Nghiên cứu - Trao đổi » Văn hóa

Tư tưởng của L.Tolstoi về giáo dục

09:05 - 20/11/2018

Để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay cần phải nghiên cứu, tổng kết lịch sử giáo dục học, trong đó bao gồm những di sản về giáo dục của L.Tolstoi. Chỉ với hai tác phẩm Về giáo dục quốc dân và Về giáo dục và đào tạo, L.Tolstoi đã đưa ra những tư tưởng rất sâu sắc về khoa học giáo dục, mối liên hệ giữa nhà trường và cuộc sống, giáo dục đại học và giáo dục quốc dân... Nhưng quán xuyến trong toàn bộ lý thuyết giáo dục của ông chính là tư tưởng triết học về một nền giáo dục tự do và dân chủ. Đây là giá trị cơ bản, lớn lao trong tư tưởng về giáo dục của L.Tolstoi, chúng ta cần tiếp thu để phát triển giáo dục Việt Nam.

1. Mở đầu
 
Giáo dục là một lĩnh vực hoạt động lớn và quan trọng của xã hội. Vì thế, để cho xã hội có một tương lai tốt đẹp thì mọi người cần có sự quan tâm sâu sắc, toàn diện đến sự phát triển giáo dục. Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách là phải chấn hưng nền giáo dục nước ta hiện nay là xây dựng học thuyết khoa học về giáo dục. Đến nay ở Việt Nam, L.Tolstoi (1828 - 1910) đã được biết đến không chỉ như một nhà văn, một nghệ sĩ vĩ đại, mà còn là nhà tư tưởng lớn của nước Nga và thế giới. Với tư cách nhà giáo dục học, ông đóng vai trò như một gạch nối, một mắt xích quan trọng trong dòng chảy lịch sử tư tưởng, tinh thần và thực tiễn giáo dục Nga nói riêng, nhân loại nói chung. Những di sản lý luận về giáo dục của L.Tolstoi được thể hiện tập trung ở hai tác phẩm là Về giáo dục quốc dân và Về giáo dục và đào tạo (được in trong tập sách “Đường sống: Văn thư và nghị luận chọn lọc”). Trong hai tác phẩm này L.Tolstoi đã đề xuất những tư tưởng giáo dục mang ý nghĩa một học thuyết khoa học về giáo dục với nội dung đa diện, rất sâu sắc, có giá trị đối với giáo dục cả trong quá khứ và hiện thời. L.Tolstoi có suy tư đầy trách nhiệm về khoa học giáo dục. Học thuyết của L.Tolstoi dù chỉ dưới hình thức một bản phác thảo nhưng đã bao gồm tất cả những nội dung cơ bản của một khoa học giáo dục (về đối tượng, mục đích, chức năng, vai trò của giáo dục, nội dung và những phương thức, hình thức, những cấp độ và những lĩnh vực giáo dục, lịch sử giáo dục, những phạm trù, quy luật giáo dục cơ bản). Bài viết này giới thiệu nội dung tư tưởng cơ bản của L.Tolstoi về giáo dục.
 
2. Tư tưởng của L.Tolstoi về đối tượng và mục đích của giáo dục          
 
Trong bài Về giáo dục quốc dân, L.Tolstoi cho rằng, hiện giờ chúng ta không biết bản chất việc giáo dục dân chúng là gì, chúng ta chưa hề có một khoa học nào về truyền dạy và giáo huấn (tức giáo dục học), cơ sở đầu tiên của giáo dục học vẫn còn chưa được xây dựng, định nghĩa giáo dục học và mục tiêu của nó là vô bổ và có hại [5, tr.22]. Từ thực trạng ấy L.Tolstoi dự định về một khoa học giáo dục mới. Ông cho rằng giáo dục vốn có những quy luật của nó, cho nên nhiệm vụ của khoa học giáo dục là tìm kiếm những quy luật ấy. Một quy luật cơ bản của giáo dục được L.Tolstoi vạch ra là sự gặp gỡ của hai chí hướng, tức là của người truyền dạy và người được truyền dạy, cùng vươn tới một mục đích. Cái sâu sắc và chính xác trong quan niệm này của L.Tolstoi nằm ở từ “chí hướng”, vì nó thay cho rất nhiều từ như “tri thức”, “chân lý”, “phẩm chất”, “định hướng”, “vun bồi”, “tu dưỡng”… vốn là những từ diễn đạt mối liên hệ cơ bản nói trên. Có thể từ “ý chí” được L.Tolstoi kế thừa từ I.Kant, nhưng nếu như I.Kant nói về “ý chí” và “tự do ý chí” trong đạo đức, trong hành động nói chung [2], thì L.Tolstoi nói về “ý chí” trong hoạt động giáo dục và đó là quan điểm riêng của ông. Tuy nhiên, điều đặc sắc ở đây là ông đã nhận ra điều kiện cơ bản hỗ trợ, thúc đẩy quy luật nói trên, đó là “tự do”. Ông khẳng định rằng chúng ta phải xác định thực chất của sự tự do mà nếu thiếu nó thì sự gặp gỡ chí hướng của hai phía sẽ bị cản trở, rằng chỉ duy nhất sự tự do, đó là chuẩn của toàn bộ khoa học giáo dục, là niềm xác tín của chúng ta, rằng phải từng bước, xuất phát từ vô số sự thật, tiến dần đến giải quyết các vấn đề của khoa học giáo dục [5, tr.22 - 24].
 
Tư tưởng về đối tượng, mục đích của một khoa học giáo dục mới được L.Tolstoi tiếp tục triển khai trong bài Về giáo dục và đào tạo. Thông thường, người ta cho rằng đối tượng của mọi khoa học giáo dục là “giáo dục”, nhưng đối với L.Tolstoi vấn đề không giản đơn như vậy. Từ  sự phê phán các nền giáo dục Nga và Châu Âu trong quá khứ và đương thời, L.Tolstoi cho rằng: “Giáo dục không phải là đối tượng của giáo dục học mà chỉ là một hiện tượng mà giáo dục học không thể không lưu ý” [5, tr.28]; tất cả các nền giáo dục cũ đều phạm sai lầm, đều chỉ nhằm giáo dục đối với thiểu số, chỉ vì lợi ích của kẻ đi giáo dục, hoàn toàn không quan tâm, xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân; giáo dục cũ có tính chất giáo điều, áp đặt, cưỡng bức nặng nề; nhà trường là nơi dạy sự lười biếng, thậm chí trở thành nơi cho đứa trẻ “rèn tập” sự thụ động, lừa dối, đạo đức giả, sự buông thả về thể chất với cường độ ngày càng lớn hơn [5, tr.38]. L.Tolstoi chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của nền giáo dục cũ và đương thời từ “bản tính” con người: thứ nhất, ở trong gia đình, nơi mà các ông bố bà mẹ đều mong biến con cái mình thành những kẻ như mình, vì nơi đó quyền tự do phát triển của mỗi cá nhân chưa thâm nhập vào ý thức của phụ huynh; thứ hai, ở trong tôn giáo, vì một người Hồi giáo, Do Thái giáo hay Kitô giáo đều tin chắc rằng một kẻ không thừa nhận học thuyết của anh ta thì sẽ không được cứu rỗi, sẽ vĩnh viễn hủy diệt tâm hồn mình; thứ ba, ở trong nhà nước, theo ông đây là nguyên nhân quan trọng nhất, giáo dục nằm trong nhu cầu của chính phủ muốn giáo dục mọi người cần cho những mục đích nhất định, đặc biệt là cho sự tồn tại của chính phủ, nhà nước; thứ tư, trong xã hội, giới quý tộc, quan chức và ít nhiều là thương nhân mang lại hậu quả có hại nhất cho giáo dục [5, tr.33 - 34, 54 - 55].
 
Thấy tình trạng thảm hại và nguyên nhân của giáo dục như vậy, cho nên L.Tolstoi muốn xác định lại, đối tượng của giáo dục học. Ông yêu cầu phải thay khái niệm “giáo dục” bằng khái niệm mới là “đào tạo”. Ông cho rằng: “Đối tượng của giáo dục học chỉ có thể và phải là quá trình đào tạo”; đào tạo theo nghĩa rộng nhất bao gồm toàn bộ những ảnh hưởng thúc đẩy sự phát triển một con người, cho anh ta một thế giới quan rộng lớn hơn, cho anh ta những kiến thức mới; đào tạo bao gồm cả những trò chơi trẻ em, những đau khổ, những hình phạt của bố mẹ, sách vở, công việc, việc học tập cưỡng bách hoặc tự do, các nghệ thuật, các khoa học, cuộc sống. Ông nói rằng, giáo dục khiến cho người được giáo dục lĩnh hội những nền nếp đạo đức nhất định, có thể khiến người học trở thành một kẻ đạo đức giả, một tên đạo tặc hoặc một người tốt bụng [5, tr.29]; giáo dục là sự tác động cưỡng bách, áp đặt của một người đối với người khác nhằm tạo dựng một con người được cho là tốt, biến người khác thành một kẻ giống anh ta, thì đào tạo là quan hệ tự do giữa người thu nhận kiến thức và người truyền đạt; sự khác biệt của giáo dục và đào tạo chỉ là ở chỗ cưỡng bách mà giáo dục cho là đặc quyền của mình, còn đào tạo luôn tự do [5, tr.29 - 30]. L.Tolstoi kết luận: “Đào tạo và giáo dục là hai khái niệm khác nhau, vì đào tạo luôn tự do nên nó hợp pháp và chính đáng, còn giáo dục luôn cưỡng bách nên nó bất hợp pháp và không chính đáng, không thể được biện minh bởi lý trí và vì vậy không thể trở thành đối tượng của khoa học sư phạm” [5, tr.54 - 55].
 
Có thể thấy, có lẽ vì quá bất bình với nền giáo dục cũ mà L.Tolstoi đã phủ nhận hoàn toàn khái niệm giáo dục. Nhưng “đào tạo” mà L.Tolstoi nêu ra cũng được bao hàm trong nội dung của “giáo dục”. Thực ra, ông sử dụng từ “đào tạo” đề nói về nội dung, tính chất của một nền giáo dục mới. Nền giáo dục ấy trên thực tế, đã và đang nảy sinh, phát triển ở Châu Âu mà những tư tưởng trung tâm của nó là tính chủ thể, tự do, trí tuệ, lý tính và đạo đức. Nhưng tư tưởng của L.Tolstoi về đề cao đào tạo dường như còn vượt lên cả nền giáo dục Châu Âu đương thời, đó là về một nền giáo dục - đào tạo cho đông đảo nhân dân. Nói cách khác, trên thực tế L.Tolstoi đã bàn đến một khoa học giáo dục mới, khoa học về một nền giáo dục tương lai.    
 
3. Tư tưởng của L.Tolstoi về sự gắn kết giáo dục nhà trường với cuộc sống
 
L.Tolstoi chỉ ra một trong những sai lầm căn bản của nền giáo dục cũ đó là hoàn toàn tách nhà trường ra khỏi cuộc sống, mà nguyên nhân chủ yếu của sai lầm đó là do sự áp đặt từ trên, từ phía nhà nước, từ chính phủ xuống. Nội dung và phương thức giáo dục cơ bản của nhà trường cũ là giáo điều, cưỡng bức, thậm chí bạo lực. L.Tolstoi đã lấy ví dụ về nước Đức, và Trung Hoa. Theo ông nước Đức vẫn chưa khắc phục được sự chống đối của dân chúng do tính cưỡng bách của nhà trường vẫn đè nặng lên tâm lý dân chúng; ở Trung Hoa, một vị đại thần cả đời không rời khỏi Bắc Kinh, có thể bắt trẻ em học thuộc lòng các châm ngôn của Khổng Tử và nhồi nhét vào đầu chúng bằng roi vọt [5, tr.3, 5]. Ông mỉa mai về tính, tách rời tuyệt đối của nhà trường cũ khỏi cuộc sống, Ông cho rằng nhà trường cũ được thiết kế thành nhà trường kiểu cảnh sát; ở đó trẻ em không được mở miệng dù chỉ xin phép để “ra ngoài”. Nhà trường được thiết chế như vậy bởi lẽ mục đích của chính phủ, thượng cấp chủ yếu không phải để mở mang học vấn cho dân chúng mà để giáo hóa họ theo phương pháp của mình. Nhà trường được thiết chế như thế không phải để cho trẻ em được thoải mái học tập, mà là để cho thầy giáo giảng dạy được thuận tiện… Ông khẳng định ở Nga “các kiểu nhà trường đã định hình trong lịch sử đều không thể trở thành mẫu mực để noi theo mà cùng với mỗi bước tiến bộ chúng ngày càng tụt hậu so với trình độ chung về giáo dục và vì vậy tính chất cưỡng bách của chúng ngày càng trở nên bất hợp pháp và cuối cùng là ở Tây Âu, giáo dục như một mạch nước thấm ngầm, đã chọn cho mình một con đường khác; bỏ qua các nhà trường và chảy tràn vào mọi phương tiện giáo dục trong đời sống thường nhật” [5, tr.21].
 
Trước tình trạng dạy và học trong nhà trường (cũ và đương thời) như vậy, L.Tolstoi cho rằng: “Ý thức nhân loại là thành tố quan trọng của lịch sử, bởi vậy nếu như nhân loại ý thức được tính bất cập của nhà trường mình tạo dựng, thì bản thân cái ý thức ấy đã sẽ là một sự kiện lịch sử có thể làm cơ sở cho công cuộc thiết chế nhà trường” [5, tr.15]. Vậy cái ý thức làm cơ sở, điều kiện cho việc thiết chế lại nhà trường mà L.Tolstoi nói đến ở đây là gì? Có lẽ đó chính là việc phải loại bỏ phương pháp cũ, phương pháp giáo dục cưỡng bách, áp đặt, để tìm ra phương pháp giáo dục mới. Nhưng L.Tolstoi cho rằng chúng ta chưa biết đến phương pháp nào mới, vì “nhà trường vẫn còn chưa được tự do” hoặc mới chỉ được “tự do” một cách “giả định” [5, tr.9]. Như vậy, L.Tolstoi nói về thực chất của mối liên hệ của nhà trường và cuộc sống, đó là “tự do” vì nó vốn là yếu tố tự nhiên của cuộc sống, là bản thân cuộc sống. Nó là điều kiện cơ bản làm thay đổi bản chất phương pháp giáo dục trong nhà trường, vì nó đưa đến sự giáo dục tự do trong nhà trường. Bởi vì, giáo dục tự do trong nhà trường hay nhà trường gắn với cuộc sống là nơi trẻ em có thể tìm thấy niềm sảng khoái và là nơi thực hiện nhu cầu chủ yếu của chúng là vận động tự do, là nơi mà thiên nhiên đã ban cho nó tất cả những điều kiện cần thiết để phát triển, đấy cũng là nơi của những công việc đồng áng, những trò chơi dân dã, cuộc sống gia đình… đó là những điều kiện, động lực chủ yếu cho sự phát triển của trẻ em, cho bất kỳ sự giáo dục nào [5, tr.10 - 11]. Giáo dục tự do trong nhà trường, đó là thể hiện cách dạy, cách học là cơ bản, chứ không phải là dạy cái gì, là cho phép mọi năng lực cao cấp như tưởng tượng, sáng tạo, suy luận sẽ được phát huy.
 
Như vậy, thực chất nội dung tư tưởng của L.Tolstoi về mối liên hệ hữu cơ giữa nhà trường và cuộc sống là, yêu cầu “mọi sự giáo dục đều phải nhằm giải đáp những vấn đề do cuộc sống đặt ra”. Đó chính là nguyên lý cơ bản của nền giáo dục tự do, dân chủ. Một nền giáo dục từ trong nhà trường chỉ thực sự có sức sống khi nó tự do, tức là, khi nó là hiện thân của những nhu cầu cuộc sống của đông đảo nhân dân.            
 
4. Tư tưởng của L.Tolstoi về giáo dục đại học
 
Về giáo dục đại học, một cấp độ giáo dục quan trọng, là cơ quan giáo dục chủ yếu của hệ thống giáo dục, nơi trực tiếp đem đến cho xã hội những con người được đào tạo ở trình độ cao, có thể tham gia ngay vào những lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, L.Tolstoi cũng đã chỉ ra tình trạng thảm hại của nó, nhất là ở Nga và chỉ rõ nguyên nhân tại sao “cũng chính cái học vấn đại học rất hiệu quả ở Tây Âu lại không sử dụng được ở nước ta?” [5, tr.53]. Theo L.Tolstoi, chính giáo dục đại học quy định các hệ thống giáo dục cấp thấp, chính khiếm khuyết của các nhà trường bình dân và cấp huyện xuất phát chủ yếu từ những sai lầm trong yêu cầu của các trường đại học [5, tr.46], trường đại học cho ta biết “nó là kẻ đầu tiên chiếm dụng cho mình cái quyền giáo dục, nó cũng là kẻ đầu tiên căn cứ vào những kết quả mà nó đạt được chứng minh cho sự bất hợp pháp và bất khả thi của sự nghiệp giáo dục” [5, tr.50 - 51]. Ông phê phán tình trạng của các trường đại học đương thời ở nước Nga và cũng còn hiện diện khá rõ ở Châu Âu. Theo ông, chúng cũng tồi tệ không khác gì các học đường tu viện, trong trường đại học vẫn tồn tại tính chất giáo điều, thậm chí bất khả vi phạm y như của giáo hoàng. Quá trình truyền thụ cho sinh viên diễn ra một cách bí hiểm, trang nghiêm y như của thầy tu. Trong nhà trường vẫn tồn tại tình trạng giáo sư giảng bài mà không có những cuốn sách, bài giảng, giáo trình của chính mình, nếu có những giáo trình như vậy thì tỉ lệ chỉ là 1/100. Trong trường đại học sinh viên có nghĩa vụ im lặng, còn các giáo sư thì có quyền nói tất cả những gì họ muốn. L.Tolstoi kết luận một cách gay gắt và đầy chua chát rằng: toàn bộ cơ cấu đại học được xây dựng trên những cơ sở sai lầm; trường đại học không đào tạo những con người cần cho nhân loại, mà chỉ là những con người cần cho một xã hội hư hỏng; điều quan tâm chủ yếu của sinh viên (chủ yếu nói về các sinh viên ưu tú) là tìm kiếm bản ghi chép hoặc giáo trình có thể giúp họ chuẩn bị thi; đa số đi nghe giảng hoặc vì chẳng có việc gì làm hoặc chưa chán ngấy với việc nghe giảng hoặc để làm hài lòng giáo sư; sinh viên tốt nghiệp đại học không biết phải dựa vào đâu; những tri thức anh ta thu nhận được chẳng cần cho ai, không ai trả xu nào cho những tri thức đó, lĩnh vực áp dụng duy nhất của những tri thức đó là trong văn học và sư phạm, tức trong các khoa học đào tạo ra những kẻ cũng vô dụng như vậy; sinh viên ra trường trở về gia đình thấy mọi người xa lạ với mình, mặc dù anh ta là sản phẩm “tối ưu” của nền giáo dục… [5, tr.33-34]. L.Tolstoi chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lộng hành, tính chất giáo điều, áp đặt, sai lầm của giáo dục đại học hiện thời, nhất là ở Nga, đó là “không có tự do”, rằng “chưa một ai và chưa từng bao giờ có ai đó nghĩ đến việc xây dựng các trường đại học trên cơ sở những nhu cầu của dân chúng” [5, tr.45].
 
Từ sự phê phán giáo dục đại học đương thời, L.Tolstoi đã suy tư về hệ thống giáo dục đại học mới. Theo L.Tolstoi, một nền giáo dục đại học mới phải là giáo dục tự do, phải là nền giáo dục được xây dựng trên những nhu cầu của dân chúng. Đó là một nền giáo dục không giáo điều, không áp đặt. Ở đó giáo sư lên lớp nhất định phải có bài giảng, giáo trình thể hiện kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn riêng của mình, ở đó phải diễn ra sự tranh biện, phải đem đến cho sinh viên cần những cuộc đàm thoại và người hướng dẫn. Trường đại học phải là nơi tụ hội những con người nhằm mục đích đào tạo lẫn nhau. Theo L.Tolstoi những trường đại học như vậy mới chỉ đang xuất hiện ở những “xó xỉnh” khác nhau của nước Nga, rằng ở đó, trong các trường đại học, các câu lạc bộ sinh viên thường tụ hội cùng đọc sách, cùng trao đổi và cuối cùng, cùng ra một quy định phải tụ hội và trao đổi với nhau như thế nào. Ông khẳng định, đó chính là đại học thực sự [5, tr.43].  
 
5. Tư tưởng của L.Tolstoi về giáo dục quốc dân và ý thức dân tộc Nga
 
Quan niệm về giáo dục quốc dân của L.Tolstoi được thể hiện rõ ràng ngay trong bài Về giáo dục quốc dân. Đây là nội dung quan trọng nhất trong “học thuyết giáo dục” của L.Tolstoi. Ngay ở những trang đầu tiên của bài viết, L.Tolstoi đã chỉ rõ giáo dục quốc dân về căn bản không tồn tại ở sự hiện diện của nhà nước, không phải là một nền giáo dục được ban bố từ bên trên, tức là từ phía chính phủ, nhà nước và từ cái gọi là “cộng đồng” xuống cho dân chúng. L.Tolstoi lên án mạnh mẽ tất cả các hệ thống được gọi là giáo dục “quốc dân” ở hầu hết các nước Châu Âu trung cổ và đương thời. Ông nhận thấy chính phủ và xã hội khao khát đem học vấn đến cho dân chúng, vậy mà bất chấp mọi nỗ lực, mánh khóe và sự kiên trì của chính phủ và cộng đồng xã hội, dân chúng vẫn thường xuyên bộc lộ sự không hài lòng, thậm chí chống đối đối với nền giáo dục người ta ban cho họ và chỉ từng bước chịu nhân nhượng sức ép; và cho đến nay sự chống đối thường bị coi là bất hợp pháp và người ta chỉ nhìn ra mầm ác trong những phản đối ấy. Ông nhìn thấy nguyên nhân cơ bản của tình trạng không hài lòng, phản đối ấy là do tính áp đặt, giáo điều, xa rời thực tế về nội dung và phương thức cưỡng bức trong giáo dục, là do nền giáo dục lâm vào cảnh ngộ chỉ biết học thuộc lòng những chân lý có sẵn, không thể nghi ngờ [5, tr.3-6]. Như đã nói, theo L.Tolstoi về thực chất nền giáo dục được ban từ trên xuống từ trước đến nay chỉ là nền giáo dục của thiểu số, cho thiểu số, đặc biệt vì lợi ích của chính phủ và của những người đi truyền thụ học vấn, không cần biết đến nhu cầu giáo dục của đông đảo nhân dân. Cho nên, hậu quả của nền giáo dục ấy là hết sức nặng nề, Ông viết: “Ở Đức chỉ có thể tự hào với nền giáo dục này trên những con số thống kê, còn đa phần dân chúng vẫn ra trường với mặc cảm ghê sợ nhà trường” [5, tr.3-6]; ở Đức người ta “rời mái trường với một kỹ năng nói và viết máy móc và một sự ghê tởm đối với con đường họ được tiếp cận khoa học”, người ta trở thành ngu đần hóa, bị làm méo mó những năng lực trí tuệ [5, tr.10 - 11]. Như vậy, đối với L. Tolstoi nền giáo dục quốc dân có mặt của chính phủ, nhà nước, sự nhân danh cộng đồng với việc sử dụng nội dung, phương thức áp đặt, chỉ là giáo dục quốc dân trên danh nghĩa, hình thức. L.Tolstoi không phủ nhận nhà nước, chính phủ, xã hội, nhà trường đối với nền giáo dục quốc dân, tức là đối với nền giáo dục của toàn xã hội, cho toàn xã hội, dân chúng của một đất nước. Theo ông, bản chất của giáo dục quốc dân không phải là việc chính phủ hay cái nhân danh cộng đồng ban cho nhân dân những nội dung, phương thức, thậm chí cả nhu cầu được giáo dục, mà là ở chỗ giáo dục quốc dân phải được hình thành trên cơ sở những nhu cầu được giáo dục của đông đảo nhân dân. Ông cho rằng, dân chúng yêu thích và tự tìm kiếm học vấn vốn tiềm tàng như người ta yêu thích và tìm kiếm không khí để thở [5, tr.4]. Có thể nói tư tưởng về bản chất của giáo dục quốc dân của L.Tolstoi là cái nhìn triết học rất sâu sắc. Cụ thể, ông đã nhìn thấy cái nghĩa chân chính, sâu xa của từ “quốc dân” nằm sâu, bắt nguồn từ cái tập hợp nhân dân lớn lao đầy sức sống mãnh liệt của những quốc gia, đất nước nhất định trong thời đại ông. Nói cách khác, đối với L.Tolstoi, giáo dục quốc dân không thể không mang nội dung xã hội sâu sắc, rộng lớn trước hết trong phạm vi quốc gia; một xã hội, một quốc gia, đất nước muốn tồn tại, phát triển không thể không tổ chức một nền giáo dục cho toàn xã hội, cho toàn dân của nước mình, nhưng đó phải là nền giáo dục dựa trên nhu cầu của đông đảo nhân dân. Trên thực tế đây là tư tưởng dân chủ về giáo dục và nó không tách rời tư tưởng về tự do về giáo dục. Theo L.Tolstoi nền giáo dục quốc dân đích thực như vậy trên thực tế chưa có, nền giáo dục quốc dân là một quá trình vận động của tự do và nó hiện đang đến như một giai đoạn mới của tự do ngày càng lớn hơn [5, tr.9].
 
Song, điều đặc sắc nữa là ở chỗ, L.Tolstoi không dừng lại, không thỏa mãn với sự bàn luận về giáo dục quốc dân nói chung; ông nói về giáo dục quốc dân quá khứ, đương thời và triển vọng của nó ở các nước Châu Âu, ở Nga, chủ yếu là để bàn về giáo dục quốc dân của nước Nga - Tổ quốc yêu dấu của ông. Tư tưởng chủ đạo xuyên thấu và khát vọng cháy bỏng trong tâm hồn ông là xây dựng một nền giáo dục quốc dân mới mẻ, tiến bộ, dân chủ và tự do ở nước Nga dựa trên việc rút kinh nghiệm, tổng kết toàn bộ lịch sử giáo dục cả về thực tiễn và lý luận của các nước, các dân tộc Châu Âu, phương Đông. Ông đặt ra câu hỏi lớn: “Vậy thì người Nga chúng ta phải làm gì hiện nay?” và đã trả lời rất rõ rằng: “Rốt cuộc hãy ý thức rằng cái quy luật rút ra một cách rõ ràng cả từ lịch sử giáo dục học, cả từ lịch sử bản thân nền giáo dục - đó là để cho người đi giáo hóa biết được cái gì là tốt  đẹp, cái gì là tồi tệ thì người được giáo hóa phải có toàn quyền thể hiện sự không hài lòng của mình, hoặc chí ít ra là lảng tránh cái kiểu giáo dục không thỏa mãn anh ta theo bản năng - hãy ý thức rằng chuẩn mực của giáo dục chỉ có một mà thôi - tự do” [5, tr.21 - 24]. Với tất cả tinh thần, trách nhiệm lớn lao và từ tầm hiểu biết sâu sắc, rộng lớn của một người con ưu tú của Tổ quốc Nga vĩ đại, L.Tolstoi tiên đoán con đường của một nền giáo dục mới đầy gian nan và dài lâu của nước Nga, Ông viết: “Có lẽ phải hàng trăm năm nữa những ý kiến tôi diễn đạt trên đây, rất có thể, mơ hồ, vụng về, thiếu sức thuyết phục, mới trở thành tài sản chung; có lẽ phải hàng trăm năm nữa mới tiêu tan những thiết chế có sẵn từ lâu - trường tiểu học, trường trung học, trường đại học mới xuất hiện các trường hình thành trên cơ sở quyền tự do của thế hệ học trò mới” [5, tr.61]. 
 
6. Kết luận
 
Như vậy, học thuyết giáo dục của L.Tolstoi dù mới chỉ là một bản phác thảo, nhưng đã thể hiện tầm vóc tư tưởng rất sâu sắc và lớn lao của một nhà giáo dục lớn. Những khía cạnh nội dung trong học thuyết của L.Tolstoi được phân tích trên đây không chỉ cho thấy chúng có ý nghĩa, giá trị đối với giáo dục thế giới, nước Nga mà cả đối với Việt Nam hiện nay. Trong những bàn luận cụ thể của L.Tolstoi về khoa học giáo dục, về giáo dục, đào tạo, về nhà trường, nền đại học, về giáo dục quốc dân và cả sự phê phán, đánh giá của ông đối với những nền giáo dục cũ và đương thời… có thể còn những điều phải bàn luận thêm, nhưng tư tưởng - giáo dục của ông đã khẳng định một sự thật không thể bác bỏ, đó là mọi khoa học giáo dục sẽ chẳng đi đến đâu nếu chúng không có những triết lý, triết học đúng đắn, khoa học làm nền tảng. Tư tưởng triết học giáo dục của L.Tolstoi quán xuyến những khía cạnh nội dung được phân tích ở trên, là tư tưởng cho rằng giáo dục phải gắn với cuộc sống, giáo dục phải có dân chủ và tự do. L.Tolstoi hiểu rằng, nếu giáo dục tự do, dân chủ là không được áp đặt, cưỡng bức, giáo điều dưới mọi hình thức, nhất là từ phía nhà nước, chính phủ xuống; ở nền giáo dục đó người học tự chủ trong học tập dưới sự hướng dẫn của người dạy; nền giáo dục đó phải được xây dựng trên nguyện vọng, lợi ích của người học, đặc biệt của đông đảo nhân dân, mọi người dân. Học thuyết giáo dục của John Dewey (chủ yếu trong tác phẩm Dân chủ và giáo dục), có tác dụng, ý nghĩa to lớn đối với nền giáo dục của nước Mỹ. Tư tưởng giáo dục của L.Tolstoi về cơ bản không khác tư tưởng của Jonh Dewey. Còn ở Nga, tư tưởng tự do không ngừng chảy trong trí tuệ, tâm hồn Nga và tiên đoán của L.Tolstoi sau hơn một trăm năm dường như cũng đang trở thành hiện thực. Đối với Việt Nam hiện nay, tư tưởng tự do trong giáo dục của ông đang đồng hành với những tư tưởng của những tác giả khác như John Stuart Mill, John Dewey… và đang có mặt trong những tiến bộ nhất định của nền giáo dục Việt Nam. Mặt khác, những gì L.Tolstoi quan sát, mô tả về thực trạng bi đát và đáng thất vọng của giáo dục trên nhiều phương diện như đã thấy ở Nga trong thế kỷ XIX, cũng đã nói lên hộ cho chúng ta nhiều điều về những gì đang diễn ra trong nền giáo dục Việt Nam. Không những thế, L.Tolstoi còn cho chúng ta một hình mẫu, một biểu tượng tuyệt vời về tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục quốc dân. Ông hiểu rằng không thể phát triển một nền giáo dục mới mà không có lý thuyết, khoa học giáo dục mới và ông đã cố gắng, quyết tâm thực hiện công việc lớn lao ấy.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1]   Phạm Văn Chung (2012), “Tư tưởng của L.Tolstoi về lẽ sống”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 4.
 
[2]   I.Kant (2007), Phê phán lý tính thực hành, Nxb Tri thức, Hà Nội.
 
[3]   John Stuart Mill (2005), Bàn về tự do, Nxb Tri thức, Hà Nội.
 
[4]   John Dewey (2010), Dân chủ và giáo dục, Nxb Tri thức, Hà Nội.
 
[5]   L.Tolstoi (2010), Đường sống - Văn thư nghị luận chọn lọc, Nxb Tri thức, Hà Nội.
 
[6]   Nhiều tác giả (2015), Bàn về giáo dục, Nxb Tri thức, Hà Nội.
 
Tác giả: Phạm Văn Chung - Tiến sĩ, Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
ĐT: 0943120880. Email: chungpv2000@yahoo.com
 
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6(103) - 2016
Tags: Giáo dục triết lý tư tưởng L.Tolstoi Phạm Văn Chung
Tin cùng chuyên mục