Chủ tọa điều hành hội thảo: TS. Hoàng Hồng Hiệp, TS. Nguyễn Song Tùng
Trong những thập kỷ qua, thế giới đã đạt sự tăng trưởng nhanh chóng trong phát triển kinh tế và thay đổi xã hội. Đời sống của con người ngày càng cao, kèm theo đó là nhu cầu mua sắm ngày càng tăng. Để phục vụ cho sự thay đổi “thần kỳ” này, môi trường phải chịu nhiều vấn đề khác nhau như ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu... Những nhân tố này được nhận diện là rào cản và thách thức đối với phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng xanh được xem là một giải pháp giải quyết những vấn đề trên.
Tiêu dùng xanh đề cập đến hành vi tiêu dùng sinh thái nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường nhưng vẫn đáp ứng đươc nhu cầu của con người. Trong những năm gần đây, sự gia tăng nhận thức về tác động của hành vi tiêu dùng đối với vấn đề nóng lên toàn cầu và phát triển bền vững đã dẫn đến sự phát triển của tiêu dùng xanh tại nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên đối với người tiêu dùng Việt Nam, tiêu dùng xanh vẫn còn là khái niệm mới lạ, nên người tiêu dùng chưa hiểu được tầm quan trọng và tạo dựng thói quen tiêu dùng lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày.
TS. Hoàng Hồng Hiệp phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ nhiệt liệt chúc mừng các nhà khoa học, nhà quản lý, quý vị đại biểu đến tham dự hội thảo.
TS. Hoàng Hồng Hiệp cho biết, hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Chính phủ các nước phát triển đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm xanh và người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh hoặc bền vững.
TS. Hoàng Hồng Hiệp cũng chỉ ra, mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn, trở ngại tại Việt Nam. Đặc biệt là tạo dựng một thói quen, lối sống tiêu dùng xanh, lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường thông qua hành vi tiêu dùng xanh.
Với vai trò là một cơ quan thuộc chính phủ,
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam luôn chú trọng đến công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về bảo vệ môi trường. TS. Hoàng Hồng Hiệp mong muốn, hội thảo sẽ tập trung trao đổi về các nội dung chính như: Thể chế, chính sách về tiêu dùng xanh, định hướng Chiến lược quốc gia về tiêu dùng xanh của Việt Nam; Vai trò của tiêu dùng xanh đối với môi trường và phát triển bền vững của nhân loại; Nhận thức của người lao động Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam về tiêu dùng xanh; Mô hình cộng đồng tham gia các hoạt động tiêu dùng xanh; Một số định hướng và giải pháp đổi mới thúc đẩy tiêu dùng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu...
Các đại biểu phát biểu, trình bày tại hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều tham luận của các quý vị đại biểu, có 5 tham luận được trình bày với các chủ đề: “Kinh nghiệm của một số quốc gia về xây dựng chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh và bài học cho Việt Nam” của TS. Đoàn Thị Thu Hương, Viện Địa lý nhân văn; “Công cụ chính sách thúc đẩy tiêu dùng bền vững dân cư” của TS Lê Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; “Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh của người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” của ThS. Phạm Quốc Trí, Viện KHXH vùng Trung Bộ; “Tiêu dùng xanh trong bối cảnh hiện nay: Thực trạng và giải pháp” của TS. Kiều Thị Kính, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng; “Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh ở Việt Nam” của TS. Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công thương.
Đề cập đến chính sách tiêu dùng xanh, TS. Kiều Thị Kính, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cho rằng, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương là cần thiết trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, TS. Kiều Thị Kính nhấn mạnh, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là cách tiếp cận của chính sách Môi trường. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm.
Yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Nói các khác, trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.
Đề cập đến giải pháp tiêu dùng xanh, TS. Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công thương cho biết, việc lựa chọn giữa sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường hay sản phẩm thông thường, ngoài yếu tố về giá cả, thì nguyên nhân quan trọng là do nhận thức của người tiêu dùng về tác dụng của tiêu dùng xanh. Do đó, để người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm xanh cần phải đề cao công tác truyền thông để tuyên truyền và vận động về những lợi ích cũng như giá trị mà các sản phẩm xanh mang lại cho cuộc sống, cả trước mặt và lâu dài,...
Để thực hiện công tác này, TS. Vương Quang Lượng khuyễn nghị: (i) Cần đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch; (ii) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của tiêu dùng xanh và tăng trưởng xanh. Phổ biến các mô hình, kinh nghiệm tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa vốn thiên nhiên, gắn kết với việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống; (iii) Khuyến khích nghiên cứu, phát triển mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh; (iv) Tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động chia sẻ; chủ động phối hợp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với tiêu dùng xanh…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức và lan tỏa hành vi tiêu dùng xanh trong công đồng và trong Viện Hàn lâm nói riêng, nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu kết luận hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã gửi bài tham gia hội thảo, các quý vị đại biểu, khách quý đã tham dự hội thảo.
TS. Nguyễn Song Tùng đánh giá cao chất lượng hội thảo. Các tham luận đã đề cập đến các vấn đề lý luận và thực tiễn của tiêu dùng xanh; thực trạng tiêu dùng xanh tại Việt Nam; các mô hình cộng đồng thực hiện tiêu dùng xanh. Các tham luận đã cho thấy một bức tranh cụ thể và rõ nét về vấn đề lý luận và thực tiễn về tiêu dùng xanh dưới các góc độ, lăng kính, với các tiếp cận đa chiều. Những ý kiến được trao đổi, tranh luận tại hội thảo là rất hữu ích, hợp lý và có tính khả thi cao.
TS. Nguyễn Song Tùng hy vọng, các thông tin thảo luận từ hội thảo không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức cho cán bộ của Viện Hàn lâm về các vấn đề tiêu dùng xanh mà sẽ trở thành nhiệm vụ hành động cụ thể. Các ý kiến thảo luận trong hội thảo sẽ được tổng hợp thành những giải pháp, đề xuất thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người lao động Viện Hàn lâm về tiêu dùng xanh, từ đó góp thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, Viện KHXH vùng Trung Bộ tổ chức chuyến nghiên cứu khảo sát thực địa tại Ninh Bình, nhằm đóng góp tính thực tiễn cho hội thảo và gia tăng sự giao lưu, trao đổi học thuật, gắn kết phát triển hợp tác cho các học giả tham gia hội thảo.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Theo Vass.gov.vn