Nguyễn Giang Hải
(PGS.TS. Viện Khảo cổ học)
Mười thế kỷ sau Công nguyên được các nhà nghiên cứu thường gọi là thời Bắc thuộc hoặc chống Bắc thuộc. Thực ra, thời Bắc thuộc còn ngược về trước gần hai thế kỷ. Vào năm 179 trước Công nguyên, sau khi chinh phục được nước Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập đất đai Âu Lạc vào phạm vi nước Nam Việt. Đất Âu Lạc cũ bị chia thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân. Từ đó nước ta bị thế lực phương Bắc thống trị qua các triều đại Tây Hán, Đông Hán, Lục Triều, Tùy - Đường kéo dài cho đến chiến thắng Bạch Đằng lịch sử do Ngô Quyền lãnh đạo vào năm 938.
Nhân dân ta, suốt hơn một nghìn năm đã bền bỉ đấu tranh chống lại ách đô hộ của các thế lực phương Bắc trên tất cả mọi bình diện: đấu tranh giành độc lập, đấu tranh bảo vệ và phát triển văn hóa.
Trong suốt thời Bắc thuộc, sức sống văn hóa Đông Sơn luôn là điểm tựa vững chắc trong đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Bài viết này tìm hiểu về sức sống Đông Sơn chủ yếu qua một số loại hình di tích khảo cổ trong những thế kỷ sau Công nguyên.
Đông Sơn Vitality from some types of archaeological sites
The Đông Sơn culture is a base of the ancient Vietnamese civilization, of Văn Lang and Âu Lạc states. From 179 BC to 938 AD, Việt Nam was dominated by feudal Chinese dynasties. This is the period that the Han (Chinese) dominators tried to sinicize in order to eliminate the ancient Vietnamese culture. However, with the brilliant Đông Sơn-culture tradition, the Vietnamese were still enduring to struggle against the dominant yoke of the Chinese forces to gain independence and preserve the Vietnamese tradition and cultural identity.
This paper contributes to the study and the justification of the Đông Sơn-culture vitality, the tradition of the ancient Vietnamese culture through some of the archaeological evidence from the Chinese Domination period and later.
1. Di chỉ cư trú
Cho đến nay, tài liệu về những di chỉ cư trú có niên đại thời Bắc thuộc còn ít, tuy nhiên những phát hiện khảo cổ học tại vùng đất Dâu - Luy Lâu cổ, Bắc Ninh đã bổ khuyết phần nào nhận thức của chúng ta về đời sống của cư dân Việt cổ trong thời kỳ này.
1.1. Di chỉ Bãi Đồng Dâu: Bãi Đồng Dâu phân bố trên thềm phù sa của con sông Dâu thuộc xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đối diện bên kia sông là thành cổ Luy Lâu. Cuộc khai quật năm 1986 tại đây đã thu được nhiều kết quả quan trọng với hàng nghìn hiện vật gồm đồ gốm gia dụng như đồ đựng, đun nấu (nồi, vò) và đồ phục vụ ăn, uống (bát, đĩa), đồ gốm công cụ sản xuất (763 chì lưới), đồ sắt, đồ đồng và đồ xương. Niên đại di chỉ được xác định từ cuối thế kỷ II đến thế kỷ VII.
Dựa vào kết quả nghiên cứu tầng văn hóa và các di vật, các tác giả báo cáo khai quật cho rằng, Bãi Đồng Dâu là di chỉ cư trú của dân chài. Cư dân Đồng Dâu chuyên sống bằng nghề chài lưới. Về nhận thức, di chỉ Đồng Dâu thể hiện một dạng sống giản dị bình dân của người Việt cổ, của những người dân lao động trong thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Mặt khác, khi nghiên cứu những di vật gốm thô xám có văn thừng nơi đây cho thấy sự tồn tại và phát triển gốm truyền thống từ thời sơ sử ở nước ta (Trần Quốc Vượng và nnk 1986: 251-253).
1.2. Di chỉ cư trú trong thành Luy Lâu: Luy Lâu là trị sở của nhà Hán ở Giao Chỉ và là trung tâm Phật giáo cổ xưa thời Bắc thuộc.
Có một thời gian dài, chúng ta vẫn đinh ninh rằng, bên trong những vòng thành Luy Lâu cổ là những dinh thự, công sở, nhà cửa của người Hán phương Bắc. Những nghiên cứu khảo cổ học gần đây đã cung cấp cho chúng ta những nhận thức mới.
Tính đến cuối năm 2014, di tích thành cổ Luy Lâu đã trải qua 8 lần khai quật. Kết quả của các cuộc khai quật đã đưa ra khỏi lòng đất rất nhiều tư liệu mới, quý về lịch sử và bản thân tòa thành Luy Lâu. Có thể tóm lược như sau:
- Luy Lâu là một khu di tích phức hợp với số lượng loại hình di tích, di vật phong phú có nhiều niên đại khác nhau.
- Thành Luy Lâu được khởi dựng từ đầu công nguyên và liên tục được sử dụng, sửa đắp trong nhiều thế kỉ sau đó, đến tận thế kỉ X. Qua nghiên cứu các vật liệu kiến trúc cho thấy ở đây đã diễn ra hai thời kì xây dựng lớn: Thời kỳ Đông Hán - Lục triều và thời kỳ Tùy - Đường, về mặt thời gian cũng gần như trùng khớp với hai thời kì đắp thành Luy Lâu. Diện mạo cấu trúc các vòng thành dần được nhận thức đầy đủ. Thành Luy Lâu có quy mô lớn, cấu trúc kiên cố, lợi hại. Rất có thể có 3 vòng thành, thậm chí nhiều hơn chứ không phải 2 vòng thành như ta thường nghĩ trước đây.
- Đào thám sát di chỉ ngoại thành nằm sát chân thành Nam, thu nhiều di tích và di vật các loại như gạch, ngói, gốm sứ, tiền đồng, xương động vật,... Các di tích di vật này có niên đại tương đương với thành. Đó là di tích của khu vực nhà cửa, phố xá được xây cất quy mô với các hoạt động sản xuất buôn bán sầm uất dọc bờ sông Dâu.
- Cho đến nay đã phát hiện gần 1.000 mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn. Hầu hết tìm thấy trong địa tầng văn hóa. Trong một bài viết gần đây chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này, ở đây không đề cập đến nữa (Nguyễn Giang Hải 2016).
- Cuộc khai quật vào cuối năm 2014 do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành ở khu vực thành nội đã thu được hàng ngàn di vật quý. Đáng chú ý là sự hiện diện của hàng loạt đồ dùng sinh hoạt như bát, âu, nồi, vò, nghiên mực.., làm từ gốm men và đất nung cho thấy đây cũng là di chỉ cư trú của cả quan lại, trí thức và tầng lớp bình dân, kéo dài trong nhiều thời kì, trong đó giai đoạn Đông Hán - Lục triều khá đậm nét. Đã phát hiện được dấu tích của một công xưởng sản xuất đồ kim loại. Với số lượng lớn chì lưới và dọi xe chỉ cho thấy người dân ở đây còn có nghề đánh cá và dệt vải.
- Qua tài liệu này cho thấy, ngay trong lòng thành cổ Luy Lâu vẫn tồn tại những khu vực cư trú của những người bình dân lao động. So sánh sưu tập hiện vật này với các hiện vật ở Bãi Đồng Dâu năm 1986, các nhà khảo cổ nhận thấy giữa hai sưu tập không có nhiều khác biệt. Điều lý thú là, nếu các tác giả khai quật năm 1986 dựa vào sưu tập hiện vật để đi đến nhận xét rằng, cuộc sống của cư dân Bãi Đồng Dâu là đại diện của phương thức sống Việt, đối lập với cuộc sống của phương thức sống Hán ở bên trong thành, kết quả khai quật lần này cho thấy dù ở bên trong hay ngoài thành, đời sống của người dân không có gì khác biệt lắm. Điều đó nói lên rằng, ngay trong thành Luy Lâu, cư dân bản địa vẫn hiện diện đông đúc với phương thức sống Việt cổ và là nguồn lực chính cho sự tồn tại của Luy Lâu (Trương Đắc Chiến và nnk 2014).
Những chứng tích cư trú (và khuôn đúc trống đồng) của cư dân Việt cổ ở thành Luy Lâu, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt ở ngay trong sào huyệt của những kẻ xâm lược Hán, Đường.
2. Mộ táng
Trong 10 thế kỷ sau Công nguyên, có hai hệ thống mộ táng phát triển song song. Đó là mộ thuyền (hay mộ thân cây khoét rỗng) và mộ gạch (hay mộ kiểu Hán).
2.1. Mộ thuyền: Mộ thuyền còn có tên gọi khác là mộ thân cây khoét rỗng. Các nhà khảo cổ khá thống nhất với nhau khi cho rằng loại mộ hình thuyền ra đời vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn phát triển (thế kỷ V - III BC) mà chủ nhân của chúng là người Việt cổ. Mộ thuyền được xem là thành tố văn hóa quan trọng của cư dân Đông Sơn, nhất là cư dân vùng đồng bằng trũng sông Hồng. Loại hình mộ táng này có phạm vi phân bố hẹp hơn diện phân bố của văn hóa Đông Sơn. Đến nay đã có 8 tỉnh và thành phố ở miền Bắc phát hiện được di tích mộ thuyền Đông Sơn.
Về niên đại tồn tại của loại hình mộ thuyền, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng loại hình mộ thuyền Việt Nam xuất hiện khoảng thế kỷ V - VI trước Công nguyên. Về thời điểm kết thúc có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng loại hình mộ này kết thúc vào thế kỷ XIII - XIV (Phạm Quốc Quân 1985: 49 - 56) hoặc đến thời Trần và Lê sơ (Hoàng Xuân Chinh 1983). Cũng có ý kiến cho rằng mộ thuyền tồn tại liên tục cho đến tận ngày nay (Ngô Đức Thịnh 1984: 77 - 90; Bùi Văn Liêm 2013).
Bùi Văn Liêm cho rằng, mộ thuyền Việt Nam có hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất từ giai đoạn Đông Sơn phát triển (thế kỷ V - IV trc.CN đến thế kỷ I - II sau CN), đây là giai đoạn của mộ thuyền Đông Sơn. Thời kỳ thứ hai từ sau thế kỷ III - IV sau Công nguyên kéo dài đến tận ngày nay. Tác giả cũng lưu ý về tên gọi loại hình mộ thuyền ở giai đoạn hai sao cho phù hợp với chức năng và với quan niệm của chủ nhân để phân biệt với mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn (Bùi Văn Liêm 2013: 184). Tác giả cũng đề xuất tên gọi loại mộ thuyền giai đoạn thứ hai là loại mộ thuyền theo truyền thống Đông Sơn. Tôi xin nhấn mạnh điều này.
Tài liệu mộ hình thuyền góp phần quan trọng phản ánh sức sống Đông Sơn trong những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Có thể nêu vài ví dụ tiêu biểu:
Ở vào thời điểm một hai thế kỷ trước, sau công nguyên, đồ tùy táng chôn trong mộ chủ yếu là những di vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, điển hình là những di tích Việt Khê, Châu Can, Châu Sơn, Vũ Xá, Nguyệt Áng, Đông Quan, Đồng Lăng, Thắng Lợi, Phương Đông, Kiệt Thượng v.v… Tại khu mộ Việt Khê, Thủy Nguyên Hải Phòng đã phát hiện được 5 mộ hình thuyền trong đó có 1 mộ lớn chứa hơn 100 hiện vật mà phần lớn là đồ đồng Đông Sơn điển hình như trống, thạp rìu, dao găm, cũng có một ít di vật có nguồn gốc ngoại lai được cho là giao lưu trao đổi mà có.
Khi nhà Hán đặt ách thống trị nước ta, những dấu ấn của sự tiếp xúc văn hóa Việt - Hán được thể hiện khá rõ nét các các tài liệu mộ Phú Lương, Xuân La, Đọi Sơn, Nghĩa Vũ, Cửa Đình, Từ Lạc, Ân Thi, Minh Đức, Trầm Lộng v.v… Trong khu mộ Xuân La (mộ 3 và 4) đã phát hiện được những hiện vật Đông Sơn muộn đặc trưng như thạp, giáo, rìu, đĩa đồng và nhiều đồ bằng sắt cùng 43 đồng tiền chủ yếu là vào thời Đông Hán. Khu mộ Ân Thi tìm thấy 200 đồng tiền, chủ yếu là tiền Ngũ Thù thời Đông Hán. Khu mộ Phú Lương tìm thấy ấm đồng mang phong cách thời Đông Hán. Những dẫn chứng như trên còn rất phong phú khi khảo sát mộ thuyền trên khu vực trũng đồng bằng Bắc Bộ.
Kể từ thời Đông Hán, trên đất Âu Lạc cũ xuất hiện loại mộ gạch. Nhưng, những ảnh hưởng của văn hóa mộ thuyền có tác động rất nhiều đến lối chôn cất ngoại lai (mộ gạch). Trong lòng những ngôi mộ gạch kiểu Hán ở Nghĩa Vũ (Hải Dương), mộ Đường Dù (Hải Phòng) có những quan tài hình thuyền kiểu Đông Sơn. Điều này chứng tỏ, văn hóa bản địa, văn hóa Đông Sơn có sức sống mãnh liệt và phát triển bền vững trong thời phong kiến phương Bắc thống trị.
Từ những tư liệu trên có thể thấy, thời Đông Hán là giai đoạn mở đầu, đánh dấu sự tiếp biến, đan xen văn hóa Việt - Hán diễn ra trên đất Âu Lạc cũ.
Từ sau thế kỷ X, hệ thống mộ gạch kiểu Hán hoàn toàn tuyệt tích, chỉ còn lại mộ táng của người Việt với những thay đổi đáng kể về cấu trúc mộ, quan tài và cả trong táng tục. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể dõi tìm truyền thống mộ thuyền trong những thế kỷ Đại Việt. Như ngôi mộ quan tài thân cây khoét rỗng phát hiện ở khu di tích Đinh Lê ở xã Trường Yên (Ninh Bình) chôn theo tiền Khai Nguyên thông bảo, Thánh Nguyên thông bảo, mộ được xác định thuộc thời Lý - Trần. Trong những ngôi mộ thời Trần như mộ Tân Đình, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), mộ Quảng Hợp, huyện Quảng Xương và mộ Thăng Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đều là những mộ có quan tài thân cây khoét rỗng. Điều này cho thấy, mộ thời Trần vẫn bảo lưu kỹ thuật tạo quan tài thuyền trong truyền thống mộ thuyền Đông Sơn.
2.2.Mộ gạch: Từ thời kỳ nhà Đông Hán đến thời nhà Đường (thế kỷ III - IX), bên cạnh hệ thống mộ thuyền, mộ đất của người Việt cổ đã xuất hiện loại hình mộ gạch. Mộ gạch là loại mộ điển hình của văn hóa Hán. Cho đến nay đã có hàng trăm ngôi mộ gạch được phát hiện và nghiên cứu. Phạm vi phân bố của chúng trải rộng ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, trong đó tập trung nhất ở 4 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang. Hầu hết ngôi mộ này phân bố ở vùng Bắc Bộ, gần trung tâm các lỵ sở, quận cai trị cũ hoặc nằm trên các trục giao thông thủy bộ lúc bấy giờ. Ở vùng núi phía Bắc, số lượng mộ gạch rất ít, mới chỉ tìm thấy ở vùng núi Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.
Những ngôi mộ gạch có niên đại từ thời Đông Hán đến thời Lục triều (thế kỷ III - thế kỷ VI) có số lượng lớn nhất. Cuối thời Đường (thế kỷ IX), những ngôi mộ này dường như ít dần, và biến mất không để lại vết tích theo thời gian.
Ở những thế kỷ đầu Công nguyên, gạch xây mộ thường ở rìa cạnh có trang trí hoa văn. Ngoài những mô típ Hán thường gặp là văn ô trám đơn, ô trám lồng, kẻ carô, văn xương cá.., ta vẫn thấy xuất hiện những “ngôn ngữ Đông Sơn” như vòng tròn tiếp tuyến, hình trâm, vòng tròn đồng tâm v.v... Chẳng hạn khi khai quật ngôi mộ gạch Đức Sơn thời Đông Hán ở Đông Triều, Quảng Ninh, các nhà khai quật cho rằng những hoa văn trên gạch xếp mộ rất gần gũi với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn với mô típ hình chữ S xoắn, hoa văn hình trâm (Vũ Quốc Hiền và nnk 2012: 56 - 73). Những hiện tượng như vậy chúng ta còn bắt gặp nhiều ở các ngôi mộ khác nữa như các khu mộ Mạo Khê (Quảng Ninh), Vũng Đông, Nghi Vệ (Thanh Hóa), Thuận Thành, Lãng Ngâm (Bắc Ninh), Đường Dù, Tràng Kênh (Hải Phòng), Chèm, Đống Vằn (Hà Nội).
Phần lớn những mộ gạch thời Hán đã bị phá hủy hoặc bị đào trộm. Trong lòng mộ thường chôn theo những vật dụng thường ngày như bát, đĩa, chén, đồ trang sức và cả mô hình nhà, giếng nước. Những hiện vật này thường mang phong cách Hán, tuy nhiên những hiện vật mang phong cách Đông Sơn vẫn tồn tại khá nhiều như những chiếc vò gốm Đông Sơn ở khu mộ Vũng Đông (Thanh Hóa). Tại khu mộ Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã phát hiện những chiếc giáo Đông Sơn, sanh đồng, nồi đồng, chõ đồ xôi mang phong cách Đông Sơn. Ở khu mộ Mạo Khê còn phát hiện được cây đèn đồng kiểu Đông Sơn, ở mộ Nguyệt Đức (Bắc Ninh), còn phát hiện được mô hình chiếc giếng đất kiểu Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ (Phạm Như Hồ, Đỗ Đình Truật 1973: 254-261; Nguyễn Thành Trai, Đỗ Đình Truật 1973: 262-269). Tại địa điểm Lạch Trường (Thanh Hóa) bên cạnh những hiện vật Hán còn có chiếc mâm đất với hoa văn hình ba con cóc chụm đầu (Hán) được bao quanh bởi vòng tròn tiếp tuyến (Đông Sơn). Trong khu mộ thời Đông Hán muộn ở Đá Bạc, Vân Đồn, Quảng Ninh, ngoài số lượng lớn đồ tùy táng mang phong cách Hán, các nhà khai quật đã phát hiện được chiếc chậu trống mà mặt đáy được trang trí những mô típ mặt trống đồng mà theo những người khai quật cho biết khá giống với mặt trống đồng Hữu Chung. Những hoa văn truyền thống trên trống Đông Sơn được trang trí trên những chậu đồng tìm thấy trong ngôi mộ là dấu hiệu ban đầu quá trình bị đồng hóa của những kẻ đi đồng hóa (Đỗ Văn Ninh 1997: 110).
Đến nay, những tư liệu mộ gạch có niên đại Lục triều (thế kỷ III - VI) còn khá ít, nhưng những phát hiện mới đây ở khu mộ cổ Bí Thượng (Quảng Ninh) giúp ta phần nào hiểu được sức sống Đông Sơn. Tại khu mộ Bí Thượng, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đồ gốm thô, gốm men, kim loại, chủ yếu là đồ lễ khí và đồ sinh hoạt. Đáng chú ý là nhóm gốm thô cho thấy về loại hình và hoa văn mang nhiều đặc điểm truyền thống gốm Đông Sơn (Lê Thị Liên và nnk 2006: 417- 420).
Trong số ít những ngôi mộ gạch có niên đại thời Tùy - Đường (thế kỷ VII - VIII), dấu ấn Đông Sơn vẫn còn hiện hữu. Cuộc khai quật khu mộ Cửa Đền, Đông Anh, Hà Nội đã đưa ra khỏi lòng đất nhiều hiện vật phong phú bao gồm đồ gốm, đồ sành, đồ kim loại v.v… Điều đáng quan tâm là trong số 100 mảnh gốm thô kiểu Đông Sơn có 47 mảnh trong mộ, và 53 mảnh ngoài mộ, cùng một mũi tên đồng Cổ Loa. Ngôi mộ được xác định có niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX, chủ nhân ngôi mộ có thể là quý tộc người Việt có địa vị cao trong xã hội (Lại Văn Tới và nnk 2008: 360 - 364).
3. Các trung tâm sản xuất gốm
Mười thế kỷ đầu Công nguyên là thời kỳ rất ác liệt, nghề gốm truyền thống Đông Sơn tồn tại và phát triển trong điều kiện đất nước bị chiếm đóng bởi các triều đại phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên, dưới tác động của những điều kiện chính trị, xã hội và của kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến phương Bắc, nghề gốm truyền thống đã có những biến đổi. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứu những dữ kiện khảo cổ học từ những trung tâm sản xuất gốm lớn.
Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, trên vùng đất Giao Chỉ và Cửu Chân đã hình thành nhiều khu lò sản xuất gốm. Đến nay, chúng ta đã có hàng trăm tài liệu về các lò nung gốm cổ có niên đại thời Bắc thuộc. Trong hệ thống 10 khu lò sản xuất gốm ở giai đoạn 10 thế kỷ sau Công nguyên, nổi bật lên ba trung tâm lớn là Thanh Hóa (Tam Thọ), Bắc Ninh (Đại Lai, Bãi Định, Tam Sơn, Đương Xá), Vĩnh Phúc (Đồng Đậu, Thanh Lãng…). Về niên đại, thì trung tâm gốm Tam Thọ ở Thanh Hóa được hình thành sớm nhất từ cuối thế kỷ I, tồn tại đến thế kỷ IV - V sau Công nguyên. Các trung tâm khác cơ bản được hình thành vào thời Lục triều. Sự hình thành các trung tâm gốm cho thấy quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa. Nghề gốm và gốm truyền thống Việt Nam đã có những bước chuyển biến quan trọng (Hà Văn Tấn chủ biên 2002; Trần Anh Dũng 2008).
Những trung tâm sản xuất gốm trên có một số đặc điểm nổi bật sau:
- Phần lớn các khu lò gốm được phân bố trong khu vực cư trú của các cư dân Việt cổ đã sinh sống từ thời Kim khí. Những khu lò nung gốm có niên đại sớm như Tam Thọ, Đại Lai, Tam Sơn, Thanh Lãng được tạo dựng gần các khu di chỉ Đông Sơn. Đặc điểm này hình thành từ những yếu tố ngẫu nhiên của xã hội đương thời. Đó là, những khu dân cư đông đúc chính là thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Và dường như quy luật cư trú của những cư dân từ thời Kim khí hay gần những dòng sông, đó là điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu hay lưu thông các sản phẩm gốm. Mặt khác, vào thời Đông Sơn, chưa có làng nghề chuyên biệt làm gốm, những thợ gốm lành nghề sinh sống trong những làng Việt cổ truyền vừa làm ruộng vừa thực thi các nghề thủ công. Họ chính là nguồn nhân lực dồi dào tham gia trong hệ thống sản xuất ở những khu lò gốm của người Hán.
Qua quá trình lao động, người thợ gốm Việt đã tiếp thu từ các nhà sản xuất gốm Trung Hoa kỹ thuật tạo dựng lò (lò hình bánh bao, lò rồng, lò cóc…) cùng nhiều thủ pháp kỹ thuật tạo gốm sứ và cả mô hình tổ chức sản xuất gốm theo kiểu Trung Hoa. Từ những kinh nghiệm đã được tích lũy, những người thợ gốm Giao Chỉ, Cửu Chân đã tạo ra những sản phẩm đáp ứng được với nhu cầu của xã hội mà không quên gửi gắm vào đó những hồn cốt của phong cách gốm Việt từ tạo dáng cho đến những hoa văn trang trí. Đồ gốm mang phong cách gốm truyền thống Đông Sơn vẫn được duy trì trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên.
Truyền thống gốm Đông Sơn được bảo lưu thể hiện qua đồ gốm đất nung. Những đồ gốm thô tiếp nối truyền thống Đông Sơn về chất liệu, kiểu dáng cũng như hoa văn không những khác với gốm phong cách văn hóa Hán, mà so với gốm thời Đông Sơn cũng có những cải tiến đổi mới trong công nghệ chế tạo, cũng như về kiểu dáng và hoa văn trang trí. Trong một số khu lò nổi tiếng như Tam Thọ, Đồng Đậu, Thanh Lãng, Đương Xá v.v... dòng gốm cứng truyền thống mang phong cách Đường Cồ cũng khá phổ biến.
- Một bộ phận khu lò gốm phân bố gần các đô thị, các lị sở của quân, huyện lỵ. Khu lò Tam Thọ gần với lỵ sở quận Cửu Chân. Khu lò Bãi Định nằm sát với thành Luy Lâu - thủ phủ quan trọng của thời Hán Đường. Các khu lò Đồng Đậu, Thanh Lãng gần với lỵ sở huyện Mê Linh. Các lò gốm đã đáp ứng nhu cầu xây dựng các kiến trúc công sự, dinh thự, nhà cửa và nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trên người Hán cũng như của người bình dân bản địa.
- Sự có mặt của các trung tâm sản xuất gốm cùng những sản phẩm của nó đã cho phép khẳng định nhiều đồ gốm có phong cách ngoại lai đã được sản xuất tại Việt Nam. Việc sử dụng gốm Đông Sơn làm đồ tùy táng trong mộ gạch, sự tồn tại của hoa văn trang trí Đông Sơn, sự xuất hiện của loại lò nung mặt bằng dạng hình ống... đã cho thấy cùng với các lò gốm Trung Hoa còn có các lò gốm Việt và thợ gốm Việt.
Do gần với thị trường nông thôn, nông nghiệp trồng lúa nước nên nghề làm gốm trong giai đoạn này phát triển theo hướng dân gian hóa. Khuynh hướng này thể hiện qua sự đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chất liệu làm gốm và vẫn tiếp tục nung gốm truyền thống Đông Sơn. Các lò gốm được tạo dựng luôn thích ứng với tự nhiên, lợi dụng tự nhiên trong các thế đồi gò, trong môi trường giao thông thủy sông nước, trong cách sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tự nhiên dễ kiếm. Đó là những tập quán sản xuất được hình thành hoàn toàn xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của môi trường Việt Nam và tập quán cư trú của người Việt cổ. Đó cũng là không gian sinh tồn mà văn hóa Đông Sơn của người Việt đã thích ứng từ lâu đời (Trần Anh Dũng 1986: 42 - 50).
Khi nghiên cứu các trung tâm sản xuất gốm và hệ thống lò nung gốm thế kỷ I đến thế kỷ X, có thể nhận thấy rằng, người Việt nắm khá vững kỹ thuật sản xuất gốm, đã tiếp thu được những tiến bộ của nghề gốm đương thời và sử dụng nó theo cách thức độc đáo, tạo ra những sản phẩm giàu tính truyền thống. Bởi thế nghề gốm ở các trung tâm nói trên đã góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh chống đồng hóa hay giải Hán hóa trong suốt 10 thế kỷ đầu Công nguyên, tạo tiền đề cho sự phát triển nghề gốm sứ Đại Việt nổi tiếng sau này.
TÀI LIỆU DẪN
BÙI VĂN LIÊM 2013. Mộ thuyền Đông Sơn Việt Nam. Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
ĐỖ VĂN NINH 1997. Huyện đảo Vân Đồn. Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn. Quảng Ninh.
HÀ VĂN TẤN (chủ biên) 2002. Khảo cổ học Việt Nam, Tập III. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
HOÀNG XUÂN CHINH 1983.Vài ý kiến quanh vấn đề mộ quan tài hình thuyền. Trong Hội nghị nghiên cứu mộ thuyền lần thứ nhất. Tư liêụ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
LẠI VĂN TỚI và nnk 2008. Khai quật ngôi mộ tại thôn Dục Tú (Đông Anh Hà Nội). Những phát hiện
khảo cổ học năm 2007. Nxb. KHXH, Hà Nội: 360-364.
LÊ THỊ LIÊN và nnk. 2006. Phát hiện và khai quật mộ gạch chùa Bí Thượng. Những phát hiện Khảo cổ học năm 2006. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 417-420.
NGÔ ĐỨC THỊNH 1984. Về loại quan tài thân cây khoét rỗng (Từ tư liệu và nhìn nhận dân tộc học).
Trong Thông báo khoa học. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: 77-90.
NGUYỄN GIANG HẢI 2016. Sức sống Đông Sơn qua tư liệu trống đồng. Khảo cổ học, số 3: 53-59.
NGUYỄN THÀNH TRAI, ĐỖ ĐÌNH TRUẬT 1973. Mộ cổ ở Nguyệt Đức. Trong Những phát hiện mới về
Khảo cổ học năm 1972, Hà Nội: 262-269.
PHẠM QUỐC QUÂN 1985. Góp bàn về một số tên gọi một số loại hình mộ táng Việt Nam. Khảo cổ học, số 2: 49-56
PHẠM ĐÌNH HỔ, ĐỖ ĐÌNH TRUẬT 1973. Khu mộ cổ Mạo Khê. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ
học năm 1972, Hà Nội: 254-261.
TRẦN ANH DŨNG 1986. Lò gốm thế kỷ I- thế kỷ X. Khảo cổ học, số 2: 42-50.
TRẦN ANH DŨNG 2008. Các khu lò gốm 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam. Báo cáo chuyên đề.
Tư liệu Viện Khảo cổ học.
TRẦN QUỐC VƯỢNG và nnk 1986. Khai quật di chỉ Bãi Đồng Dâu (Hà Bắc). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1986. Hà Nội: 251- 253.
TRƯƠNG ĐẮC CHIẾN và nnk 2014. Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật di tích thành cổ Luy Lâu
năm 2014. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia, Hà Nội.
VŨ QUỐC HIỀN và nnk 2012. Kết quả khai quật di tích mộ gạch cổ Đức Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh năm 2011).
Thông báo Khoa học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 2: 56-73.
(Nguồn: Tạp chí Khảo cổ học, 2016, số 5, tr.36-42)