Hoạt động khoa học » Đề tài nghiên cứu

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi – thuộc đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

09:00 - 29/12/2022

Sáng ngày 24/12/2022, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi” do TS. Phạm Hiển làm chủ nhiệm, Viện Ngôn ngữ học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Hình ảnh: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi – thuộc đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc số 1
TS. Phạm Hiển trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu
 
Trong những năm đầu đời, trẻ em trải qua quá trình thụ đắc, hình thành và phát triển ngôn ngữ trong môi trường gia đình và lớp học. Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi là thời gian trẻ học nói thông qua các tiếp xúc với người nói trong những môi trường nhất định. Có thể nói rằng việc hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở lứa tuổi này là một công việc tối quan trọng và cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ sau này.
 
Ngôn ngữ có một vai trò cực kì quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Thứ nhất, ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển nhận thức. Nhờ có ngôn ngữ, trẻ em có thể tìm hiểu, khám phá và nhận thức về thế giới khách quan thông qua việc học và nói những từ ngữ và liên kết những từ ngữ đó với sự vật, hiện tượng khách quan quanh mình. Bằng cách này, ngôn ngữ chính là phương tiện để trẻ hình thành và phát triển tư duy. Thứ hai, ngôn ngữ là phương tiện phát triển tình cảm, thẩm mĩ và đạo đức cho trẻ. Như trên đã trình bày, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, ngôn ngữ là phương tiện giúp trẻ chia sẻ và bày tỏ tình cảm của mình với người khác cũng như để hình thành và phát triển cảm xúc và tình cảm của mình. Trẻ tiếp nhận và nhận biết tình cảm của bố mẹ và bạn bè thông qua phương tiện ngôn ngữ cũng như các phương tiện hỗ trợ phi lời khác như sắc mặt, cử chỉ, điệu bộ, để từ đó, hình thành tình cảm và cảm xúc của mình. Thông qua ngôn ngữ, trẻ tiếp nhận các giá trị thẩm mĩ và đạo đức qua các từ ngữ tích cực và đẹp đẽ. Thứ ba, ngôn ngữ là công cụ giúp trẻ hoà mình vào với cộng đồng nói năng của mình. Cũng qua ngôn ngữ, trẻ bày tỏ những mong muốn hoặc nhu cầu của mình với người giao tiếp để hoà nhập và đạt được những yêu cầu đó.
 
Như vậy, chính ngôn ngữ là phương tiện giúp trẻ tiếp nhận, hình thành và phát triển những chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực thẩm mĩ cho riêng mình qua quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ. Vì thế, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là phương tiện để thẩm thấu văn hoá, để tư duy, để tiếp thu tri thức mới và dung dưỡng tâm hồn, trí tuệ và phát triển nhân cách của trẻ.
 
Trước những đòi hỏi trên, đề tài “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi” được thực hiện. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở bốn chương:
 
Chương 1: Dẫn luận một số vấn đề về ngôn ngữ trẻ em
 
Trong chương này, đề tài đã trình bày một số quan niệm về ngôn ngữ trẻ em. Cụ thể là một số mô hình lí thuyết thụ đắc ngôn ngữ chính lí giải cho quá trình thụ đắc ngôn ngữ của trẻ em như cách tiếp cận hành vi luận, cách tiếp cận tự nhiên luận, cách tiếp cận chức năng luận, cách tiếp cận ngôn ngữ học xã hội, và một số vấn đề liên quan đến thụ đắc ngôn ngữ. Chương này đề tài cũng trình bày cơ sở ngôn ngữ học tâm lí của quá trình tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ em, khái quát về quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ trẻ em; cơ sở phương pháp luận và tình hình nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ trẻ em nói chung.
 
Chương 2: Những mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ em Việt Nam.
 
Chương này, đề tài tiến hành khảo sát quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ giai đoạn 3 - 6 tuổi và rút ra một số đặc điểm ngôn ngữ của trẻ giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi.
 
Chương 3: Bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ em Việt Nam
 
Trên cơ sở nghiên cứu khảo sát từ chương 2, đề tài đã chỉ ra được những đặc điểm ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi. Từ đó, đề tài chỉ ra những cơ sở hình thành tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ trong giai đoạn này.
 
Từ sự khái quát hoá khả năng ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn từ 3 - 4 tuổi được rút ra từ dữ liệu khảo sát thực tế với những bước phát triển ngôn ngữ một cách thích hợp của trẻ, đề tài xây dựng bộ một tiêu chí đánh giá ngôn ngữ trẻ em phát triển bình thường giai đoạn từ 3 - 4 tuổi. Bộ tiêu chí đã đưa ra các thang để đánh giá sự phát triển về ngôn ngữ của trẻ theo đúng giai đoạn phát triển, đồng thời, bao quát khả năng ngôn ngữ của trẻ ở các bình diện ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt. Trong giai đoạn từ 4 - 5 tuổi, trẻ có những bước tiến mới trong cách sử dụng từ ngữ và câu. Đây là giai đoạn trẻ học được các từ ngữ qua giao tiếp với những người thân xung quanh. Sự giao tiếp của trẻ càng nhiều càng giúp trẻ có khả năng học được nhiều từ ngữ và có khả năng phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Vì thế, người thân xung quanh nên tích cực giao tiếp với trẻ, dạy cho trẻ để trẻ có khả năng phát triển ngôn ngữ tốt nhất. Giai đoạn trẻ từ 5 – 6 tuổi là giai đoạn khả năng ngôn ngữ của trẻ hoàn thiện nhất. Đây là điều kiện tiên quyết để trẻ chuẩn bị bước sang một giai đoạn khác trong sự phát triển, giai đoạn trẻ học tiểu học. Ở giai đoạn này bộ máy cấu âm, sự phát triển về nhận thức của trẻ đã hoàn thiện. Chính vì vậy, các lỗi về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng ở giai đoạn này vẫn rải rác còn, nhưng tỉ lệ lỗi rất thấp.
 
Chương 4: Thiết kế bộ đánh giá ngôn ngữ trẻ em Việt Nam
 
Trong chương này, đề tài đã trình bày bộ test đánh giá ngôn ngữ cho trẻ em Việt Nam được thích ứng từ bộ đánh giá MacAthur-Bates CDIs, Chương trình St. Gabriels và Bộ đánh giá PLS-5. Bộ test này được xây dựng dựa trên nền tảng của bộ khung chương trình St. Gabriel và bộ kiểm định khả năng ngôn ngữ CDIs đã được chúng tôi thích ứng và điều chỉnh cho phù hợp với trẻ em Việt Nam. Bộ test đánh giá này nhằm để đánh giá khả năng ngôn ngữ (cả về ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ biểu đạt) của trẻ em Việt Nam. Ngoài ra, bảng test cũng kiểm tra về khả năng nhận thức và các phản ứng ban đầu với ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn tiền ngôn ngữ. Trong mỗi bảng test ngôn ngữ trẻ em, đều có lồng ghép để kiểm tra về mặt ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp.
 
Bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ trẻ em và Bộ đánh giá ngôn ngữ trẻ em có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, có khả năng áp dụng trong đời sống, trong giảng dạy ngôn ngữ cho trẻ em hàng ngày, cũng như trong thực hành âm ngữ trị liệu cho trẻ em Việt Nam. Đây là hướng nghiên cứu lí thuyết, thực tiễn, thực nghiệm mới.
 
Hình ảnh: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi – thuộc đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc số 2
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội đồng phát biểu
Hình ảnh: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi – thuộc đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc số 3
Quang cảnh buổi nghiệm thu

Với đề tài “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi”, có đóng góp mới vừa có ý nghĩa lí luận vừa có ý nghĩa ứng dụng. Về mặt lí luận, nghiên cứu sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề hiện còn đang tranh cãi về mốc phát triển ngôn ngữ ở từng độ tuổi, cụ thể trong nghiên cứu này là từ 4 đến 6 tuổi, đặc biệt những cơ sở khoa học cho việc xây dựng thang đánh giá tiêu chí ngôn ngữ trẻ em sẽ được làm rõ. Về mặt ứng dụng, những kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được ứng dụng trong việc chăm sóc trẻ mẫu giáo trong môi trường gia đình và lớp học giúp người chăm sóc phát hiện ra trẻ thiếu kĩ năng ngôn ngữ gì để bổ sung. Đặc biệt kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng trong việc làm các bài kiểm tra khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ để trợ giúp cho việc chẩn đoán trẻ bị khuyết tật ngôn ngữ nhằm có các biện pháp can thiệp sớm.
 
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
 
Theo Vass.gov.vn
Tags:
Tin cùng chuyên mục