Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, từ sau Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đặc biệt là từ sau Đại hội XII đến nay, vấn đề văn hóa và phát triển tiếp tục được đặt ra với những yêu cầu mới sâu sắc và bức thiết hơn, đòi hỏi công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn toàn diện về lĩnh vực văn hóa - xã hội phục vụ cho sự nghiệp phát triển, cho công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta.
Trong báo cáo đề dẫn, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định, Hội thảo nhằm phát hiện, lý giải, làm rõ những vấn đề của Việt Nam về lý luận và thực tiễn, mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, vai trò cốt lõi của văn hóa trong phát triển và phát triển bền vững, phát triển nhưng không làm nảy sinh các vấn đề xã hội bức xúc, phát triển đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước, qua đó góp phần nghiên cứu bổ sung lý luận và tổng kết thực tiễn, nhằm tham mưu, tư vấn chính sách cho các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Một số tham luận tại Hội thảo cho rằng, kinh tế thị trường và làn sóng toàn cầu hóa đã đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển, nhưng đây cũng là điều kiện để nhiều thói hư, tật xấu, như tình trạng tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống, tội phạm lệch chuẩn về chuẩn mực xã hội và văn hóagia tăng.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích để xây dựng một hệ thống chuẩn mực xã hội, từ đó xác định khuôn khổ cho các hành động. Hội thảo cũng rút ra nhiều bài học từ thực tiễn phát triển của các nước trong lĩnh vực này có thể giúp ích cho việc phát huy vai trò của văn hóa trong triết lý phát triển của Việt Nam.
Thanh Thủy