Nghiên cứu - Trao đổi » Văn hóa

Nghệ thuật Dù kê của người Khơme Nam bộ

09:00 - 01/08/2018

Dù kê là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc, có tính đặc trưng của người Khơme Nam Bộ, là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của dân tộc. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp Dù kê vào một trong 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong giai đoạn 2012 - 2016. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác, nghệ thuật Dù kê cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển. Vì vậy, việc tìm kiếm những giải pháp có hiệu quả để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dù kê là rất cần thiết để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay.

1. Nghệ thuật Dù kê - di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc
 
Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khơme Nam bộ chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XX nhưng được đông đảo người Khơme đón nhận, yêu thích và trở thành loại hình nghệ thuật chiếm vị trí hàng đầu trong đồng bào Khơme. Dù kê thuộc thể loại ca kịch dân gian có tính chất tổng hợp bao gồm cả ca nhạc, kịch và múa. Các nhạc công thì sử dụng nhạc cụ Khơme cổ truyền, còn các diễn viên trên nền nhạc ấy vừa diễn kịch bằng những lời hát kết hợp với múa những động tác chân tay nhịp nhàng, uyển chuyển. Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khơme ở vùng sông Bassắc (tức sông Hậu). Dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần và tình yêu cái đẹp của đồng bào Khơme Nam Bộ. Tuy nhiên, đó không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của riêng người Khơme, mà nó còn là di sản văn hóa của cả dân tộc. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy vì Dù kê ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như Rôbăm và ảnh hưởng lớn bởi sự giao thoa văn hóa giữa người Khơme Nam bộ với người Kinh và người Hoa trên địa bàn... Dù kê của người Khơme có sự “tiếp thu” tổng hợp từ sân khấu Rôbăm đã được dân gian hóa kết hợp với hát Tiều, hát Quảng của người Hoa với hát Bộ, hát Cải Lương của người Kinh. Vì ra đời sau loại hình cải lương của người Kinh, nên sân khấu Dù kê đã mượn một số vở tuồng để trình diễn cho sân khấu mình. Sự pha trộn nhân vật biểu hiện ở chỗ, không chỉ có các nhân vật quen thuộc trong loại hình sân khấu của người Khơme, mà còn có cả nhân vật người Hoa như các vở diễn có hình tượng Quan Công, Tiết Nhơn Quý,... vốn là những nhân vật đặc trưng, quen thuộc trong văn hóa tín ngưỡng của người Hoa. Tiếp thu và chịu ảnh hưởng qua lại từ phong trào đờn cây, đờn ca tài tử cũng như ca ra bộ (sau này là cải lương) của người Việt, sân khấu Dù kê được đặt trong bối cảnh tổng hòa sân khấu của ba dân tộc nên nhanh chóng thu hút không chỉ người Khơme mà còn cả người Hoa và người Kinh.
 
2. Một số vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê 
 
Để nghệ thuật Dù kê của người Khơme thực sự sống và phát huy tác dụng trong cuộc sống đương đại thì cần phải thấy rõ những trở ngại trên con đường phát triển của nghệ thuật Dù kê của người Khơme ở mấy điểm chính sau: Thứ nhất, hiện nay, nghệ thuật Dù kê của người Khơme chủ yếu được bảo tồn và phát huy thông qua hình thức tổ chức đoàn nghệ thuật, đội thông tin lưu động cấp tỉnh với mức đầu tư có hạn, qui mô vừa và nhỏ. Điều này gây khó khăn cho việc phát huy được vốn nghệ thuật dân tộc. Trong khi đó, phần lớn loại hình nghệ thuật của người Kinh được bảo tồn và phát huy qua hình thức nhà hát chuyên biệt với mức đầu tư và quy mô lớn như: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát chèo Trung ương, Nhà hát Tuồng, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam... Phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở trong vùng đồng bào Khơme phát triển khá mạnh theo dạng tự phát vốn có từ lâu đời, tạo sinh khí vui tươi trong sinh hoạt cộng đồng. Song việc đầu tư để duy trì, phát triển phong trào ít được quan tâm. Có lúc, có nơi, địa phương khai thác phong trào sẵn có nhiều hơn là đầu tư trở lại, hoặc có đầu tư nhưng mang tính thời vụ. Nói cách khác, thiếu sự đầu tư một cách chuyên nghiệp, đồng bộ đang là một khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê của người Khơme.
 
Thứ hai, một trong những khó khăn lớn nhất của công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê của người Khơme là thiếu đội ngũ diễn viên, nhạc công, sáng tác, biên đạo... cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ này chính là người nắm giữ những tinh hoa của nghệ thuật Dù kê, những người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ, phổ biến, sáng tạo nghệ thuật Dù kê của người Khơme. Tài năng, chất lượng của đội ngũ này thể hiện ở chất lượng kịch bản, chất lượng diễn xuất... chính là yếu tố quyết định nhất việc nghệ thuật Dù kê của người Khơme có đủ sức thu hút và lôi cuốn khán giả hay không. Tuy nhiên, hiện nay, các tỉnh có đông đồng bào Khơme mặc dù đều có đoàn nghệ thuật Khơme nhưng số vở diễn mới rất khan hiếm và số lần biểu diễn phục vụ đồng bào chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung chương trình biểu diễn còn nghèo nàn, chất lượng chuyên môn và trình độ nghệ thuật thấp. Điều đó là do những hạn chế trong chất lượng của đội ngũ diễn viên, nhạc công, biên đạo... Có thể nói, chính việc thiếu một sự giáo dục chuyên nghiệp, bài bản là một trong những nguyên nhân gây ra những hạn chế cho chất lượng của đội ngũ đang nắm giữ tinh hoa của nghệ thuật Dù kê của người Khơme. Hiện nay, chưa có trường nghệ thuật Khơme nào, các nghệ sĩ đều phải học ở các trường nghệ thuật chung. Trong khi đó, nghệ thuật truyền thống đòi hỏi một sự đào tạo chuyên sâu cho những người làm nghề mới có thể truyền tải được tinh hoa của nó chứ chưa nói đến sự sáng tạo. Lâu nay, các đoàn tự biên soạn kịch bản và phần lớn tự dàn dựng bằng kinh nghiệm của tập thể và tự đào tạo diễn viên mang tính truyền nghề. Thêm vào đó, do đời sống của người nghệ sĩ trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê của người Khơme còn gặp nhiều khó khăn, nên số tài năng trẻ tâm huyết gắn bó với nghề rất ít. Trong khi chưa đào tạo được đội ngũ kế cận đủ khả năng tiếp tục giữ gìn và phát huy tinh hoa của nghệ thuật Dù kê thì những người nghệ sĩ lâu năm đang nắm giữ tinh hoa của loại hình nghệ thuật này vốn đã ít lại đang vơi mỏng dần do tuổi tác.
 
3. Giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dù kê
 
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong linh vực nghệ thuật Dù kê. Nguồn nhân lực, hay nói cách khác chính là đội ngũ nghệ sĩ, những người trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của nghệ thuật Dù kê. Chính vì vậy, đảm bảo đủ về số lượng và nâng cao chất lượng của đội ngũ này là giải pháp hàng đầu để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê. Chất lượng của đội ngũ này phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của công tác đào tạo. Nghệ thuật Dù kê của người Khơme có nhiều nét đặc trưng riêng, đòi hỏi một sự đào tạo chuyên sâu nên cần có trường lớp riêng, chương trình đào tạo riêng và giáo viên giảng dạy riêng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ thì bên cạnh việc tôn trọng công việc tự đào tạo của các đoàn nghệ thuật cần nghiên cứu hình thành khoa văn hóa nghệ thuật Khơme tại các trường sơ cấp, trung cấp văn hóa nghệ thuật hiện có ở một số tỉnh/thành có điều kiện, về lâu dài tiến tới hình thành ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Khơme cấp khu vực, trong đó có khoa nghệ thuật Dù kê để đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ cho lĩnh vực nghệ thuật Dù kê. Trước mắt, trong khi chưa thành lập được trường, lớp riêng để đào tạo những nghệ sĩ của nghệ thuật Dù kê thì Nhà nước cần hỗ trợ tổ chức nhiều lớp học không chính quy khác và mời các nghệ sĩ, nghệ nhân có tên tuổi hiện có trong nghệ thuật Dù kê tham gia giảng dạy để nhanh chóng truyền lại những tinh hoa của loại hình nghệ thuật này cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tránh để tình trạng những tinh hoa ấy bị mai một, thất truyền theo sự ra đi của những nghệ nhân, nghệ sĩ “gạo cội” nhưng đang tuổi cao, sức yếu.
 
Thứ hai, xây dựng, kiện toàn các đoàn nghệ thuật Khơme chuyên và không chuyên, tiến tới xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp dân tộc Khơme. Nghệ thuật Dù kê được giữ gìn và phổ biến rộng rãi qua phong trào văn nghệ quần chúng của hàng trăm đội nhạc, đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở, qua nghệ thuật biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên. Để bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khơme, vấn đề đặt ra là cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật Khơme chuyên nghiệp, cần phải bằng mọi cách duy trì và phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng, xây dựng và củng cố các đội thông tin lưu động, đội văn nghệ quần chúng... xem đây là những mũi chủ công tiến vào các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để xóa những điểm trắng về văn hóa thông tin, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của đồng bào Khơme. Chỉ bằng cả hai hướng đó mới có thể bảo tồn, chấn hưng nghệ thuật Dù kê. Nếu không, loại hình nghệ thuật Dù kê của người Khơme vùng Nam Bộ rất có thể chỉ được lưu giữ trong các bảo tàng lịch sử. Việc phát động và nuôi dưỡng phong trào văn nghệ quần chúng trên cơ sở xã hội hóa là chính, nhưng trong đó Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ vật chất và kinh phí đối với một số đội văn nghệ tiên phong làm nòng cốt cho phong trào. Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh cần rà soát lại ở các địa phương mình, nếu có điều kiện hình thành đoàn Dù kê thì Nhà nước sẽ quan tâm khôi phục, củng cố và cho phép hoạt động biểu diễn. Trước mắt, chọn đơn vị huyện Trà Cú trên cơ sở tư nhân đứng ra đầu tư vốn, tập hợp diễn viên, Nhà nước hỗ trợ kịch bản, giúp đoàn hoạt động theo phương châm “Nhà nước định hướng trong công tác quản lý nội dung, đoàn tự thu chi và tự trang trải”. Nếu mô hình này có hiệu quả thì Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương có điều kiện hình thành đoàn Dù kê không chuyên.
 
Việc củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng, phạm vi hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, đoàn nghệ thuật không chuyên để phục vụ đồng bào Khơme trong những dịp lễ lớn hoặc đi lưu diễn phục vụ đồng bào là rất cần thiêt nhằm lưu giữ, phổ biến nghệ thuật Dù kê trong cuộc sống hiện đại của đồng bào Khơme, nuôi dưỡng tình yêu và sự hiểu biết về loại hình nghệ thuật này trong đồng bào Khơme. Tuy nhiên, do các văn nghệ sĩ hoạt động không chuyên nghiệp nên chưa thể tập trung toàn bộ thời gian, tâm huyết vào tập luyện, phát triển chuyên môn, lại thiếu cơ sở vật kỹ thuật nên để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê cần đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn nghệ thuật Khơme chuyên nghiệp, nơi có đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực Dù kê có chất lượng và có nhiều điều kiện thuận lợi về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Hiện vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10 đoàn nghệ thuật Dù kê chuyên và không chuyên, trong đó có một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nổi tiếng nhất như đoàn nghệ thuật Khơme Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh, đoàn nghệ thuật Khơme tỉnh Sóc Trăng, đoàn nghệ thuật Khơme tỉnh Kiên Giang và đoàn nghệ thuật Khơme tỉnh Bạc Liêu, được thành lập từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và được Nhà nước quan tâm đầu tư, đã hoạt động khá tốt, xây dựng thành công nhiều vở Dù kê có giá trị về nội dung, nghệ thuật, được đồng bào đón nhận một cách trân trọng, thu hút đông đảo quần chúng đến xem. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật có giá trị và rất đặc sắc của người Khơme này. Tuy nhiên, các đoàn nghệ thuật này cũng đang gặp những khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn tài chính và đặc biệt là số lượng cũng như chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ. Vì vậy, các tỉnh có đông đồng bào Khơme đều có đoàn nghệ thuật Khơme nhưng số vở diễn Dù kê mới rất khan hiếm và số lần biểu diễn phục vụ đồng bào chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung chương trình biểu diễn còn nghèo nàn, chất lượng chuyên môn và trình độ nghệ thuật thấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là một hướng giải pháp quan trọng, trọng tâm bởi đây chính là nơi tập trung những nguồn lực phục vụ trực tiếp cho công tác khai thác, sáng tạo và phổ biến nghệ thuật Dù kê. Trong đó, sự quan tâm của Nhà nước về mặt tài chính, cơ chế chính sách là rất cần thiết.
 
Nhà nước cũng cần đầu tư nâng cấp trung tâm văn hóa, các rạp hát hiện có vừa phục vụ sinh họat văn hóa văn nghệ chung, vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Khơme trong đó có các hoạt động biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật Dù kê của người Khơme. Đặc biệt, nhà nước cần hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà hát nghệ thuật tổng hợp dân tộc Khơme giúp cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dù kê được phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức giao lưu, truyền bá rộng rãi nghệ thuật Dù kê đối với các dân tộc khác. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê thì không chỉ phổ biến rộng rãi trong đồng bào Khơme mà còn phải tăng cường sự hiểu biết, yêu thích loại hình nghệ thuật này trong đồng bào cả nước cũng như trên thế giới. Bởi lẽ, cách bảo tồn nghệ thuật nói chung, nghệ thuật Dù kê nói riêng một cách có hiệu quả nhất là phát huy nó trong cuộc sống hiện tại, là mở rộng sự đón nhận của đông đảo công chúng. Để tăng cường sự hiểu biết về loại hình nghệ thuật này trong đông đảo công chúng cần tìm kiếm nhiều hình thức giao lưu văn hóa nghệ thuật phù hợp giữa các dân tộc trong một quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau. Những năm gần đây, ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức các hình thức liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng, văn hóa thể thao và du lịch Khơme cấp tỉnh và cấp khu vực. Từ năm 2003 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Khơme Nam Bộ” hai năm 1 lần ở các tỉnh Tây Nam Bộ và tổ chức “Những ngày văn hóa Khơme Nam Bộ tại Hà Nội”. Đây là những hoạt động thiết thực góp phần truyền bá các giá trị của nghệ thuật Dù kê tới đông đảo công chúng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động này. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư xây dựng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật Dù kê có chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền hình của tỉnh hoặc cấp quốc gia. Cùng với đó, Nhà nước nên thúc đẩy việc hình thành trung tâm sản xuất và phát hành băng đĩa Khơme, đây sẽ là nơi sản xuất và phát hành các vở diễn Dù kê dưới dạng băng đĩa để bán rộng rãi trên thị trường. Trước mắt, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động này.
 
Thứ tư, có chế độ chính sách tốt đối với những người trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê. Những người trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê chính là đội ngũ văn nghệ sĩ, những nhà biên kịch, đạo diễn, nhạc công, diễn viên... Để đội ngũ này yên tâm, say mê cống hiến tài năng cho nghệ thuật này thì cần đảm bảo cuộc sống tương đối đầy đủ, khá giả cho bản thân và gia đình họ so với xã hội. Chính vì vậy, việc phát triển đội ngũ này không chỉ quan tâm đến công tác đào tạo mà còn phải chú ý đến vấn đề chế độ, chính sách.
Để có thể bảo tồn và phát huy được nghệ thuật Dù kê trong cuộc sống đương đại, việc “hiện đại hóa” các vở diễn Dù kê trên cơ sở vừa kế thừa, bảo lưu được những tinh hoa của nghệ thuật này, vừa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của mọi người trong thời đại mới là hướng đi có ý nghĩa. Muốn vậy, trước hết phải đổi mới công tác biên kịch, sáng tác các vở diễn mới. Dù kê đã thể hiện là loại hình nghệ thuật vừa có thể được xây dựng trên những đề tài cổ điển, vừa có khả năng phản ảnh, truyền tải những vấn đề xã hội hiện tại đến với công chúng. Vì vậy, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người viết kịch bản cho các vở diễn Dù kê mới có giá trị, vừa phản ánh được hơi thở của cuộc sống mới, vừa bảo lưu, phát huy được những tinh hoa của loại hình nghệ thuật này.
 
Đối với các cá nhân và nhóm nghệ nhân ưu tú đang trực tiếp tham gia bảo lưu và phát huy nghệ thuật Dù kê, có chính sách đãi ngộ thích hợp như mỗi tháng cấp cho họ một khoản tiền nhất định để họ có điều kiện duy trì cuộc sống và tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật Dù kê, tạo mọi điều kiện về môi trường, cơ hội, cơ chế chính sách thuận lợi để họ cống hiến. Đối với các nghệ sĩ khi không còn đủ điều kiện để tiếp tục biểu diễn cũng cần nghiên cứu chế độ đặc thù.
Thứ năm, đẩy mạnh việc đào tạo khán giả cho nghệ thuật Dù kê. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê thì không chỉ đào tạo diễn viên mà còn phải đào tạo cả khán giả. Vì nếu chất lượng vở diễn tốt nhưng khán giản không có “con mắt, đôi tai nghệ thuật” để cảm nhận hết cái hay của nghệ thuật
 
Dù kê thì cũng sẽ không phát huy tác dụng đối với khán giả. Người Khơme hiện nay đã có những trường dân tộc dành riêng cho người Khơme. Ngôn ngữ của họ đã được đưa vào dạy trong trường. Vì vậy, đối với các trường học của người Khơme, cần có chương trình bồi dưỡng tình yêu và ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Dù kê nói riêng cho chính những người Khơme. Việc “Sân khấu hóa trường học”, và những chương trình giáo dục bổ ích, thiết thực khác để trang bị những tri thức và hiểu biết cần thiết về nghệ thuật truyền thống cho học sinh người Khơme, những thế hệ trẻ tương lai là rất cần thiết để họ yêu và có khả năng tiếp thu được nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật Dù kê của dân tộc mình.
 
Trong xã hội hiện đại với nhiều loại hình nghệ thuật mới, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Dù kê nói riêng đang đặt trước rất nhiều thách thức. Vì vậy, chỉ có sự đầu tư, giúp đỡ thích đáng của Nhà nước và tâm huyết, lòng yêu nghệ thuật Dù kê của chính những người đang nắm giữ tinh hoa đó, những người trực tiếp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Dù kê, cùng với ý thức tự hào và trách nhiệm trước dân tộc của mỗi người Khơme mới có thể giúp cho nghệ thuật Dù kê của người Khơme trụ vững và phát huy trong cuộc sống đương đại.
 
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 1 - 2014)
Tác giả: Hà Thị Thuỳ Dương
Tags: Nghệ thuật Dù kê văn hóa phi vật thể văn hóa của người Khơ me Nam Bộ Hà Thị Thuỳ Dương khoa học xã hội Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục