Nghiên cứu - Trao đổi » Văn hóa

Đặc điểm của ý thức tôn giáo

09:00 - 18/12/2018

Khi nhận thức về tôn giáo, nhất là về tính chất tự ý thức của tôn giáo, nguồn gốc và bản chất của tôn giáo, chúng ta cần đứng trên quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Theo đó, tôn giáo không chỉ là ý thức của con người chủ thể về thế giới hiện thực tự nhiên và xã hội khách quan bên ngoài, mà còn là (và chủ yếu là) tự ý thức của con người về chính bản thân mình; chỉ đến con người mới xuất hiện tự ý thức; ý thức tôn giáo chủ yếu chỉ dừng ở trình độ cảm tính; ý thức tôn giáo là nhân tố an ủi, xoa dịu con người trước sự đau khổ, bất công, tiêu cực trong đời sống thực tồn của họ.

1. Mở đầu
 
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức hợp. Đó là vì: tôn giáo có đông đảo quần chúng giáo dân, tín đồ và lực lượng giáo sĩ, giáo chủ chuyên nghiệp; tôn giáo gắn liền với các hành vi, nghi lễ tôn giáo của cá nhân, cộng đồng người theo đạo, những tổ chức tôn giáo các cấp (từ địa phương đến quốc gia, quốc tế) cùng với những hoạt động của chúng; ý thức tôn giáo mô tả, lý giải về một thế giới thần linh siêu nhân và siêu nhân chi phối thế giới tự nhiên và con người, xã hội hiện thực; ý thức tôn giáo biểu hiện qua niềm tin, tình cảm, tín điều và giáo lý tôn giáo. Tuy nhiên, khi nói đến tôn giáo chúng ta cần quan tâm đến các phương diện khác nữa là tính chất tự ý thức của tôn giáo, nguồn gốc và bản chất của tôn giáo. Đây là những phương diện đang có những kiến giải chưa rõ ràng và sai lầm.
 
2. Tính chất tự ý thức của tôn giáo
 
Ý thức nói chung thường được hiểu là cái tinh thần tồn tại trong đầu óc con người chủ thể, phản ánh về thế giới hiện thực tự nhiên và xã hội khách quan ở bên ngoài con người. Cách hiểu này là đúng nhưng không đủ. Bởi vì, đây mới chỉ là cái tinh thần mang nội dung về cái khác chủ thể và ở bên ngoài chủ thể, tức là khách thể. Trong khi đấy, tinh thần còn phản ánh bản thân chủ thể, đó là tinh thần chủ quan. Tương tự, ý thức còn là ý thức của chủ thể về chính mình, tức là tự ý thức. Tinh thần trở thành tinh thần chủ quan và ý thức trở thành tự ý thức khi con người chủ thể phân biệt thế giới hiện thực ban đầu mà họ chỉ mới quan sát một cách trực quan với thế giới hiện thực đã được chính họ cải biến trong thực tế và bằng hoạt động thực tiễn, tức thế giới hiện thực người hóa. Bằng việc nhận thức thế giới hiện thực thứ hai đó, con người đã tìm ra bản thân. Lúc này nó thấy được rằng: thứ nhất, mình là một thực thể vật chất - xã hội có những thuộc tính, hệ thống quan hệ xã hội và năng lực hoạt động thực tiễn hiện thực cụ thể; thứ hai, mình là một chủ thể với tinh thần chủ quan và tự ý thức mang tính độc lập tương đối nhất định. Tôn giáo là một hình thái ý thức nên nó cũng có tính chất tự ý thức như các hình thái ý thức khác.
 
Nhân tố cơ bản chủ yếu trong hệ thống cấu trúc của ý thức tôn giáo nói chung là niềm tin của tín đồ về Thượng đế và thiên giới. Niềm tin này không được chứng minh bằng thực tiễn. Trong niềm tin ấy, lực lượng siêu trần thế này có sự tồn tại về tinh thần, mà không phải là về vật chất hiện thực khách quan. Nó có bản tính thiện, nhân từ, toàn năng và luôn muốn cứu vớt chúng sinh lao khổ sau khi họ kết thúc cuộc sống trần tục. Chẳng hạn, theo Thiên Chúa giáo thì: “Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất… Đức Chúa Trời tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người như hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài tạo nên người nam và người nữ. Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ sáu” [4, tr.2]. Gắn liền với niềm tin ấy, tín đồ có tình cảm sùng bái, kính tín đối với lực lượng thánh thần siêu trần thế, có sự tự bằng lòng an ủi đối với hiện tại, kỳ vọng sung sướng đối với tương lai của mình.
 
Niềm tin và tình cảm tôn giáo tuy ban đầu được nảy sinh trong những điều kiện nhất định của đời sống con người, nhưng về sau chủ yếu được tái lập, củng cố, tạo dựng ra gần như hoàn toàn mới qua lớp lớp thế hệ tín đồ trong hàng nghìn năm nhờ hoạt động của các thiết chế, tổ chức và lực lượng tôn giáo chuyên trách (nhà thờ, tòa thánh, giáo hội, giáo đoàn, chủng viện, Phật viện, trường dòng, giáo sĩ, tăng lữ…). Các cơ sở nghiên cứu, đào tạo của tôn giáo (như trường dòng, Phật viện…) là nơi sản sinh, tạo nguồn nhân lực cao cấp về lý thuyết và tác nghiệp chỉ đạo, quản trị cho những tổ chức và lực lượng tôn giáo chuyên biệt ấy; cung cấp hệ thống giáo lý thần học chủ yếu cho giáo hội và giáo sĩ; đồng thời tuyên truyền (thuyết giảng, hoằng pháp) trực tiếp đến tín đồ, giáo dân.
 
Hiện tượng tôn giáo (đặc biệt là nhân tố cơ bản chủ yếu của nó, tức niềm tin tôn giáo) đã tồn tại trong lịch sử xã hội loài người hàng nghìn năm. Nhưng chỉ đến C.Mác và Ph.Ăngghen thì bản chất của tôn giáo mới thực sự được làm sáng tỏ. Theo C.Mác: “tôn giáo là sự tự ý thức, tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại để mất bản thân mình một lần nữa”. Trong luận điểm này của C.Mác có những nội dung cần chú ý như sau.
 
Thứ nhất, tôn giáo không chỉ là ý thức, cảm giác trực quan của con người chủ thể về thế giới hiện thực tự nhiên và xã hội khách quan bên ngoài (ý thức đó đem lại cho con người nhận thức, kiến thức, hình ảnh về thế giới), mà còn là (và chủ yếu là) tự ý thức, tự cảm giác của con người về chính bản thân mình như một thực thể tự nhiên và xã hội trong sự phân biệt rõ rệt với thế giới xung quanh.
 
Thứ hai, tự ý thức không phải là cái hoàn toàn mới, khác biệt và tách rời khỏi ý thức của con người. Trái lại, nó gắn liền với bản chất của ý thức, phân biệt ý thức này với tâm lý động vật (tâm lý động vật là lĩnh vực còn hoàn toàn chưa có tự cảm giác, tự tri giác). Nói cách khác, chỉ đến ý thức người mới xuất hiện tự ý thức như là một phương diện không tách rời, một nhân tố hợp thành quan trọng làm nên tính đặc trưng điển hình và bản chất của chính ý thức. Khác với ý thức về thế giới bên ngoài, tự ý thức chủ yếu là hướng nội để phản ánh về chính bản thân chủ thể. Nhưng tự ý thức này của con người chỉ có thể có được trong hoạt động thực tiễn, chứ không phải bằng sự chiêm nghiệm cô lập, đơn độc, trống rỗng, trừu tượng không có đối tượng hiện thực. Cơ chế hình thành tự ý thức được lồng ghép chính trong quá trình hình thành ý thức chứ không phải là tách riêng một cách độc lập tuyệt đối. Thực ra, đây chính là một cơ chế kép của một quá trình hoạt động nhận thức - thực tiễn thống nhất. Cụ thể là, chính trong sự tác động qua lại với thế giới hiện thực mà con người vừa nhận thức được thế giới này, đặc biệt là vừa nhận thức được mình thông qua sự biến đổi tương ứng do chính mình tạo ra trong  thế giới ấy. Sự biến đổi này chính là dấu vết hiện thực cụ thể của chủ thể in hình lên thế giới bên ngoài. Khi nhận thức tách bạch, rõ ràng dấu vết ấy so với toàn bộ môi trường bên ngoài nói chung, con người tự ý thức được chính mình, bản chất của mình vừa như là thực thể xã hội hiện thực, vừa như là chủ thể tinh thần, ý thức. Nhưng không phải trong hoạt động thực tiễn con người luôn luôn có tự ý thức, nhận thức được đúng mình, hay tìm được bản thân mình. Nếu họ không nắm được kết quả tác động của chính mình vào thế giới, không có tự do và quyền làm chủ trong hoạt động đó, thì đương nhiên họ không có được cả ý thức lẫn tự ý thức. Trường hợp này xảy ra khi năng lực hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người trước thế giới còn quá thấp kém; hoặc con người mất quyền làm chủ trong những hoạt động ấy của mình, tức là bị áp bức, bóc lột, thống trị bởi các lực lượng tự nhiên và xã hội bên ngoài họ. Tự ý thức tôn giáo không phải là bất kỳ tự ý thức nào nói chung. Nó chỉ là tự ý thức của con người chủ thể chưa tìm được bản thân mình. Tức là con người chủ thể ấy bất lực trước thế giới tự nhiên và xã hội bên ngoài, không hiểu được thế giới đó, bị thế giới ấy chi phối, thống trị trở lại. Do vậy, tự ý thức đó đương nhiên là nghèo nàn, không chính xác và nhìn chung là hư ảo, hoang đường, phi hiện thực.
 
Thứ ba, ý thức tôn giáo do là tự ý thức, tự cảm giác cho nên chủ yếu chỉ dừng ở trình độ cảm tính (không phải ở trình độ lý tính), vì chủ yếu là tự ý thức (chứ không phải là ý thức nói chung) nên tôn giáo thuộc về kiểu (hay hình thái) ý thức tinh thần thực tiễn. Khi đề cập đến vấn đề rất quan trọng này, C.Mác phân biệt rõ các hình thái ý thức xã hội. Nói cách khác, tôn giáo không phải là hình thái ý thức tinh thần lý luận tách rời hoạt động xã hội - thực tiễn trực tiếp (chẳng hạn như khoa học). Chính vì thế, trong tôn giáo còn bao hàm nhân tố xúc cảm, tình cảm sinh động, mạnh mẽ, mặc dù nội dung phản ánh về cơ bản là không hiện thực. Nhân tố này là ý thức cảm tính hướng vào bên trong, khác với ý thức cảm tính hướng ra bên ngoài, như cảm giác, tri giác. Cái ý thức cảm tính nói chung và thống nhất cả hai mặt, hai nhân tố đó (cảm giác, tri giác khách quan và xúc cảm, tình cảm chủ quan), chính là niềm tin tôn giáo.
 
Thứ tư, tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Với tôn giáo, thế giới thiên đường thần thánh chi phối thế giới trần tục con người. Bản thân con người thì hoàn toàn phục tùng thần thánh, sẽ được thần thánh cứu vớt lên thiên đường sau khi kết thúc cuộc đời trần thế. Ý thức tôn giáo với nội dung cơ bản như vậy và trong hình thức niềm tin trở thành nhân tố an ủi, xoa dịu con người làm cho con người chấp nhận, chịu đựng một cách nhẫn nhục, kéo dài mọi nỗi đau khổ, bất công, tiêu cực trong đời sống thực tồn của họ.
 
3. Nguồn gốc và bản chất của ý thức tôn giáo
 
Thống nhất và bổ sung những tư tưởng cơ bản trên đây của C.Mác về tôn giáo, Ph.Ăngghen trong tác phẩm Chống Đuyrinh (1878) cho rằng: mọi ý thức tôn giáo đều là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc con người những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của họ. Tính hư ảo ở đây có nghĩa là không chân thực, thiếu khách quan, phi khoa học. Nó do sự phức tạp của đối tượng phản ánh và năng lực hạn chế của con người quy định. Nhưng đó chỉ là một phần của nguyên nhân. Phần khác lớn hơn là ở mối quan hệ cụ thể nhất định giữa chủ thể và khách thể, tức con người nhận thức và đối tượng phản ánh.
 
Trong mối quan hệ này, con người chủ thể bị thế giới tự nhiên và xã hội bên ngoài chi phối. Điều đó khác với tình hình con người đứng trước những sự vật, hiện tượng có thể vô cùng phức tạp, bí hiểm nhưng lại không, hoặc rất ít chi phối cuộc sống hằng ngày của họ. Khi ấy nhận thức, tư duy khoa học của con người chỉ ghi nhận và lưu lại một dấu hỏi để có thể tiếp tục tìm hiểu, hoặc thậm chí là bỏ qua. Nhưng trong bối cảnh cuộc sống hằng ngày, tức là trong hoạt động sống trực tiếp tất yếu không thể trì hoãn hay thoái thác, thì tình hình sẽ khác hẳn. Tức là, tuy ý thức khoa học vẫn chưa thể có được, nhưng một ý thức khác thuộc kiểu loại tinh thần - thực tiễn cũng tất yếu nảy sinh. Chỉ có điều lúc đó ý thức này phải là (và chỉ có thể là) ý thức tôn giáo. Nó bao gồm sự phản ánh hư ảo kèm theo cảm xúc trực tiếp sống động và niềm tin thành tâm, thậm chí cuồng tín vào sự tồn tại của những lực lượng siêu trần thế. Chúng cao cả và hùng mạnh hơn tất cả những lực lượng trần thế của tự nhiên, xã hội, con người.
 
Cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen nhấn mạnh đến nguồn gốc xã hội của tôn giáo. Trong một thời gian dài từ xa xưa, con người không có tôn giáo dù rằng nhận thức của họ rất thấp kém. Sự bí hiểm của tự nhiên chỉ dẫn đến tín ngưỡng nguyên thủy. Theo đó, khi con người không cắt nghĩa được nguyên nhân của nhiều sự vật, hiện tượng tự nhiên, thì tin tưởng ngây thơ rằng nguyên nhân ấy thuộc về một lực lượng hùng mạnh. Nhưng dù như vậy đi nữa thì đó vẫn là cái ở trong thế giới hiện thực, trần thế cùng với con người.
 
Theo Ph.Ăngghen, tôn giáo có nguyên nhân trực tiếp ở tình trạng con người bị áp bức thống trị về mặt xã hội, tức là trong xã hội có giai cấp. Khi đó, quần chúng bị đẩy tới cảnh cùng khổ, thì dù không nhận thức được hay nhận thức được nguyên nhân của tình trạng này, đều đi đến ý thức tôn giáo. Vì vấn đề còn là ở chỗ họ không thể thoát ra khỏi sự khổ đau. Do vậy họ buộc phải chấp nhận thực tế và cuối cùng tự tạo ra tôn giáo để an ủi chính mình. Điều này giống như những liều thuốc phiện tạo ra cảm giác hư ảo tạm thời ở các con nghiện về thế giới phi hiện thực, mà lúc tỉnh táo họ hiểu rõ chỉ là như thế và phân biệt hoàn toàn rõ rệt đối với thế giới hiện thực. Tình hình này càng được củng cố, áp đặt nặng nề thêm bởi giai cấp thống trị có lợi ích trực tiếp to lớn trong việc quần chúng giáo dân an phận, buông xuôi một cách tiêu cực thụ động trước sự áp bức bóc lột của chúng đối với họ. Như vậy, xóa bỏ tôn giáo một cách triệt để, chính là phải xóa bỏ chế độ tư hữu, cơ sở của nạn người áp bức bóc lột người, và mặt khác là thiết lập xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trong quá trình khó khăn, lâu dài đó, những người cộng sản phải tránh làm cho vấn đề tôn giáo trở nên quá ồn ào, sôi động, và nhất là phải không tuyên chiến với nó một cách dại dột.
 
4. Kết luận
 
Nói đến tôn giáo là nói đến một khối đông quần chúng nhân dân (mà có khi bao gồm cả dân tộc) theo tôn giáo, bị chi phối, định hướng bởi các hệ tư tưởng tôn giáo. Tôn giáo có mặt tiêu cực nhưng cũng có mặt tích cực. Tranh thủ được mặt tích cực của tôn giáo thì sẽ tạo được nguồn lực lớn cho sự phát triển xã hội.
 
Ở Việt Nam tôn giáo đã xuất hiện và tồn tại lâu đời trong lịch sử dân tộc. Đến nay Việt Nam có nhiều tôn giáo khác nhau, như: Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo... Tổng số giáo dân hiện lên đến 26 triệu người, chiếm hơn 1/4 tổng dân số. Từ khi có Đảng lãnh đạo, trải qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cứu nước, bước vào giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, đặc biệt là thời kỳ 30 năm đổi mới, nhìn chung bà con giáo dân đều có lòng yêu nước, tích cực tham gia sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, thời gian gần đây trong lĩnh vực tôn giáo cũng còn nảy sinh một số sự kiện phức tạp. Khía cạnh tiêu cực, phản khoa học về hệ tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan trong ý thức tôn giáo ở một số nơi đã bị khuếch đại, cực đoan hóa. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng lĩnh vực tôn giáo trong đời sống xã hội nói chung, ý thức xã hội nói riêng, chăm lo triển khai công tác tôn giáo một cách thường xuyên, chặt chẽ, linh hoạt và hiệu quả. Đường lối, chính sách tôn giáo đúng đắn, sáng tạo và đổi mới của Đảng, Nhà nước ta thể hiện rõ ràng, nhất quán qua hệ thống các văn bản quan trọng như: Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, ngày 16 tháng 10 năm 1990 về công tác tôn giáo; Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị, ngày 02 tháng 7 năm 1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị định 26 của Chính phủ, ngày 19 tháng 4 năm 1999 về các hoạt động tôn giáo; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX); Nghị quyết Đại hội XI năm 2011 của Đảng; Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (từ ngày 15 tháng 11 năm 2004); Nghị định 92/2012 của Chính phủ về thi hành Pháp lệnh đó... Nội dung chính của những văn bản này là: tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới xã hội chủ nghĩa; cần phát huy những giá trị đó một cách hợp lý; động viên các tổ chức tôn giáo, các chức sắc và tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh chống các hành vi sai trái lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc... Các quan điểm đó phản ánh cụ thể đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta dựa trên nền tảng vững chắc, sâu sắc, đúng đắn là tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về tôn giáo.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1] Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2002), Vấn đề về tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng cộng Sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[2] Nguyễn Hồng Dương (2004), Tôn giáo trong mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
 
[3]   Nguyễn Hồng Dương, Phùng Đạt Văn (Chủ biên) (2009), Tín ngưỡng tôn giáo và xã hội dân gian, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
 
 [4] Tổng hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (2002), Kinh Thánh: Cựu ước và Tân ước, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
 
[5]   Đặng Nghiêm Vạn (2005), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
Tác giả: Phạm Văn Chúc - Phó giáo sư, tiến sĩ, Hội đồng lý luận Trung ương. ĐT: 0913096227. Email:pvanchuc76@gmail.com
 
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7(104) - 2016
Tags: Tự ý thức tôn giáo Phạm Văn Chúc khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục