và cạnh tranh quốc tế là các yếu tố cốt lõi để giúp Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở trên thế giới cũng như ở trong nước. Nâng cao năng suất là một trong những ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam. Nhờ những cải cách sâu rộng được thực hiện nhất quán kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi Mới, đến nay Việt Nam đã bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn 1 của phát triển với tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào sang giai đoạn 2 của phát triển với tăng trưởng dựa chủ yếu vào hiệu quả và năng suất. Tuy nhiên, mặc dù tăng trưởng dựa trên hiệu quả là hết sức cần thiết song vẫn không đủ để đưa nền kinh tế tiến xa do động lực này có trần giới hạn. Lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ có đổi mới sáng tạo mới là động lực không có trần giới hạn, là chìa khóa để giúp một số nước Đông Á vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình”.
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế 'Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN' số 2
 
ÔngKamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc,Đại diện thường trú UNDP phát biểu tại Hội thảo
 
Trong phát biểu của mình, Ông Kamal Malhotra đã điểm lại Báo cáo Phát triển con người – sản phẩm chung của VASS và UNDP năm 2016 – cho thấy, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh để tạo ra nhiều việc làm với năng suất cao hơn cho tất cả người Việt Nam là chìa khóa để tạo điều kiện cho tăng trưởng bao trùm của Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo và đạt được khát vọng vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp.
 
Ông Kamal Malhotra chia sẻ, Thứ nhất, mặc dù Việt Nam đã đạt được thành tích tốt trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nếu muốn nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và sáng tạo, cần tăng cường giáo dục khoa học công nghệ và giáo dục đại học để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao và các nhà nghiên cứu R & D; Thứ hai, điều qua trọng Việt Nam phải tạo ra được các cơ quan “think tanks” độc lập và các tổ chức giáo dục mạnh; Thứ ba, vì sáng tạo là thành tố quan trọng nhất để thành công trong việc tăng năng suất và sức cạnh tranh, nên Việt Nam cần phải cải thiện các cơ sở khoa học và công nghệ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng R & D, thích nghi với cách mạng 4.0; Thứ tư, liên kết chặt chẽ giữa giáo dục đại học và các viện nghiên cứu KHCN và các “think tanks”, đây là chìa khóa thành công; Thứ năm, một nền kinh tế xanh và khả năng chống chịu trước các thảm họa cũng là điều cần thiết để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh; Thứ sáu, tính bao trùm của tăng trưởng kinh tế rất quan trọng, Việt Nam cần phải nâng cao mức độ tăng trưởng bao trùm trong giai đoạn tiếp theo và tạo cơ hội đặc biệt và ưu đãi cho các nhóm và vùng dễ bị tổn thương.
 
Hội thảo được nghe 2 tham luận với các phần trình bày của TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích Dự báo thuộc VASS - Năng suất lao động ở Việt Nam: Một số vấn đề chọn lọc và của GS. Rajah, Đại học Malaya - Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN.
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế 'Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN' số 3

TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích Dự báo trình bày báo cáo tại Hội thảo
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế 'Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN' số 4

GS. Rajah, Đại học Malaya, Cố vấn cao cấp trình bày báo cáo tại Hội thảo
 
Trong tham luận của mình, TS. Nguyễn Thắng trình bày một số nghiên cứu của Việt Nam về Năng suất và Cạnh Tranh, đây là một nghiên cứu mới, xác định những trở ngại trong thực tế để cung cấp thông tin cho việc xây dựng các hành động cụ thể nhằm nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong một số tiểu ngành cụ thể.
 
Trong báo cáo, GS. Rajah đề cập đến, Việt Nam cần nâng cấp công nghệ để kích thích tăng trưởng năng suất, đồng thời cần tập trung vào các chính sách nhằm kích thích đổi mới cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, nhằm làm sống lại đà tăng trưởng năng suất trong nền kinh tế. Việt Nam phải rà soát lại các chính sách về phát triển nguồn vốn con người, cần nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giáo dục kỹ thuật và đào tạo tay nghề mang tầm thế giới cũng như giáo dục khoa học và công nghệ, giáo dục phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng nhận thức (sáng tạo). Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện các chiến lược nhằm liên kết các công ty trong nước với các công ty FDI và với các chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp chế tạo và các dịch vụ dựa vào tri thức cần được quan tâm đặc biệt trong nỗ lực nâng cấp…
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế 'Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN' số 5
 
Hình ảnh: Hội thảo quốc tế 'Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN' số 6
 
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến bình luận, trao đổi, đặt câu hỏi cởi mở của các đại biểu tham dự như Việt Nam nên lựa chọn nhập khẩu công nghệ hay đổi mới sáng tạo? với kinh nghiệm của các nước thì công cụ của chính phủ để thúc đẩy là gì? làm thế nào để thu hút nguồn lực chất xám của Việt Kiều?,… Các đại biểu cũng nhấn mạnh vào tình hình thực tế của Việt Nam, gợi mở một số giải pháp cụ thể dựa trên cơ sở thực chứng.
 
Nguyễn Xuân Khoát/ VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Tags: Hội thảo quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam VASS
Tin cùng chuyên mục