Nghiên cứu - Trao đổi » Chính trị

Minh triết phương Đông và triết học phương Tây – Một vài điểm tham chiếu

14:00 - 01/08/2018

Hai khái niệm “Đông”, “Tây” mới xuất hiện khoảng vài ba thế kỷ gần đây. “Đông” chỉ phương mặt trời mọc, chỉ các nước Châu Á, chỉ các nền văn minh trên lưu vực ba con sông, đó là sông Nin, sông Ganga (sông Hằng) và sông Hoàng Hà; còn phương Tây cũng không phải là tất cả các nước còn lại, mà chủ yếu chỉ các nước Tây Âu, như Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,... Minh triết phương Đông và triết học phương Tây do đặc thù của xã hội mỗi nơi qui định, nên khác nhau ở nhiều điểm. Đó là khác nhau ở: cách tiếp cận; tính chất, mục đích, đối tượng; phương pháp nhận thức; con đường đi đến chân lý, trí tuệ, tri thức; mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể; công cụ, phương tiện nhận thức; con đường phát triển; ngay phép biện chứng ở hai phương trời cũng khác nhau.

Hai khái niệm “Đông”, “Tây” mới xuất hiện khoảng vài ba thế kỷ gần đây. “Đông” chỉ phương mặt trời mọc, chỉ các nước Châu Á, chỉ các nền văn minh trên lưu vực ba con sông, đó là sông Nin, sông Ganga (sông Hằng) và sông Hoàng Hà. Như vậy, phương Đông, nói một cách giản lược nhưng căn bản, đó là Ai Cập (hiện nay chủ yếu là chỉ thế giới các nước Ả Rập), Ản Độ và Trung Hoa; còn phương Tây cũng không phải là tất cả các nước còn lại, mà chủ yếu chỉ các nước Tây Âu, như Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,... Qua đó ta thấy, hầu hết các tôn giáo đều xuất hiện ở phương Đông. Điều này C.Mác đã nhìn ra khi ông cho rằng, Ản Độ nói riêng và phương Đông nói chung là chiếc nôi của các tôn giáo nhân loại, còn lịch sử phương Đông có dạng (dưới hình thức) lịch sử của các tôn giáo.
 
Triết học, minh triết là tư tưởng nằm trong kiến trúc thượng tầng; chúng bị qui định bởi cơ sở hạ tầng, tồn tại xã hội. Vậy, cơ sở xã hội của phương Đông và phương Tây có điểm gì khác nhau? Điều này tôi đã trình bày trong một loạt các công trình, bài báo gần đây về cái gọi là phương thức sản xuất Châu Á. Chính vì khác nhau về cơ sở xã hội, nên phương thức tư duy, khái niệm ở hai phương trời cũng khác nhau. Chẳng hạn, phương Tây người ta chỉ có một từ “Triết học”; còn phương Đông trước kia lại hay dùng từ “Minh triết”, “Triết lý”. Như thế không có nghĩa là phương Tây không có minh triết, triết lý, còn phương Đông không có triết học. Chúng ta nhớ, thời cổ Hy Lạp - La Mã đã có từ “Philosophia”. “Philo” là yêu mến, còn “Sophia” là thông thái, minh triết. Platon (427-347 tr.CN) đã từng thú nhận: minh triết là lĩnh vực của các thần linh, con người không thể đạt tới được; con người cùng lắm chỉ bày tỏ lòng yêu mến đối với nó, tức cùng lắm chỉ đạt đến triết học. Như vậy, thời Platon, minh triết cao hơn triết học. Nhưng từ thời kỳ Phục Hưng cho đến thế kỷ XVII-XVIII, triết học phương Tây phát triển mạnh, trở thành môn chuyên sâu, từ đó hình thành giới triết gia chuyên nghiệp làm việc trong lĩnh vực triết học. Từ đó, nhiều nhà tư tưởng phương Tây, trong đó có Witghenstein, cho minh triết là tẻ nhạt, lẩn thẩn, tư duy của những người già nua, mặc dù Nitsơ đã tố cáo sự vờ vĩnh, khiêm nhường của triết học để che đậy những tham vọng của mình. Thực ra, theo tôi, triết học và minh triết là hai phương diện trí tuệ, hai phương thức tư duy của con người trên trái đất; chúng liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, có điều mỗi phương hơi nghiêng về một hướng. Sau đây ta thử làm phép so sánh, tham chiếu minh triết phương Đông và triết học phương Tây trên những nét đại thể, căn bản.
 
1. Về hướng tiếp cận của minh triết phương Đông và triết học phương Tây. Nếu như triết học phương Tây thường đi từ trừu tượng đến cụ thể; từ rộng đến hẹp, từ thế giới quan, vũ trụ quan đến nhân sinh quan; từ bản thể luận đến nhận thức luận, từ đó tạo nên một hệ thống tương đối hoàn chỉnh, chặt chẽ; thì minh triết phương Đông thường đi ngược lại, tức từ cụ thể đến trừu tượng, từ hẹp đến rộng, từ nhân sinh quan đến thế giới quan. Cụ thể, nếu như các nhà triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại thường đi tìm những yếu tố đầu tiên hình thành nên thế giới như nước, lửa, không khí, nguyên tử, thì ở phương Đông, hai nhà tư tưởng lớn, tiêu biểu là Khổng Tử và Đức Phật lại không làm như vậy. Đứng trước xã hội loạn lạc thời Xuân Thu, Khổng Tử đã đưa ra học thuyết chính danh, đường lối đức trị nhằm ổn định trật tự xã hội lúc bấy giờ. Bởi vậy, có người xếp học thuyết Khổng Tử vào học thuyết đạo đức, chính trị - xã hội, chứ không phải triết học, bởi lẽ nó hầu như không có phần hình nhi thượng, tức bản thể luận hay vũ trụ quan. Không phải ngẫu nhiên mà trong học thuyết Khổng Tử chữ “Nhân” đóng vai trò trụ cột, nền tảng. Đến Mạnh Tử thời Chiến Quốc, tình hình này hầu như vẫn chưa có gì thay đổi. Mãi đến thời Tống sau này, khiếm khuyết đó mới được bổ sung bằng cách lấy những yếu tố thế giới quan, vũ trụ quan của Phật và Lão trong học thuyết của mình.
 
Đức Phật cũng vậy. Đầu tiên, Ngài không phải đi xây dựng vũ trụ quan hay bản thể luận. Đối với Ngài, vấn đề cấp bách trước tiên là cứu khổ. Bởi vậy, trước hết Ngài đưa ra những phương pháp, biện pháp cụ thể để cứu khổ, chứ không phải là những vấn đề triết học siêu hình trừu tượng. Có một môn đồ đến hỏi Ngài về những vấn đề siêu hình trừu tượng, Ngài im lặng. Điều này cũng giống như người đi đường bị bắn bởi một mũi tên thuốc độc, vấn đề cấp bách là rút mũi tên thuốc độc ra để chữa vết thương, chứ không phải đứng đấy hỏi bản thể mũi tên là gì. Việc cứu khổ, cứu nạn đối với đức Phật cũng cấp bách như việc rút mũi tên thuốc độc đang cắm trên người ở đây vậy, chứ không phải đứng hỏi những vấn đề triết học siêu hình mà hết ngày này qua ngày khác, hết đời này qua đời khác cũng không giải quyết nổi. Như vậy, Đức Phật, ban đầu chủ yếu chỉ đưa ra học thuyết Tứ diệu đế, Bát chính đạo,... nhằm đưa con người thoát khổ. Hình nhi thượng của Phật giáo mãi sau này mới được đặt cơ sở bởi các luận sư như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân,...
 
Tóm lại, hai học thuyết tiêu biểu của phương Đông như Nho, Phật đều bắt đầu từ con người, nhân sinh quan rồi mới đến thế giới quan, từ quan niệm sống, cách sống, cách xử thế, đạo làm người, sau đó mới đi tìm cơ sở lý luận chứng minh cho những quan niệm đó (Nho giáo đi từ tu thân đến tề gia, rồi mới đến trị quốc, bình thiên hạ); ngược lại, do nhu cầu sản xuất, chinh phục, cải tạo giới tự nhiên, nhu cầu hướng ra thế giới bên ngoài, nên hình như triết học phương Tây bắt đầu từ thế giới quan rồi mới đến nhân sinh quan, từ học thuyết về thế giới, vũ trụ, sau đó cụ thể hóa vào xã hội, con người. Như vậy, nếu triết học phương Tây chủ yếu đi từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ rộng đến hẹp, từ chung đến riêng, từ trừu tượng đến cụ thể, thì minh triết phương Đông hầu như lại đi từ hẹp đến rộng, từ riêng đến chung, từ cụ thể đến trừu tượng. Từ rộng đến hẹp, từ lớn đến nhỏ thì cái hẹp, cái nhỏ có cơ sở vững chắc; trong khi đó, đi từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn thì trong cái lớn, cái rộng đó có những yếu tố phải suy luận, thiếu cơ sở chắc chắn. Điều này làm cho tính lôgíc chặt chẽ trong minh triết phương Đông không bằng triết học phương Tây. Dĩ nhiên, đây chỉ là hai khuynh hướng trội của hai nền triết học và suy cho cùng là do tồn tại xã hội ở hai phương trời qui định.
 
Ở phương Đông không có chế độ nô lệ đại qui mô điển hình như ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, chế độ nô lệ có manh nha từ nhà Ân (thế kỷ XIV tr. CN đến 1027 tr. CN). Đến thời Tây Chu (1027 tr. CN - 770 tr. CN), nhà nước mang tính chất nô lệ ra đời, nhưng chưa xuất hiện công cụ bằng sắt vì trong văn tự chưa thấy xuất hiện chữ “thiết”. Ở đây nhà nước chiếm hữu nô lệ không thật điển hình khi chưa xuất hiện công cụ bằng sắt. Điều này trái ngược với sự xuất hiện nhà nước ở Hy Lạp - La Mã. Ở Hy Lạp - La Mã, sự xuất hiện công cụ bằng sắt đã làm cho lực lượng sản xuất phát triển, từ đó chế độ thị tộc bộ lạc được thanh toán nhanh, quan hệ sản xuất mới ra đời và trên đó hình thành nhà nước. Nếu ở Hy Lạp - La Mã, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, thì ở phương Đông, kiến trúc thượng tầng lại ra đời trước và thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Phải chăng, đó là hai vòng khâu của một cái chỉnh thể. Điều này còn được minh chứng bằng những phân tích của Hồ Chí Minh cho rằng, ở phương Đông, cấu trúc kinh tế không giống các xã hội phương Tây, còn đấu tranh giai cấp không quyết liệt như ở phương Tây. Từ đó phần nào lý giải về mặt triết học, phương Tây thường đi từ thế giới quan đến nhân sinh quan, còn phương Đông thì ngược lại. Chính điều kiện xã hội này nó qui định hướng tiếp cận của minh triết phương Đông và triết học phương Tây.
 
2. Về tính chất của minh triết phương Đông và triết học phương Tây. Nếu như triết học phương Đông thường gắn liền với tôn giáo như triết học Ản Độ, với đạo đức, chính trị, xã hội như triết học Trung Quốc, nhà triết học được gọi là người hiền, hiền triết, minh triết thì triết học phương Tây thường gắn liền với những thành tựu của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, nhà triết học thường là nhà khoa học, nhà bác học. Như vậy, nếu như phương Đông gắn liền với uyên bác, thì phương Tây gắn liền với bác học. Điều này càng nói lên sự khác nhau giữa hai cách thức, phương thức tư duy của nhân loại.
 
3. Về mục đích của triết học. Mục đích của triết học phương Đông là nhằm ổn định trật tự xã hội (ở triết học Trung Quốc mà tiêu biểu là Nho, mục đích đó là giải thoát (siêu thoát), ở triết học Ấn Độ mà tiêu biểu là Phật, mục đích đó là hòa đồng với thiên nhiên). Với mục đích là giải thoát thì triết học chỉ là phương tiện. Nếu cái đích là mặt Trăng thì giáo lý của nhà Phật chỉ là ngón tay chỉ mặt Trăng. Nếu cái đích là bờ bên kia sông (đáo bỉ ngạn) thì giáo lý nhà Phật chỉ là con thuyền. Và khi đã đạt được mục đích, khi đã giải thoát, khi đã sang sông thì không cần phương tiện nữa, nghĩa là không cần đến con thuyền triết học. Trong khi đó mục đích của triết học phương Tây lại khác, dường như nó hơi nghiêng về hướng ngoại, về giải thích, cải tạo thế giới (chế thiên).
 
Với tính chất và mục đích như vậy, đạo học phương Đông càng phát triển thì hình như đời sống đạo đức, tinh thần, sự uyên bác càng cao; còn triết học phương Tây càng phát triển thì kiến thức ngày càng nhiều, hiểu biết của con người ngày càng sâu sắc.
 
4. Về đối tượng của triết học phương Đông và triết học phương Tây. Đối tượng của triết học phương Đông chủ yếu là xã hội, cá nhân con người, cái tâm, và nhìn chung nó lấy con người làm gốc. Điều đó qui định tri thức của triết học phương Đông chủ yếu là tri thức về xã hội, chính trị, đạo đức, tâm linh và nhìn chung nó hơi nghiêng về hướng nội. Trong khi đó, đối tượng của triết học phương Tây rất rộng, nó bao gồm toàn bộ mọi lĩnh vực như tự nhiên, xã hội, tư duy, đặc biệt triết học của thế giới Anh ngữ, chủ yếu nó lấy tự nhiên làm gốc, làm cơ sở. Chính vì đối tượng rộng như vậy, nên phạm vi tri thức cũng rất rộng, bao gồm mọi lĩnh vực. Như vậy, một bên lấy con người làm cơ sở, một bên lại lấy tự nhiên làm cơ sở. Đây quả là hai phương thức tư duy ở hai phương trời. Chính vì lấy tự nhiên làm gốc, nên triết học của thế giới Anh ngữ hơi ngả sang hướng ngoại, lấy bên ngoài giải thích bên trong. Điều đó qui định tính chất của triết học này là hơi ngả về duy vật. Như vậy, nếu triết học phương Tây hơi nghiêng về hướng ngoại, đặc biệt là triết học của thế giới Anh ngữ, thì triết học phương Đông lại hơi ngả về hướng nội. Điều này còn được lý giải bởi việc minh triết phương Đông đề cao quan điểm vạn vật đồng nhất thể, nghĩa là trong con người có bản thể vũ trụ, chỉ cần đi vào bên trong con người là có thể hiểu biết toàn bộ vũ trụ. Nếu triết học phương Tây, đặc biệt là triết học của thế giới Anh ngữ, lấy ngoài giải thích trong thì minh triết phương Đông lại lấy trong giải thích ngoài (theo kiểu của cụ Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”). Nếu triết học phương Tây, đặc biệt là triết học của thế giới Anh ngữ, hơi ngả về duy vật, thì minh triết phương Đông hơi ngả về duy tâm. Điều này cũng phần nào lý giải tại sao phương Tây lại phát triển hơn phương Đông, đặc biệt về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ. Ở Ân Độ cổ đại, có chín trường phái thì tám trường phái ngả về duy tâm, chỉ còn lại một trường phái duy vật (Lokayata hay một cái tên khác khá tục tĩu, mỉa mai Charvaka- những kẻ tham ăn tục uống). Tôi nói hơi ngả về hướng nội, duy tâm, điều đó không có nghĩa là triết học phương Đông không có hướng ngoại, không có duy vật, mà ở đây chỉ muốn nói khuynh hướng hướng nội, duy tâm là khuynh hướng hơi nổi trội trong triết học phương Đông. Còn triết học phương Tây, đặc biệt là triết học trong thế giới Anh ngữ, thì ngược lại. Triết học phương Tây có khởi nguồn từ triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại, mà trong bảy trường phái triết học thời Hy Lạp, La Mã cổ đại thì có đến năm trường phái ít nhiều ngả về duy vật, chỉ có hai trường phái ngả sang duy tâm (Pitago và Platon ).
 
5. Về phương tiện, phương pháp nhận thức của minh triết phương Đông và triết học phương Tây. Nếu triết học phương Tây (đặc biệt là triết học Tây Âu thế kỷ XVII-XVIII) hơi ngả về tư duy duy lý, phân tích mổ xẻ, thì minh triết phương Đông lại hơi ngả về trực quan, trực giác. Vậy điểm mạnh yếu của những phương pháp này ra sao? Cái mạnh của phương pháp thứ nhất là làm cho khoa học, kỹ thuật phát triển và kéo theo công nghiệp, công nghệ cũng phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phương Tây hoặc phương Tây hóa có nền khoa học công nghệ đứng đầu thế giới. Nhưng đứng ở góc độ triết học, phương pháp này có mặt yếu của nó. Như chúng ta đã biết, mỗi sự vật hiện tượng đều có vô vàn mối liên hệ, thuộc tính, bản chất ở những cấp độ khác nhau, bởi vậy, không bao giờ có thể nhận thức được đến bản chất cuối cùng. Càng đi sâu vào sự vật và hiện tượng, ta càng cảm thấy mênh mông vô hạn; càng học nhiều, hiểu nhiều, ta càng cảm thấy dốt, càng cảm thấy mình trở nên bé bỏng trong cái vũ trụ bao la, vô biên này; càng cảm thấy cái mà ta biết so với cái mà ta chưa biết thật chẳng đáng là bao, chỉ như là một nhúm lá ở trên tay so với lá bạt ngàn ở trong khu rừng. Không phải ngẫu nhiên mà đến cuối đời, Niutơn lại đi đọc Kinh Thánh, còn Anhxtanh cuối đời lại rất có cảm tình với đạo Phật. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải nhận thức giới tự nhiên để phục vụ cuộc sống của mình. Về nhận thức, theo V.I.Lênin, con người không thể nắm bắt giới tự nhiên một cách đầy đủ như là chỉnh thể, trong tính “chỉnh thể trực tiếp” của giới tự nhiên; tất cả cái con người có thể làm được, là đi gần mãi đến đó bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những qui luật, một bức tranh khoa học về vũ trụ. Như vậy, để đi đến chân lý tối hậu, bản chất cuối cùng, chúng ta cần phải đi từ bản chất cấp một đến bản chất cấp hai, cấp ba,... Quá trình này là vô hạn. Trong khi đó cuộc đời con người là có hạn. Cái có hạn lại muốn vươn tới cái vô hạn, cái tuyệt đối cuối cùng. Đó chính là mâu thuẫn, bi kịch của con người. Mặt khác, mọi cái đều vận động biến đổi không ngừng. V.I.Lênin cho rằng, chúng ta không thể biểu hiện, thể hiện, đo lường, hình dung sự vận động mà không cắt đứt tính liên tục của nó, không đơn giản hóa, không làm thô lỗ, không tách rời, không giết chết cái gì đang sống; tư duy hình dung sự vận động bao giờ cũng làm thô lỗ, chết cứng. Để minh họa, chúng ta thử hình dung trên thế giới này có duy nhất một quả cam mà không một ai biết đến. Vậy làm thế nào để hiểu được quả cam này? Phương pháp, cách làm của phương Tây trước kia là bổ quả cam ra để sờ, nắn, nếm, ngửi,... từ đó hiểu được nó. Sau đó họ lại tiến hành ghép quả cam lại. Nhưng xin thưa rằng, quả cam bây giờ đã là quả cam chết. Như vậy, để hiểu quả cam, người ta đã giết chết quả cam, để hiểu cuộc sống, người ta đã làm thui chột cuộc sống, làm đơn giản hoá, thô thiển hoá, cô lập hoá nó, giết chết cái gì sống động. Theo nghĩa này, có thể nói rằng, phân tích làm mất đi hương thơm của cuộc sống. Để tránh ngõ cụt này, ngay từ thời xa xưa minh triết phương Đông đã đưa ra phương pháp trực giác. Theo tiếng Hán, “trực” là thẳng, “giác” là hiểu biết. Trực giác nghĩa là hiểu biết thẳng vào bản chất sâu thẳm của sự vật, hiện tượng. Mức độ thấp của trực giác gần với giác quan thứ sáu. Chúng ta lần đầu tiên gặp một người nào đó, chúng ta thường có những linh tính, linh cảm nào đó. Nhiều mối tình bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên. Nam Cao - nhà văn lớn của Việt Nam - lần đầu tiên gặp một người mà ông cảm thấy cái mặt này không thể chơi được, thế là về nhà ông ta viết một truyện ngắn nổi tiếng Cái mặt ấy không thể chơi được. Câu truyện này hầu như ai cũng biết. Như vậy, trực giác đạt đến cái mà tư duy duy lý, phân tích mổ xẻ không bao giờ đạt đến. Nó là phương thức phù hợp với đối tượng vận động. Hầu hết các nhà khoa học, nghệ sĩ, những nhà sáng chế, phát minh trước khi đi đến được những thành tựu lớn lao ban đầu họ thường có linh cảm, trực giác nào đó. Trực giác gần giống tia chớp; nó ở dưới dạng mầm mống, phôi thai, nhưng vô cùng quan trọng; thiếu nó hầu như sẽ không có bất cứ một phát minh vĩ đại nào. Tôn giáo cho rằng, bằng trực giác con người có thể đi đến cái tuyệt đối. Nhưng phát hiện ra cái gọi là tuyệt đối như các tôn giáo để không thể áp dụng vào thế giới tương đối thì phát hiện ra để làm gì? Làm một cây cao cô đơn suốt đời chịu phong ba bão tố để làm gì? Thà làm cây cỏ thấp lè tè vui vẻ với đồng loại, rì rào với nắng gió. Nhưng thế giới là một cánh rừng, có cây cỏ dại thấp lè tè thì phải có cây cổ thụ cao ngút ngàn. Nếu thiếu cây cổ thụ thì đâu gọi là cánh rừng. Nhưng chính mặt mạnh này của trực giác cũng chính là mặt yếu của nó, bởi lẽ nó không tạo bước phát triển cho kỹ thuật, công nghệ. Chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII-XVIII đã làm cho phương Tây có những bước nhảy vọt vĩ đại với những phát minh vạch thời đại. Trong khi đó, những con sư tử phương Đông vẫn còn ngủ say sưa im lìm để đến nỗi sau này trở thành thuộc địa của hết nước này đến nước khác. Mặt khác, không phải ai cũng có khả năng trực giác và không phải bất kỳ trực giác nào cũng đúng. Thực ra hai phương pháp trội ở hai phương trời này có liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, chúng bổ sung cho nhau. Nếu không có phân tích mổ xẻ, thì không thể hiểu sự vật hiện tượng được. Nhưng nếu chúng ta cho nó là tuyệt đối duy nhất thì lại sai lầm. Phản ánh, mô tả thế giới có nhiều cách, nhiều con đường khác nhau, chẳng hạn như bằng âm thanh (âm nhạc), bằng màu sắc (hội họa), bằng cử chỉ, dáng điệu (múa, kịch câm), bằng khái niệm (khoa học), bằng công thức (toán học), bằng hình ảnh (văn thơ),... Đối với nhiều lĩnh vực, phương pháp phân tích tỏ ra rất yếu ớt, hạn chế, trong khi đó phương pháp trực giác lại tỏ ra khá thích hợp. Bởi vậy, tuỳ từng lĩnh vực, đối tượng mà phương pháp nào là nổi trội, nhưng cũng không loại trừ hoàn toàn các phương pháp khác.
 
Ngay con đường đi đến chân lý, trí tuệ, tri thức ở mỗi phương trời cũng khác nhau. Nếu phương Tây nghiêng về học tập, tích luỹ, chứa chấp kiến thức, tích luỹ dần về lượng và đến một lúc nào đó có sự nhảy vọt, đột biến về chất, thì minh triết phương Đông lại đi theo con đường đạo đức, nghĩa là muốn có trí tuệ phải tập trung cả thân lẫn tâm, cái mà Phật giáo gọi là Thiền. Muốn Thiền thì tâm phải trong sạch, tức phải tu dưỡng đạo đức (giữ giới). Ở đây hiểu biết không tách rời khỏi đạo đức. Như vậy, để đi đến trí tuệ, triết học phương Tây ngả về tri, học tập, tích luỹ kiến thức; còn minh triết phương Đông lại ngả về hành, tu dưỡng đạo đức, gột sạch thân tâm. Nếu như con đường nhận thức của phương Đông đi từ giới đến định, rồi đến tuệ (trong Phật giáo), từ cách vật, trí tri, đến thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (trong Nho giáo), thì con đường nhận thức trong triết học phương Tây thường đi từ đơn giản đến phức tạp, từ hiện tượng đến bản chất, từ cảm tính đến lý tính, từ bản chất cấp một đến bản chất cấp hai, ba, ... Theo chúng tôi đó là điểm khác nhau khá lý thú giữa hai nền triết học mà chúng ta cần đi sâu tìm hiểu.
 
Một điểm khác nhau có tính phương pháp luận giữa minh triết phương Đông và triết học phương Tây là ở chỗ, triết học phương Tây tách rời chủ thể và khách thể, chủ quan và khách quan, người nhận thức và đối tượng nhận thức; trong khi đó, minh triết phương Đông lại cho rằng, muốn hiểu đối tượng, thì phải hòa vào đối tượng. Trong không gian hai chiều thì qua hai điểm ta chỉ có thể kẻ được một và chỉ một đường thẳng mà thôi, nhưng trong không gian ba chiều lại không phải như vậy. Trong hệ cơ số 2 thì 1+1=10, nhưng trong hệ cơ số 10 thì 1+1=2. Như vậy, muốn hiểu nhau, muốn nói chuyện, tranh luận được với nhau cần phải dựa trên cùng một cơ sở, cùng một hệ qui chiếu. Xa hơn nữa, Liệt Tử còn cho rằng, hòa đồng với vạn vật thì vạn vật không hại được ta. Trang Tử hòa vào vật đến mức mơ hóa bướm (tỉnh dậy ông tự hỏi: mình mộng hóa bướm hay bướm mộng hóa mình). Minh triết phương Đông cho rằng, hiểu cái hiểu của người khác không phải là thực hiểu, không phải là chân hiểu. Điều này cũng giống như ăn cái ăn của người khác (ăn như thế thì không bao giờ no), yêu cái yêu của người khác (đó không phải là thực yêu).
 
Nếu như công cụ, phương tiện nhận thức của triết học phương Tây là khái niệm, thì công cụ, phương tiện nhận thức của minh triết phương Đông lại là những ẩn dụ, liên tưởng, hình ảnh, ngụ ngôn,... Với công cụ là khái niệm, việc phân tích, mô tả đối tượng trở nên rõ ràng hơn. Nhưng nếu quá câu chấp vào khái niệm, thì e rằng ta không phân tích trực tiếp thẳng vào đối tượng, mà chỉ trên cái bóng, cái lưới giả khái niệm trùm lên đối tượng.
 
Ở đây bất chợt làm ta nhớ đến câu của Khổng Tử cho rằng, kẻ trí thích nước, kẻ nhân thích núi; kẻ trí động, kẻ nhân tĩnh; kẻ trí vui vẻ, kẻ nhân sống lâu. Triết học phương Tây nghiêng về kẻ trí, trong khi đó minh triết phương Đông ngả về kẻ nhân.
 
6. Về sự phát triển của minh triết phương Đông và triết học phương Tây. Trong hai yếu tố, tuần tự thay đổi về lượng và nhảy vọt thay đổi về chất, thì triết học phương Tây hơi nghiêng về cái thứ hai, thậm trí giai đoạn sau phủ định hoàn toàn giai đoạn trước; còn minh triết phương Đông lại ngả về cái thứ nhất, tức những nguyên lý nền tảng đã được đặt ra từ thời cổ xưa, về sau chỉ là phát triển, bổ sung, hoàn thiện. Theo nghĩa đó, có thể nói triết học phương Tây ngày càng đi xa gốc, ngày càng phong phú; còn minh triết phương Đông như một dòng sông cứ trôi đi, đổi mới và không rời khỏi nguồn gốc với phương châm giữ lấy gốc, giữ lấy mẹ để trưởng thành trong lòng mẹ. Theo nghĩa này, Huxley gọi minh triết phương Đông là triết lý vĩnh cửu.
 
7. Về phép biện chứng trong minh triết phương Đông và trong triết học phương Tây. Tư duy phương Đông và tư duy phương Tây đều khẳng định rằng, chân lý chỉ có một, còn sai lầm thì phong phú vô cùng. Nhưng phép biện chứng trong triết học phương Tây và trong minh triết phương Đông cũng có điểm khác nhau ở chỗ, nếu như cái thứ nhất nghiêng về động, đấu tranh, thì cái thứ hai ngả về tĩnh, thống nhất, cân bằng; nếu như cái thứ nhất nghiêng về vận động phát triển theo hướng đi lên, thì cái thứ hai ngả về vận động vòng tròn, tuần hoàn. Điều này cũng phần nào lý giải quan điểm của Hồ Chí Minh cho rằng, đấu tranh giai cấp ở phương Đông không quyết liệt như ở phương Tây.
 
Triết học nghiêng về biết, tri, phân tích, chủ biệt, hữu vi, tìm và phát hiện chân lý, thích nói, hay nói, lắm lời, hướng ngoại; trong khi đó, minh triết ngả về đạo, ngộ, ít nói, im lặng, tổng thể, tổng hợp, điều hòa, nhạy cảm, chủ toàn, hướng nội, vô vi.
 
Ngày nay, một số học giả cho rằng, khuynh hướng trội của phương Tây là hướng ngoại, chủ động, tư duy lý luận, đấu tranh sống còn, hiếu chiến, cá thể, phân tích, tri thức suy luận, khoa học, cạnh tranh, bành trướng, tư duy cơ giới, chú ý nhiều đến thực thể,...; còn khuynh hướng trội của phương Đông là hướng nội, bị động, trực giác huyền bí, hòa hợp, quân bình, thống nhất, tâm lý, tâm linh, tập thể, tổng hợp, minh triết, trực giác, tôn giáo, hợp tác, giữ gìn, tư duy hữu cơ, chú ý nhiều tới quan hệ,... Thiết nghĩ đây là một vấn đề lớn, mà ở đây bước đầu chúng tôi mới chỉ phác họa một vài nét cơ bản trong sự khác biệt giữa minh triết phương Đông và triết học phương Tây.
 
Tài liệu tham khảo
  1. Francois Jullien (2004), Minh triết phương Đông và triết học phương Tây, Nxb Đà Nẵng.
  2. Nguyễn Hùng Hậu (2004), Triết lý trong văn hóa phương Đông, Nxb Đại học Sư phạm.
  3. N.Konrat (1997), Phương Đông và phương Tây, Nxb Giáo dục.
  4. Cao Xuân Huy (1995), Tư tưởng phương Đông. Gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học.
  5. Văn Tạo (1996), Phương thức sản xuất Châu Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. Trần Đình Hượu (2001), Các bài giảng về tư tưởng phương Đông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Phạm Minh Lăng (2003), Những chủ đề của triết học phương Tây, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  8. M.T. Stepaniants (2003), Triết học phương Đông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 4 - 2014)
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu
 
Tags: Triết học minh triết phương Đông phương Tây Tác giả: GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu Nguyễn Hùng Hậu khoa học xã hội Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục