Hoạt động khoa học » Đề tài nghiên cứu

Đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

14:00 - 31/01/2021

Sáng ngày 29/01/2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây” do PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp làm chủ nhiệm, Viện Văn học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã diễn ra trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây hết sức sôi động. Tiếp xúc với phương Tây là sự chuyển động theo hướng hiện đại hóa, là quy luật phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Sự kết hợp giữa nhân tố nội sinh và ngoại sinh cùng với sự xuất hiện của cái tôi cá nhân đã đảm bảo cho sự ra đời của hệ hình văn học mới. Chủ thể sáng tạo và chủ thể văn học, trong một môi trường lịch sử văn hóa dân chủ và giàu tinh thần đối thoại đã có những “thỏa thuận” hợp lý để xác lập trường văn học khác hẳn văn học thời trung đại.
 
Hình ảnh: Đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây” nghiệm thu đạt loại xuất sắc số 1

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp báo cáo kết quả nghiên cứu tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi nghiệm thu PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cho biết: sự thay đổi về quan niệm và chức năng văn học đã kéo theo sự thay đổi về thể loại và ngôn ngữ văn học. Thành tựu to lớn của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho việc phát triển văn học trên 3 phương diện rất quan trọng đó là: Tăng cường, mở rộng giao lưu văn hóa; Tôn trọng cá tính sáng tạo và tự do của nghệ sĩ; Tạo dựng môi trường dân chủ nhằm kích thích sự sáng tạo và đối thoại văn hóa. Sự ra đời và lớn mạnh của bộ phận lý luận, phê bình văn học và một thành tựu đánh dấu sự trưởng thành và hoàn chỉnh phạm trù văn học hiện đại ở Việt Nam. Ở giai đoạn ba mươi năm đầu thế kỷ XX các nhà văn đã bắt đầu dịch và tiếp thu tư tưởng lý luận, phê bình văn học phương Tây. Do đó, mục tiêu của Đề tài là tập trung phân tích diện mạo, quá trình phát triển, đặc điểm của văn học nửa đầu thế kỷ XX trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây. Trên cơ sở phân tích bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội nửa đầu thế kỷ XX ở Việt Nam đề tài sẽ xem xét, khảo cứu khía cạnh này như là những nhân tố tác động đến đời sống văn học, tìm ra mô hình hình thành kiểu nhà văn mới, bạn đọc mới; Phân tích và làm rõ quá trình phát triển, đặc điểm và thành tựu nổi bật trong bối cảnh hiện đại hóa, nhất là về thể loại, thi pháp nghệ thuật.
 
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 4 chương cụ thể như sau:
 
Chương 1: Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX và sự xuất hiện của phạm trù văn học hiện đại cung cấp các thông tin nghiên cứu liên quan đến những biến động lịch sử, sự thay đổi cấu trúc văn hóa xã hội trên các bình diện: biến động lịch sử, kinh tế thị trường, đô thị hóa, phân tầng xã hội; Vấn đề dân tộc và duy tân: nhận thức mới về vận nước và sự thay đổi quan niệm, tâm lý, thị hiếu, thẩm mỹ; Tìm hiểu vấn đề giao lưu văn hóa, sự hỉnh thành văn học hiện đại (qua sự giao lưu văn hóa Đông - Tây và khu vực; môi trường giáo dục và sự thay đổi văn tự); Báo chí, xuất bản như là nhân tố bên trong của đời sống văn học, các hội đoàn, tổ chức văn học và các hình thức sinh hoạt văn học); Văn học hiện đại nhìn từ sáng tạo, tiếp nhận; Thị trường văn học đầu thế kỷ XX; Dịch thuật văn học và ảnh hưởng của nó; Sự hình thành và phát triển của tiếng Việt hiện đại.
 
Chương 2, Quá trình phát triển, đặc điểm và các khuynh hướng nghệ thuật, Đề tài đã chia thời kỳ này làm 2 giai đoạn: (1). Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1932 nghiên cứu văn chương truyền thống, văn học quốc ngữ, sự ra đời của kịch nói; Thơ chuẩn bị cho sự kiện 1932, văn xuôi. (2). Từ 1932-1945 nghiên cứu sự phát triển vượt bậc của văn học và các đặc điểm cơ bản của văn học nửa đầu thế kỷ XX và cuối cùng là nghiên cứu các khuynh hướng sáng tác cơ bản như khuyng hướng lãng mạn, hiện thực và khuynh hướng yêu nước, mác xít.
 
Chương 3. Sáng tác văn học và sự biến đổi thể loại. Tại phần này, nghiên cứu đã làm rõ sự biến đổi các loại hình văn học như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, phóng sự, bút ký, du ký, kịch bản văn học và sâu khấu nửa đẩu thế kỷ XX và đánh giá quy luật phát triển của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo các quy luật: hiện đại hóa, hướng về đại chúng và chuyển đổi thi pháp…
 
Chương 4. Lý luận, phê bình văn học. Tại đây, nghiên cứu đã làm rõ được sự hình thành lý luận, phê bình vân học hiện đại, các chặng đường phát triển (giai đoạn 30 năm đầu thế kỷ XX, lý luận, phê bình văn học giai đoạn 1932-1945); Các tranh luận học thuật ( liên quan đến truyện Kiều, Quốc học, thơ mới, thơ cũ, nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh); Biên khảo, chú giải văn học và các khuynh hướng phê bình…
 
Hình ảnh: Đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây” nghiệm thu đạt loại xuất sắc số 2

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt là tính mới của công trình nghiên cứu trong việc làm rõ được văn học giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 là một giai đoạn hết sức đặc biệt, là cú “hích” quan trọng tạo nên bước ngoặt mới, chuyển văn học từ trung đại sang hiện đại, vượt qua phạm vi khu vực để trở thành một bộ phận của văn học thế giới. Góp phần quan trọng vào việc nhìn nhận khách quan văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX từ tầm nhìn khoa học xã hội và nhăn văn hiện đại, phục vụ đắc lực vào công cuộc biên soạn lịch sử văn học từ cái nhìn lịch sủ - văn hóa, coi văn học như là một bộ phận quan trọng của văn hóa, sáng tạo văn học cũng chính là sáng tạo văn hóa.
 
Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
 
Theo Phạm Vĩnh Hà/Vass.gov.vn
Tags:
Tin cùng chuyên mục