Nghiên cứu - Trao đổi » Văn hóa

Ngôn ngữ và Tiếng Việt từ cách tiếp cận của lôgic học

14:05 - 18/10/2018

Nói đến tư duy là nói đến ý thức, tri thức, văn hóa, đạo đức của con người. Ngôn ngữ không phải là tư duy, nhưng ngôn ngữ không tách rời tư duy, vì ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy. Ngôn ngữ là phương tiện để con người thực hiện hoạt động tư duy và truyền đạt tư duy cho nhau. Những hình thức cơ bản nhất của ngôn ngữ là tiếng nói và chữ viết. Giữa tư duy với tiếng nói và chữ viết có quan hệ phức tạp. Điều đó đúng đối với mọi thứ tiếng, trong đó có Tiếng Việt. Tiếng Việt dưới hình thức tiếng nói và chữ viết là tài sản tinh thần vô giá của người Việt Nam. Tiếng nói Việt có khả năng biểu đạt rõ ràng tư duy phong phú, sâu sắc và tinh tế của người Việt. Chữ viết Việt hiện nay là chữ Quốc ngữ; chữ đó dễ đọc, dễ viết, dễ ghi được tiếng nói Việt, dễ tương thích với các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, dễ hội nhập quốc tế. Người Việt Nam cần được trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển Tiếng Việt. Trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển Tiếng Việt cũng là trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển tư duy, văn hóa, tâm hồn của người Việt.

1. Mở đầu
 
Lôgic học là một trong các khoa học triết học. Đối tượng nghiên cứu của lôgic học là tư duy. Các khoa học triết học khác, cũng như các khoa học cụ thể, không nghiên cứu tư duy nói chung, mà chỉ nghiên cứu các hình thức cụ thể của tư duy. Ví dụ: triết học tự nhiên nghiên cứu tư duy tự nhiên, triết học xã hội nghiên cứu tư duy xã hội, toán học nghiên cứu tư duy toán, văn học nghiên cứu tư duy văn, kinh tế học nghiên cứu tư duy kinh tế, chính trị học nghiên cứu tư duy chính trị. Do có đối tượng nghiên cứu như vậy cho nên lôgic học là khoa học chung nhất, là “triết học thuần túy”, là “khoa học của các khoa học”; lôgic học có chức năng cung cấp phương pháp tư duy đúng đắn cho mọi khoa học khác. Khi nghiên cứu tư duy, lôgic học buộc phải nghiên cứu ngôn ngữ; bởi vì ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy; người ta chỉ nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy ngôn ngữ, chứ không thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy tư duy. Nghiên cứu tư duy và nghiên cứu ngôn ngữ không thể tách rời nhau. Khi nghiên cứu ngôn ngữ, người nghiên cứu có thể xuất phát từ tư duy (đây là cách tiếp cập của lôgic học), hoặc là xuất phát từ các hình thức biểu hiện của ngôn ngữ (đây là cách tiếp cập của ngôn ngữ học). Nghiên cứu tư duy cũng như nghiên cứu ngôn ngữ đã có từ hàng nghìn năm nay. Tuy vậy, nhiều vấn đề về tư duy và ngôn ngữ vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Nghiên cứu tư duy người Việt và ngôn ngữ người Việt cũng như vậy. Nhiều vấn đề về tư duy người Việt và ngôn ngữ người Việt vẫn còn có ý kiến tranh cãi. Bài viết này góp bàn một số vấn đề về ngôn ngữ nói chung và Tiếng Việt nói riêng từ cách tiếp cận của lôgic học, qua đó góp thêm ý kiến về vấn đề cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
 
2. Ngôn ngữ từ cách tiếp cận của lôgic học
 
Con người là động vật duy nhất có tư duy và ngôn ngữ. Tư duy là thuộc tính của bộ não con người, là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Ngôn ngữ là cái biểu đạt tư duy. Ngôn ngữ có nhiều hình thức khác nhau. Tiếng nói là hình thức cơ bản đầu tiên của ngôn ngữ2. Hình thức cơ bản thứ hai của ngôn ngữ là chữ viết. Tiếng nói của con người có từ khi loài người hình thành. Chữ viết chỉ xuất hiện khi con người đạt đến một trình độ văn minh nhất định3. Ngoài tiếng nói và chữ viết, ngôn ngữ còn có nhiều hình thức khác. Cử chỉ của con người (như lắc đầu, gật đầu, nhắm mắt, trợn mắt, chỉ tay, giơ tay, khoanh tay, chắp tay, cười, khóc, nhảy...), tín hiệu và ký hiệu (như đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, bảng chỉ dẫn, biểu tượng...) cũng được con người dùng để biểu đạt những ý nghĩ nào đó của tư duy, tức cũng là ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ là cái biểu đạt tư duy, nên ngôn ngữ là công cụ để con người suy nghĩ; là phương tiện để con người giao tiếp với nhau, truyền đạt tư duy cho nhau.
 
Ngôn ngữ và tư duy không thể tồn tại tách rời nhau. Quá trình chuyển hóa từ vượn thành người trong lịch sử hàng chục vạn năm trước đây về thực chất là quá trình chuyển hóa từ động vật chưa có tư duy thành động vật có tư duy, từ động vật chưa có ngôn ngữ thành động vật có ngôn ngữ. Mỗi người khi mới sinh đều chưa có tư duy và ngôn ngữ, đến sáu tuổi tư duy và ngôn ngữ về cơ bản mới hình thành. Ngôn ngữ của con người ngày càng phát triển. Ngôn ngữ càng phát triển thì càng thúc đẩy tư duy của con người phát triển. Ngược lại, tư duy của con người càng phát triển thì càng thúc đẩy ngôn ngữ phát triển.
 
Tư duy được tạo thành từ các ý (ý nghĩ) khác nhau. Khái niệm và phán đoán là các hình thức cơ bản của tư duy. Mỗi khái niệm và mỗi phán đoán là một ý. Khái niệm và phán đoán là sự phán ánh của đối tượng. Ngôn ngữ là sự biểu đạt của tư duy. Từ và câu là các hình thức của ngôn ngữ; và là sự biểu đạt của khái niệm và phán đoán. Từ là sự biểu đạt của khái niệm. Câu là sự biểu đạt của phán đoán. Mỗi câu được tạo thành bởi nhiều từ; trong đó có chủ từ và vị từ. Từ và câu biểu hiện ở chữ và tiếng, nhưng không phải chữ nào và tiếng nào, cụm chữ nào và cụm tiếng nào cũng là từ và câu. Một chữ (chữ viết), một cụm chữ, một tiếng (tiếng nói), một cụm tiếng có thể là một từ, một câu, cũng có thể không phải là một từ, một câu. Trong tiếng nói và chữ viết của mỗi nước, mỗi từ đều có một cách viết và một cách đọc; mỗi câu cũng đều có một cách viết và một cách đọc. Ví dụ, trong tiếng Việt, chữ “chuỗng” và tiếng “chuỗng” không phải là một từ (vì chữ đó và tiếng đó không có nghĩa, tức là không được dùng để biểu đạt khái niệm nào). Như vậy, nói đến tư duy thì phải nói đến đối tượng mà tư duy phản ánh, phải nói đến các hình thức của tư duy như khái niệm, phán đoán; nói đến tư duy thì phải nói đến ngôn ngữ, các hình thức của ngôn ngữ, trong đó có tiếng, cụm tiếng, chữ, cụm chữ, từ, câu.
 
Vì khái niệm và phán đoán là các hình thức của tư duy, nên mỗi khái niệm và mỗi phán đoán (nếu đúng) đều giống nhau ở mọi người. Ví dụ, khái niệm “ngựa”, khái niệm “động vật”, phán đoán “ngựa là động vật” ở mọi người trên thế giới từ xưa đến nay đều giống nhau, nhưng được biểu đạt bởi nhiều từ và nhiều câu khác nhau tùy theo từng ngôn ngữ. Ví dụ 1: khái niệm “ngựa” trong Tiếng Việt được biểu đạt bởi từ “ngựa”; từ “ngựa” được thể hiện bởi chữ “ngựa” và tiếng “ngựa”. Khái niệm “ngựa” trong Tiếng Anh lại được biểu đạt bởi tiếng khác và chữ khác. Ví dụ 2: phán đoán “ngựa là động vật” trong Tiếng Việt được biểu đạt bởi cụm chữ “ngựa là động vật” và cụm tiếng “ngựa là động vật”; còn trong Tiếng Anh nó lại được biểu đạt bởi cụm chữ khác và cụm tiếng khác.
 
Tư duy có quy tắc của tư duy. Quy tắc của tư duy bao gồm quy tắc của khái niệm, quy tắc của phán đoán, quy tắc của suy luận. Đối với khái niệm, quy tắc của tư duy đòi hỏi chúng ta cần phân biệt ngoại diên của khái niệm với nội hàm của khái niệm. Mỗi khái niệm đều có một ngoại diên và nội hàm xác định. Công thức chung của khái niệm là: (A = a + b + c). Trong đó, A là một khái niệm; a, b, c là ba nội dung tạo thành nội hàm của khái niệm A. Nếu A = a + b + c, B = a + b + c, thì A và B trùng nhau về ngoại diên và đồng nhất về nội hàm; khi đó, A và B chỉ là hai từ đồng nghĩa, cùng được dùng để biểu đạt khái niệm “a + b + c”. Nếu A = a + b + c,  B = a + b + c + d, thì ngoại diên của A bao hàm ngoại diên của B. Nếu A = a + b + c - d, B = a + b + c + d, thì A và B loại trừ nhau về ngoại diên. Nếu A = a + b, B = a + c, C = a + b + c, thì A và B có một phần trùng nhau về ngoại diên, phần ngoại diên trùng nhau đó là ngoại diên của C. Nếu A là một khái niệm nào đó, thì phủ định của khái niệm ấy (7A) cũng là một khái niệm; phủ định của phủ định của khái niệm ấy (77A) cũng là một khái niệm; A và 77A là hai khái niệm đồng nhất.
 
Đối với phán đoán, quy tắc của tư duy đòi hỏi chúng ta cần xác định giá trị và cấu trúc của phán đoán. Về giá trị, một phán đoán chỉ có một giá trị, hoặc là đúng hoặc là sai, không có khả năng thứ ba. Không có phán đoán nào vừa đúng vừa sai. Nếu A là một phán đoán nào đó thì phủ định của phán đoán ấy (7A) cũng là một phán đoán; phủ định của phủ định của phán đoán ấy (77A) cũng là một phán đoán. Trong đó, A và 77A là hai phán đoán đồng nhất về nội dung, và do đó đồng nhất về giá trị (cùng đúng hoặc cùng sai); A và 7A là hai phán đoán phủ định lẫn nhau, trái ngược nhau về giá trị (không thể cùng đúng và cũng không thể cùng sai). Về cấu trúc, hai khái niệm kết hợp với nhau sẽ tạo thành một phán đoán đơn. Phán đoán đơn là sự trả lời câu hỏi “Có phải S là P hay không?”, trong đó S và P là hai khái niệm. Phán đoán đơn có 8 loại. Công thức chung của 8 loại phán đoán đơn là: A = “Mọi S là P”, E = “Mọi S không là P”, I = “Một số S là P”, O = “Một số S không là P”, M = “Không phải rằng mọi S là P”, N = “Không phải rằng mọi S không là P”, B = “Không phải rằng một số S là P”, C = “Không phải rằng một số S không là P”. Trong 8 phán đoán đơn này, các cặp phán đoán phủ định nhau là:  A và M, E và N, I và B, O và C. Hai phán đoán đơn kết hợp với nhau thì tạo thành một phán đoán phức cơ bản. Các thao tác kết hợp hai phán đoán đơn để thành phán đoán phức là: phép kéo theo, phép hội, phép tuyển yếu, phép tuyển mạnh. Có 4 loại phán đoán phức cơ bản. Công thức chung của 4 loại phán đoán phức cơ bản là: (a --> b), (a ^ b), (a v b), (a v b). Các công thức này được đọc là: (a --> b) = “nếu có a thì có b”; (a ^ b) = “vừa có a vừa có b”; (a v b) = “hoặc có a hoặc có b”; (a v b) = “hoặc chỉ có a hoặc chỉ có b”. Trong đó, a và b là hai phán đoán đơn. Phán đoán (a --> b) chỉ sai khi a đúng và b sai. Phán đoán (a ^ b) chỉ đúng khi cả a và b cùng đúng. Phán đoán (a v b) chỉ sai khi cả a và b cùng sai. Phán đoán (a v b) chỉ đúng khi một phán đoán đúng và một phán đoán sai. Các phán đoán có từ 3 phán đoán đơn trở lên là phán đoán đa phức. Nếu a và b là hai phán đoán thì các phán đoán sau đây là tương đương về giá trị (tức là cùng đúng hoặc cùng sai): (a --> b) =  (7 b --> 7a) = 7(a ^ 7b) = (a v 7b) = (7a v b).
 
Đối với suy luận, quy tắc của tư duy đòi hỏi chúng ta phải phân tích cấu trúc của suy luận. Suy luận là tìm ra phán đoán mới từ các phán đoán đã có. Các phán đoán đã có là tiền đề của suy luận. Phán đoán mới là kết luận của suy luận. Để có kết luận đúng thì tiền đề suy luận phải đúng và cách suy luận phải đúng. Công thức của suy luận là: “vì a + b + c nên d”. Trong đó, a + b + c là tiền đề của suy luận; d là kết luận của suy luận. Suy luận có thể đi từ chung đến riêng hoặc từ riêng đến chung. Suy luận đi từ chung đến riêng là suy luận diễn dịch. Suy luận đi từ riêng đến chung là suy luận quy nạp. Suy luận trong tranh luận nhau là chứng minh. Khi khẳng định một phán đoán nào đó là đúng hay sai, thì chúng ta cần phải chứng minh vì sao chúng ta khẳng định phán đoán đó là đúng hoặc sai. Chứng minh phán đoán A là đúng đồng nghĩa với chứng minh phán đoán 7A là sai. Công thức của phép chứng minh cũng là công thức của suy luận (“vì a + b + c nên d”); tuy nhiên trong đó, a + b + c được gọi là các luận cứ của phép chứng minh; d được gọi là luận đề của phép chứng minh. Khi chứng minh một phán đoán nào đó là đúng hay sai thì: - cần phải xác định đúng nội dung của phán đoán ấy (nói cách khác, nếu chưa hiểu nội dung của một luận điểm nào đó thì không được cho rằng luận điểm đó là đúng hoặc sai, nếu chưa hiểu được đúng câu hỏi thì chưa được trả lời); -  cần phải đưa ra các lý do (căn cứ, luận cứ); - các lý do đưa ra phải đúng, đủ và phải được kết hợp (luận chứng) một cách hợp lý. Bác bỏ (phê phán, phản biện) một phán đoán nào đó cũng là chứng minh, bởi vì khi bác bỏ một ý kiến nào đó thì chúng ta phải chứng minh rằng ý kiến đó là sai.
 
Trên đây là nội dung cơ bản của các quy tắc của tư duy. Các quy tắc đó của tư duy là chung cho mọi người trên thế giới từ hàng chục vạn năm nay. Nội dung các quy tắc đó của tư duy là đơn giản. Ai cũng đều dễ dàng hiểu được các quy tắc đó sau khi phân tích vài ví dụ đơn giản. Khi đã hiểu được các quy tắc đó, người ta sẽ không bao giờ quên. Khi đã hiểu được các quy tắc đó, người ta sẽ dễ dàng vận dụng được chúng trong hoạt động tư duy của mình. Nếu không hiểu được các quy tắc của tư duy, người ta vẫn có thể tuân theo các quy tắc đó trong hoạt động tư duy, nhưng sự tuân theo đó là tự phát. Còn nếu hiểu được các quy tắc của tư duy, người ta sẽ tự giác tuân theo các quy tắc đó trong hoạt động tư duy. Tuy nhiên, người hiểu biết các quy tắc của tư duy sẽ khó mắc sai lầm hơn so với người không hiểu biết các quy tắc của tư duy.
 
Giống như tư duy, ngôn ngữ cũng có quy tắc. Ngôn ngữ chung có quy tắc của ngôn ngữ nói chung. Mỗi ngôn ngữ riêng lại có quy tắc của ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, quy tắc của mọi ngôn ngữ cũng đều phải phù hợp với quy tắc của tư duy. Bởi vì, từ là sự biểu đạt của khái niệm, câu đơn là sự biểu đạt của phán đoán đơn, câu phức là sự biểu đạt của phán đoán phức. Để sử dụng đúng một từ và một câu nào đó (dù câu đơn hay câu phức), chúng ta cần phải xác định được cấu trúc của khái niệm và phán đoán được biểu đạt ở từ và câu ấy. Nói rộng hơn, để sử dụng đúng ngôn ngữ cả ở hình thức tiếng nói và hình thức chữ viết, chúng ta cần phải xác định được cấu trúc của các khái niệm và phán đoán. Nếu không xác định đúng cấu trúc của khái niệm và phán đoán được biểu đạt bởi từ và câu được sử dụng, thì bài nói hoặc bài viết sẽ lủng củng, không rõ ràng, không lôgic, gây hiểu lầm. Chúng ta viết và nói vì muốn truyền đạt tư duy của mình cho người khác. Nếu người nghe và người đọc không hiểu được hoặc hiểu lầm tư duy của chúng ta, thì bài viết và bài nói của chúng ta là không thành công.
 
Khái niệm và phán đoán được biểu đạt bởi từ và câu, cụ thể hơn bởi chữ và tiếng. Tuy nhiên, giữa khái niệm và phán đoán với chữ và tiếng có quan hệ phức tạp. Tính phức tạp trong quan hệ giữa khái niệm với chữ và tiếng thể hiện ở những điểm sau. Thứ nhất, một khái niệm có nhiều tiếng nói và nhiều chữ viết. Ví dụ, khái niệm “Mặt Trời” là sự phản ánh của đối tượng Mặt Trời. Khái niệm “Mặt Trời” trong tư duy của mọi người trên thế giới đều giống nhau, nhưng nó được biểu đạt bằng những tiếng nói khác nhau và những chữ viết khác nhau (tùy theo từng dân tộc, từng địa phương, từng thời điểm). Trong Tiếng Việt, khái niệm “Mặt Trời” được biểu đạt bởi chữ “Nhật” và tiếng “Nhật”, chữ “Mặt Trời” và tiếng “Mặt Trời”. “Nhật” và “Mặt Trời” là hai từ khác âm đồng nghĩa. Trên thế giới, khái niệm “Mặt Trời” được biểu đạt bởi hàng nghìn chữ khác, và hàng chục nghìn tiếng khác. Thứ hai, nhiều khái niệm có một tiếng nói và một chữ viết. Ví dụ: trong Tiếng Việt, chữ “nhật” và tiếng “nhật” được dùng để biểu đạt cả khái niệm “nhật” và khái niệm “ngày”. Từ “nhật” trong Tiếng Việt là từ đa nghĩa (đồng âm khác nghĩa). Thứ ba, nhiều khái niệm có nhiều chữ viết nhưng chỉ có một tiếng nói. Ví dụ: trong Tiếng Việt, khái niệm “ca” (một loại đồ dùng trong gia đình) được biểu đạt bởi chữ “ca”; khái niệm “k” (một loại bệnh) được biểu đạt bởi chữ “k”; nhưng chữ “ca” và chữ “k” được đọc như nhau. Nói cách khác, trong tiếng Việt, hai chữ “ca” và “k” được phát âm giống nhau, hai chữ này được dùng để biểu đạt hai khái niệm khác nhau. Ví dụ khác, trong Tiếng Việt chữ “cuốc” và chữ “quốc” được phát âm giống nhau nhưng được dùng để biểu đạt hai khái niệm khác nhau. Thứ , một khái niệm có một chữ nhưng có nhiều tiếng nói. Ví dụ, trong Tiếng Việt chữ “lôgic học” (được dùng để biểu đạt một khoa học) có nhiều cách phát âm khác nhau cùng được chấp nhận (do chưa có quy định thống nhất). Nó có thể được đọc là: lo-gíc học”, “lô-gíc học” “lo-gích học”, “lô-gích học”. Ví dụ khác, chữ “HDI” có thể đọc là: “hát-đê-i”, “hát-dê-i”, “hát-đi-ai”, “ết-đi-ai”. Đối với những chữ vay mượn từ ngôn ngữ khác thường có tình trạng đọc không thống nhất.
 
Quan hệ giữa phán đoán với chữ và tiếng cũng có tính phức tạp giống như quan hệ giữa khái niệm với chữ và tiếng. Cụ thể, trong quan hệ đó: một phán đoán có nhiều tiếng nói và nhiều chữ viết, nhiều phán đoán có một tiếng nói và một chữ viết, nhiều phán đoán có nhiều chữ viết nhưng chỉ có một tiếng nói, một phán đoán có một chữ viết nhưng có nhiều tiếng nói. Trường hợp một phán đoán có nhiều tiếng nói và nhiều chữ viết là trường hợp các câu khác nhau có cùng một ý. Các câu khác nhau có cùng một ý là các câu khác nhau cùng được dùng để biểu đạt một phán đoán hoặc được dùng để biểu đạt các phán đoán tương đương nhau. Ví dụ, “không có sách thì không có tri thức”, “nếu không có sách sẽ không có tri thức”, “nếu không có sách thì không có tri thức”,  “không có tri thức nếu không có sách”, “muốn có tri thức thì phải có sách”, “nếu có tri thức thì có sách”, “không phải rằng không có sách mà vẫn có tri thức”, “hoặc là phải có sách hoặc là không có tri thức”, “hoặc là không có sách hoặc là có tri thức” là 9 câu khác nhau nhưng có cùng một ý. Những câu như vậy có thể thay thế cho nhau. Đối với những câu có cùng một ý thì chỉ cần sử dụng một câu trong số đó. Nhưng muốn biết các câu nào đó có cùng một ý hay không, chúng ta cần phải xác định được cấu trúc của các phán đoán được biểu đạt ở các câu ấy. Nói cách khác, khi sử dụng ngôn ngữ thì chúng ta phải hiểu được tư duy. Hiểu được các quy tắc của tư duy là để sử dụng ngôn ngữ một cách đúng đắn. Sử dụng ngôn ngữ một cách đúng đắn là để trình bày đúng đắn nội dung của tư duy. Chúng ta cần trình bày đúng đắn nội dung của tư duy để người nghe và người đọc bài nói và bài viết của chúng ta hiểu đúng được điều chúng ta muốn nói và muốn viết.
 
3. Tiếng Việt từ cách tiếp cận của lôgic học
 
Tiếng Việt gồm có tiếng nói Việt và chữ viết Việt. Tiếng nói Việt và chữ viết Việt là tiếng nói và chữ viết của người Việt (người Kinh). Tiếng nói Việt xuất hiện cách đây hàng chục nghìn năm, bởi vì khi người Việt xuất hiện thì tiếng nói Việt cũng xuất hiện. Người Việt sử dụng chữ viết mới cách đây vài nghìn năm. Chữ viết được người Việt sử dụng lúc đầu là chữ Hán, sau đó là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Ở Việt Nam hiện nay, có 54 dân tộc (sắc tộc), trong đó dân tộc đông người nhất là dân tộc Kinh. Mỗi dân tộc trong 54 dân tộc đó đều có một tiếng nói riêng, nhưng một số dân tộc vẫn chưa có chữ viết riêng.
 
Chữ viết Việt thời xưa là chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán là chữ của người Hán. Người Việt và người Hán tuy cùng sử dụng chữ Hán nhưng đọc khác nhau. Chữ Nôm là chữ do người Việt sáng tạo ra trên cơ sở chữ Hán. Chữ Hán và chữ Nôm khó học, khó nhớ. Vì thế, trong thời phong kiến, hầu hết người dân không biết đọc và biết viết chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán và chữ Nôm không những khó học, khó nhớ, mà còn khó biểu đạt được tư duy phong phú của người Việt. Chữ Hán và chữ Nôm không thể biểu đạt được nhiều bài ca dao, bài hát, bài thơ của người Việt. Vì thế, người ta chỉ có thể truyền miệng cho nhau các bài ca dao, bài hát, bài thơ này. Cách truyền miệng rất hạn chế, rất dễ làm sai lệch nội dung tư duy. Nhiều bài ca dao, bài hát, bài thơ đã bị thất truyền vì những người thuộc lòng bài ca dao, bài hát, bài thơ rất ít, và không phải bao giờ cũng được truyền lại được cho hậu thế.
 
Chữ viết Việt hiện nay là chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ là chữ tượng thanh (chứ không phải là chữ tượng hình như chữ Hán và chữ Nôm), có thể ghi lại được bất kỳ tiếng nói nào của người Việt, thậm chí có thể ghi lại được cả tiếng nói có ngữ điệu tinh tế. Chữ Quốc ngữ dễ viết, dễ đọc, dễ học, dễ nhớ. Chính vì thế, hầu hết người Việt Nam hiện nay đều biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ chỉ sau vài tháng học. Chữ Quốc ngữ là công cụ thuận lợi cho hoạt động tư duy; là tài sản vô giá của Việt Nam mà không phải quốc gia nào ở Đông Á cũng có được. Người có công lớn trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là Alexandre de Rhodes (phiên âm Hán Việt là A Lịch Sơn Đắc Lộ, sinh 15 tháng 3 năm 1591, mất 5 tháng 11 năm 1660), một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Vào năm 1651, ông cho in cuốn Từ điển Việt-Bồ-La dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Sự kiện này được coi là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, Alexandre de Rhodes còn soạn cuốn Phép giảng tám ngày, một  tác phẩm văn xuôi, phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ XVII. Hai tác phẩm này đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ cho người Việt [7].
 
Theo quy định của Nhà nước Việt Nam, chữ Quốc ngữ hiện nay có 29 chữ cái và 5 dấu thanh (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã). Nếu kết hợp 29 chữ cái và 5 dấu thanh, thì sẽ có 89 chữ cơ bản (viết thường) là: a, à, á, ạ, ả, ã, ă, ằ, ắ, ặ, ẳ, ẵ, â, ầ, ấ, ậ, ẩ, ẫ, b, c, d, đ, e, è, é, ẹ, ẻ, ẽ, ê, ề, ế, ệ, ể, ễ, g, h, i, ì, í, ị, ỉ, ĩ, k, l, m, n, o, ò, ó, ọ, ỏ, õ, ô, ồ, ố, ộ, ổ, ỗ, ơ, ờ, ớ, ợ, ở, ỡ, p, q, r, s, t, u, ù, ú, ụ, ủ, ũ, ư, ừ, ứ, ự, ử, ữ, v, x, y, ỳ, ý, ỵ, ỷ, ỹ. Trên sách báo hiện nay, nhiều người còn sử dụng cả 4 chữ cái tiếng Anh như f, j, w, z (như trong các từ: wifi, zalo, file, film, festival, sóng FM, máy fax, đèn flash, cafe, quần jeans, áo jacket, nhạc jazz, súng DKZ, xí nghiệp Z751, UNICEF, FAO, IMF, FIFA, WTO, WHO, WB). Trong số 89 chữ cơ bản nói trên, một số chữ cơ bản được đọc (phát âm) giống nhau. Ví dụ: “c”, “k” và “q” được đọc giống nhau;  “i” và “y” được đọc giống nhau. Chữ cơ bản là chữ có một thành phần. Nhiều chữ cơ bản khi được ghép lại sẽ thành chữ đa thành phần. Ví dụ 1: ba, bà, bá, bả, bạ, bã, ân, ần, ấn, ận, ẩn, ẫn là các chữ hai thành phần. Ví dụ 2: ban, bàn, bán, bản, bạn, bãn, cân, cần, cấn, cận, cẩn, cẫn là các chữ ba thành phần. Nhiều chữ kết hợp lại sẽ thành cụm chữ. Một chữ và một cụm chữ có một âm (tiếng) và một cụm âm (cụm tiếng) tương ứng. Ví dụ, “ăn cơm” là một cụm chữ gồm hai chữ và hai âm; “con cò bay lả bay la” là một cụm chữ gồm sáu chữ và sáu âm. Một chữ, một âm có thể là một từ, một cụm chữ và một cụm âm cũng có thể chỉ là một từ. Ví dụ, “cơm” là một chữ, một âm và cũng là một từ; “nhà ở” là một cụm hai chữ, cụm hai âm và cũng chỉ là một từ; “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là một cụm chín chữ, cụm chín âm, nhưng cũng chỉ là một từ.
 
Một chữ chỉ có một âm tương ứng, trong đó có chữ nguyên âm và chữ phụ âm. Những chữ nguyên âm và những chữ phụ âm được sử dụng để đánh vần. Ngoài 89 chữ và âm cơ bản nói trên, một số chữ khác (như: oa, òa, óa, ọa, ỏa, õa, oe, òe, óe, ọe, ỏe, õe, uy, ùy, úy, ụy, ủy, ũy, ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr, gi, qu, ia, ìa, ía, ịa, ỉa, ĩa, ie, ìe, íe, iẹ, ỉe, ĩe,...) cũng được sử dụng để đánh vần. Các nhà ngôn ngữ học chưa có sự thống nhất trong việc xác định các chữ nguyên âm và các chữ phụ âm được sử dụng để đánh vần. Tuy nhiên, cách tạo chữ và cách đọc chữ trên cơ sở các nguyên âm và các chữ phụ âm là đặc trưng của Tiếng Việt hiện nay. Cách tạo chữ này giúp cho chúng ta, nhất là cho trẻ em người Việt, dễ học Tiếng Việt. Nếu viết đúng và đọc đúng các chữ nguyên âm và các chữ phụ âm nói trên (khoảng hơn 100 chữ), thì chúng ta sẽ dễ dàng đọc được và viết được mọi chữ khác4. Trong Tiếng Việt, có một số trường hợp tuy nói giống nhau nhưng viết khác nhau (như: c và k, ca và ka, i và y, si và sy, sĩ và sỹ, cuốc và quốc,...); có một số trường hợp tuy viết giống nhau nhưng nói khác nhau (ví dụ: “logic học”, “HDI”,...). Ngoài ra, tùy theo từng vùng, từng miền, một chữ có thể được đọc theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù vậy, nhìn chung trong Tiếng Việt, nói như thế nào thì viết như thế ấy, viết như thế nào thì nói như thế ấy. Đây là một ưu điểm của Tiếng Việt. Do Tiếng Việt có ưu điểm đó nên những người đã nói được tiếng Việt, đã thuộc các chữ nguyên âm và chữ phụ âm, thì sẽ dễ dàng viết và đọc được chữ Quốc ngữ.
 
4. Giáo dục ngôn ngữ mẹ đẻ và giáo dục tư duy cho trẻ em
 
Giáo dục ngôn ngữ mẹ đẻ cho trẻ em là việc được xã hội đặc biệt quan tâm. Cha và mẹ, nhất là mẹ, có vai trò quan trọng đối với việc giáo dục nhân cách nói chung và giáo dục tiếng mẹ đẻ nói riêng cho con của mình. Từ hàng nghìn năm nay, kể từ khi gia đình hình thành, mẹ bao giờ cũng là giáo viên đầu tiên và quan trọng nhất của con mình. Giáo dục quan trọng nhất cho trẻ em là giáo dục cho trẻ em biết cách đối xử đúng đắn với mọi người, có ý thức trách nhiệm đối với xã hội; sau đó mới là giáo dục cho trẻ em biết nói, biết đọc và biết viết. Trẻ em sáu tuổi đã hình thành nhân cách rồi, đã biết sống có văn hóa rồi. Việc giáo dục để trẻ em có được điều đó là rất công phu, công lao đó chủ yếu thuộc về mẹ của trẻ em. Công lao chủ yếu trong việc giáo dục tiếng mẹ đẻ cho trẻ em cũng thuộc về mẹ của trẻ em, dù cho họ không biết chữ. Bởi vì, tiếng mẹ đẻ không phải chỉ là chữ viết, mà còn là tiếng nói. Từ lúc con mình mới sinh, mẹ đã giáo dục con của mình rồi. Khi con được vài tháng tuổi, mẹ và con đã giao tiếp được với nhau (chẳng hạn, ở một số việc, mẹ nói con đã hiểu, con nói mẹ đã hiểu). Bình thường, trẻ em ba tuổi có thể giao tiếp lưu loát với mẹ, hiểu được nhiều câu chuyện, thuộc được nhiều bài hát và bài thơ, nói được nhiều câu dài; trẻ em sáu tuổi đã nói tương đối lưu loát, đã giao tiếp được ở mức độ cơ bản, đã biết cách đối xử đúng đắn với mọi người. Trẻ em có hiểu biết như vậy là nhờ có sự giáo dục của mẹ của mình.
 
Để giáo dục trẻ em sử dụng ngôn ngữ thành thạo thì ngay từ bậc tiểu học (hoặc ít nhất ngay từ giai đoạn đầu của bậc trung học cơ sở), việc giáo dục ngôn ngữ (từ và câu) cần phải được kết hợp với giáo dục quy tắc của tư duy (quy tắc của khái niệm, phán đoán, suy luận). Khi hiểu được quy tắc của tư duy, thì người ta sẽ cụ thể hóa quy tắc đó thông qua vô số ví dụ cụ thể. Người ta có thể dễ quên các từ và câu cụ thể nào đó, nhưng khó quên các quy tắc của tư duy. Học quy tắc của tư duy là học một biết mười. Các quy tắc cơ bản của tư duy (như đã nói ở trên) cần được dạy cho trẻ em ngay từ bậc tiểu học dưới hình thức lồng ghép trong môn học về ngôn ngữ. Bởi vì, quy tắc cơ bản của tư duy rất đơn giản. Giáo viên chỉ cần nêu vài ví dụ minh họa cho từng quy tắc, thì trẻ em cũng có thể hiểu được nội dung của quy tắc. Trẻ em ở bậc tiểu học có thể dễ dàng hiểu và vận dụng được các quy tắc đó.
 
Trình bày các quy tắc cơ bản của tư duy là nội dung cơ bản của môn lôgic học. Ở Việt Nam hiện nay (và ở nhiều nước khác), môn lôgic học mới chỉ được giảng dạy cho sinh viên đại học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn không hiểu và không biết vận dụng thành thạo các quy tắc của tư duy. Sở dĩ có chuyện đó không phải là vì các quy tắc cơ bản của tư duy có nội dung phức tạp, mà là vì các quy tắc đó đã bị làm phức tạp hóa. Các quy tắc cơ bản của tư duy nhẽ ra cần phải được trình bày đơn giản và cần phải được dạy cho trẻ em ở bậc tiểu học. Bởi vì, điều đó sẽ giúp cho trẻ em có được phương pháp tư duy đúng đắn ngay từ nhỏ. Ở bậc tiểu học (không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở nhiều nước khác), việc dạy ngôn ngữ đã bị làm tách rời với việc dạy các quy tắc của tư duy; điều đó không những làm hạn chế sự phát triển tư duy của trẻ em, mà còn làm hạn chế sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Nếu ở bậc tiểu học vì các lý do nào đó mà các quy tắc cơ bản của tư duy không được dạy cho trẻ em, thì ở nhà, cha mẹ nên dạy cho con mình các quy tắc cơ bản của tư duy. Bởi vì, hiểu biết các các quy tắc cơ bản của tư duy rất quan trọng đối với trẻ em; trong khi đó việc dạy các quy tắc cơ bản của tư duy lại rất đơn giản, mọi người lớn đều dễ dàng dạy được nội dung các quy tắc ấy. Nếu trẻ em không được dạy các quy tắc cơ bản của tư duy ở bậc tiểu học, thì khi lớn lên họ sẽ dễ mắc các lỗi sơ đẳng của tư duy. Các lỗi đó ví dụ là: sử dụng khái niệm mà không hiểu nội dung của khái niệm, sử dụng từ mà không hiểu nghĩa của từ, sử dụng câu mà không hiểu nghĩa của câu, nói mà không biết điều mình nói, viết mà không biết điều mình viết, chưa hiểu câu hỏi mà vẫn trả lời, không hiểu quan điểm của người khác mà vẫn ca ngợi hoặc phê phán họ, tuy cho rằng một điều nào đó là đúng nhưng lại không chứng minh vì sao điều ấy là đúng, tuy cho rằng một điều nào đó là sai nhưng lại không chứng minh vì sao điều ấy là sai. Sự vi phạm các quy tắc của tư duy còn thể hiện ở những lỗi như: nói huyên thuyên, nói lòng vòng, nói vòng vo, nói luẩn quẩn, nói lan man, nói nửa vời, nói nửa chừng, nói lạc đề, nói cùn, nói bừa, nói ẩu, nói để mà nói, nói không có sách mách không có chứng, nói lấy được, nói cho xong chuyên, nói lời nhưng lại nuốt lời,  nghĩ một đằng nhưng lại nói một nẻo, nói vậy nhưng không nghĩ vậy, giận cá chém thớt, nói không nhất quán, nói ba phải, nói tự mâu thuẫn với mình, khẳng định một điều gì đó nhưng đồng thời lại phủ định điều ấy hoặc phủ định hệ quả tất yếu từ điều đó, v.v.. Những lỗi này khá phổ biến ở người lớn. Khi đã dạy các quy tắc cơ bản của tư duy cho cho trẻ em ở bậc tiểu học, thì không cần dạy lại các quy tắc đó cho sinh viên ở bậc đại học và sau đại học nữa. Tuy nhiên, ở bậc đại học, cần dạy cho sinh viên về phép biện chứng. Phép biện chứng chính là lôgic học biện chứng. Phép biện chứng và lôgic học biện chứng là hai từ khác nhau được dùng để chỉ một môn khoa học duy nhất; do đó, không cần hai từ, chỉ cần một trong hai từ đó. Lôgic học biện chứng là lôgic học cao cấp. Lôgic học đang được giảng dạy ở bậc đại học hiện nay là lôgic học sơ cấp. Lôgic học biện chứng cung cấp cho chúng ta phương pháp tư duy sâu sắc hơn so với các phương pháp tư duy mà lôgic học sơ cấp cung cấp. Dạy phép biện chứng (= dạy lôgic học biện chứng) có ý nghĩa quan trọng đối với những người muốn nghiên cứu các vấn đề của “thế giới rộng lớn”. Còn đối với những người chỉ muốn nghiên cứu những vấn đề “thuộc phạm vi của bốn bức tường trong gia đình”, thì những kiến thức về các quy tắc cơ bản của tư duy được trình bày ở môn lôgic học sơ cấp (và cần được dạy ở bậc tiểu học) cũng đủ cho họ sử dụng rồi5.
 
Thông thường, khi vào lớp một, trẻ em mới được dạy đọc và viết chữ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình (không chỉ ở Việt Nam) đã dạy đọc và viết chữ mẹ đẻ, thậm chí dạy cả ngoại ngữ, cho trẻ em năm tuổi. Nhiều trẻ em năm tuổi đã biết đọc và biết viết chữ. Vậy, có nên dạy cho trẻ em học đọc và học viết chữ trước khi vào lớp một hay không? Có hai ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất cho rằng không nên như vậy. Ý kiến thứ hai cho rằng nên như vậy. Ý kiến thứ hai không phải là vô lý.
 
Để trả lời câu hỏi “có nên dạy cho trẻ em học đọc và học viết chữ trước khi vào lớp một hay không?”, chúng ta cần phải căn cứ vào tình huống cụ thể. Ví dụ, đối với chữ Quốc ngữ và đối với trẻ em người Việt ở các thành phố hiện nay, bố mẹ nên dạy cho trẻ em học đọc và học viết chữ trước khi vào lớp một. Còn đối với trẻ em người Việt ở các nông thôn hiện nay, hoặc đối với trẻ em các dân tộc thiểu số, thì không nên dạy cho trẻ em học đọc và học viết chữ Quốc ngữ trước khi vào lớp một. Bởi vì, trẻ em người Việt trước khi vào lớp một đã nói được lưu loát tiếng Việt; chữ Quốc ngữ là chữ dễ đọc và dễ viết; mọi người lớn đều có thể dễ dàng dạy cho trẻ em đọc và viết chữ Quốc ngữ. Hơn nữa, ngày nay ở thành phố của Việt Nam, đời sống vật chất sung túc hơn, trình độ dân trí cao hơn, phương tiện thông tin thuận lợi hơn, việc dạy trẻ em Việt đọc và viết chữ Quốc ngữ càng dễ dàng hơn.
 
5. Kết luận
 
Tiếng Việt dưới hình thức tiếng nói gắn liền với lịch sử phát triển lâu dài hàng chục nghìn năm của người Việt. Tiếng nói Việt có khả năng biểu đạt rõ ràng tư duy phong phú của người Việt, kể cả đối với tư duy khoa học sâu sắc và tinh tế, đồng thời là công cụ sắc bén cho người Việt trong hoạt động tư duy. Chữ viết Việt hiện nay (chữ Quốc ngữ) là loại chữ viết đơn giản, dễ đọc, dễ viết, dễ ghi được tiếng nói Việt, dễ tương thích với các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, dễ hội nhập quốc tế. Tiếng Việt (dưới hình thức tiếng nói và chữ viết) là tài sản tinh thần vô giá của người Việt. Người Việt cần trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển Tiếng Việt. Trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển Tiếng Việt cũng là trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển tư duy, văn hóa, tâm hồn của người Việt.
 
Chú thích
 
2 Trên thế giới hiện có gần 3.000 tiếng nói khác nhau. Mỗi dân tộc, mỗi sắc tộc, thậm chí mỗi vùng miền có thể có tiếng nói khác nhau. Ở Việt Nam có 54 dân tộc và nhiều vùng miền; mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng; mỗi vùng miền cũng thường có tiếng nói với ngữ điệu riêng. Trong đó, tiếng nói chính thức ở Việt Nam là tiếng nói được sử dụng bởi Đài Tiếng nói Việt Nam (phát thanh từ Hà Nội).
 
3 Nhờ có chữ viết nên con người có thể truyền đạt tư duy cho nhau một cách gián tiếp, tư duy của nhiều người thời cổ đại có thể truyền lại được cho thế hệ hôm nay. Chữ viết có thể là chữ viết tượng hình (như chữ Hán), hoặc là chữ viết tượng thanh (như chữ Anh). Số lượng chữ viết trên thế giới tuy ít hơn số lượng tiếng nói, nhưng không phải là số nhỏ. Chữ viết được ghi chủ yếu trong sách. Sách có các dạng như: sách bằng tre, sách bằng gỗ, sách bằng vải, sách bằng giấy, sách điện tử.
 
4 Để đọc đúng được một chữ Quốc ngữ nào đó, hiện đang có nhiều cách đánh vần khác nhau. Một trong những cách đánh vần một chữ Quốc ngữ nào đó là phân tích chữ ấy thành hai phần (ví dụ thành A và B), sau đó đọc A, rồi đọc B và đọc AB. Khi đã đọc đúng A và đọc đúng B thì chúng ta sẽ dễ dàng đọc đúng AB. Ví dụ, chữ “ổng” (AB) có chữ “ổ” (A) và chữ “ng” (B), khi đọc đúng chữ “ổ”, rồi đọc đúng chữ  “ng”, thì chúng ta sẽ dễ dàng đọc đúng chữ “ổng”. Ví dụ khác, chữ “khổng” (AB) có chữ “kh” (A) và chữ  “ổng” (B), khi đọc đúng chữ “kh”, rồi đọc đúng chữ “ổng”, thì chúng ta sẽ dễ dàng đọc đúng chữ “khổng”. Nếu đọc xong A, rồi đọc ngay B thì âm A và âm B ở nhiều trường hợp có thể hòa vào nhau, và tự động tạo thành âm AB, dù chưa cần đọc AB. Cách đánh vần này do Hồ Ngọc Đại đề xướng (nên có thể gọi đó là “cách đánh vần Hồ Ngọc Đại”). Cách đánh vần này là khoa học, đơn giản, dễ thực hiện.
 
5 Trẻ em muốn hình thành tư duy và ngôn ngữ thì cần phải được giáo dục. Giáo dục trẻ em về thực chất là giáo dục về tư duy (tư duy được hiểu bao hàm cả tri thức và phẩm chất đạo đức) và ngôn ngữ. Để giáo dục tư duy và ngôn ngữ cho trẻ em đạt hiệu quả tốt (đúng đắn, nhanh, bền vững), thì người giáo dục cần có triết lý giáo dục đúng đắn. Trên thế giới đã có rất nhiều triết lý giáo dục khác nhau. Mỗi nhà giáo dục học đều theo một triết lý giáo dục nào đó. Mỗi nhà nước đều áp dụng một triết lý giáo dục nào đó. Triết lý giáo dục mà nhà nước áp dụng được quy định thành pháp luật và bắt buộc mọi người giáo dục và mọi người được giáo dục phải tuân theo. Ở Việt Nam mấy chục năm vừa qua, Nhà nước đã nhiều lần cải cách giáo dục ở những mức độ khác nhau từ bậc tiểu học cho đến bậc sau đại học. Thay đổi thứ tự phát âm bắt đầu từ âm a sang bắt đầu âm e, thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học, thay đổi cách tuyển sinh vào đại học, thay đổi quy chế về đào tạo sau đại học, thay đổi về tiêu chuẩn đối với chức danh phó giáo sư và giáo sư, thay đổi thời lượng và số môn học lý luận chính trị cũng là những sự cải cách giáo dục ở một mức độ nào đó. Thậm chí có những vấn đề thay đổi liên tục, và sau vài lần lại quay trở về cái cũ. Ví dụ, việc giảng dạy kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin ở bậc đại học lúc đầu được thiết kế thành ba môn, sau đó được thiết kế thành một môn, và hiện nay đang được thiết kế lại thành ba môn như cũ; thời lượng của ba môn đó cũng thay đổi nhiều lần. Mỗi lần thay đổi về chính sách giáo dục đều dẫn đến những biến động lớn trong xã hội. Những gia đình có người đi học, những người đi học và những người đi dạy đều rất quan tâm đến thay đổi chính sách giáo dục, vì điều đó liên quan mật thiết đến lợi ích thiết thân của họ. Thay đổi chính sách giáo dục dựa trên thay đổi triết lý giáo dục. Trong triết lý về giáo dục có triết lý về mục đích (hay mục tiêu) giáo dục và triết lý về phương pháp giáo dục. Dù cho mục đích giáo dục là tốt, nhưng nếu phương pháp giáo dục không phù hợp, thì kết quả giáo dục cũng không hiệu quả. Xác định và lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp là vấn đề phức tạp. Để xác định và lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, nhà giáo dục và nhà giáo dục học cần dựa trên một triết lý giáo dục đúng đắn. Lôgic học là một phần cơ bản trong triết lý giáo dục đúng đắn.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1]     Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Tiếng Việt 1, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
 
[2]     Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Tiếng Việt 1, Tập hai, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
 
[3]     Nguyễn Thiện Giáp (2018), Từ và từ vựng học tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
 
[4]     Nguyễn Ngọc Hà (1999), “Tính phức tạp trong việc sử dụng các thuật ngữ triết học”, Tạp chí Triết học, số 5.
 
[5]     Nguyễn Ngọc Hà (2015), “Đơn gián hóa định nghĩa thuật ngữ”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2.
 
[6]     Nguyễn Văn Hòa (2014), Giáo trình Lôgích học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[7]     https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandre de Rhodes, Truy cập ngày 2/9/2018.
 
[8]     http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Su-phat-trien-ngon-ngu-cua-tre--truoc-tuoi-den-truong-Ky-cuoi-10273, Truy cập ngày 2/9/2018.
 

 
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà
Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 10 - 2018
Tags: Tư duy ngôn ngữ tiếng việt Nguyễn Ngọc Hà khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục