Hoạt động khoa học » Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học 'Công nghiệp 4.0 bao trùm'

08:09 - 24/08/2018

Ngày 15/8/2018, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện hàn lâm) phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và UNDP tổ chức Hội thảo khoa học: 'Công nghiệp 4.0 bao trùm' (Inclusive Industry 4.0).

Hình ảnh: Hội thảo khoa học 'Công nghiệp 4.0 bao trùm' số 1
 
 GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo
 
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Bà Caitlien Weisen, Giám đốc Quốc gia mới UNDP tại Việt Nam; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; diễn giả Indy Johar, cố vấn về công nghiệp 4.0 cho Canada, Scotland và EU cùng các nhà khoa học.
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp công nghệ số Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo; đang tác động nhanh và mạnh trên toàn thế giới; đem lại được nhiều lợi ích và cũng đặt ra không ít thách thức lớn (như gia tăng thất nghiệp, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội). Vì thế, thông điệp chính của Hội thảo là phát triển đồng đều bao trùm và công bằng, lợi ích cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau.
 
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, các nhà nghiên cứu và học giả kinh tế - xã hội của Việt Nam rất quan tâm tìm hiểu thực chất của cách mạng công nghiệp 4.0, những thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng này đối với Việt Nam, cơ hội để Việt Nam vượt qua được thách thức, sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlien Weisen, Giám đốc quốc gia mới UNDP tại Việt Nam, đánh giá cao chủ đề cách mạng 4.0 được tổ chức tại một thời điểm quan trọng ở Việt Nam như hiện nay.
 
Bà Caitlien Weisen cũng phân tích lợi ích và tính bao trùm của cuộc cách mạng 4.0 đối với tất cả mọi người trong xã hội. Công nghiệp 4.0 sẽ làm cho mọi người có được kĩ năng tốt hơn, có cơ hội việc làm tốt hơn, và cải thiện chế độ an sinh xã hội; từ đó sẽ nâng cao chất lượng cuộc sốn. Đây chính là lợi ích mang tính bao trùm.
 
Tại Hội thảo, ông Indy Johar, chuyên gia tư vấn về công nghiệp 4.0 cho Canada, Scotland và EU, thuyết trình về công nghiệp bao trùm 4.0. Ông Indy Johar nhấn mạnh rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, thương mại truyền thống. Trong cuộc cách mạng này, con người được xem là chi phí; các ông chủ thường thay thế nhân sự bằng robot, máy móc để thực hiện nhằm tiết giảm chi phí. Các quy định, quy tắc của chính phủ (được thể hiện thông qua các văn bản bằng giấy tờ theo phương pháp truyền thống) sẽ cần một cách quản trị mới, sáng tạo. Chính phủ cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng, điều tiết, thay đổi mô hình quản trị để dẫn dắt, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh đó, diễn giả Indy Johar cũng phân tích mối liên quan của cách mạng 4.0 với phát triển con người, kinh nghiệm của các nước trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0 trở nên bao trùm hơn.
 
Hình ảnh: Hội thảo khoa học 'Công nghiệp 4.0 bao trùm' số 2
 
 
Ông Indy Johar thuyết trình tại Hội thảo
 
Một số đại biểu phân tích khả năng tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam; vai trò của Chính phủ trong chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; mặt trái của cuộc cách mạng 4.0 đối với các nước đang phát triển; tác động của công nghiệp 4.0 đến nhận thức về an ninh quốc phòng, chủ quyền biên giới giữa các quốc gia và nền hòa bình toàn cầu, cách thức thảo luận các cách thức làm cho công nghiệp 4.0 trở nên bao trùm hơn ở Việt Nam, sự hợp tác quốc tế để thực hiện mục tiêu bao trùm và phát triển cuộc cách mạng 4.0
 
Hình ảnh: Hội thảo khoa học 'Công nghiệp 4.0 bao trùm' số 3
 
Toàn cảnh hội thảo
 
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đánh giá cao bài thuyết trình của diễn giả Indy Johar; đồng thời bày tỏ mong muốn các nhà khoa học sẽ tiếp tục trao đổi thêm trên nhiều lĩnh vực liên quan đến cuộc cách mạng 4.0, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ, kĩ thuật, mà còn cả về văn hóa - xã hội, quản trị, an ninh quốc phòng, từ đó đề xuất những định hướng cho sự phát triển của Việt Nam.
 
Phương Thủy
 
 
Tags: Công nghiệp 4.0 Inclusive Industry 4.0 GS.TS. Đặng Nguyên Anh hội thảo khoa học khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục