Nghiên cứu - Trao đổi » Văn hóa

Văn hóa Đông Sơn 10 thế kỷ đầu Công nguyên

08:30 - 08/03/2018

Văn hóa Đông Sơn là cội nguồn, là nền tảng vững chắc của sức sống Đông Sơn với nguồn lực dồi dào cả về vật chất và tinh thần. Tài liệu khảo cổ học đã chứng minh rằng, trải qua thời gian hơn 1000 năm Bắc thuộc, sức sống văn hóa Đông Sơn không những vượt qua những thử thách khốc liệt của lịch sử, mà còn làm giàu có thêm nguồn lực của chính mình từ những tinh hoa của nền văn hóa Trung Hoa và phát triển không ngừng.

 

Hình ảnh: Văn hóa Đông Sơn 10 thế kỷ đầu Công nguyên số 1
 

1. Mở đầu

Mười thế kỷ đầu Công nguyên thường được các nhà nghiên cứu gọi là thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Thực ra, thời Bắc thuộc còn ngược về trước gần hai thế kỷ. Vào năm 179 trước Công nguyên, sau khi chinh phục được nước Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập đất đai Âu Lạc vào phạm vi nước Nam Việt. Từ đó nước ta bị phong kiến phương Bắc thống trị qua các triều đại Tây Hán, Đông Hán, Lục Triều, Tùy-Đường kéo dài cho đến chiến thắng Bạch Đằng lịch sử do Ngô Quyền lãnh đạo vào năm 938.

Nhân dân ta, suốt hơn một nghìn năm đã bền bỉ đấu tranh chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc trên tất cả mọi bình diện: đấu tranh giành độc lập, đấu tranh bảo vệ và phát triển văn hóa.

Dựa vào tài liệu khảo cổ học, tiêu biểu là các loại hình di tích như di chỉ cư trú, mộ táng, lò gốm, đặc biệt là dựa vào các loại hình di vật khảo cổ như trống đồng, đồ đồng, đồ gốm, bài viết phân tích sức sống bền vững của văn hóa Đông Sơn và ảnh hưởng to lớn của nó trong lịch sử, văn hóa Việt Nam.

2. Văn hóa Đông Sơn qua các loại hình di tích

Di chỉ cư trú, mộ táng và các trung tâm sản xuất gốm là những loại hình di tích khảo cổ học cơ bản trong thời kỳ này.    

2.1. Di chỉ cư trú

Cho đến nay, tài liệu về những di chỉ cư trú có niên đại thời Bắc thuộc còn ít, tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học tại vùng đất Dâu-Luy Lâu cổ, Bắc Ninh đã bổ khuyết phần nào nhận thức của chúng ta về đời sống của cư dân Việt cổ trong thời kỳ này.

2.1.1. Di chỉ Bãi Đồng Dâu

Bãi Đồng Dâu nằm trên thềm phù sa của con sông Dâu thuộc xã Trí Quả, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đối diện bên kia sông là thành cổ Luy Lâu. Cuộc khai quật năm 1986 tại đây đã thu được nhiều kết quả quan trọng với hàng nghìn hiện vật gồm đồ gốm gia dụng, như đồ đựng, đun nấu (nồi, vò) và đồ phục vụ ăn, uống (bát, đĩa), đồ gốm công cụ sản xuất (763 chì lưới), đồ sắt, đồ đồng và đồ xương. Niên đại di chỉ được xác định từ cuối thế kỷ II đến thế kỷ VII.

Dựa vào kết quả nghiên cứu tầng văn hóa và các di vật, các tác giả báo cáo khai quật cho rằng, Bãi Đồng Dâu là di chỉ cư trú của dân chài. Cư dân Đồng Dâu chuyên sống bằng nghề chài lưới. Về mặt nhận thức, di chỉ Đồng Dâu thể hiện một dạng sống giản dị bình dân của người Việt cổ, của những người dân lao động trong thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Mặt khác, khi nghiên cứu những di vật gốm thô xám có văn thừng nơi đây cho thấy sự tồn tại và phát triển gốm truyền thống từ thời sơ sử ở nước ta [20, tr.251-253].

2.1.2. Di chỉ cư trú trong thành Luy Lâu

Luy Lâu là trị sở của nhà Hán ở Giao Chỉ và là trung tâm Phật giáo cổ xưa thời Bắc thuộc.

Có một thời gian dài, chúng ta vẫn đinh ninh rằng, bên trong những vòng thành Luy Lâu cổ là những dinh thự, công sở, nhà cửa của bọn quan lại phong kiến phương Bắc. Các nghiên cứu khảo cổ học gần đây đã cung cấp cho ta những nhận thức mới.       

Tính đến cuối năm 2014, di tích thành cổ Luy Lâu đã trải qua 8 lần khai quật. Kết quả của các cuộc khai quật đã đưa ra khỏi lòng đất rất nhiều tư liệu mới, quý về lịch sử và bản thân tòa thành Luy Lâu. Có thể tóm lược như sau:

Luy Lâu là một khu di tích phức hợp với số lượng loại hình di tích, di vật phong phú có nhiều niên đại khác nhau.

Thành Luy Lâu được khởi dựng từ đầu công nguyên và liên tục được sử dụng, sửa đắp trong nhiều thế kỷ sau đó, đến tận thế kỷ X. Qua nghiên cứu các vật liệu kiến trúc cho thấy, ở đây đã diễn ra hai thời kì xây dựng lớn: thời kỳ Đông Hán - Lục Triều và thời kỳ Tùy - Đường, về mặt thời gian cũng gần như trùng khớp với hai thời kì đắp thành Luy Lâu. Diện mạo cấu trúc các vòng thành dần được nhận thức đầy đủ. Thành Luy Lâu có quy mô lớn, cấu trúc kiên cố, lợi hại. Rất có thể có 3 vòng thành, thậm chí nhiều hơn chứ không phải 2 vòng thành như ta thường nghĩ trước đây.

Đào thám sát di chỉ ngoại thành nằm sát chân thành Nam, thu nhiều di tích và di vật các loại như gạch, ngói, gốm sứ, tiền đồng, xương động vật... Các di tích di vật này có niên đại tương đương với thành. Đó là di tích của khu vực nhà cửa, phố xá được xây cất quy mô với các hoạt động sản xuất buôn bán sầm uất dọc bờ sông Dâu.

Cho đến nay đã phát hiện gần 1.000 mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn. Hầu hết tìm thấy trong địa tầng văn hóa.

Cuộc khai quật vào cuối năm 2014 do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tiến hành ở khu vực thành nội đã thu được hàng ngàn di vật quý. Đáng chú ý là sự hiện diện của hàng loạt đồ dùng sinh hoạt (như bát, âu, nồi, vò, nghiên mực... làm từ gốm men và đất nung); điều đó cho thấy đây cũng là di chỉ cư trú của cả quan lại, trí thức và tầng lớp bình dân, kéo dài trong nhiều thời kì, trong đó giai đoạn Đông Hán-Lục Triều khá đậm nét. Đã phát hiện được dấu tích của một công xưởng sản xuất đồ kim loại. Số lượng lớn chì lưới và dọi se chỉ cho thấy, người dân ở đây còn có nghề đánh cá và dệt vải.

Kết quả khai quật cho thấy, ngay trong lòng thành cổ Luy Lâu vẫn tồn tại những khu vực cư trú của những người bình dân lao động. So sánh sưu tập hiện vật này với các hiện vật ở Bãi Đồng Dâu năm 1986, các nhà khảo cổ nhận thấy giữa hai sưu tập không có nhiều khác biệt. Nếu các tác giả khai quật năm 1986 dựa vào sưu tập hiện vật để đi đến nhận xét rằng, cuộc sống của cư dân Bãi Đồng Dâu là đại diện của phương thức sống Việt, đối lập với cuộc sống của phương thức sống Hán ở bên trong thành, thì kết quả khai quật lần này cho thấy dù ở bên trong hay ngoài thành, đời sống của người dân không có gì khác biệt lắm. Điều đó nói lên rằng, ngay trong thành Luy Lâu, cư dân bản địa vẫn hiện diện đông đúc với phương thức sống Việt cổ và là nguồn lực chính cho sự tồn tại của Luy Lâu [2].

Những chứng tích cư trú (và khuôn đúc trống đồng) của cư dân Việt cổ ở thành Luy Lâu chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt ở ngay trong sào huyệt của những kẻ xâm lược Hán-Đường.

2.2. Mộ táng

Trong 10 thế kỷ sau Công nguyên (SCN), có hai hệ thống mộ táng phát triển song song. Đó là mộ thuyền (hay mộ thân cây khoét rỗng) và mộ gạch (hay mộ kiểu Hán).

2.2.1. Mộ thuyền

Mộ thuyền còn có tên gọi khác là mộ thân cây khoét rỗng. Các nhà khảo cổ khá thống nhất với nhau khi cho rằng loại mộ hình thuyền ra đời vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn phát triển thế kỷ V-III trước Công nguyên (TCN) mà chủ nhân của chúng là người Việt cổ. Mộ thuyền được xem là thành tố văn hóa quan trọng của cư dân Đông Sơn, nhất là cư dân vùng đồng bằng trũng sông Hồng. Loại hình mộ táng này có phạm vi phân bố hẹp hơn diện phân bố của văn hóa Đông Sơn. Đến nay đã có 8 tỉnh và thành phố ở miền Bắc phát hiện được di tích mộ thuyền Đông Sơn.  

Về niên đại tồn tại của loại hình mộ thuyền, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng, loại hình mộ thuyền Việt Nam xuất hiện khoảng thế kỷ V-VI TCN. Về thời điểm kết thúc có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, loại hình mộ này kết thúc vào thế kỷ XIII-XIV [16, tr.49-56] hoặc đến thời Trần và Lê sơ. Cũng có ý kiến cho rằng mộ thuyền tồn tại liên tục cho đến tận ngày nay [17, tr.77-90], [5].  

Bùi Văn Liêm cho rằng, mộ thuyền Việt Nam có hai thời kỳ: thứ nhất, từ giai đoạn Đông Sơn phát triển (thế kỷ V-IV TCN đến thế kỷ I-II SCN), đây là giai đoạn của mộ thuyền Đông Sơn; thứ hai, từ sau thế kỷ III-IV SCN kéo dài đến tận ngày nay. Tác giả cũng lưu ý về tên gọi loại hình mộ thuyền ở giai đoạn hai sao cho phù hợp với chức năng và với quan niệm của chủ nhân để phân biệt với mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn [11, tr.184]. Chúng tôi tán đồng với ý kiến của tác giả và cũng đề xuất tên gọi loại mộ thuyền giai đoạn thứ hai là loại mộ thuyền theo truyền thống Đông Sơn.

Tài liệu mộ hình thuyền góp phần quan trọng phản ánh sức sống Đông Sơn trong những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Có thể nêu vài ví dụ tiêu biểu:

Ở vào thời điểm một hai thế kỷ trước, SCN, đồ tùy táng chôn trong mộ chủ yếu là những di vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, điển hình là những di tích Việt Khê, Châu Can, Châu Sơn, Vũ Xá, Nguyệt Áng, Đông Quan, Đồng Lăng, Thắng Lợi, Phương Đông, Kiệt Thượng… Tại khu mộ Việt Khê, Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã phát hiện được 5 mộ hình thuyền, trong đó có 1 mộ lớn chứa hơn 100 hiện vật mà phần lớn là đồ đồng Đông Sơn điển hình như trống, thạp rìu, dao găm, cũng có một ít di vật có nguồn gốc ngoại lai được cho là giao lưu trao đổi mà có. 

Khi nhà Hán đặt ách thống trị nước ta, những dấu ấn của sự tiếp xúc văn hóa Việt-Hán được thể hiện khá rõ nét các các tài liệu mộ Phú Lương, Xuân La, Đọi Sơn, Nghĩa Vũ, Cửa Đình, Từ Lạc, Ân Thi, Minh Đức, Trầm Lộng… Trong khu mộ Xuân La (mộ 3 và 4) đã phát hiện được những hiện vật Đông Sơn muộn đặc trưng như thạp, giáo, rìu, đĩa đồng và nhiều đồ bằng sắt cùng 43 đồng tiền chủ yếu là vào thời Đông Hán. Khu mộ Ân Thi tìm thấy 200 đồng tiền, chủ yếu là tiền Ngũ Thù thời Đông Hán. Khu mộ Phú Lương tìm thấy ấm đồng mang phong cách thời Đông Hán. Những dẫn chứng như trên còn rất phong phú khi khảo sát mộ thuyền trên khu vực trũng đồng bằng Bắc Bộ.

Trong khu mộ thuyền Châu Can, hay mộ cổ sông Tô Lịch, Hà Nội, chủ nhân là những người Lạc Việt nhuộm răng đen và ăn trầu. Bên trong ngôi mộ hình thuyền ở An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình là một người phụ nữ giữ nguyên tục nhuộm răng đen. Ngôi mộ được xác định có niên đại thời Lục Triều, thế kỷ V-VI [14, tr.27-33]. Tục nhuộm răng đen có từ thời Hùng Vương được gìn giữ suốt chiều dài lịch sử.

Kể từ thời Đông Hán, trên đất Âu Lạc cũ xuất hiện loại mộ gạch. Nhưng, những ảnh hưởng của văn hóa mộ thuyền có tác động rất nhiều đến lối chôn cất ngoại lai (mộ gạch). Trong lòng những ngôi mộ gạch kiểu Hán ở Nghĩa Vũ (Hải Dương), mộ Đường Dù (Hải Phòng) có những quan tài hình thuyền kiểu Đông Sơn. Điều này chứng tỏ, văn hóa bản địa, văn hóa Đông Sơn có sức sống mãnh liệt và phát triển bền vững trong thời phong kiến phương Bắc thống trị.       

Những tư liệu trên cho thấy, thời Đông Hán là giai đoạn mở đầu, đánh dấu sự tiếp biến, đan xen văn hóa Việt - Hán diễn ra trên đất Âu Lạc cũ.                                                                                                                                                                            

Từ sau thế kỷ X, hệ thống mộ gạch kiểu Hán hoàn toàn tuyệt tích, chỉ còn lại mộ táng của người Việt với những thay đổi đáng kể về cấu trúc mộ và quan tài và cả trong táng tục. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể dõi tìm truyền thống mộ thuyền trong những thế kỷ Đại Việt. Như ngôi mộ quan tài thân cây khoét rỗng phát hiện ở khu di tích Đinh Lê ở xã Trường Yên (Ninh Bình) chôn theo tiền Khai Nguyên thông bảo, Thánh Nguyên thông bảo, mộ được xác định thuộc thời Lý-Trần. Trong những ngôi mộ thời Trần như mộ Tân Đình, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), mộ Quảng Hợp, huyện Quảng Xương và mộ Thăng Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đều là những mộ có quan tài thân cây khoét rỗng. Điều này cho thấy, mộ thời Trần vẫn bảo lưu kỹ thuật tạo quan tài thuyền trong truyền thống mộ thuyền Đông Sơn.

2.2.2. Mộ gạch

Từ thời kỳ nhà Đông Hán đến thời nhà Đường (thế kỷ III-IX), bên cạnh những mộ thuyền, mộ đất của người Việt cổ đã xuất hiện loại hình mộ gạch. Mộ gạch là loại mộ điển hình của văn hóa Hán. Cho đến nay, đã có hàng trăm ngôi mộ gạch được phát hiện và nghiên cứu. Phạm vi phân bố của chúng trải rộng ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó tập trung chủ yếu ở 4 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang. Hầu hết ngôi mộ này phân bố ở vùng Bắc Bộ, gần trung tâm các lỵ sở, quận cai trị cũ hoặc nằm trên các trục giao thông thủy bộ lúc bấy giờ. Ở vùng núi phía bắc, số lượng mộ gạch rất ít, mới chỉ tìm thấy ở vùng núi Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.

Những ngôi mộ gạch có niên đại từ thời Đông Hán đến thời Lục Triều (thế kỷ III-VI) có số lượng lớn nhất. Cuối thời Đường (thế kỷ IX), những ngôi mộ này dường như ít dần và biến mất không để lại vết tích theo thời gian.

Ở những thế kỷ đầu công nguyên, gạch xây mộ thường ở rìa cạnh có trang trí hoa văn. Ngoài những mô típ Hán thường gặp (văn ô trám đơn, ô trám lồng, kẻ carô, văn xương cá...), ta vẫn thấy xuất hiện những “ngôn ngữ Đông Sơn” như vòng tròn tiếp tuyến, hình trâm, vòng tròn đồng tâm... Chẳng hạn, khi khai quật ngôi mộ gạch Đức Sơn thời Đông Hán ở Đông Triều, Quảng Ninh, các nhà khai quật cho rằng, những hoa văn trên gạch xếp mộ rất gần gũi với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn với mô típ hình chữ S xoắn, hoa văn hình trâm [9, tr.56-73]. Những hiện tượng như vậy, còn có ở các ngôi mộ khác nữa như các khu mộ Mạo Khê (Quảng Ninh), Vũng Đông, Nghi Vệ (Thanh Hóa), Thuận Thành, Lãng Ngâm (Bắc Ninh), Đường Dù, Tràng Kênh (Hải Phòng), Chèm, Đống Vằn (Hà Nội).

Phần lớn những mộ gạch thời Hán đã bị phá hủy hoặc bị đào trộm; trong lòng mộ thường chôn theo những vật dụng thường ngày như bát, đĩa, chén, đồ trang sức và cả mô hình nhà, giếng nước. Những hiện vật này thường mang phong cách Hán, tuy nhiên những hiện vật mang phong cách Đông Sơn vẫn tồn tại khá nhiều như những chiếc vò gốm Đông Sơn ở khu mộ Vũng Đông (Thanh Hóa). Tại khu mộ Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã phát hiện những chiếc giáo Đông Sơn, sanh đồng, nồi đồng, chõ đồ xôi mang phong cách Đông Sơn. Ở khu mộ Mạo Khê còn phát hiện được cây đèn đồng kiểu Đông Sơn, ở mộ Nguyệt Đức (Bắc Ninh), phát hiện được mô hình chiếc giếng đất kiểu Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ [19, tr.254-269]. Tại địa điểm Lạch Trường (Thanh Hóa) bên cạnh những hiện vật Hán còn có chiếc mâm đất với hoa văn hình ba con cóc chụm đầu (Hán) được bao quanh bởi vòng tròn tiếp tuyến (Đông Sơn). Trong khu mộ thời Đông Hán muộn ở Đá Bạc, Vân Đồn (Quảng Ninh), ngoài số lượng lớn đồ tùy táng mang phong cách Hán, các nhà khai quật đã phát hiện được chiếc chậu trống có mặt đáy được trang trí những mô típ mặt trống đồng mà theo những người khai quật, nó khá giống với mặt trống đồng Hữu Chung. Những hoa văn truyền thống trên trống Đông Sơn được trang trí trên những chậu đồng tìm thấy trong ngôi mộ là dấu hiệu ban đầu quá trình bị đồng hóa của những kẻ đi đồng hóa [13, tr.110].

Đến nay, những tư liệu mộ gạch có niên đại Lục Triều (thế kỷ III-VI) còn khá ít, nhưng những phát hiện mới đây ở khu mộ cổ Bí Thượng (Quảng Ninh) giúp ta phần nào hiểu được sức sống Đông Sơn. Tại khu mộ Bí Thượng, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đồ gốm thô, gốm men, kim loại; đó chủ yếu là đồ lễ khí và đồ sinh hoạt. Đáng chú ý là, nhóm gốm thô về loại hình và hoa văn mang nhiều đặc điểm truyền thống gốm Đông Sơn [12, tr.417-420].

Trong số ít những ngôi mộ gạch có niên đại thời Tùy - Đường (thế kỷ VII-VIII), dấu ấn Đông Sơn vẫn còn hiện hữu. Cuộc khai quật khu mộ Cửa Đền, Đông Anh, Hà Nội đã đưa ra khỏi lòng đất nhiều hiện vật phong phú bao gồm đồ gốm, đồ sành, đồ kim loại… Điều đáng quan tâm là, trong số 100 mảnh gốm thô kiểu Đông Sơn có 47 mảnh trong mộ, và 53 mảnh ngoài mộ, cùng một mũi tên đồng Cổ Loa. Ngôi mộ có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX, chủ nhân ngôi mộ có thể là quý tộc người Việt có địa vị cao trong xã hội [18, tr.360-364].

2.3. Các trung tâm sản xuất gốm

Nghề gốm truyền thống Đông Sơn tồn tại và phát triển trong điều kiện đất nước bị chiếm đóng bởi các triều đại phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên, dưới tác động của những điều kiện chính trị, xã hội và của kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến phương Bắc, nghề gốm truyền thống đã có những biến đổi. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứu những dữ kiện khảo cổ học từ những trung tâm sản xuất gốm lớn.

Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, trên vùng đất Giao Chỉ và Cửu Chân đã hình thành nhiều khu lò sản xuất gốm. Đến nay, chúng ta đã có hàng trăm tài liệu về các lò nung gốm cổ có niên đại thời Bắc thuộc. Trong hệ thống 10 khu lò sản xuất gốm ở giai đoạn 10 thế kỷ SCN, nổi bật lên ba trung tâm lớn là Thanh Hóa (Tam Thọ), Bắc Ninh (Đại Lai, Bãi Định, Tam Sơn, Thanh Lãng, Đương Xá), Vĩnh Phúc (Đồng Đậu, Thanh Lãng...). Về niên đại, trung tâm gốm Tam Thọ ở Thanh Hóa được hình thành sớm nhất từ cuối thế kỷ I, tồn tại đến thế kỷ IV-V SCN. Các trung tâm khác cơ bản được hình thành vào thời Lục Triều. Sự hình thành các trung tâm gốm cho thấy, quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa. Nghề gốm và gốm truyền thống Việt Nam đã có những bước chuyển biến quan trọng.

Những trung tâm sản xuất gốm trên có một số đặc điểm nổi bật sau:

Phần lớn các khu lò gốm được phân bố trong khu vực cư trú của các cư dân Việt cổ đã sinh sống từ kim khí. Những khu lò nung gốm có niên đại sớm (như Tam Thọ, Đại Lai, Tam Sơn, Thanh Lãng) được tạo dựng gần các khu di chỉ Đông Sơn. Đặc điểm này hình thành từ hai nhân tố: Thứ nhất, những khu dân cư đông đúc chính là thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Thứ hai, vào thời Đông Sơn, chưa có làng nghề chuyên biệt làm gốm, những thợ gốm lành nghề sinh sống trong những làng Việt cổ truyền vừa làm ruộng vừa thực thi các nghề thủ công. Họ chính là nguồn nhân lực dồi dào tham gia trong hệ thống sản xuất ở những khu lò gốm của người Hán.

Qua quá trình lao động, người thợ gốm Việt đã tiếp thu từ các nhà sản xuất gốm Trung Hoa kỹ thuật tạo dựng lò (lò hình bánh bao, lò rồng, lò cóc…) cùng nhiều thủ pháp kỹ thuật tạo gốm sứ và cả mô hình tổ chức sản xuất gốm theo kiểu Trung Hoa. Từ những kinh nghiệm đã được tích lũy, những người thợ gốm Giao Chỉ, Cửu Chân đã tạo ra những sản phẩm đáp ứng được với nhu cầu của xã hội mà không quên gửi gắm vào đó những hồn cốt của phong cách gốm Việt từ tạo dáng cho đến những hoa văn trang trí. Đồ gốm mang phong cách gốm truyền thống Đông Sơn vẫn được duy trì trong nhiều thế kỷ SCN.

Một bộ phận khu lò gốm phân bố gần các đô thị, các lỵ sở của quận, huyện lỵ. Khu lò Tam Thọ gần với lỵ sở quận Cửu Chân. Khu lò Bãi Định nằm sát với thành Luy Lâu - Thủ phủ quan trọng của thời Hán Đường. Các khu lò Đồng Đậu, Thanh Lãng gần với lỵ sở huyện Mê Linh. Các lò gốm đã đáp ứng nhu cầu xây dựng các kiến trúc công sự, dinh thự, nhà cửa và nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trên người Hán cũng như của người bình dân bản địa.

Sự có mặt của các trung tâm sản xuất gốm cùng những sản phẩm của nó cho phép khẳng định rằng, nhiều đồ gốm có phong cách ngoại lai đã được sản xuất tại Việt Nam. Việc sử dụng gốm Đông Sơn làm đồ tùy táng trong mộ gạch, sự tồn tại của hoa văn trang trí Đông Sơn, sự xuất hiện của loại lò nung mặt bằng dạng hình ống... đã cho thấy rằng, cùng với các lò gốm Trung Hoa còn có các lò gốm Việt và thợ gốm Việt.

Do các lò gốm gần với thị trường nông thôn, nông nghiệp trồng lúa nước nên nghề làm gốm trong giai đoạn này phát triển theo hướng dân gian hóa. Khuynh hướng này thể hiện qua sự đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chất liệu làm gốm và vẫn tiếp tục nung gốm phong cách Đông Sơn. Các lò gốm được tạo dựng luôn thích ứng với tự nhiên, lợi dụng tự nhiên trong các thế đồi gò, trong môi trường giao thông thủy sông nước, trong cách sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tự nhiên dễ kiếm. Đó là những tập quán sản xuất được hình thành hoàn toàn xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của môi trường Việt Nam và tập quán cư trú của người Việt cổ. Đó cũng là không gian sinh tồn mà văn hóa Đông Sơn của người Việt đã thích ứng từ lâu đời.

Nghề gốm ở các trung tâm nói trên đã góp phần tích cực vào công cuộc chống đồng hóa hay giải Hán hóa trong suốt 10 thế kỷ đầu Công nguyên, tạo tiền đề cho sự phát triển nghề gốm sứ Đại Việt nổi tiếng sau này.

3. Văn hóa Đông Sơn qua các loại hình di vật     

3.1. Trống đồng

3.1.1. Sự tồn tại trống đồng Đông Sơn

Năm 43 sau Công nguyên, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị thất bại trước sự đàn áp rất tàn khốc của nhà Đông Hán. Đây cũng là thời điểm văn hóa Đông Sơn, biểu tượng là những trống đồng Đông Sơn (loại Heger I) phải đương đầu với số phận tuyệt diệt trước âm mưu phá hủy tận gốc di sản văn hóa Việt của người Hán. Viên tướng Mã Viện, với chính sách tận thu trống đồng để đúc ngựa đồng và cột đồng, muốn làm cho người Lạc Việt quên đi trống Đông Sơn, quên đi cội nguồn của mình. Thế nhưng, bất chấp mọi âm mưu thâm độc và xảo quyệt của các thế lực xâm lược, người Việt cổ vẫn đúc và sử dụng trống đồng.

Tài liệu khảo cổ học đã chứng minh, trống Đông Sơn được đúc ngay trong sào huyệt của kẻ thống trị phương Bắc - thành Luy Lâu ở vào thế kỷ IV-V SCN. Vào tháng 11/1998, nhà khảo cổ người Nhật là Nishimura đã tìm được một mảnh khuôn trống Đông Sơn đầu tiên tại khu vực thành lũy phía bắc Luy Lâu. Cuộc khai quật năm 2014 và 2015 của các nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đưa ra khỏi lòng đất gần 1.000 mảnh khuôn đúc trống bằng đất nung, gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong, thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân. Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn, như: vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, vạch ngắn song song, văn bông lúa... Mảnh khuôn ngoài thường có màu đỏ hoặc đỏ nhạt, trong khi mảnh khuôn trong thường có màu trắng xám và đặc. Không chỉ tìm thấy mảnh khuôn trống, mà còn tìm thấy một số hiện vật liên quan đến quy trình đúc trống, ví dụ như ắc bàn xoay hay phễu rót đồng. Điều quan trọng là, các mảnh khuôn đúc này được phát hiện trong tầng văn hóa với niên đại được xác định từ thế kỷ IV sau Công nguyên [1].

Phát hiện trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chứng tỏ sức sống Đông Sơn vẫn mãnh liệt, kể cả khi đất Giao Chỉ đang trong vòng kiềm tỏa của phong kiến phương Bắc. Kẻ thù đã thất bại trong âm mưu đồng hóa văn hóa dân tộc Việt.

3.1.2. Trống đồng loại II Heger, sự tiếp nối truyền thống trống Đông Sơn

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ, sự xuất hiện của trống loại II (theo phân loại của Heger) là sự kế thừa và tiếp nối của trống Đông Sơn. Trống loại II được nảy sinh trên cơ sở của trống loại I Heger đang suy tàn [10, tr.179]. Nhiều học giả đặt tên cho trống loại này là trống Mường, vì tìm thấy nhiều ở vùng dân tộc Mường sinh sống.

Tính kế thừa được thể hiện trong kỹ thuật đúc trống đồng loại II (như các con kê rải ra ở giữa khuôn trong và khuôn ngoài để định vị cho đồng nóng chảy khỏi phá khuôn). Điều này chứng tỏ chính những người thợ đúc trống Đông Sơn cũng là những người thợ đúc trống loại II.

Chúng ta cũng dễ nhận thấy, sự kế thừa còn thể hiện các mô típ hoa văn trống Đông Sơn trên nhóm trống loại II sớm. Những trống đồng loại II sớm có hoa văn người múa hóa trang, hoa văn hình học Đông Sơn

Có một điểm đáng chú ý là, nhiều trống loại II đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của mô típ trang trí hoa văn Hán, cụ thể hoa văn ô trám đơn hay ô trám lồng. Những hoa văn này phổ biến trên trống đồng cũng đồng thời phổ biến trên gạch trong mộ gạch thời Hán. Đây là những biểu hiện rõ nét sự giao lưu văn hóa Hoa Hán - Việt [8, tr.53-59].

Trống đồng loại II có sự phát triển mạnh mẽ từ thời Bắc thuộc đến thời thời Lý - Trần. Nhiều hoa văn trên trống loại II đã mang đậm dấu ấn của hoa văn trên đá, trên gốm của thời Lý - Trần như hoa văn hình rồng Lý - Trần uốn khúc hình sin, hoa văn chim Phượng. Trên chiếc trống đồng Xóm Rậm ở huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) có bố cục hoa văn cánh sen ở trên mặt trống khá giống với bố cục trên bệ đá chùa Phật Tích…

Sang đến thời Hậu Lê, nhiều hoa văn trên đá, gốm của thời này đã ảnh hưởng đến hoa văn trang trí trên trống đồng loại II. Ví dụ, trên trống loại II có nhiều hoa văn Phật giáo (như lá đề, lá sen được trang trí theo phong cách đối đỉnh trong các băng hoa văn trên thân trống, giống với hoa văn trang trí lá đề, lá sen đối đỉnh trang trí trên các chân đèn gốm thời Lê - Mạc).

Bên cạnh dòng trống loại II tồn tại và phát triển trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, đến các triều đại quân chủ độc lập, người Việt còn sáng tạo ra những chiếc trống đồng khác kiểu. Đó là trống đồng Cảnh Thịnh, được đúc vào năm 1800 thời Tây Sơn. Trống loại này khá đẹp; nhưng hình dáng không chia làm 3 phần như các trống của trống đồng truyền thống, mà là hình trụ tròn. Trên trống vẫn còn nhận thấy sự ảnh hưởng của một số hoa văn của các loại trống khác (như hoa văn lá đề của trống loại II, hoa văn nhũ đinh của trống loại IV).

3.1.3. Trống đồng trong đời sống tinh thần người Việt

Trong tâm thức người Việt, trống đồng được xem như người bạn đường lịch sử, và hồn cốt trống đồng còn đọng lại sâu lắng trong đời sống tinh thần dân tộc từ bao đời nay. Người Việt đã nhân cách hóa trống đồng, coi trống là hiện thân của một vị thần linh thiêng được thờ phụng trong đình, đền, chùa. Ở Việt Nam, tục thờ trống đồng có từ rất sớm. Sử sách ghi chép rằng, vào thế kỷ X, vua Đinh Tiên Hoàng đã chú ý thu thập trống đồng phong tặng cho các địa phương để thờ. Đến thời Lý, khi Lý Thái Tông còn là Thái tử, hành quân qua núi Đồng Cổ, nằm mộng thấy thần núi xin đi theo đánh giặc. Sau này lập miếu thờ ở phía bắc thành Thăng Long. Đến thời Tây Sơn, con trai vua Quang Trung là Nguyễn Quang Bân, cũng lập đền thờ ở núi Đồng Cổ, ở làng Đan Nê, Thanh Hóa. Và cho tới tận gần đây, những trống Ngọc Lũ, Thượng Lâm vẫn được thờ trong đình, đền vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại Hà Nội, có đền Đồng Cổ ở phố Thụy Khuê, quận Ba Đình, nơi hàng năm có hội thề Trung Hiếu vẫn vẹn nguyên sự linh thiêng và lòng tôn kính của cộng đồng cư dân Việt.

Tất cả những điều trên cho thấy, trống đồng luôn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc. Đó là những điều khiến cho trống đồng cùng những âm hưởng của nó luôn có sức sống mãnh liệt trong suốt chiều dài lịch sử.

3.2. Đồ gốm

Các trung tâm gốm và nghề gốm cho thấy những phong cách gốm truyền thống Đông Sơn vẫn được duy trì trong nhiều thế kỷ SCN.

Các nhà khảo cổ cho rằng, trong suốt 10 thế kỷ đầu Công nguyên, có hai dòng gốm song song phát triển và có ảnh hưởng qua lại trong suốt thời Bắc thuộc, đó là dòng gốm tiếp nối truyền thống: gốm thô văn hóa Đông Sơn và dòng gốm mịn tráng men mang phong cách gốm phương Bắc [4].

Trước khi có sự xâm nhập của gốm Trung Hoa, đồ gốm có mặt trên đất nước ta khoảng 7.000 năm trước. Ở vào thời kỳ Đông Sơn, đồ gốm đất nung đã gần đạt đến trình độ của đồ sành, với độ nung xấp xỉ 1000oC. Đáng chú ý là loại “gốm Đường Cồ” có mầu trắng mốc hoặc mầu hồng, trang trí văn thừng thô in đập cắt chéo nhau tạo hình mắt lưới ô trám hoặc hình vuông, đặc biệt gốm có xương đanh và độ cứng như sành. Gốm Đường Cổ so với các loại trước đó có sự tiến bộ đáng kể về chất liệu và kỹ thuật chế tác. Bên cạnh gốm đất nung cứng và đanh vẫn tồn tại loại gốm có độ nung thấp thường bở và mủn. 

Truyền thống gốm Đông Sơn được bảo lưu nằm trong đồ gốm đất nung. Những đồ gốm thô tiếp nối truyền thống Đông Sơn về chất liệu, kiểu dáng cũng như hoa văn; chúng không những khác với gốm phong cách văn hóa Hán, mà so với gốm thời Đông Sơn cũng có những cải tiến đổi mới trong công nghệ chế tạo, cũng như về kiểu dáng và hoa văn trang trí. Trong một số khu lò nổi tiếng như Tam Thọ, Đồng Đậu, Thanh Lãng, Đương Xá..., dòng gốm cứng truyền thống mang phong cách Đường Cồ cũng khá phổ biến.

Sản phẩm gốm đất nung thời kỳ này khá đa dạng và chủ yếu là gốm dùng trong sinh hoạt. Người thợ gốm bản địa không chỉ sản xuất gốm Đông Sơn mà còn sản xuất cả gốm phong cách ngoại lai. Hai truyền thống gốm cùng được sản xuất và cùng được sử dụng. Đáng chú ý là, loại hình gốm kèm theo phương thức sử dụng kiểu Trung Hoa (như bình đốt trầm, kho đụn, khẩu giêng, tượng ba chân, tượng thần thú, quái vật hình người...) không có trong các khu lò gốm đã được khai quật. Trên cơ sở có truyền thống gốm lâu đời, người thợ gốm Việt đã tiếp thu kỹ thuật sản xuất gốm sứ Trung Hoa. Khi đã làm chủ được kỹ thuật đó, họ đã tạo ra những nét mới cho gốm truyền thống với bản sắc riêng.

Xét trên phương diện kỹ thuật, đồ gốm truyền thống Đông Sơn được nâng cao hơn về chất lượng. Gốm thô lõi đen vẫn được sản xuất cùng với đồ sành lõi đen. Gốm thô mỏng hơn, cứng hơn, tăng được độ bền và chịu nhiệt. Gốm áo đỏ, áo trắng mốc kiểu Đường Cồ tiếp tục được sản xuất với những đồ đựng lớn. Sự tồn tại của loại đồ gốm này rộng rãi trong dân gian, một mặt làm nhạt đi sự Hán hóa, mặt khác giữ vững cốt cách truyền thống của gốm văn minh Đông Sơn [15].

Một khía cạnh quan trọng khác cần chú ý là, yếu tố nghệ thuật Đông Sơn được thể hiện trên đồ gốm. Người thợ gốm Giao Chỉ, Cửu Chân không sao chép nguyên xi bố cục hoa văn Đông Sơn khi trang trí cho loại hình gốm mới, mà tách lẻ ra, hoặc biến đổi chút ít. Ví dụ như, hình sao trên mặt trống đồng được lấy ra trang trí cho nắp bình đốt trầm hương (mộ 1B - Bỉm Sơn) là những di vật điển hình mang dáng vẻ Trung Hoa. Hay như hình ngôi sao tám cánh được trang trí trên các đầu ngói ống Cổ Loa gợi về hình ảnh mặt trời với những tia tỏa ra như trên mặt trống đồng. 

Một số mô típ trang trí trên đồ đồng Đông Sơn (như vòng tròn tiếp tuyến, chấm tròn, răng cưa, đường vạch song song, chữ S) xuất hiện trên một số loại hình gốm phong cách Hán, hoặc trên những viên gạch xây mộ thời Hán ở Mạo Khê, Vũng Đông, Nghi Vệ, Thuận Thành, Lãng Ngâm, Tràng Kênh, Chèm…

Khi nghiên cứu đồ gốm cứng ở lò Đương Xá (thế kỷ IX-X), có ý kiến cho rằng, hoa văn trên đồ gốm cứng có xu hướng trở lại với phong cách trang trí và mô típ trang trí hoa văn thời Đông Sơn [6, tr.79].

Có những loại hoa văn mới mà thời Đông Sơn còn rất hiếm. Đó là hoa văn mặt người trên đầu ngói (tìm thấy nhiều ở Luy Lâu, một ít ở Cổ Loa và khu lò gốm Tam Thọ). Các kiểu mặt người này có tính cách điệu cao, đường nét giản đơn và đặc biệt tất cả đều diễn tả ở tư thế cười hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Bởi thế, nhiều nhà nghiên cứu đặt tên là mặt hề. Đặc điểm này khác hẳn hoàn toàn với ngói mặt người đàn ông dữ tợn ở Trung Hoa. Trang trí hình mặt người trên đầu viên gạch tìm thấy ở Tháp Nhạn (Nghệ Tĩnh) với nụ cười tươi tắn, tả thực, dường như là lấy từ bộ mặt trẻ em bụ sữa, rất thân thiện… Có thể từ những nguyên mẫu ngói mặt người Trung Hoa, người thợ gốm Việt đã sáng tạo ra sản phẩm cùng loại mang tính đặc sắc của người Việt. Có ý kiến cho rằng đó là những đồ gốm mang đậm phong cách Việt, thuần Việt chỉ xuất hiện trong thời Bắc thuộc.

Vào thời kỳ Đại Việt, những tín hiệu của nghệ thuật Đông Sơn tiếp tục được tỏa sáng trên những chiếc thạp gốm, bát, đĩa, ấm... thời Lý-Trần. Trên những đồ gốm thời Lê-Mạc, chúng ta cũng còn thấy tín hiệu Đông Sơn truyền thống thể hiện cả trong việc tạo dáng và trang trí trên nhiều loại hình gốm sứ [2, tr.52-58].

3.3. Một số loại hiện vật đồng

Trong thời Bắc thuộc, nhất là trong thời Đông Hán thống trị, trong mộ táng cũng như trong tầng văn hóa di chỉ cư trú, các nhà khảo cổ thường bắt gặp một vài đồ đồng vừa mang phong cách văn hóa Đông Sơn vừa mang phong cách văn hóa Hán. Ở phần này, chúng tôi chỉ đưa ra một vài loại hiện vật đồ đồng tiêu biểu. Trong một ý nghĩa nhất định, những hiện vật này cũng nói lên sức sống của văn hóa Đông Sơn thời Bắc thuộc.

3.3.1. Chậu trống

Có người gọi chậu trống là trống chậu. Hiện vẫn chưa có thống kê đầy đủ số lượng loại di vật này, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi từ các Bảo tàng trung ương và địa phương, đến nay có khoảng hơn 30 chiếc, tập trung ở tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội. Loại hiện vật này có đặc trưng chung ở chỗ, mặt ngoài đáy chậu trang trí các loại hoa văn thường gặp trên mặt trống đồng (như văn mặt trời có nhiều tia ở chính giữa, xung quanh là các băng văn hình chim bay, văn người hóa trang kiểu cờ bay nhảy múa thường thấy trên trống đồng Đông Sơn muộn). Nhưng ở đáy lòng chậu lại khắc hình một đôi cá bơi lượn đầu quay về một hướng. Đây là một đặc trưng của văn hóa Hán. Rõ ràng đây là loại di vật vừa có yếu tố văn hóa Đông Sơn vừa có yếu tố văn hóa Hán. Chiếc chậu trống trong mộ Đông Hán ở Đá Bạc, Vân Đồn (Quảng Ninh) còn có hai hình mặt hổ phù phong cách Hán ở phần ngoài gần miệng chậu [13, tr.108]. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ khoảng hơn 20 chiếc chậu loại này. Chiếc thạp có ký hiệu Lsb-31260 ở đáy còn trang trí một vành những chim lạc như trên trống đồng Ngọc Lũ. Điều này cho thấy ảnh hưởng rộng lớn của văn minh Đông Sơn tới văn hóa Hán (thể hiện qua những chiếc chậu được chôn theo những kẻ xâm lược thống trị).  

3.3.2. Thạp đồng Đông Sơn có trang trí hoa văn Hán

Thạp đồng Đông Sơn có nguồn gốc thuần Việt, nhưng ở vào giai đoạn sau Công nguyên đã có biến đổi chút ít trong cách trang trí hoa văn.

Trước đây, tại Bảo tàng Hà Tây (cũ) có trưng bày hai chiếc thạp đồng kiểu Đông Sơn. Điều đặc biệt là, trên loại di vật này lại có những yếu tố hoa văn Hán.

Chiếc thứ nhất thuộc loại thạp có nắp (với thân hình trụ tròn và đáy bằng, kích thước cao 34cm, miệng rộng 30cm, đáy rộng 26cm). Về kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí, đó là một chiếc thạp Đông Sơn chuẩn mực với những vòng trang trí trên thân thạp (gồm văn vòng tròn tiếp tuyến có tâm, văn răng lược và băng hồi văn, nhưng đôi quai gần vành miệng không phải là đôi quai hình chữ U ngược, mà được thay thế bằng một đôi quai gắn hình hổ phù đeo vòng rất điển hình của văn hóa Hán).

3.3.3. Bình đồng kiểu con tiện

Loại hiện vật này còn phát hiện ít. Đây là loại đồ đồng có kiểu dáng văn hóa Hán, nhưng lại trang trí hoa văn phong cách đồ đồng Đông Sơn. Trong sách Đồ đồng văn hóa Đông Sơn, Hoàng Xuân Chinh đã giới thiệu một số bình đồng kiểu con tiện ở phòng triển lãm cổ vật tại Bảo tàng Hà Nội và Thanh Hóa. Đây là những chiếc bình kiểu con tiện, miệng đứng cổ cao bụng nở gần hình cầu, chân cao choãi có vành lỗ thủng hình gần tam giác, hoặc hình khó xác định, có nắp đậy khít vào gờ miệng. Về kiểu dáng, chiếc bình này rất gần với loại “hồ” thời Hán ở Trung Quốc. Nhưng ở chiếc bình này, trên vai có một đôi quai hình chữ U ngược, cổ và thân trang trí các vành văn vòng tròn tiếp tuyến kép, văn hình tam giác, hoặc văn chữ S có đầu xoáy tròn. Đó là những “ngôn ngữ nghệ thuật” đặc trưng của đồ đồng văn hóa Đông Sơn [5, tr.120-121].

4. Kết luận

Sức sống văn hóa Đông Sơn chống lại quá trình Hoa-Hán hóa trong suốt 10 thế kỷ SCN là phản ánh quá trình đấu tranh của người Việt được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng và cuối cùng là chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập dân tộc: thời đại văn hóa, văn minh Đại Việt, đồng nghĩa với việc phục hưng kỳ diệu sức sống Đông Sơn, cội nguồn văn hóa Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1]Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (2016), Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát và khai quật di tích thành cổ Luy Lâu năm 2015, Hà Nội.

[2]Nguyễn Đình Chiến (2014), “Những tín hiệu Đông Sơn sau thời Đông Sơn”, Thông báo khoa học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 2, Hà Nội.

[3]Trương Đắc Chiến và cộng sự (2014), “Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật di tích thành cổ Luy Lâu năm 2014”, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.

[4]Hoàng Xuân Chinh (2011), Tiến trình gốm sứ Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

[5]Hoàng Xuân Chinh (2012), Đồ đồng Đông Sơn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[6]Hoàng Xuân Chinh, Trần Anh Dũng (2003), Vĩnh Phúc, gốm và nghề gốm truyền thống, Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Vĩnh Phúc.

[7]Trình Năng Chung (2015), Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn hóa thời đại kim khí Nam Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[8]Nguyễn Giang Hải (2016), “Sức sống Đông Sơn qua tư liệu trống đồng”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3.

[9]Vũ Quốc Hiền và cộng sự (2012), “Kết quả khai quật di tích mộ gạch cổ Đức Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh năm 2011)”, Thông báo Khoa học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 2, Hà Nội.

[10]Diệp Đình Hoa (2003), “Một vài suy nghĩ về trống đồng”, Những con đường khám phá, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.

[11]Bùi Văn Liêm (2013), Mộ thuyền Đông Sơn Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

[12]Lê Thị Liên và cộng sự (2006), “Phát hiện và khai quật mộ gạch chùa Bí Thượng”, Những phát hiện Khảo cổ học năm 2006, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[13]Đỗ Văn Ninh (1997), Huyện đảo Vân Đồn, Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

[14]Đỗ Văn Ninh (1979), “Cuộc đọ sức nghìn năm của dân tộc Việt chống chủ nghĩa bành trướng phong kiến Trung Hoa”, Tạp chí Khảo cổ học, số 4.

[15]Lê Đình Phụng và cộng sự (2010), Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ: “Những đóng góp mới trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên”, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.

[16]Phạm Quốc Quân (1985), “Góp bàn về một số tên gọi một số loại hình mộ táng Việt Nam”, Tạp chí Khảo cổ học, số 2.

[17]Ngô Đức Thịnh (1984), “Về loại quan tài thân cây khoét rỗng (từ tư liệu và nhìn nhận dân tộc học)”, Thông báo khoa học, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

[18]Lại Văn Tới và cộng sự (2008), “Khai quật ngôi mộ tại thôn Dục Tú (Đông Anh Hà Nội)”, Những phát hiện khảo cổ học năm 2007, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[19]Viện Khảo cổ học (1972), Những phát hiện Khảo cổ học năm 1972, Hà Nội.

[20]Trần Quốc Vượng và cộng sự (1986), “Khai quật di chỉ Bãi Đồng Dâu (Hà Bắc)”, Những phát hiện khảo cổ học năm 1986, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 1 - 2017)

Tác giả: Trình Năng Chung - Nguyễn Giang Hải

Tags: văn hóa Đông Sơn Đông Sơn khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm tạp chí khoa học
Tin cùng chuyên mục