Nghiên cứu - Trao đổi » Chính trị

Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

08:33 - 30/05/2022

Tóm tắt: An ninh quốc gia gắn với sự ổn định của thể chế chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia bao gồm những nội dung đồng bộ từ thiết lập và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh… đến hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh quốc gia. Để thực hiện tốt những nội dung này trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa an ninh toàn cầu, khu vực và quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia.

1. Đặt vấn đề
 
Hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo lập tiền đề mới nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về an ninh quốc gia nói riêng.
 
Trong bối cảnh đó, cần tận dụng lợi thế của hội nhập quốc tế, ưu thế đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm củng cố an ninh và ngăn ngừa những rủi ro, thách thức mới tác động đến an ninh quốc gia. Để đạt được điều đó, trước hết cần phải nhận thức lại vai trò của các chủ thể tham gia quản lý, củng cố mối quan hệ tương tác giữa nhà nước với các thành tố khác trong quá trình thực hiện nội dung quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; làm mới nhận thức về các nguyên tắc, nội dung cũng như phương thức quản lý nhà nước về an ninh quốc gia. Bài viết này phân tích an ninh quốc gia và quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; tác động của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến quản lý nhà nước về an ninh quốc gia và những yêu cầu thích ứng về quản lý nhà nước đối với an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
 
2. An ninh quốc gia và quản lý nhà nước về an ninh quốc gia
 
An ninh quốc gia được nhận diện qua khả năng của một quốc gia trong việc bảo vệ các thể chế, nguyên tắc và cấu trúc xã hội, bảo vệ dân chúng khỏi các mối đe dọa quân sự và phi quân sự [8]. An ninh quốc gia được hiểu là sự ổn định của hai mặt, hai nội dung đối nội, đối ngoại và mối quan hệ giữa đối nội và đối ngoại; an ninh quốc gia phản ánh quan hệ chính trị trong phạm vi một nước và quan hệ chính trị quốc tế [3].
 
Theo khoản 1 Điều 3 Luật An ninh quốc gia của Việt Nam, an ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc [5]. Hay nói cách khác, an ninh quốc gia đồng nghĩa với sự ổn định của thể chế chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Xét dưới góc độ nội dung, an ninh quốc gia bao gồm an ninh chính trị nội bộ và an ninh đối ngoại; trong đó an ninh chính trị nội bộ bảo đảm sự ổn định về môi trường chính trị - xã hội để phát triển và an ninh đối ngoại bảo đảm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hợp tác cùng có lợi.
 
Bàn về an ninh quốc gia cũng cần nhận diện các nguy cơ đe dọa an ninh đến từ góc độ chủ quan và khách quan. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống, còn xuất hiện những nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Đối với an ninh quốc gia truyền thống, mối đe dọa đến chủ quyền của một quốc gia xuất phát từ việc sử dụng bất hợp pháp sức mạnh quân sự từ bên ngoài. Đối với an ninh phi truyền thống, mối đe dọa có thể đến từ tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao... [5]. Mối đe dọa này cần phải được ngăn ngừa và xử lý nhanh chóng, kịp thời; đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, bởi sự kết nối, tác động lan tỏa ở phạm vi toàn cầu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Do vậy, mối đe dọa này phải được cảnh báo, phát hiện và ngăn chặn kịp thời không chỉ từ phía Nhà nước mà cần huy động cả sự hợp tác của các chủ thể tư.
 
Đe dọa an ninh quốc gia có thể xuất phát từ phía chủ thể công cũng như chủ thể tư [6]. Chủ thể công có thể hành động hoặc không hành động tác động đến an ninh quốc gia dưới các hình thức: không nội luật hóa các thỏa thuận hợp tác về an ninh quốc gia; không tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; tạo điều kiện, dung túng, hỗ trợ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia khác; đe dọa hoặc thực hiện các hành vi gây mất ổn định an ninh quốc gia khác; đe dọa hòa bình, an ninh khu vực hoặc toàn cầu... Chủ thể tư cũng có thể hành động hoặc không hành động; cố ý hoặc vô ý thực hiện các hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia... Đôi khi cũng xảy ra hiện tượng quốc gia thông qua chủ thể tư tác động, gây mất ổn định an ninh toàn cầu, an ninh quốc gia khác… Để loại trừ những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, cần xác định nhu cầu và nội dung quản lý nhà nước về an ninh quốc gia.
 
Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh là quá trình Nhà nước nắm và điều hành bằng chính sách, pháp luật và các công cụ khác trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động xã hội nhằm giữ gìn, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia [3]. Căn cứ vào Điều 29 Luật An ninh quốc gia [5], quản lý nhà nước về an ninh quốc gia bao gồm những nội dung sau:
 
Thứ nhất, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Thứ hai, tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
 
Thứ ba, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Thứ tư, tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, đào tạo cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh quốc gia; bồi dưỡng kiến thức bảo vệ an ninh quốc gia cho cán bộ chủ chốt của các cơ quan, tổ chức; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về bảo vệ an ninh quốc gia; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Thứ năm, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Thứ sáu, hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Khía cạnh pháp lý trong nội dung quản lý nhà nước về an ninh quốc gia được nhận diện thông qua quá trình ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện và cuối cùng là giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Để thực hiện thống nhất những nội dung quản lý nhà nước đó, theo Điều 30 Luật An ninh quốc gia, trách nhiệm được trao cho các thiết chế sau: (1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia; (2) Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia [5].
 
Ngoài trách nhiệm gắn với các cơ quan hành pháp thực hiện nội dung quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện, giám sát pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia như đã đề cập, cơ quan lập pháp cũng chịu trách nhiệm xây dựng pháp luật về an ninh quốc gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế về an ninh đối ngoại và cơ quan tư pháp chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia thông qua hoạt động xét xử của mình.

3. Tác động của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến quản lý nhà nước về an ninh quốc gia
 
An ninh quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với an ninh toàn cầu và mối quan hệ này luôn mang tính tương tác với nhau. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mối quan hệ này trở nên nhạy bén hơn, ảnh hưởng qua lại giữa an ninh quốc gia và an ninh quốc tế trở nên rõ rệt. Chính vì vậy, một trong những nội dung quản lý nhà nước về an ninh quốc gia là hợp tác quốc tế.
 
Liên quan đến vấn đề an ninh, về mặt lý thuyết, có sự khác biệt giữa hai khung khái niệm an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu nhưng ranh giới đó không đủ để duy trì sự phân định rõ ràng giữa các khái niệm này, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế, hai khái niệm này gắn bó chặt chẽ với nhau, khi quốc gia thiếu khả năng xử lý đơn phương, bảo đảm an ninh hoặc khi vấn đề an ninh toàn cầu cần dựa vào bộ máy an ninh quốc gia để giải quyết [15].
 
Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhu cầu tương tác với cộng đồng quốc tế trong phạm vi song phương, hay khu vực, trên nền tảng các điều kiện tương đồng hay hợp tác toàn cầu là đòi hỏi tất yếu đối với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng [4]. Điều 12 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các phương thức thực hiện chính sách đối ngoại: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi…”. Hội nhập quốc tế là một trong những phương thức thực hiện đường lối đối ngoại, theo đuổi mục tiêu độc lập, tự chủ, hợp tác hữu nghị, bảo đảm an ninh quốc gia của Việt Nam.
 
Nếu xác định mức độ hội nhập quốc tế căn cứ theo chiều hướng không gian gắn với các yếu tố xã hội vượt ra khỏi khuôn khổ biên giới quốc gia [14], hội nhập quốc tế sẽ làm cho việc quản lý an ninh quốc gia trở nên thách thức hơn. Các rủi ro từ hội nhập kinh tế quốc tế có thể làm giảm sức mạnh kinh tế và sự thống trị của công nghệ; giảm sự sáng tạo; sự phụ thuộc lớn hơn từ chuỗi cung ứng nước ngoài; rủi ro xảy ra đối với cơ sở hạ tầng và vấn đề bảo mật thông tin [12].
 
Bên cạnh những rủi ro từ hội nhập quốc tế, sự thay đổi đột phá một cách hệ thống của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên ba thành tựu cơ bản, bao gồm: các sáng tạo về vật chất (xe tự hành, in 3D, robot tiên tiến, vật liệu mới); kỹ thuật số gắn với ứng dụng vật chất mới bằng Internet kết nối vạn vật; đột phá trong lĩnh vực sinh học - công nghệ gen [2].
 
Trong tương lai, thiết bị thông minh được kết nối và tương tác với nhau, đưa ra quyết định mà không có sự tham gia của con người. Với sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, khả năng tiếp cận dữ liệu sẽ tăng gấp bội... Cuối cùng, mạng lưới các thiết bị thông minh được kết nối kỹ thuật số với nhau, tạo ra và chia sẻ thông tin, dẫn đến sức mạnh thực sự của ngành công nghiệp 4.0 [11].
 
Dưới góc độ khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tích cực đến quản lý nhà nước về an ninh quốc gia như sau [5]:
 
i) Kết nối các thiết bị thông minh nhằm tiếp cận và thu thập lượng thông tin khổng lồ (tạo cơ hội hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin của cá nhân); tối ưu hóa các hoạt động tổ chức, chỉ đạo; hướng dẫn hoạt động thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Internet kết nối vạn vật trong Cách mạng công nghiệp 4.0 (với các thiết bị kết nối) có thể hỗ trợ các hoạt động nội bộ của các chủ thể; sử dụng môi trường điện toán đám mây, nơi lưu trữ dữ liệu nhằm tận dụng những thông tin, tri thức từ chủ thể khác; mở rộng giới hạn dữ liệu của mỗi chủ thể.
 
ii) Ứng dụng công nghệ mới, vật chất mới để tạo các thiết bị và phương tiện mới, sử dụng robot trong các hoạt động bảo đảm an ninh quốc phòng; ngăn ngừa và giảm thiểu tổn thất, thương vong trong các hoạt động quân sự quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia. Công nghệ in 3D tạo cơ hội chế tạo thiết bị thay thế theo phương pháp “đắp dần” (thay bằng phương pháp “bớt dần/gọt dần” như phương pháp truyền thống) dựa trên việc in từng lớp chồng lên nhau từ mô hình 3 chiều và năng lượng tái tạo tại chỗ sẽ tạo cơ hội cho việc sản xuất tại chỗ các thiết bị, vũ khí quốc phòng trong bối cảnh địa hình hiểm trở. Không gian được sử dụng vì mục đích hòa bình cũng có thể được sử dụng vì mục đích quân sự (thông qua các thiết bị thông tin đang hoạt động trong quỹ đạo vì mục đích dân sự). Các thiết bị bay không người lái, tàu lượn siêu thanh, vũ khí tự hành, thiết bị đeo người, công nghệ nano cũng có thể tác động lớn đến an ninh quốc tế [2].
 
iii) Tối ưu hóa hậu cần và chuỗi cung ứng [9]: chuỗi cung ứng kết nối có thể điều chỉnh để phù hợp với những biến động thực tế qua các chỉnh sửa cần thiết. Hay nói cách khác, hậu cần trong an ninh quốc gia nói chung với chuỗi cung ứng có thể đáp ứng, điều chỉnh theo thực tế nhằm sắp xếp thứ tự ưu tiên trong xử lý vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia.
 
iv) Công nghệ sinh học và công nghệ gen có thể thay đổi khả năng sinh tồn của con người, tạo ra nguồn nhân lực khỏe mạnh đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia.
 
Hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra những tác động tích cực nêu trên đây, mà còn nhiều tiềm năng khác trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng nguồn nhân lực, giải quyết khiếu nại tố cáo trong bảo đảm an ninh quốc gia và thỏa thuận cũng như triển khai hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh quốc gia vẫn cần phải thực hiện theo phương thức truyền thống trong một thời gian dài.
 
4. Yêu cầu thích ứng về quản lý nhà nước đối với an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
 
Thế giới liên kết và phụ thuộc lẫn nhau trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không có chỗ đứng cho thái độ thờ ơ của bất cứ quốc gia nào bởi ranh giới giữa an ninh quốc gia và toàn cầu không mấy rõ ràng. Từ đó, quản lý nhà nước đối với an ninh quốc gia cần phải tính đến thực tế hiện hữu cũng như phải đáp ứng các yêu cầu sau:
 
i) Dân chúng sẽ nắm giữ thông tin, khai thác và truyền tin tích cực, chủ động hơn; khả năng hiện thực hóa quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân sẽ cao hơn và quyền giám sát, phản biện của người dân sẽ tác động mạnh đến quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về an ninh quốc gia nói riêng. Do đó, quản lý nhà nước sẽ trở nên khó khăn hơn và Chính phủ cần tìm ra những phương thức quản lý an ninh quốc gia phù hợp với thực tế đó.
 
ii) Với Internet kết nối vạn vật, kỹ thuật số, vai trò của các chủ thể tư trong quá trình quản lý nhà nước bảo đảm an ninh quốc gia cũng thay đổi. Thực tế cho thấy, những tập đoàn lớn như Microsoft hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ luôn phải đối mặt với việc tìm ra và khắc phục lỗ hổng trên hệ điều hành Windows; loại trừ nguy cơ ngăn ngừa tấn công mạng từ những tin tặc [13] (ví dụ: nguy cơ xuất hiện từ việc chiếm quyền điều khiển máy tính cá nhân, thu thập thông tin người dùng; thông qua giao diện đồ họa Windows tìm ra lỗi nguy hiểm thuộc hệ lỗi nhân, từ đó nhanh chóng tấn công và chiếm quyền kiểm soát toàn bộ hệ điều hành máy tính... [9]. Từ những nghiên cứu ứng dụng đó của các chủ thể tư, Chính phủ có thể hợp tác, sử dụng kết quả này để loại trừ những mối đe dọa đối với quản lý nhà nước về an ninh quốc gia (khi Chính phủ sử dụng hệ điều hành phổ biến Windows). Vậy nên, cần quản lý một cách chủ động và sử dụng công nghệ, khoa học để hóa giải những rủi ro có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia. Trong một mạng lưới an ninh kết nối, mô hình bảo đảm “ngắt mạch” khi xuất hiện nguy cơ tấn công mạng của Chính phủ có thể được tính tới. Hệ thống bảo vệ này có thể được thiết lập dựa vào chính thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
 
iii) Đối với quốc gia hay toàn cầu, nhận thức về vai trò lãnh đạo, nguyên tắc quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh quốc gia, nhận thức về mối quan hệ tương tác giữa các quốc gia quyết định khả năng chủ động thích ứng với bối cảnh an ninh mới. Cần nhìn nhận lại vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như các phương thức quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh quốc gia. Ví dụ: nguyên tắc quản lý trên cơ sở tôn trọng quyền các chủ thể; chủ thể tư được làm những gì pháp luật cho phép hay làm những gì pháp luật không cấm; xác định lại mối quan hệ quyền lực giữa chủ thể quản lý với chủ thể bị quản lý… Trong bối cảnh việc sử dụng các kênh thông tin qua mạng xã hội trở nên phổ cập, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự gắn bó giữa Chính phủ với người dân sẽ gia tăng đáng kể. Vậy nên, cần tiếp cận và áp dụng phương thức quản lý linh hoạt. Nhà nước cần tạo nên một “hệ sinh thái quản lý và lập pháp để có thể sản sinh những khuôn khổ co dãn hơn” [2].
 

 iv) Hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội mở rộng giới hạn bộ nhớ cá nhân bằng cách tiếp cận dữ liệu thông tin khổng lồ trên môi trường công nghệ. Khả năng thu thập và xử lý lượng lớn thông tin với thời gian ngắn có thể xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, phá vỡ tính bảo mật thông tin, dẫn đến đe dọa an ninh quốc gia. Vậy nên, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cần được tiến hành một cách phù hợp; thiết chế chịu trách nhiệm phải có đủ năng lực thực hiện chức năng này.
 
v) Internet hỗ trợ người dùng khai thác thông tin từ xa và gia tăng quyền lực của chủ thể tư. Lý do bảo đảm an ninh quốc gia có thể giới hạn quyền tiếp cận thông tin trong phạm vi luật định, nhưng không thể cản trở quyền tự do tiếp cận thông tin và hoạt động sáng tạo của xã hội. Ngoài ra, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra sự phân hóa giữa chủ thể hiểu và kiểm soát công nghệ và những người ít hiểu biết mà chỉ thụ động sử dụng công nghệ [2, tr.128]. Cần nhận diện hiện tượng một số cá thể bị bỏ lại phía sau trong quá trình ứng dụng công nghệ và nảy sinh những vấn đề xã hội mới; hiện tượng một số nhóm có thể bị lôi kéo, bị tác động tham gia những âm mưu tạo bất ổn xã hội và an ninh quốc gia.
 
vi) Mạng xã hội là môi trường tương tác tạo tin và cũng là môi trường truyền đi những thông điệp lôi kéo, chia rẽ, phát sinh xung đột xã hội, gây hằn thù dân tộc... ảnh hưởng đến an ninh chính trị - xã hội, an ninh quốc gia.
 
Các phương tiện, cách thức đe dọa an ninh quốc gia trở nên đa dạng và khó kiểm soát. Những công cụ và phương thức quản lý cũ không còn thích hợp. Vậy nên, “Chính phủ cần phải là thành phần cốt yếu trong việc định hình quá trình chuyển đổi sang các khuôn khổ khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội mới” [2, tr.118] và sự chuyển đổi đó cần phải được áp dụng đối với cả hệ thống quản lý nhà nước về an ninh quốc gia.
 
vii) Dựa vào công nghệ hỗ trợ với khả năng phân tích thông tin và thu thập thông tin, mục tiêu quản lý nhà nước về an ninh quốc gia cần dựa trên nền tảng dung hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cá nhân, chấp nhận sự đa dạng trong xã hội; nắm bắt các xu hướng, cảnh báo sớm nguy cơ chia rẽ, xung đột xã hội; bảo đảm an ninh quốc gia gắn với an ninh con người.
 
viii) Trong tương lai, trước nguy cơ tấn công mạng, chiến tranh mạng, chiến tranh tự hành, sử dụng các vũ khí mới [2, tr.148-150] trên nền tảng những thiết bị công nghệ, thiết bị thông minh, lợi dụng đường dẫn truyền kết nối dân sinh (như các đường truyền dẫn thông tin, nước sạch, năng lượng trên đất liền, trên biển)... cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong quản lý về an ninh quốc gia, an ninh toàn cầu. Mục tiêu của sự hợp tác
 
đó là nhằm nhận diện nguy cơ đe dọa an ninh và xác lập các nguyên tắc, luật lệ kiểm soát, xử lý theo phương thức phù hợp; không chỉ dựa vào năng lực quản lý của một quốc gia riêng rẽ.
 
ix) Sự đột phá trong công nghệ sinh học có thể đem lại hậu quả khó kiểm soát về mặt xã hội cũng như vô hiệu hóa mục tiêu cách mạng công nghiệp (phục vụ con người, bảo đảm an ninh con người). Chẳng hạn, công nghệ chỉnh sửa gen mở ra hướng điều trị đầy hứa hẹn đối với một số căn bệnh di truyền nhưng cũng đặc biệt gây tranh cãi về các nguy cơ [4], chẳng hạn như khả năng tạo thế hệ mới với nguồn gen không nguyên gốc. Vì thế, các nghiên cứu phải được kiểm soát bởi luật pháp và dựa trên những giá trị xã hội, đạo đức cốt lõi. Ngoài công nghệ chỉnh sửa gen, việc ứng dụng các thiết bị cấy ghép trên con người, sử dụng chíp đặc biệt có thể phá vỡ quyền riêng tư, thay thế dần các thói quen, sở thích và can thiệp vào nhu cầu của mỗi cá nhân, gây khó khăn đối với cách thức quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh con người, an ninh quốc gia. Bởi vậy, các ứng dụng công nghệ sinh học phải được kiểm soát theo nguyên tắc không xâm phạm đến an ninh cá nhân, an ninh quốc gia. Vấn đề này cũng cần được các quốc gia thỏa thuận nhằm thúc đẩy sáng tạo nhưng không phá vỡ các giá trị tự nhiên của nhân loại.

5. Kết luận
 
Hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với an ninh quốc gia và quản lý an ninh quốc gia. Sự kết nối giữa an ninh quốc gia và toàn cầu trở nên rất quan trọng. Do đó, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, không chỉ quản lý an ninh quốc gia riêng rẽ mà cần sự hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.

Tài liệu tham khảo

[1] Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc
 
(2002), Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, Campuchia.
 
[2] Klaus Schwab (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[3] Chu Văn Lộc, Lê Thanh Hải (2014), “Quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh trong
thời kỳ mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10/12.
 
[4] Minh Nguyệt (2018), WHO sẽ thành lập Ủy ban nghiên cứu chỉnh sửa gen người, Bản tin Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam.
 
[5] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2004), Luật An ninh quốc gia, số 32/2004/QH11.
 
[6] Lê Mai Thanh (2017), “An ninh hàng hải biển Đông và hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh hàng hải”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 1.
 
[7] Lê Mai Thanh, Nguyễn Tiến Đức (2018), “Thực hiện chính sách đối ngoại theo Điều 12 Hiến pháp 2013”, Hội thảo: 5 năm thi hành Hiến pháp 2013: Thành tựu và những vấn đề đặt ra, Viện Nhà nước và Pháp luật.
 
[8] Samuel M. Makinda, “Sovereignty and Global Security”, Security Dialogue, Vol. 29, No. 3, Sage Publications, Ltd.
 
[9] http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/bao-mat/ microsoft-ghi-danh- truy cập ngày 3/1/2019.
[10] 2-nhan-vien-viettel-vao-top-100-cao-thu-bao-mat-the-gioi-490464.html, truy cập ngày 3/1/2019.
 
[11] https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/ 2018/09/02/what-is-industry-4-0-heres-a-super-easy-explanation-for-anyone/#7575 bed29788, truy cập ngày 3/1/2019.

[12] https://www.csis.org/analysis/globalization-and-national-security, truy cập ngày 3/1/2019.
[13] https://www.onmsft.com/news/microsoft-recognizes-top-contributors-to-security-research-at-blackhat-2018, truy cập ngày 3/1/2019.
 
[14] https://www.oecd.org/about/publishing/ 41531703.pdf. truy cập ngày 3/1/2019.
 
[15] https://unchronicle.un.org/article/national-security-versus-global-security, truy cập ngày 20/11/2018.

Lê Mai Thanh

Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Số 2 - 2020

 


 
Tags: Cách mạng công nghiệp 4.0 an ninh quốc gia Quản lý nhà nước
Tin cùng chuyên mục