1. Mở đầu
Tư tưởng làng xã (hay tư duy làng xã) là một hiện tượng tinh thần, một kiểu tư duy, một nếp nghĩ phổ biến của cư dân làng xã đã tồn tại và chi phối đời sống nông thôn Việt Nam từ cả ngàn năm nay, nhưng gần đây mới được giới nghiên cứu chú ý, khi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa được đẩy mạnh, phát triển nhanh chóng và vấp phải nhiều vấn đề nảy sinh từ lối tư duy này. Nhiều hạn chế trong lối sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử, tác phong làm việc, cách thức quản lý, v.v. của con người Việt Nam có nguyên nhân ở những hạn chế trong tư tưởng làng xã. Nhưng tư tưởng làng xã là gì? Nó xuất hiện từ bao giờ? Nó có những đặc điểm và nội dung thế nào?... Những vấn đề này chưa được ai giải thích rõ. Bài viết nhằm đưa ra một quan niệm về tư tưởng làng xã với những nội dung cụ thể và đặc trưng của loại hình tư tưởng này trong đời sống tư tưởng của xã hội Việt Nam, từ đó gợi ý cho việc nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng làng xã nhằm nhận thức rõ những khó khăn trên phương diện tư tưởng, văn hóa mà quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đang phải đối diện hiện nay.
2. Thuật ngữ tư tưởng làng xã
Từ trước đến nay, chúng ta chưa có một định nghĩa rõ ràng, đầy đủ về tư tưởng làng xã. Ngay việc xác định thuật ngữ “tư tưởng làng xã” như một khái niệm học thuật cũng chưa có mấy người quan tâm. Trong nghiên cứu tư tưởng Việt Nam từ trước đến nay, giới nghiên cứu chưa chú trọng tới mảng tư tưởng dân gian, tư tưởng không chính thống mà chỉ quan tâm chủ yếu tới tư tưởng chính thống, mang tính ý thức hệ của cả dân tộc(1). Chúng ta thường nói tới tư tưởng dân gian như là một loại hình tư tưởng phổ biến của nhân dân, của tầng lớp bị trị, có tính đối lập với tư tưởng của giai cấp thống trị và không mang tính chính thống. Trong khi đó, trên thực tế, tư tưởng phổ biến của đại chúng nhân dân chính là mạch nguồn bản sắc tư tưởng, văn hóa của dân tộc, có ảnh hưởng dài lâu và bền vững trong nhân dân. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự trở thành mối quan tâm của giới nghiên cứu những năm gần đây khi vấn đề văn hóa và phát triển; vấn đề phát triển nguồn nhân lực được đặt ra với một đất nước nông nghiệp lạc hậu và nông dân chiếm gần 70% dân số(2) như Việt Nam.
Ở đây, chúng tôi xem xét “tư tưởng làng xã” như một khái niệm học thuật trong nghiên cứu tư tưởng Việt Nam (trong đó chú ý đến phương diện biểu hiện đặc thù của nó, tính chất chính thống trong phạm vi hình thành, vận động và ảnh hưởng xác định của nó so với tư tưởng dân gian có tính phổ quát và không được coi là chính thống).
Tư tưởng làng xã thuộc văn hóa làng xã. Văn hóa làng xã là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một cộng đồng người dân sống trong một không gian địa lý làng xã xác định, ổn định, làm nên một xã hội chứa đựng cả văn học, nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Từ đó, có thể hiểu tư tưởng làng xã là kết quả của lối suy nghĩ, lối tư duy đặc trưng của cộng đồng dân cư sống trong khuôn khổ một môi trường văn hóa, xã hội và không gian địa lý làng xã cụ thể.
Xét trên phương diện phạm vi biểu hiện, tư tưởng làng xã là ý thức xã hội của một cộng đồng dân cư cùng chung sống và chia sẻ những điều kiện sinh hoạt, phương thức chung sống, phương thức sản xuất, niềm tin, hệ giá trị, truyền thống trong một môi trường địa vực nhất định.(2)
Trong môi trường địa lý và văn hóa đó, cộng đồng dân cư làng xã gồm bốn nhóm người (giai tầng) chủ yếu là sĩ, nông, công, thương. Bốn nhóm người này lại được phân chia theo địa vị ngôi thứ trong thang bậc xã hội của làng xã, thứ bậc về huyết thống và tuổi tác. Sự phân chia ngôi thứ, tầng lớp, vị trí xã hội trong làng xã là một hệ thống vô cùng phức tạp, tồn tại lâu đời và trở thành mặc định trong nếp nghĩ của dân làng. Có vô số những quy định để duy trì trật tự đẳng cấp này được hợp thức hóa thành điều khoản trong hương ước và cũng có không ít các quy định khác để người dân có thể thay đổi thân phận của mình trong trật tự làng xã, dù rằng rất khó đáp ứng các quy định này. Như vậy, tư tưởng làng xã là tổng hợp tư tưởng của các nhóm, các đẳng cấp dân cư cùng chung sống trong một làng, xã. Sự tổng hợp này không phải là phép tính cơ học tổng số tư tưởng của các nhóm dân cư cộng lại, mà là sự tổng hòa, là sự đồng thuận, là những tư tưởng chung được chấp nhận và phổ biến của tất cả các nhóm cư dân trong làng xã. Chính vì vậy, mặc dù phạm vi tư tưởng làng xã giới hạn trong cộng đồng cư dân của mỗi làng, nhưng tư tưởng làng xã vẫn có những nét chung cho tất cả các làng xã. Đồng thời, khi tìm hiểu tư tưởng của một đơn vị hành chính làng xã nhất định, chúng ta vẫn thấy những nét riêng, đặc thù, được quy định do tính đặc thù về môi trường địa vực và văn hóa của mỗi làng xã.
3. Tư tưởng làng xã với văn hóa làng xã
Tư tưởng làng xã là sự phản ánh trên phương diện tư tưởng toàn bộ đời sống của cộng đồng cư dân nông thôn cùng chung sống trong một đơn vị hành chính làng xã nhất định. Làng xã là một hình thức tổ chức xã hội phổ biến của nông dân Việt Nam. Làng xã Việt Nam, đặc biệt là làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ, được coi là sự phát triển kéo dài của hình thức tổ chức xã hội công xã nông thôn, có tính đặc thù về mặt tổ chức xã hội, văn hóa, có sức sống mãnh liệt và ảnh hưởng mạnh mẽ trong lịch sử và hiện tại.
Làng xã Việt Nam là khuôn khổ vật chất của văn hóa làng xã, được hình thành từ rất lâu đời. Văn hóa làng xã và làng xã về mặt địa giới là hai phương diện vật chất và tinh thần của một thực thể làng. Mỗi làng quê Việt Nam đều có định dạng về mặt vật thể như địa vực, các kết cấu tiêu biểu, dân cư, cách thức sinh sống và tổ chức quản lý làng... Trên cơ sở những thiết chế vật chất làng xã cơ bản như vậy, một khuôn khổ văn hóa làng xã được hình thành với những nét đặc trưng cơ bản về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, về hệ giá trị, về lối sống và phương thức sống chung, về sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật...
Trong lịch sử, văn hóa làng xã có vai trò thanh lọc những giá trị ngoại lai, bảo vệ, duy trì các giá trị thuần phong mỹ tục. Tính ổn định của khuôn khổ văn hóa làng xã được củng cố nhờ sự duy trì lâu dài phương thức sản xuất tiểu nông, tiểu thủ công, nhờ sự tự nguyện tuân thủ các phép tắc, luật lệ riêng của từng làng xã được quy định trong hương ước và nhờ sự tồn tại, củng cố lâu dài cơ cấu tổ chức quản lý tự trị làng xã. Thừa nhận làng xã như những pháo đài kiên cố bảo vệ sự trường tồn của văn hóa làng xã chống lại tất cả những nỗ lực đồng hóa văn hóa của kẻ thống trị ngoại bang trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, các nhà nghiên cứu văn hóa đã xác quyết vai trò hạt nhân của văn hóa làng làm nên bản sắc của văn hóa Việt Nam.
Văn hóa làng xã là tổng thể các hoạt động vật chất và tinh thần của cộng đồng người dân cùng cư trú trong một phạm vi địa giới, môi trường phân biệt với cộng đồng làng xã khác. Trong phạm vi đó, người dân cùng chia sẻ những hoạt động vật chất và tinh thần chung (như lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ cuộc sống gia đình và cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn nghệ, giải trí...) theo những cách thức, luật lệ nhất định.
Cùng với lịch sử hình thành và phát triển của mỗi làng xã, đời sống văn hóa, tinh thần của làng xã đã được định hình theo một khuôn khổ nhất định, trong đó, mỗi người dân làng cùng chia sẻ sự cộng cảm về các giá trị chân, thiện, mỹ đã được hình thành, được thừa nhận và được tuân thủ theo thời gian.
Trong không gian văn hóa làng xã, mỗi cá nhân từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành và trở về với tổ tiên đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị được quy định từ trước của cộng đồng. Những chuẩn mực giá trị quy định hành vi, lối sống đó của người dân được hình thành, thừa nhận và tuân thủ trong làng xã từ đời này qua đời khác đã trở thành khuôn khổ cho lối suy nghĩ, tư duy của dân làng. Tư tưởng làng xã là yếu tố hạt nhân, bên trong, xuyên suốt của đời sống văn hóa làng xã được hình thành trên nền tảng của phương thức sinh sống của cư dân nông nghiệp tự cấp tự túc, trong một phạm vi tương đối khép kín của mỗi thực thể làng xã.
Khi con người sinh ra và trưởng thành trong một môi trường làng xã khép kín với những quy chuẩn về phong tục, tập quán đã được luật lệ hóa trong hương ước, khoán lệ ràng buộc hành vi của dân làng, thì đời sống tư tưởng của họ cũng khó có thể vượt qua được những khuôn mẫu sẵn có. Và từ đời này, sang đời khác, các giá trị văn hóa, được lặp lại trong môi trường hầu như không biến đổi đã trở thành nguồn gen văn hóa của làng xã, mà không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi.
Tóm lại: Tư tưởng làng xã là cốt lõi của văn hóa làng xã, là một loại hình tư tưởng phổ biến chi phối lâu dài đời sống tinh thần của nông dân ở nông thôn Việt Nam.
4. Quan hệ của tư tưởng làng xã và tư tưởng quan phươngT
ư tưởng làng xã còn được xác định thông qua sự đối chiếu, so sánh với tư tưởng quan phương. Một cách khái quát, tư tưởng làng xã là hệ tư tưởng chính thống của một làng xã, có phạm vi ảnh hưởng trong một làng xã nhất định, có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa và có nội dung phản ánh mọi hoạt động đời sống xã hội của một làng xã.
Với sự tồn tại của hệ thống làng xã Việt Nam, mà cụ thể và điển hình nhất là làng xã đồng bằng Bắc Bộ bao gồm hàng ngàn đơn vị, thì theo định nghĩa đã nêu và về nguyên tắc cũng sẽ tồn tại khoảng hàng ngàn hệ tư tưởng làng xã khác nhau. Tuy nhiên, khảo cứu hơn 9000 bản hương ước còn được lưu giữ trong thư viện của Viện Thông tin Khoa học xã hội, chúng tôi thấy, bên cạnh một số đặc điểm riêng về địa vực, dân cư, tôn giáo tín ngưỡng thì đời sống các làng xã đồng bằng Bắc Bộ đều có những đặc điểm chung quan trọng, có tính chất chi phối các đặc điểm khác, đó là cùng chung phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, cùng chung chế độ công điền, cùng chung những điều kiện thiên nhiên, môi trường, chế độ xã hội, v.v.. Do đó, tư tưởng làng xã vẫn có những nội dung, đặc điểm, tính chất phổ biến chung cho mọi làng xã đồng bằng Bắc Bộ.
Mặc dù có tính độc lập, tự trị tương đối nhưng làng xã vẫn là một đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Làng xã chịu sự chi phối chung của nhà nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, tinh thần. Theo quy luật phát triển văn hóa trong một nền văn hóa dân tộc, luôn luôn tồn tại hai nền văn hóa, đó là văn hóa của giai cấp thống trị (hay còn gọi là văn hóa quan phương) và văn hóa của giai cấp bị trị (hay còn gọi là văn hóa dân gian, mà cụ thể ở đây là văn hóa làng xã). Tương tự như vậy, trong thực thể tinh thần của dân tộc tồn tại song hành hệ tư tưởng chính thống và hệ tư tưởng dân gian, mà cụ thể ở đây là tư tưởng quan phương và tư tưởng làng xã.
Trên phương diện vĩ mô, tổng thể đời sống tinh thần dân tộc chịu sự chi phối của hệ tư tưởng chính thống là hệ tư tưởng được một triều đại nào đó lấy làm cơ sở lý luận cho đường lối trị nước, quản lý xã hội, xây dựng triều đại, phát triển văn hóa... Thời Lý - Trần, các vị vua đều tôn sùng Phật giáo, lấy triết học Phật giáo làm trụ cột xây dựng văn hóa Đại Việt, kết hợp với Nho giáo làm phương tiện tư tưởng chính trị để trị nước. Đến thời Lê, Nho giáo được đưa lên địa vị thống trị, độc tôn về hệ tư tưởng. Vua Lê Thánh Tông đã dùng uy lực chính trị và sự uyên thâm Nho giáo cố gắng xây dựng nền chính trị theo mô hình Trung Hoa và cải biến nền văn hóa Đại Việt theo hướng lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng độc tôn.
Những nỗ lực của các triều đại trong việc truyền bá, áp đặt hệ tư tưởng chính thống của triều đại mình vào đời sống xã hội của dân chúng đã tạo nên sự thay đổi trong đời sống tư tưởng của dân chúng, tuỳ thuộc phương thức truyền bá của mỗi triều đại. Tuy nhiên, ở phương diện vi mô, ở cấp độ đời sống tinh thần của quảng đại dân chúng, tư tưởng làng xã là nhân tố chủ đạo và có tính bảo thủ cao độ do đặc thù tồn tại của làng xã Việt. Những nỗ lực đưa các giá trị tư tưởng quan phương vào đời sống làng xã thường phải trải qua một thời gian dài với những hình thức đặc biệt mới tạo ra một số ảnh hưởng nào đó. Ví dụ, tư tưởng Nho giáo mặc dù vào Việt Nam từ trước Công nguyên và có ảnh hưởng lớn trong tầng lớp thống trị nhưng phải đến thế kỷ XV mới có một số ảnh hưởng trong tư tưởng làng xã, đặc biệt là tư tưởng gia trưởng, trọng danh, trọng học.
Một điểm phân biệt cơ bản giữa tư tưởng quan phương và tư tưởng làng xã là ở tính chất của mỗi loại hình tư tưởng. Tư tưởng quan phương có tính lý luận, tính hệ thống và thuộc cấp độ tư duy lý tính. Trong khi đó, tư tưởng làng xã mang tính kinh nghiệm, thiếu hệ thống và thuộc loại hình tư duy cảm tính, kinh nghiệm.
Trong những điều kiện xác định về thời gian, thể chế, tính tương hợp văn hóa..., các giá trị tư tưởng quan phương sau khi gia nhập hệ tư tưởng làng xã, trở thành một thành tố của tư tưởng làng xã và chịu sự chi phối của tư tưởng làng xã hơn là trở thành yếu tố chi phối, quyết định trong tư tưởng làng xã. Sự giao thoa giữa tư tưởng quan phương và tư tưởng làng xã diễn ra liên tục và thường xuyên trong lịch sử nhưng luôn luôn tồn tại ranh giới, khoảng cách giữa hai hình thái tư tưởng này. Ranh giới đó đậm hay nhạt, khoảng cách đó rộng hay hẹp hoàn toàn tùy thuộc sự tương thích của tư tưởng quan phương với tư tưởng làng xã mà không phải là ngược lại.
Mặc dù vua Lê Thánh Tông đã nỗ lực đưa các giá trị tinh thần Nho giáo vào đời sống dân chúng một cách cứng nhắc, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi nhà vua mất, những thành tựu Nho giáo rực rỡ của giai đoạn này hầu như không vào được đời sống văn hóa làng xã. “Ở Việt Nam văn hóa cung đình và văn hóa làng xã cần được hiểu theo những cách khác nhau. Ở cung đình, điều ưu tiên là thống nhất và tập quyền, là khẳng định sự kiểm soát đối với làng xã. Ở làng xã, điều ưu tiên là ra sức bảo vệ quyền tự trị địa phương chống lại sự can thiệp của chính quyền Trung ương”(3). Do mối quan hệ đặc thù giữa tư tưởng làng xã và tư tưởng quan phương, do tính bảo thủ của tư tưởng làng xã nên trong triển khai bất cứ một tư tưởng quan phương nào trong đời sống dân cư làng xã đều phải tính đến nhân tố này.
5. Nội dung của tư tưởng làng xã
Nói tới tư tưởng làng xã ở góc độ triết học là nói tới hình thức phản ánh ở cấp độ cao nhất đời sống vật chất, của con người được hình thành trong phạm vi làng xã. Tư tưởng là sản phẩm tinh thần của sự phản ánh thực tại, bị quy định bởi thực tại xã hội. Cũng giống như những hình thức tư tưởng khác, tư tưởng làng xã chính là sản phẩm của sự phản ánh trên phương diện tinh thần đời sống thực tại trong không gian xã hội làng xã, vì vậy, nội dung của tư tưởng làng xã chính là mọi mặt đời sống của dân làng.
Với những tính quy định hết sức đặc thù trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển, làng xã Việt Nam tồn tại như một xã hội Việt Nam thu nhỏ trong tính cố kết cộng đồng bền vững, trong tính bảo thủ cố hữu của quá trình tích hợp, bảo tồn văn hóa, trong tính liên đới, ràng buộc chặt chẽ, chằng chịt của các quan hệ xã hội được củng cố và hợp thức bằng nhiều hình thức văn bản và lề luật bất thành văn, trong sự tồn tại và duy trì lâu dài phương thức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún dựa trên chế độ công điền trong bối cảnh liên tục phải chung sức, chung lòng khắc phục thiên tai, địch họa và chống ngoại xâm.
Tất cả những tồn tại xã hội đặc thù đó đã làm nên những làng xã Việt Nam đặc trưng và khác biệt với làng xã các dân tộc khác trong lịch sử. Khi nghiên cứu về làng xã Việt Nam, các nhà Việt Nam học ngoại quốc cũng thừa nhận tính đặc sắc của văn hóa làng xã Việt và sức mạnh vô đối tiềm ẩn của nó(4), được nhân dân khái quát bằng một câu thành ngữ tưởng chừng vô lý trong tương quan làng - nước nhưng thực sự đã phản ánh nét căn bản khác biệt của làng xã với thực thể quốc gia, dân tộc “phép vua thua lệ làng”.
Là thực thể tinh thần ẩn chìm trong mọi sinh hoạt làng xã cả trên phương diện phương thức sống, văn hóa và tôn giáo, tư tưởng làng xã gần như vô hình. Không ai có thể chỉ ra đích xác một cách khái quát tư tưởng làng xã như thế nào, nhưng ai cũng có thể khẳng định một tư tưởng nào đó có thuộc tư tưởng làng xã hay không. Ví dụ như, tục lệ khao vọng là sự hiện thực hóa tư tưởng trọng danh vị phổ biến trong dân chúng làng xã. Tư tưởng làng xã được biểu hiện thông qua các hình thức phi văn bản (như phong tục, tập quán, văn nghệ dân gian, văn học truyền miệng, lễ hội, thực hành tôn giáo, v.v.) và qua hình thức văn bản (như hương ước, văn bia...). Chỉ tới khi hương ước, khoán ước, khoán lệ, hương lệ(5)... ra đời, thì các tư tưởng làng xã căn bản nhất mới được cố định vào, thể hiện tương đối rõ nét bằng văn bản. Như một kết quả tất yếu của quá trình phát triển văn hóa làng xã, hương ước là hình thức văn bản chính thống ghi lại tương đối đầy đủ những quy định về phương thức sống chung của dân làng. Qua đó, hương ước phản ánh những nội dung căn bản nhất của tư tưởng làng xã, kết quả của quá trình tư duy của cộng đồng nhằm tạo lập một công cụ tinh thần chính thống trong điều hành, quản lý đời sống dân cư làng xã.
Tư tưởng làng xã là sự phản ánh đời sống sản xuất, sinh hoạt vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân cùng sinh sống trong một phạm vi hành chính làng xã, nên nội dung phản ánh của tư tưởng làng xã chính là các hoạt động vật chất và tinh thần của làng xã. Hay nói cách khác, nội dung tư tưởng làng xã bao gồm sự phản ánh mọi mặt về lối sống, phương thức sống, tôn giáo tín ngưỡng, đời sống văn hóa, chính trị, xã hội, gia đình... của cộng đồng cư dân trong một làng xã nhất định. Những nội dung chủ yếu của tư tưởng làng xã thể hiện qua hương ước bao gồm: tư tưởng gia trưởng, tư tưởng cố kết cộng đồng, tư tưởng trọng tình, trọng đức, tư tưởng trọng danh, trọng xỉ, tư tưởng trọng kinh nghiệm, tư tưởng trọng tổ tiên, thần thánh và các thế lực vô hình, siêu nhiên...(5)
Tư tưởng gia trưởng đề cao tuyệt đối vai trò lãnh đạo của người nam trong gia đình và ngoài xã hội. Theo đó, người nam có quyền quyết định tất cả mọi việc đối nội, đối ngoại, dù việc lớn hay việc nhỏ. Đồng thời, người nam cũng là người phải chịu mọi trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội. Tư tưởng gia trưởng có nguồn gốc từ chế độ phụ hệ và được củng cố bằng hệ thống lý luận Nho giáo. Khi ảnh hưởng tới làng xã Việt, tư tưởng gia trưởng trong làng xã chủ yếu nhấn mạnh tới vai trò chủ gia đình, quyền lực của người nam trong gia đình, nghĩa vụ xã dân của họ trong làng xã và nghĩa vụ thần dân đối với triều đình.
Tư tưởng cố kết cộng đồng của người Việt được hình thành và củng cố theo các liên kết xã hội và các quan hệ huyết thống. Tư tưởng củng cố tính cộng đồng bằng quan hệ họ tộc, bằng thờ chung một tổ, bằng niềm tự hào về một nguồn gốc chung, một truyền thống chung, bằng hy vọng sẽ bất tử trong truyền đời con cháu hay đi vào gia hệ tổ tiên sau khi chết là một tư tưởng làng xã nổi bật của Việt Nam.
Tư tưởng yên phận, coi thường thương nghiệp, co mình sau lũy tre làng đã in sâu vào nhận thức của người Việt khiến cho thủ công và thương nghiệp kém phát triển. Làng là nơi gắn bó con người Việt với cội nguồn. Với họ, được coi là một thành viên của làng, được hưởng một chút ruộng công, được là dân đinh, được vào phe vào giáp, được có một vị trí nơi đình trung tham dự việc làng là điều quan trọng nhất, là lẽ sống của người dân. Tư tưởng yên phận ăn sâu vào tâm thức cư dân làng xã Việt Nam khiến làng xã Việt Nam khó chấp nhận những cái mới và không có khả năng tự biến đổi trước sự biến đổi của hoàn cảnh xã hội.
Tư tưởng đề cao kinh nghiệm của làng xã Việt Nam xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp nhỏ, lạc hậu, dựa vào kinh nghiệm. Vì vậy, người càng nhiều tuổi càng nhiều kinh nghiệm và càng được coi trọng. Tư tưởng trọng xỉ (tuổi tác), trọng người già là một tư tưởng phổ biến trong tư tưởng làng xã.
Tư tưởng cục bộ địa phương cũng rất điển hình trong tư tưởng làng xã Việt Nam do các làng xã duy trì chế độ tự quản mang tính hình thức công xã, do mối quan hệ giữa làng xã với chính quyền trung ương và do mối quan hệ tương đối biệt lập giữa các làng với nhau. Tư tưởng cục bộ gắn liền với cơ cấu làng xã có tính biệt lập với các đặc điểm về dòng họ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống và thế giới tâm linh... đã trở thành hạn chế tư tưởng lớn trong thời kỳ giao lưu, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong các nội dung trên của tư tưởng làng xã, tư tưởng gia trưởng là một nội dung phổ biến nhất, có ảnh hưởng lâu dài và căn cốt nhất, mang tính chi phối tới nhiều nội dung tư tưởng khác trong tư tưởng làng xã. Đây cũng là tư tưởng có ảnh hưởng sâu sắc, rộng lớn và lâu dài nhất trong tư tưởng làng xã với cả những ưu điểm và hạn chế về mặt xã hội, nhất là đối với quá trình phát triển hiện nay.
6. Kết luận
Sự ra đời của tư tưởng làng xã dựa trên cơ sở hình thành và phát triển làng xã Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển làng xã, tư tưởng làng xã như là yếu tố căn bản, cốt lõi của đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân nơi thôn làng và có vai trò như hệ tư tưởng chính thống của làng xã. Tư tưởng làng xã chính là sự phản ánh mọi mặt đời sống làng xã với những cấp độ phản ánh từ trực quan, cảm tính tới kinh nghiệm. Ở cấp độ trực quan, cảm tính, tư tưởng làng xã ẩn tàng trong phong tục, tập quán, văn nghệ dân gian, văn học truyền miệng, thực hành tôn giáo... Ở cấp độ kinh nghiệm, tư tưởng làng xã đã phát triển tiếp cận tới trình độ tự ý thức về sự cần thiết phải thể hiện các quan niệm, tư tưởng, giá trị, chuẩn mực... phổ biến trong đời sống tinh thần làng xã thành văn bản để lấy đó làm căn cứ nền tảng, thống nhất và lâu dài cho việc xây dựng, quản lý, phát triển làng xã. Hình thức văn bản thể hiện được những nội dung quan trọng nhất, bao quát nhất, chính thống nhất của tư tưởng làng xã là hương ước. Như vậy, tư tưởng làng xã ra đời cùng với sự hình thành và phát triển làng xã(6). Nhưng, tư tưởng làng xã như là hệ tư tưởng chính thống của cư dân làng xã, là cơ sở nền tảng tinh thần cho quản lý, xây dựng, phát triển làng xã thì chỉ được hình thành vào khoảng thế kỷ XV, khi tổ chức làng xã đã phát triển tới mức độ tương đối hoàn chỉnh, cần có sự thống nhất về mặt văn bản thể hiện những nội dung, chuẩn mực và giá trị tư tưởng phổ biến trong làng xã.
Tư tưởng làng xã đã và đang tồn tại lâu dài trong cư dân nông nghiệp, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với sự phát triển của nông thôn. Không thể phủ nhận các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của tư duy làng xã một cách đơn giản hay dễ dàng trong quá trình hoạch định những dự án phát triển bởi tính phức tạp, tính bảo thủ, tính liên đới chằng chéo của tư tưởng làng xã trong mỗi người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, cần có những dự án nghiên cứu chuyên sâu và đa diện đối với loại hình tư tưởng làng xã.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh (1966), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế.
2. Ninh Viết Giao (2000), Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Phạm Văn Cảnh (1994), Lệ làng, phép nước - đặc trưng văn hóa Việt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Hồng Hà (2011), Vị thế văn hóa dòng họ trong cơ cấu văn hóa Việt Nam, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số tháng 10.
5. Nguyễn Thị Việt Hương (2010), Tư tưởng tộc quyền trong xã hội Việt Nam truyền thống và những hệ lụy của nó, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số tháng 10.
6. Vũ Ngọc Khánh (2001), Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
7. Vũ Duy Mền, Hoàng Minh Lợi (2001), Hương ước làng xã Bắc bộ với luật làng Kantô Nhật Bản (thế kỷ XVII - XIX), Viện Sử học.
8. Nguyễn Tá Nhí (1993), Hương ước cổ Hà Tây, Bảo tàng tổng hợp - Sở văn hóa Thông tin Thể thao Hà Tây.(6)
9. Trần Văn Phòng (2007), Ý thức cộng đồng Việt Nam, Tạp chí Triết học, Văn hóa và xã hội Việt Nam, số tháng 11.
10. Trần Ngọc Thêm (2008), Tính cộng đồng và tính tự trị: hai đặc trưng cơ bản của làng xã Việt Nam, trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.
11. Trần Từ (1984), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Nguyễn Thanh (2000), Hương ước Thái Bình, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
13. Đinh Khắc Thuân (2006), Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(1) Ở Việt Nam, mới có nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh đề cập tới vấn đề nghiên cứu tư tưởng dân gian trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
(2) Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa V) (tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam). Hà Nội, ngày 01 đến 03 tháng 7 năm 2013.
(3) Tham khảo Keith Taylor, sđd.(4) Quan điểm của Alexandre Barton Woodside, Giáo sư Việt Nam học người Mỹ về sự khác biệt và thiếu hiệu quả trong nỗ lực áp đặt tư tưởng chính thống của các triều đại phong kiến Việt Nam vào đời sống tư tưởng các làng xã qua nghiên cứu chuyên khảo của mình như “Việt Nam và mô hình Trung Hoa”, các bài nghiên cứu về văn hóa, lịch sử làng xã thời Lê Thánh Tông... được nhiều nhà nghiên cứu làng xã Việt Nam trong và ngoài nước ủng hộ.
(5) Có khoảng trên 50 cách gọi khác nhau của loại hình văn bản chính thức phổ biến trong làng xã từ khoảng thế kỷ XV, trong đó ghi rõ các điều khoản quy định về chuẩn mực, cách thức ứng xử chung, phương thức chung sống của dân làng tự nguyện, tuân thủ nhằm đảm bảo sự tồn tại và củng cố làng xã một cách nền nếp, quy củ, trật tự; sau đây gọi chung là hương ước. Tham khảo Vũ Duy Mền (2010), Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.29.
(6) Alexander Barton Wooside (1971), Vietnam and the Chinese model, “Xã originated as recognized local units at least as early as the tenth century in Vietnam. Although the history of their evolution is too complicated to be summarized here, one of its watersheds was important”, Harvard University Press Cambridge, Massachusetts, page.154.
Tác giả: PGS.TS. Lê Thị Lan
Nguồn:Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 3 - 2015)