Các quốc gia có nền kinh tế - xã hội vận hành theo thể chế “dung hợp” là các quốc gia có cơ may thành công. Các nước nghèo bị trói buộc trong thể chế được gọi là “chiếm đoạt”, “bóc lột”. Các nhân tố khác như địa lý, tự nhiên, nguồn lực văn hóa, con người… đương nhiên rất quan trọng, nhưng không quyết định. Ở Việt Nam, đa số các học giả tán thành quan điểm này. Tại nhiều diễn đàn việc phải cải cách thể chế đã được nêu như một yêu cầu đặc biệt cấp thiết. Bài học của các nước thành công được đúc kết và nhiều lần đã được khẳng định là: không nhất thiết phải giàu tài nguyên, không nhất thiết phải có quá khứ tư bản chủ nghĩa, ngày nay, chỉ cần vài ba chục năm, các nước đi sau hoàn toàn có thể công nghiệp hóa thành công, nếu tránh được những sai lầm về mặt thể chế. Bài học thành công thì có thể khó học hỏi, nhưng bài học thất bại thì về nguyên tắc là có thể tránh được. Muốn thành công, trước hết, các quốc gia đi sau cần phải học được những bài học về sự thất bại. Chỉ số thành bại của các quốc gia (FSI) được thiết kế gồm nhiều chỉ báo giúp các quốc gia tránh thất bại.
1. Mở đầu
Chỉ số thành bại của các quốc gia được Quỹ Vì Hòa bình (thuộc tạp chí Foreign Policy, Mỹ) công bố từ năm 2005. Kể từ đó, báo cáo FSI hàng năm được đón nhận nồng nhiệt. Cũng có những ý kiến phê phán, nhưng đa số các học giả và các quốc gia, kể cả các quốc gia bị rơi vào thứ hạng tiêu cực, vẫn thừa nhận rằng phương pháp đánh giá quốc gia thất bại như trên là tương đối khách quan, chí ít đó cũng là những căn cứ để mỗi quốc gia tự nhìn nhận mình.
Với Việt Nam, chính D. Acemoglu và J. A. Robinson đã cho rằng, sở dĩ từ những năm 1980 đến nay Việt Nam thoát nghèo và tăng trưởng khá nhanh, trước hết là do nền kinh tế đã tự nó chuyển đổi từ mô hình thể chế chiếm đoạt sang mô hình dung hợp. Bước chuyển này tất nhiên có sự lựa chọn của con người, nhưng nguyên nhân thúc đẩy là sự quy định của những nhân tố khách quan trong điều kiện mới của nền kinh tế thế giới ở thời đại toàn cầu hóa. Muốn đạt được đỉnh cao của thịnh vượng và thành công, Việt Nam cần phải tiếp tục đoạn tuyệt với thể chế kinh tế chiếm đoạt (bắt nguồn từ các thể chế chính trị chiếm đoạt) phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế dung hợp, trong đó nhà nước phải ngày càng mạnh và ngày càng minh bạch với trách nhiệm giải trình; quyền lực, mà trước hết là quyền lực đối với tài nguyên, được phân phối một cách rộng rãi, các tiềm năng của đất nước được huy động và được giải phóng [2]. Những số liệu FSI đã công bố cho thấy mức độ thành công của Việt Nam 10 năm qua không đến nỗi bi quan. Việt Nam đã ít nhiều duy trì và kiểm soát được các nhân tố thành bại. Thời gian gần đây tốc độ tăng trưởng có chậm lại và nhiều vấn đề xã hội căng thẳng đã nảy sinh, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng khá nhanh. Một số học giả quốc tế vẫn nhìn sự phát triển tiếp theo của Việt Nam với nhiều hy vọng và vẫn có những học giả dự báo rằng Việt Nam vẫn có cơ may trở thành “con hổ mới”. Bài viết này nghiên cứu thành bại của các quốc gia và chỉ số thành bại của Việt Nam trong giai đoạn 2005-2016.
2. Sự thành bại của các quốc gia
Khát vọng phát triển xưa nay luôn là tâm thế thường trực của tất cả các quốc gia và của hầu hết các chính phủ. Nhưng ở mỗi thời đại lại thường chỉ có một số ít quốc gia đạt tới thịnh vượng. Và ngay cả khi đã đạt tới thịnh vượng, cũng không nhiều quốc gia giữ được thịnh vượng bền lâu. Phần lớn các quốc gia lẫy lừng trong quá khứ ngày nay đều đã lùi lại, nhường chỗ cho các quốc gia gia khác vượt lên. Đế quốc Ba Tư và Hy Lạp cổ đại, Đế quốc La Mã và Đế quốc Nguyên Mông, nền văn minh Maya và Pompeii, chủ nghĩa tư bản Anh và Pháp cận hiện đại, kể cả Liên bang Xô viết trước đây… là những trường hợp như vậy.
Sự thành công hay thất bại của các quốc gia chắc chắn phải là kết quả những quy luật thép của sự phát triển. Những quy luật đó cùng với các bài học kinh nghiệm tương ứng của các quốc gia điển hình cho đến hôm nay đã được lý luận đúc kết khá nhiều. Tuy thế, việc nắm được các quy luật và sử dụng được các bài học kinh nghiệm hóa ra không dễ. Vẫn có các quốc gia tiếp tục thất bại, mặc dù điều kiện khách quan không kém thuận lợi và thái độ cầu thị của các quốc gia này không thể nói là không đủ sâu sắc.
Tại sao lại có các quốc gia thất bại và tại sao chỉ có một số ít các quốc gia thành công? Văn hóa, con người, tri thức, thể chế… liệu có phải đích thực là những nhân tố quyết định sự thành bại? Đó là những câu hỏi gay gắt đặt ra đối với các chính phủ, các chính khách và các nhà nghiên cứu, nhất là đối với những người có tâm huyết [3].
Với Việt Nam, từ vài thập niên gần đây, tấm gương phát triển ngoạn mục của một số quốc gia và lãnh thổ Châu Á lân cận như Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan… đã trở thành nỗi ám ảnh thôi thúc khát vọng phát triển. Việc đúc rút kinh nghiệm của các quốc gia đi trước gần như liên tục được nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp cả ở phạm vi vĩ mô và vi mô. Tuy vậy, có quá nhiều lý do khách quan và chủ quan khiến tham vọng đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp cuối cùng cũng đã bị bỏ lỡ. Hiện thời, tiềm năng được đánh giá là vẫn không đến nỗi thiếu hụt. Triển vọng cũng vẫn được xem là còn có cơ hội. Và do vậy, khát vọng vươn tới thịnh vượng và thành công vẫn là tâm thức bắt gặp khá phổ biến cả trong đường lối vĩ mô của Đảng và Chính phủ cũng như trong kế sách chiến lược của các doanh nghiệp.
Theo Báo cáo FSI thì từ năm 2005 đến nay, tuy vẫn là quốc gia bị xếp loại “cảnh báo” nhưng Việt Nam luôn không trong số 50 quốc gia (có chỉ số) thất bại và luôn được đánh giá là thành công hơn nhiều so với Trung Quốc. Việt Nam thành công thứ 4 trong khối ASEAN. Nền kinh tế tuy vẫn có lên xuống về tốc độ tăng trưởng, nhưng không có bất ổn chính trị và những biến động kinh tế, xã hội vẫn ở mức chưa làm thay đổi nhiều về thứ bậc các chỉ số thành phần. Điều này cho thấy rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực đáng kể ở những lĩnh vực về cải cách kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô về chính trị…
Khả năng thành công trong một tương lai gần vẫn được giới phân tích coi là khả năng tương đối thực tế của Việt Nam.
Vấn đề là ở chỗ, cơ hội và tiềm năng để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng “sánh vai với các cường quốc năm châu” [1, tr.33] trong nhiều thập niên gần đây đều không ở mức quá thiếu hụt. Ý chí phát triển của lãnh đạo và dân chúng cũng được đánh giá là rất tích cực. Trí tuệ và các sách lược phát triển, về lý thuyết cũng không kém phần thực tế và khôn ngoan. Tuy nhiên, sự thành công để đạt tới trình độ “thịnh vượng” hay “cất cánh hóa rồng” hiện vẫn còn nằm ngoài tầm với.
Tính cấp bách của vấn đề cả về lý luận và cả về thực tiễn là ở đó. Điều này đang hàng ngày hàng giờ thôi thúc các chính khách và các nhà nghiên cứu.
Suốt từ năm 2005 đến nay, đứng đầu các quốc gia có chỉ số FSI tiêu cực nhất lại luôn thuộc về các nước Châu Phi. Các quốc gia thành công nhất vẫn thuộc về Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, rồi đến Châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Các quốc gia có chỉ số FSI tiêu cực đều ít nhiều vướng vào các chỉ số như tham nhũng nặng, các hành vi phạm tội phổ biến, không có khả năng thu thuế hoặc ít được dân chúng ủng hộ. Trong các quốc gia có chỉ số FSI tiêu cực, một số nước có số lượng đáng kể người buộc phải bỏ quê hương, nền kinh tế suy thoái, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp, thậm chí có cả sự hãm hại dân chúng một cách có tổ chức hoặc phân biệt đối xử nghiêm trọng; một vài nước có sức ép dân số, người tài bỏ ra nước ngoài, môi trường sống bị phá hoại nặng.
Trung Quốc năm 2009 bị xếp thứ 57, thuộc vào loại quốc gia thất bại, tức là thuộc nhóm 60 nước có chỉ số FSI cao nhất, nhưng năm 2010 đã tiến 5 bậc về phía các chỉ số tích cực hơn. Theo các số liệu trong Báo cáo FSI thì Trung Quốc có chỉ số FSI lớn về tiêu chí áp lực dân số (áp lực dân số Trung Quốc 2010 là 9/10), làm nảy sinh tình trạng có nhiều người di cư ra nước ngoài), phân hóa giàu nghèo quá chênh lệch (chỉ số phát triển không đồng đều là 9,2/10), và vấn đề quyền con người (chỉ số quyền con người Trung Quốc 2010 là 8,9/10).
Năm 2011, có 20 quốc gia thất bại nhất được gọi bằng cái tên khá ấn tượng “Những tấm bưu thiếp gửi từ địa ngục” [8] gồm Somalia, Chad, Sudan, Congo, Haiti, Zimbabwe, Afghanistan, Trung Phi, Iraq, Cote d'Ivoire, Guinea, Pakistan, Yemen, Nigeria, Niger, Kenya, Burundi, Myanmar, Guinea Bissau, Ethiopia. Điều này phản ánh một năm đầy biến động và cảnh báo nguy cơ bất ổn toàn cầu.
So sánh 2 năm 2010 và 2012, trong số các nước thuộc loại “cảnh báo cao” (80-89 điểm), có 4 nước ASEAN gồm Campuchia, Lào, Philippines, và Indonesia. Campuchia từ vị trí 40 tăng lên vị trí 37 về phía thất bại, dù điểm số vẫn giữ ngang bằng với năm 2010 là 88,7 điểm. Lào giảm được hơn 3 điểm để tiến về phía tích cực từ 88,7 điểm thành 85,5 điểm với sự cải thiện về các chỉ số “can thiệp từ bên ngoài”, “bộ máy an ninh”, “dịch vụ công” và “tình trạng nghèo và suy thoái kinh tế”. Philippines giảm được 4 điểm để tiến về phía tích cực, từ 87,1 điểm thành 83,2 điểm. Thành tích mà Philippines đã ít nhiều cải thiện được là các chỉ số “di dân”, “chênh lệch phát triển” và “can thiệp từ bên ngoài”. Indonesia giảm được hơn 3 điểm để tiến về phía tích cực từ 83,1 điểm thành 80,6 điểm. Thành tích mà Indonesia đã ít nhiều có tiến bộ cũng là các chỉ số giống với Philippines về “di dân”, “chênh lệch phát triển” và “can thiệp từ bên ngoài”. Trong số các nước rơi vào tình trạng “cảnh báo tăng cao” có Thái Lan, Việt Nam thuộc ASEAN và một số nước khác như Trung Quốc, Nga, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Venezuela… Trung Quốc giảm được hơn 5 điểm để từ nước thuộc loại “cảnh báo cao” thành loại “cảnh báo tăng cao”, từ 83,0 điểm xuống còn 78,3 điểm. Thành tích của Trung Quốc được coi là ở sự cải thiện các chỉ số “chênh lệch phát triển” và “dịch vụ công”. Nga giảm được 2 điểm để tiến về phía tích cực từ 79,0 thành 77,1 điểm. Thành tích của Nga không rõ rệt ở chỉ số nào mà là mỗi chỉ số đều có cải thiện chút ít.
So sánh FSI 2010 và 2012, Việt Nam giảm được hơn 2 điểm để tiến về phía tích cực từ 76,6 điểm thành 74,0 điểm. Theo FSI các chỉ số mà Việt Nam đã cải thiện được là giảm “Áp lực gia tăng dân số”, giảm “Tỵ nạn và nguy cơ nhân đạo”, giảm “Chênh lệch phát triển”, giảm “Nghèo và suy thoái kinh tế’. Mặc dầu vậy một vài chỉ số FSI của Việt Nam vẫn bị đánh giá là tiêu cực hơn như sự gia tăng của “Nhóm thù địch xã hội”, tình trạng tham nhũng.
Năm 2015, trong bảng xếp hạng FSI có 38 nước thuộc loại “báo động”, 87 nước thuộc loại “cảnh báo”, 38 nước thuộc loại “ổn định” và 15 nước thuộc loại “bền vững”. Trong số 38 nước thuộc loại “báo động” có 4 nước thuộc loại “báo động cực cao”: Nam Sudan, Somalia, Trung Phi và Sudan. Trong 15 nước loại “bền vững” có một nước loại “rất bền vững” (quốc gia thành công nhất 2015 là Phần Lan, với tổng số điểm FSI là 17,8).
Singapore với tổng FSI 34,4 điểm được xếp thứ 159, là quốc gia ổn định nhất Châu Á, hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc và cao hơn Mỹ 1 bậc. Brunei có tổng FSI 63,0 điểm, xếp thứ 121. Malaysia có tổng FSI 65,9 điểm, xếp thứ 115. Việt Nam có tổng FSI 72,4 điểm, xếp thứ 97, xếp trước Indonesia (tổng FSI 75,0 điểm, xếp thứ 88), Trung Quốc (tổng FSI 76,4 điểm, xếp thứ 83). Thái Lan có tổng FSI 79,1 điểm, xếp thứ 71. Lào có tổng FSI 84,5 điểm, xếp thứ 55. Philippines có tổng FSI 86,3 điểm, xếp thứ 48. Campuchia có tổng FSI 87,9 điểm, xếp thứ 41. Myanmar có tổng FSI 94,7 điểm, xếp thứ 27, tức là nước kém ổn định nhất trong các nước ASEAN. Lào, Philippines, Campuchia và Myanmar năm 2015 thuộc loại quốc gia thất bại.
Trong Báo cáo FSI 2015 đáng chú ý là, Nga có FSI 80,0 điểm, xếp thứ 65, đứng cận kề với loại quốc gia thất bại. Cuba có chỉ số FSI cải thiện nhanh nhất trong một khoảng thời gian ngắn, năm 2015 đã đứng ở vị trí 112, có FSI 67,4 (cải thiện về phía tích cực 3,4 điểm so với năm 2014, 10,4 điểm so với năm 2010), xếp thứ 112, được xếp vào loại “cảnh giác thấp”, đứng trước Việt Nam 15 bậc, đứng trước Nga 47 bậc. Thực ra, sự chênh lệch quá lớn này cũng lại là dấu hiệu làm hoài nghi độ tin cậy của các nghiên cứu về FSI của Quỹ Vì Hòa bình. Tuy nhiên trong khuôn khổ của các khảo sát định lượng được thế giới quan tâm này, đây là những con số có ý nghĩa tham khảo.
Năm 2016,trong số 38 nước thuộc loại “báo động” có 8 nước thuộc loại “báo động cực cao”: Somalia, South Sudan, Central African Republic, Sudan, Yemen, Syria, Chad và Congo (D.R.). Somalia cao nhất (114,5 điểm FSI, xếp thứ 1), rồi đến Nam Sudan (113,8), Trung Phi (112,1), Sudan (111,5). Quốc gia thành công nhất 2016 là Phần Lan (với tổng số điểm FSI là 18,8), rồi đến Na Uy (21,2), New Zealand (21,3), Đan Mạch (21,5). Cũng như năm 2015, trong 15 quốc gia “bền vững” 2016 có Australia, Canada và 13 quốc gia Châu Âu.
Singapore năm 2016 có tổng FSI 32,9 điểm, xếp thứ 161, có chỉ số FSI tích cực ở Châu Á, cao hơn Mỹ 2 bậc, hơn cả Nhật Bản (có tổng điểm FSI 35,1, xếp thứ 157) và Hàn Quốc (có tổng điểm FSI 36,1, xếp thứ 156). Brunei có tổng FSI 62,0 điểm, xếp thứ 123. Malaysia có tổng FSI 66,1 điểm, xếp thứ 115. Việt Nam có tổng FSI 70,7 điểm, xếp thứ 106 tăng 9 bậc so với năm 2015. Indonesia có tổng FSI 74,9 điểm, xếp thứ 86. Thái Lan có tổng FSI 78,8 điểm, thứ 74. Lào có tổng FSI 84,4 điểm, xếp thứ 55. Philippines có tổng FSI 84,7 điểm, xếp thứ 54, tăng 6 bậc về phía tích cực. Campuchia có tổng FSI 87,4 điểm, xếp thứ 46. Myanmar có tổng FSI 96,3 điểm, xếp thứ 26, vẫn là nước kém ổn định nhất trong các nước ASEAN dù có tăng 1 bậc về phía tích cực so với năm 2015.
Như vậy, Lào, Philippines, Campuchia và Myanmar vẫn thuộc loại quốc gia thất bại. Mặc dù tăng 9 bậc về phía tích cực so với năm 2015, nhưng Việt Nam năm 2016 vẫn là quốc gia thuộc loại “cảnh báo cao”, xếp trước Indonesia (tổng FSI 74,9 điểm, xếp thứ 86), đồng hạng với Trung Quốc (tổng FSI 74,9 điểm, xếp thứ 86).
3. Chỉ số thành bại của Việt Nam 2005-2016
Năm 2006, Việt Nam xếp thứ 70, có tổng FSI 78,6 điểm. Trong đó, áp lực gia tăng dân số là 7,0 điểm; tỵ nạn và nguy cơ nhân đạo là 6,5 điểm; nhóm thù địch xã hội là 5,3 điểm; tình trạng di dân là 7,0 điểm; chênh lệch phát triển vùng miền và các nhóm xã hội là 6,2 điểm; tình trạng nghèo và suy thoái kinh tế là 5,6 điểm; mức độ tham nhũng và tính chính đáng của nhà nước là 7,0 điểm; tình trạng dịch vụ công là 6,6 điểm; tình trạng quyền con người là 7,0 điểm; bộ máy an ninh 7,5 điểm; tình trạng bỏ nước đi ra nước ngoài là 7,0 điểm và tình trạng can thiệp từ bên ngoài là 5,9 điểm.
Năm 2006, các chỉ số mà Việt Nam còn ở mức cao là các chỉ số về áp lực gia tăng dân số (7,0 điểm), tình trạng di dân (7,0 điểm), mức độ tham nhũng (7,0 điểm), tình trạng quyền con người (7,0 điểm), bộ máy an ninh (7,5 điểm), tình trạng bỏ nước lưu đi ra nước ngoài (7,0 điểm).
Năm 2007, Việt Nam xếp thứ 78 với tổng FSI là 77,8 điểm. Trong đó, áp lực gia tăng dân số là 6,5 điểm; tỵ nạn và nguy cơ nhân đạo là 5,9 điểm; nhóm thù địch xã hội là 5,3 điểm; tình trạng di dân là 7,0 điểm; chênh lệch phát triển vùng miền và các nhóm xã hội là 6,2 điểm; tình trạng nghèo và suy thoái kinh tế là 6,2 điểm; mức độ tham nhũng và tính chính đáng của nhà nước là 7,0 điểm; tình trạng dịch vụ công là 6,5 điểm; tình trạng quyền con người là 6,9 điểm; bộ máy an ninh 7,4 điểm; tình trạng bỏ nước đi ra nước ngoài là 7,0 điểm và tình trạng can thiệp từ bên ngoài là 5,9 điểm.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về FSI, so với năm 2006, các chỉ số FSI của Việt Nam đã có tiến bộ. Bốn chỉ số vẫn còn ở mức cao là áp lực gia tăng dân số (7,0 điểm); mức độ tham nhũng (7,0 điểm); bộ máy an ninh (7,4 điểm); Tình trạng bỏ nước lưu đi ra nước ngoài (7,0 điểm). Hai chỉ số ra khỏi tình trạng báo động là “tình trạng quyền con người” và “áp lực gia tăng dân số”. Chúng tôi cho rằng, điều này phản ánh thực tế năm 2007 Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực so với trước đó.
Năm 2010 Việt Nam xếp thứ 95 (tức tăng 1 bậc về phía tích cực hơn so với năm 2009); thành công hơn so với Ấn Độ (xếp thứ 79), Thái Lan (xếp thứ 81), Indonesia (xếp thứ 61), Phillippines (xếp thứ 51), Campuchia (xếp thứ 40), Lào (40), Myanmar (xếp thứ 16); chỉ kém Malaysia (xếp thứ 110), Brunei (xếp thứ 117), Singapore (xếp thứ 160). Như vậy, tính từ khi công bố FSI năm 2005 đến năm 2010, Việt Nam là quốc gia thành công thứ 4 trong 10 quốc gia thuộc khối ASEAN. Mặc dầu vậy, với tổng số 76,6 điểm và xếp thứ 95 trên 177 nước, Việt Nam vẫn thuộc vào loại quốc gia “cảnh báo” có nguy cơ thất bại. Có hai chỉ tiêu cao từ 7,0 trở lên và tăng về phía tiêu cực, đó là chỉ tiêu tham nhũng (Thuộc tính chính đáng của nhà nước) với số điểm là 7,3 và chỉ tiêu về quyền con người cũng với số điểm là 7,3.
Tuy vậy khoảng cách giữa Việt Nam với Singapore, Brunei và Malaysia vẫn cách khá xa: cách Singapore 65 bậc (thua kém Singapore về độ thành công), cách Brunei 22 bậc, cách Malaysia 15 bậc, và cách Thái Lan 14 bậc. Vào thời điểm 2010, Việt Nam thành công hơn so với Trung Quốc (33 bậc), Indonesia (34 bậc), Philippines (44 bậc), Lào và Campuchia (55 bậc), và thành công hơn so với Myanmar (79 bậc).
Từ năm 2006 đến nay thứ hạng xếp loại FSI của Việt Nam luôn thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu vào năm 2006, thứ hạng của Việt Nam là 70/177 nước thì đến năm 2016 Việt Nam đã ở vị trí 106/177 nước, tiến về phía tích cực 36 bậc và còn cách xa nước thành công nhất là Phần Lan 71 bậc. Tuy nhiên, chỉ số FSI của Việt Nam thì chưa cải thiện nhiều, mới chỉ từ 78,6 điểm giảm xuống còn 70,7 điểm; nghĩa là, Việt Nam mới chỉ cải thiện được 8 điểm về phía tích cực, vẫn nằm trong số quốc gia thuộc loại “cảnh báo”. Sự thất bại của nhiều quốc gia trên thế giới đã làm thay đổi vị trí tương đối của Việt Nam. Việt Nam mới chỉ tiến về phía tiến bộ được 8 điểm, trong khi đó đã vượt lên trên vị trí của khoảng gần 30 nước. Dẫu sao đó cũng là thành tựu cực kỳ có ý nghĩa đối với Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2008-2011, tình trạng khủng bố và bất ổn xảy ra ở nhiều quốc gia, tình hình chính trị Biển Đông ngày càng căng thẳng…
Việt Nam qua 10 năm đã có chuyển biến tích cực đáng kể ở các chỉ số “áp lực dân số”, “tỵ nạn và nguy cơ nhân đạo”, “di dân”, “chênh lệch phát triển”, “dịch vụ công”, “bộ máy an ninh và cơ chế vận hành trong các cơ quan công quyền”. Các chỉ số này tuy không tiến bộ vượt bậc, nhưng thay đổi đều và luôn đi theo xu hướng tích cực. Sau 10 năm, chỉ số “áp lực dân số” giảm độ căng thẳng từ 7.0 xuống còn 5,8; chỉ số “tỵ nạn và nguy cơ nhân đạo” giảm từ 6,5 xuống 4,4; chỉ số “di dân” (tức là tình trạng bỏ nước đi ra nước ngoài) giảm từ 7,0 xuống 5,9; năm 2014 xuống thấp nhất với 5,5 điểm. Chỉ số “chênh lệc phát triển” giữa các vùng miền và giữa các tầng lớp cư dân tuy cũng không có đột biến nhưng giảm đều theo hướng tích cực từ 6,2 năm 2006 xuống còn 5,2 năm 2016. Chỉ số “dịch vụ công” qua 10 năm giảm từ 6,6 xuống còn 4,9 vào năm 2016 (mặc dù báo chí trong nước vẫn phàn nàn nhiều nhưng chỉ số FSI đo được đã phản ánh sự cải thiện trong khu vực này).
Một vài chỉ số của Việt Nam chưa có tiến bộ, đặc biệt là chỉ số “tính chính đáng của bộ máy nhà nước” (legitimacy of the state). Ở chỉ số này, thành phần đóng vai trò quyết định là các số liệu về tham nhũng, lãng phí. Chỉ số này liên tục tăng đều đặn qua các năm, năm 2012 chỉ số này là 7,5 và năm 2016 đã là 8,4. Đây là con số cao so với nhiều quốc gia. Năm 2016, chỉ số này của Triều Tiên và Syria có số điểm tuyệt đối 10/10. Những nước có chỉ số này rất cao (>9/10) là Afghanistan, Iraq, Trung Phi, Lào, Uzbekistan. Chỉ số này năm 2016 của Trung Quốc là 8,3, của Campuchia là 8,5, của Nga là 8,2, của Thái Lan là 7,7. Singapore là nước ít tham nhũng và có hệ thống công quyền tốt nhất Châu Á, nhưng vẫn có chỉ số 3,9, tiêu cực hơn so với hơn Hàn quốc (3,4), và kém hơn nhiều hơn nhiều so với Nhật (1,4), Anh (1,7), Na Uy (0,5), Phần Lan, nước thành công nhất thế giới năm 2016 có chỉ số 0,6.
Trong 10 năm qua, chỉ số “quyền con người” và “giới thượng lưu bỏ ra nước ngoài gồm cả tình trạng chảy máu chất xám” của Việt Nam cũng không giảm. Chỉ số “quyền con người” của Việt Nam năm 2007 là 7,0, năm 2013 là 7,5, năm 2016 là 7,5. Điều này thể hiện cách nhìn của phương Tây vào thực trạng quyền con người ở Việt Nam. Những cố gắng của Việt Nam trong lĩnh vực này hầu như không được các chuyên gia FSI ghi nhận, mặc dù trên thực tế nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra những đánh giá tích cực hơn về quyền con người ở Việt Nam [7], [10].
Về chỉ số “giới thượng lưu bỏ ra nước ngoài gồm cả tình trạng chảy máu chất xám”, theo các báo cáo của FSI, 10 năm qua chỉ số này ở Việt Nam vẫn khá tiêu cực. Mức biến động của chỉ số này qua các năm đều ở xấp xỉ ở 0,7/10 điểm. Đây là con số khá cao tương đương với Trung Quốc (Trung Quốc năm 2016: 7,2; năm 2012: 6,9; năm 2010: 6,9). Với chỉ số này, các nước có tình trạng người bỏ ra nước ngoài tiêu cực hơn cả Việt Nam là Nga (năm 2016: 8,1, năm 2012: 8,0, năm 2010: 7,6), Ucraina (năm 2016: 8,0, năm 2012: 8,0, năm 2010: 8,0), Thái Lan (năm 2016: 9,7, năm 2012: 8,8, năm 2010: 8,0), Campuchia (năm 2016: 8,3, năm 2012: 8,0, năm 2010: 7,7), Lào (năm 2016: 8,1, năm 2012: 8,6, năm 2010: 8,5).
4. Kết luận
Khát vọng phát triển dù cháy bỏng nhưng mới chỉ là nhân tố đầu tiên - nhân tố tinh thần, điều kiện cần để làm nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Sự thành công hay thất bại của các quốc gia, xưa nay luôn là kết quả của những quy luật thép của sự phát triển (thể chế chính trị và thể chế kinh tế dung hợp hay chiếm đoạt, tầm nhìn vĩ mô và các sách lược phát triển sáng suốt hay thiếu sáng suốt, khả năng huy động và giải phóng các nguồn lực hợp lý hay bất hợp lý, ý chí phát triển của lãnh đạo được lòng dân hay mất lòng dân, các chính sách phát triển giải quyết được hay làm nảy sinh thêm các vấn đề xã hội…).
Bài học kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, cho đến hôm nay đã được Việt Nam và thế giới đúc kết thành lý luận khá nhiều. Tuy thế, việc nắm được các quy luật và sử dụng được các bài học kinh nghiệm hóa ra không dễ. Vẫn có các quốc gia tiếp tục thất bại, mặc dù ý chí phát triển, trí tuệ chiến lược và các sách lược phát triển vẫn được đánh giá là thực tế và không kém phần sáng suốt.
Với Việt Nam, sự thành công 30 năm qua trong cải cách kinh tế, phát triển hạ tầng xã hội, ổn định chính trị vĩ mô… đã được chính D. Acemoglu và J. A. Robinson giải thích bằng nguyên nhân thể chế. Thể chế “dung hợp” ở Việt Nam đang hình thành và vẫn tiến triển theo chiều tích cực. Mặc dù dư luận và không ít ý kiến chủ quan hiện đang rất không thỏa mãn với thực trạng kinh tế - xã hội còn nhiều khiếm khuyết và bất ổn, nhưng theo Báo cáo FSI thì mức độ thành công của Việt Nam 10 năm qua không đến nỗi bi quan. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực ngày càng phức tạp, dù vẫn là quốc gia bị xếp loại “cảnh báo”, nhưng với tổng số điểm FSI 70,7 xếp hạng 106/178 quốc gia (FSI 2016), Việt Nam đã không rơi vào số 50 quốc gia thất bại, chứng tỏ được khả năng kiểm soát các nhân tố thành bại.
Cơ may trở thành “con hổ mới” vẫn chưa phải đã hết. Một số học giả quốc tế vẫn nhìn sự phát triển tiếp theo của Việt Nam với nhiều hy vọng.
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Daron Acemoglu và James A. Robinson (2013), Tại sao các quốc gia thất bại: nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
[3] Hồ Sĩ Quý (2017), Báo cáo Đề tài cấp Bộ: Đánh giá các quan điểm mới về sự thành bại của các quốc gia và phân tích chỉ số FSI (Fragile/Failed States Index), Hà Nội.
[4] UNU-WIDER (2017), Growth, Structural Transformation, and Rural Change in Viet Nam. A Rising dragon on the move, Pub UNU-WIDER, Finland.
[5] http://www.economist.com/news/finance-and-economics/21703376-having-attained-middle-income-status-vietnam-aims-higher-good-afternoon-vietnam
[6] http://www.state.gov/r/pa/prs/ps/2016/04/255802.htm
[7] http://towardstransparency.vn/corruption-perception-index-2
[8] http://matadornetwork.com/abroad/life-in-a-failed-state-a-response-to-foreign-policys- postcards-from-hell/June 25.
[9] http://www.transparency.org/cpi2010/results
[10] http://www.aafv.org/national-report-on-the-promotion