Mảng văn học dân gian trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 có những đặc điểm rất đặc thù như có tính truyền miệng, tập thể, dị bản, nguyên hợp... Để học sinh yêu thích, hiểu sâu sắc mảng văn học này thì đòi hỏi giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng thì cần phải có kiến thức liên ngành. Tuy nhiên qua nghiên cứu thực tế, trải nghiệm của bản thân, chúng tôi nhận thấy việc dạy học mảng văn học này ở nhà trường phổ thông ngày nay chưa thật sự mang lại kết quả như chúng ta mong muốn.
Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây (Sử thi Đam San) là một bức tranh mang đầy màu sắc của sử thi Tây Nguyên về con người, phong tục, tín ngưỡng, cảnh vật gắn với nền văn hóa cồng chiêng, hình thức diễn xướng khan. Giáo viên không chỉ dạy cái đặc thù của sử thi Tây Nguyên, đi khám phá những điều ấy qua chất văn của sử thi mà phải phải dạy cho học sinh hiểu thêm về vùng đất này, mảnh đất dường như còn in dấu chân xưa của tổ tiên loài người thời tiền sử. Có thể nói Tây Nguyên còn lưu giữ rất nhiều những kỷ vật của tuổi thơ nhân loại. Sử thi là món gia bảo truyền đời của trái đất này. Các phong tục Tây Nguyên, cách giao đấu của họ đều thể hiện đầy đủ một chân trời tiền sử. Những chiến công của Đam San ngoài mục đích là vì sự giàu mạnh, yên vui, uy danh của cộng đồng còn là tiêu diệt những kẻ phá hoại sự yên vui của cộng đồng, đưa đến cuộc sống bình yên để rồi cả vùng Êđê là một khối thống nhất dưới quyền lãnh đạo của một tù trưởng trẻ tuổi, oai hùng, có đức, có tài đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa (1).
Yếu tố xã hội khác là vai trò của người đàn bà trong cộng đồng Êđê, chi tiết miếng trầu của Hơ Nhị ném xuống Đam San cũng đớp được, phong tục tín ngưỡng thần linh là trời đã bày cách đánh gục đối phương. Theo Heghen, Đam San là con người chưa rút khỏi cuống nhau của cộng đồng, là kiểu anh hùng tập thể. Sức mạnh của chàng là do tập thể hà hơi, tiếp sức. Nếu tách khỏi tập thể, chàng sẽ không còn sức mạnh, thậm chí thất bại. Chi tiết Đam San đi bắt nữ thần mặt trời về làm vợ lẽ, rồi chết trong rừng sáp đen đã lý giải cho quan niệm đó. Cả hai người vợ đều can ngăn, dân làng không ai đồng tình. Điều đó nói lên được cội nguồn sức mạnh của người anh hùng trong sử thi.
Hình thức diễn xướng khan, tác phẩm được kể thông qua ngôn ngữ người kể chuyện, tái hiện qua một nghệ nhân. “Đây là người có hiểu biết sâu rộng về dân tộc, tiếng nói, lịch sử, phong tục, có trí nhớ tốt để ghi nhớ một khối lượng đồ sộ, lại phải có giọng tốt để diễn xướng trước đám đông” (2). Cụm từ bà con xem được nhắc lại năm lần là lời thoại trực tiếp giữa người kể với người nghe, đưa tác phẩm sử thi xích gần với mọi người, làm cho người thưởng thức như đang được sống trong không khí của tác phẩm.
Nét độc đáo khác của đoạn trích là âm thanh của tiếng cồng, chiêng. Tác giả Hoàng Ngọc Hiến từng nhận xét: “Môtíp tiếng chiêng cứ lặp đi lặp lại. Điều này không chỉ phản ánh một đặc điểm sinh hoạt dân tộc. Nó còn có một chức năng nghệ thuật độc đáo” (3). Cảnh ăn mừng chiến thắng, hình ảnh cồng chiêng với âm thanh của chúng được nhắc đến tám lần trong đoạn trích ngắn. Tù trưởng Đam San cùng dân làng hòa chung niềm vui trong tiếng chiêng ngân. Điều này được sử thi miêu tả cuộc sống rộn ràng tiếng chiêng với những ché rượu đầy, người đi lại tấp nập, các loài vật thì lươn trong hang, giun trong bùn, rắn hổ, rắn mai đều chui lên nằm trên cao sưởi nắng. Đó chính là cuộc sống thanh bình, con người, thiên nhiên hòa hợp, thân tình.
Học sử thi Đam Săn để qua cái hay, cái đẹp của trang văn, học sinh được trở lại với tuổi thơ của nhân loại, hơn cả điều đó là mai sau các em nếu được sống, làm việc ở Tây Nguyên sẽ không ngỡ ngàng với những phong tục xa lạ, dễ dàng hòa đồng với mảnh đất thiêng liêng, với những người dân chân thành dũng mãnh, khao khát tự do.
Đoạn trích Lời tiễn dặn (Truyện thơ Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái sẽ đưa học sinh đến vùng đất Tây Bắc của tổ quốc. Nếu vùng Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của văn hóa Chămpa thì người Thái Tây Bắc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc cổ đại. Qua cái hay, cái đẹp của thiên tình sử, giáo viên mở rộng kiến thức cho học sinh về tình người Tây Bắc, cái hoang vu nhưng dữ dội của thiên nhiên nơi đây. Hai đầu phía tây của tổ quốc đều tiềm ẩn hai vẻ đẹp văn hóa của ngàn đời, những vẻ đẹp ấy đã trở thành báu vật của đất nước. Cái chất văn của vùng miền, con người Tây Bắc là cả một chân trời văn hóa. Mỗi câu thơ của truyện thơ này dù đã qua ngôn ngữ dịch vẫn đủ sức lay động sâu xa vào hồn người:
Đôi ta yêu nhau đợi tháng năm lau nở
Đợi mùa nước đỏ cá về
Đợi chim tăng ló gọi hè
Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già (4)
Chất văn trong tác phẩm là vẻ đẹp của hồn người, vẻ đẹp văn hóa của phong tục vùng miền, dấu chân xưa của cha ông tổ tiên đi từ quá khư đến hiện tại. Ở các châu lục khác, thổ dân thường bị xua đuổi, tiêu diệt hay xem thường thì ở dân tộc ta, các thổ dân rất được tôn trọng, nâng đỡ. Dạy hai bản sử thi, truyện thơ của hai đầu đất nước, thực ra chúng ta đang dạy cái đẹp cho học sinh, chuẩn bị những hành trang cần thiết giúp các em vào đời chững chạc, chủ động hơn.
Khi dạy truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu Trọng Thủy, giáo viên nên cho học sinh phát hiện, kiếm tìm những di tích lịch sử về người anh hùng này. Những di tích ở Cổ Loa, đền Đông Cuông, miếu thờ Kim Quy như những cứ liệu sống, sẽ làm sinh động thêm tác phẩm. Học truyền thuyết An Dương Vương thực ra để nhận biết một bài học về tinh thần giữ nước của dân tộc. Thiên tình sử của Mị Châu với Trọng Thủy, giáo viên phải diễn giảng đầy đủ về lịch sử, văn học. Trong lịch sử, nhân vật Trọng Thủy không nhảy xuống giếng mà chết, thậm chí con hắn ở nước Triệu còn lên ngôi hoàng đế. Nhưng trong truyền thuyết, Trọng Thủy đã phải chết, chết nhục nhã để rửa mối hận tình cho Mị Châu qua hình ảnh ngọc trai giếng nước. Trong thực tế lịch sử, Mị Châu cũng không bị cha chém đầu mà cả hai cha con ôm nhau nhảy xuống biển. Nhưng truyền thuyết là truyền thuyết, lịch sử là lịch sử. Lịch sử là hiện thực, còn truyền thuyết bay lên bằng đôi cánh lãng mạn.
Dạy các truyền thuyết này, giáo viên phải mở cửa câu chuyện ly kỳ với rất nhiều chi tiết hoang đường, bí hiểm này để học sinh đến với những kiến thức về cuộc sống, xã hội, bài học giữ nước, tình yêu, cái giá đắt cho sự nhẹ dạ, chủ quan, phản bội… Dạy về truyền thuyết An Dương Vương là dạy đạo lý làm người, làm dân một nước, cái tình riêng trong đồng bào, nghĩa lý sâu xa của con người với tổ quốc.
Dạy truyện cổ tích Tấm Cám, giáo viên cần giúp cho học sinh có cái nhìn so sánh, đối chiếu với các dạng truyên như thế này trên thế giới để thấy được tính dân tộc, tính quốc tế của tác phẩm, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay. Truyện kiểu Tấm Cám ở các nước châu Âu thường gọi là truyện tro bếp hoặc Lọ Lem. Còn ở châu Á thì có nhiều tên gọi khác. Nhưng truyện kiểu Tấm Cám trên từng lãnh thổ có những nét tương đồng về mô tip như dì ghẻ con chồng, chiếc giày nhân duyên. Nguyên nhân chính có lẽ tìm thấy lâu đời liên quan đến đôi giày, phong tục của nhiều dân tộc. Ở Ai Cập cổ đại, chiếc giày được trang trí rất đẹp chỉ để cho đàn bà quý tộc dùng. Nhiều quốc gia như ở Tiệp Khắc, Bỉ, Pháp có tục ném giày để bói duyên. Các cô gái chưa chồng đứng kiễng chân ném một chiếc giày ra phía cửa, khi rơi xuống đất nếu mũi giày quay ra phía cửa thì năm tới có hy vọng lấy được chồng, nếu chiếc giày nằm ngang thì phải đề phòng sẽ bị bệnh tật hay rủi ro. Còn ở miền tây nước Pháp, miền ven biển phía bắc nước Đức thì chàng trai thường tặng cho vị hôn thê một đôi giày đẹp trước ngày cưới. Chàng trai mang một đôi giày đóng giở đến ướm vào chân cô dâu, rồi tự tay đóng chiếc đinh cuối cùng của đôi giày, trong khi ấy thì các nam nữ thanh niên có mặt trong buổi lễ hát những câu hát vui về đôi giày mới. Ở Trung Quốc, cô gái thường tự khâu lấy một đôi giày vải để tặng chàng trai là tượng trưng cho đính hôn.
Ở châu Á còn thêm môtíp trầm luân. Tiêu biểu có cuộc đời Kan Toc (Campuchia), Uay (Thái Lan), Tấm (Việt Nam). Nhân vật chết đi sống lại nhiều lần. Hiện tượng này ở một số nước theo đạo Phật thể hiện thuyết luân hồi. Riêng môtíp trừng phạt mang tính dân tộc, nét riêng của truyện kiểu Tấm Cám ở Việt Nam. Trừng phạt kẻ gây ra tội ác để giành lấy công bằng, là khát vọng sống của mỗi con người.
Mảng văn hóa dân gian cung cấp cho học sinh vốn hiểu biết rất lớn về các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đời sống, xã hội… của người xưa. Do tính truyền miệng, tính tập thể nên tư tưởng ấy của nhân dân. Nó rất hiện đại, tiến bộ, mang tính phổ quát cao. Vì vậy nếu giáo viên giúp học sinh khai thác tác phẩm văn học dân gian thêm ở những khía cạnh như thế chắc chắn học sinh sẽ hiểu mảng văn học dân tộc này thêm sâu sắc, ngày càng tự hào về mảng văn học của ông cha ta.
_______________
1, 4. Phan Trọng Luận, Ngữ văn 10, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.35, 95.
2. Phan Đăng Nhật, Sử thi Ê đê, Nxb Khoa học Xã hội, 1991, tr.26.
3. Hoàng Ngọc Hiến, Năm bài giảng về thể loại ký, bi kịch, trường ca, anh hùng ca, tiểu thuyết, Nxb Giáo dục, 1999, tr.57.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018
Tác giả : PHAN THỊ NỞ