Nghiên cứu - Trao đổi » Chính trị

Xây dựng nhà nước pháp quyền - từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến công cuộc đổi mới hiện nay

08:39 - 06/03/2018

Từ năm 1919, khi gửi bản yêu sách tới Hội nghị Versailles (Vécxay), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã mong muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tư tưởng đó được Người nêu rõ trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927): Cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, nghĩa là lợi ích, quyền lực thuộc về nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập, giành chính quyền và xây dựng chế độ mới, Nhà nước cách mạng kiểu mới - Nhà nước do chính nhân dân xây dựng nên. Người khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(1).

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khẳng định, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Vì vậy, phải xây dựngnhà nước tiêu biểu cho ý chí và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt Nam, đồng thời quyết tâm mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ lâm thời khi quyết định đặt tên Nhà nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời cũng xác định mục tiêu là ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC. Độc lập, tự do, hạnh phúc là vấn đề chiến lược lâu dài và là sự thống nhất trong bản chất của Nhà nước cách mạng. Bản chất đó của Nhà nước trước hết phải được bảo đảm bởi chế độ dân chủ thật sự. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v.”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34, ngày 20-9-1945, lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 7 người; Sắc lệnh số 39, ngày 28-9-1945, lập một Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử gồm 9 người; Sắc lệnh số 63, ngày 22-11-1945, về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. Ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên và ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ họp thứ nhất để thành lập Chính phủ chính thức, quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại, kháng chiến và kiến quốc. Tại kỳ họp thứ hai (ngày 9-11-1946), Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946. Những hoạt động quan trọng đó đã khẳng định cơ sở pháp lý, hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam độc lập. Hiến pháp 1946 cũng thể hiện tư tưởng về Nhà nước pháp quyền mà Hồ Chí Minh đã đề cập từ nhiều năm trước đó.

Bản chất dân chủ và pháp quyền của Nhà nước cách mạng được kết hợp ngay từ buổi đầu xây dựng và vận hành, đó là:

Nhà nước Việt Nam độc lậpphải phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Ngày 17-10-1945, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp, Hồ Chí Minh khẳng định thành quả to lớn của cách mạng là bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do. Đồng thời, Người cũng nêu rõ: “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(3).

Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25-11-1945 về kháng chiến kiến quốc nêu rõ quan điểm về trách nhiệm của Nhà nước: “Chiểu theo tinh thần bản dự thảo hiến pháp mới và nhu cầu của tình thế mà ban hành những sắc lệnh để mang lại ngay những tự do và hạnh phúc thực tế cho nhân dân, trong phạm vi điều kiện cụ thể của hoàn cảnh cho phép”(4). Nhà nước đã tập trung sức của cả nước để tiến hành kháng chiến ở Nam Bộ và sau đó là trên toàn quốc để giữ vững nền độc lập vừa mới giành được. Nhà nước cũng động viên và tổ chức sức mạnh toàn dân để sản xuất, khôi phục nền kinh tế, khắc phục nạn đói, cứu dân nghèo; tập trung xóa nạn mù chữ, mở mang giáo dục để nâng cao dân trí. Các quyền tự do, dân chủ, quyền sống của con người được bảo đảm nhằm động viên cả dân tộc xây dựng chế độ mới, đời sống mới.

Bản chất của Nhà nước cách mạng là Nhà nước không phải là tổ chức để cai trị dân mà là cơ quan để phục vụ nhân dân, cán bộ của Nhà nước là công bộc của dân. Điều đó được thể hiện trong hành động chứ không phải ý tưởng. Đó là nhận thức hoàn toàn mới về Nhà nước.

Người chỉ rõ: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(5).

Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam đã khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân đối với Nhà nước, đất nước và xã hội. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của người dân và phải thật sự vì dân. Điều 1 Hiến pháp 1946 ghi rõ: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều 6). Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều 7). Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung (Điều 9). Đó là những điều tiến bộ chưa từng có và có giá trị bền vững. Hiến pháp còn quy định về quyền tư hữu tài sản của công dân, quyền lợi của các giai tầng trong xã hội, người già, người tàn tật được giúp đỡ, trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng, thực hiện giáo dục sơ học cưỡng bách và không học phí,v.v..

Nhà nước cách mạng kiểu mới đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên, công chức có đạo đức, tận tụy, dĩ công vi thượng, đồng thời loại bỏ những người thoái hóa, biến chất. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với các bộ trưởng: “Các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính” nghĩa là chưa thạo nhiệm vụ quản lý nhà nước.

“Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”(6).

Với tư cách người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh động viên, khích lệ và hướng dẫn để các cán bộ trong bộ máy chính quyền các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các bức thư gửi chính quyền địa phương và các bài viết của Người trên báo Cứu quốc đã thể hiện rõ điều đó: “Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân được thì người đó đảm nhận trách nhiệm.

Làm việc nước hay làm việc gì khác, người ta thường muốn có một chút danh hay một chút lợi về phần mình. Nhưng, anh em trong Chính phủ lâm thời hiện nay, như quốc dân đã biết, ra gánh vác việc nước, không ai mong danh hay chuộng lợi. Muốn cho danh chínhlợi chính, thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới”(7).

Hồ Chí Minh yêu cầu tẩy trừ những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô, để dân tộc Việt Nam thật sự văn minh, thông thái và có đạo đức. Người đã chỉ ra những lầm lỗi của cán bộ chính quyền, đó là: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo và Người yêu cầu đội ngũ cán bộ chính quyền phải nghiêm túc nhận rõ những khuyết điểm của mình, từ đó ra sức sửa chữa, khắc phục: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(8).

Trải qua chiến tranh giải phóng lâu dài để thống nhất Tổ quốc, tiến hành cách mạng XHCN và thực hiện công cuộc đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước được tăng cường trong thực tiễn và không ngừng phát triển về nhận thức lý luận. Từ đó, khẳng định một cơ chế vận hành của xã hội là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đảng lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối của Đảng thành chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước, thành Hiến pháp và hệ thống pháp luật để quản lý đất nước và xã hội. Đảng quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp, đồng thời bố trí cán bộ nắm bộ máy chính quyền nhà nước. Đảng kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền nhà nước bảo đảm thực hiện đúng Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đảng tổ chức, hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng và quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức.

Công cuộc đổi mới từ năm 1986 do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đặt ra yêu cầu khách quan phải đổi mới vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước khi đã đổi mới cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần phải kết hợp đúng đắn đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, trong đó có đổi mới tổ chức bộ máy và vai trò quản lý của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách và pháp luật. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994) chính thức đề ra quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Hội nghị Trung ương 8 khóa VII (1-1995) nêu rõ quan điểm, nội dung xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Thực tiễn của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế cho thấy sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua đã bổ sung vào mô hình xã hội XHCN đặc trưng thứ bảy: có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hiến pháp năm 2013, Điều 2, cũng ghi rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Thực tiễn xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền kết hợp với nghiên cứu lý luận đã từng bước làm rõ những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Đó là Nhà nước do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hiến pháp, hệ thống pháp luật chi phối, điều chỉnh mọi mối quan hệ trong đời sống xã hội trên tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi tổ chức, công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN đã và đang được cụ thể hóa, thể chế hóa và đổi mới, cải cách trong toàn bộ bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp.

Đại hội XII của Đảng (1-2016) đã khẳng định những thành tựu trong xây dựng và vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém. Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động còn những điểm chưa thật sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, còn chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước về thực thi công vụ còn yếu kém. Cải cách hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chậm đổi mới, hiệu lực, hiệu quả ở nhiều nơi chưa cao. Cải cách tư pháp còn chậm, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan sai, bỏ lọt tội phạm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dẫn tới biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực trạng đó “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(9).

Để tăng cường sức mạnh từ bản chất cách mạng của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, cần thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội XII của Đảng đề ra:

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

- Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức(10).

Thực tiễn đòi hỏi phải nắm vững và có sự đột phá trong công tác cán bộ, thực hiện tốt nhất chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cần thiết phải thực hiện đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển và có chính sách cán bộ đúng đắn, bảo đảm lựa chọn được đội ngũ cán bộ, công chức có lý tưởng cách mạng, có đạo đức, trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn và tinh thần trách nhiệm, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Công chức thực hiện trách nhiệm công vụ gắn liền với đạo đức công vụ. Lựa chọn, bổ nhiệm đúng cán bộ, công chức gắn liền với có cơ chế kiểm soát quyền lực để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng hoặc lạm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, bè phái, bổ nhiệm người nhà, người thân vào cơ quan lãnh đạo, quản lý. Hơn lúc nào hết phải “Tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”(11). Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, ngày 15-5-2016, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hiện nay, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN phải gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Pháp quyền vững mạnh phải dựa trên bản chất dân chủ của Nhà nước và thực hiện tốt nhất dân chủ XHCN, kết hợp đúng đắn dân chủ và pháp luật, pháp luật và đạo đức, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, bảo đảm tốt nhất cơ chế vận hành: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1), (2), (3), (5), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3, 7, 64, 64- 65, 6, 47, 66 .

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.30-31.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.23.

(10) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.175, 177, 180.

(11) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Theo lyluanchinhtri.vn

Tags: Hội nghị Versailles Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm tạp chí khoa học
Tin cùng chuyên mục