Hoạt động khoa học » Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học 'Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam'

11:44 - 15/06/2018

Ngày 10/06/2018, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam'.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng; TS. Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế TW; TS. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; TS. Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Đặng Nguyên Anh,  Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; cùng nhiều nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
 
Hình ảnh: Hội thảo khoa học 'Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam' số 1
 
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), đồng thời là năm quan trọng quyết định khả năng hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011 - 2020). Bên cạnh đó, năm 2018 cũng là năm rất có ý nghĩa để bắt đầu xây dựng nền tảng tăng trưởng cho một giai đoạn mới của đất nước. Đó là thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt, với tác động ngày càng lớn của Hiệp định thương mại tự do bậc cao FTA, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi toàn cầu, nhằm đánh giá chung về nhân tố tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua, xác định các vấn đề trong củng cố và tạo lập nền tảng tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam.
 
Hình ảnh: Hội thảo khoa học 'Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam' số 2
 
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Hội thảo sẽ có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào quá trình tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh Đại hội Đảng năm 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược cho giai đoạn 2020 - 2030. Phó Thủ tướng đặt vấn đề phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết, bởi nếu đất nước không phát triển nhanh rất dễ bị tụt hậu.
 
Theo Phó Thủ tướng, các nhà khoa học cũng cần hiến kế gia tăng tính gắn kết trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường dựa trên nguyên tắc “không đánh đổi phát triển kinh tế để hủy hoại môi trường, không để ai phải tụt lại ở phía sau”; tính kết nối giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các khu vực khác trong nền kinh tế trên quan điểm “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, các chỉ tiêu về sự bền vững của nền kinh tế là chưa có và Chính phủ mong muốn “đặt hàng” các nhà khoa học về nội dung này.
 
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để trở thành nước công nghiệp hóa thành công cần đẩy mạnh vai trò nông nghiệp nông thôn trong công nghiệp hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và thực tiễn, gắn kết và hòa nhịp với đô thị cùng nền kinh tế tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá trị bền vững.
 
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, nêu lên nhiều cách tiếp cận trong việc tạo lập những cơ sở tăng trưởng nhanh và bền vững thời gian tới. Theo ông, vốn tư nhân đang dần thay thế vốn nhà nước trong việc tạo động lực phát triển nhanh của nền kinh tế; điều này được chứng minh qua mức tăng trưởng ấn tượng của GDP quý I năm 2018 khi mà các nguồn vốn nhà nước đầu tư vào nền kinh tế bị hạn chế; thực tế đó cho thấy chưa có được một ý định thay đổi cấu trúc mô hình phát triển một cách thật rõ ràng trong khi vẫn còn tư tưởng chắp vá, thậm chí là “cơi nới”.
 
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, nhận định rằng, các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế vẫn còn dư địa sử dụng nhưng vẫn cần thiết phải cơ cấu lại chất lượng sử dụng các yếu tố nguồn lực. Hiện nay, Việt Nam chưa hình thành được đầy đủ các thị trường để phân phối các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai - bất động sản, lao động, khoa học kỹ thuật, hàng hóa - dịch vụ); thể chế vận hành của các thị trường này chưa có, cần phải được tập trung xây dựng.
 
TS. Nguyễn Thắng, Trung tâm Phân tích và Dự báo, cho rằng, để tối đa hóa những cơ hội, giảm thiểu những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần giải quyết tối đa các bài toán lớn. Đó là đảm bảo thể chế không bị tụt lại trong cuộc chạy đua với công nghệ, để mở đường cho các công nghệ và phương thức sản xuất mới đi vào cuộc sống; phải có cách thức thúc đẩy để đảm bảo kỹ năng không bị tụt hậu lại so với công nghệ; giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội và môi trường còn tồn đọng; bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm ứng phó của các nước khác, đặc biệt là của các nước đi trước trong cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Thanh Thủy
Tags: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn hội thảo khoa học
Tin cùng chuyên mục