Chủ nghĩa nữ quyền (Feminism) bắt nguồn từ phương Tây, dùng để chỉ một tập hợp của các phong trào và ý thức hệ nhằm mục đích xác định, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội bình đẳng cho phụ nữ. Trong văn chương, Feminism là một lí thuyết dùng để tiếp cận người phụ nữ theo hướng tôn trọng, đề cao, xem người phụ nữ như là trung tâm của mọi sự phản ánh. Cho đến nay, việc ứng dụng lí thuyết phê bình nữ quyền vào nghiên cứu văn học ở Việt Nam đã được một thời gian nhất định và tương đối phong phú. Tuy nhiên, số công trình nghiên cứu dài hơi dường như còn thưa vắng. Xuất phát từ thực tiễn sáng tạo của văn học nói chung và của các cây bút thơ nữ nói riêng, cuốn chuyên khảo Ý thức nữ quyền và thơ nữ đương đại Việt Nam từ 1986 đến nay của TS. Nguyễn Thị Hưởng (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, 192 trang, khổ 16x24) đã đi sâu khảo sát một cách có hệ thống và đầy đủ về diện mạo và đặc điểm thơ nữ Việt Nam đương đại dưới góc nhìn của lí thuyết nữ quyền.
Trên cơ sở quan niệm, ý thức nữ quyền trong văn học là tiếng nói của những cây bút nữ thể hiện nhu cầu giãi bày những trăn trở, suy tư của mình về hiện thực cuộc sống; về vị trí, vai trò, quyền lợi của giới mình và khát vọng giải phóng những ẩn ức tinh thần mang đậm cảm quan, ý thức phái tính, chuyên khảo gồm 4 chương: Mở đầu và Chương 1, tác giả đã cố gắng bao quát về tình hình nghiên cứu của đề tài; chỉ ra được những điểm thừa kế và những hướng đi tiếp theo của chuyên luận; đưa ra được cách hiểu về các phạm trù “giới tính, phái tính, nữ quyền” và “ý thức nữ quyền”. Chương 2, tác giả khái quát những nét nổi bật nhất về diện mạo và đặc điểm thơ nữ Việt Nam kể từ khi nền văn học viết hình thành đến trước Đổi mới (1986) nhìn từ ý thức nữ quyền dưới ba dạng chính: Tiếng nói ý thức nữ phận; tiếng nói ý thức về vẻ đẹp và giá trị phái nữ; tiếng nói ý thức nữ quyền trong tinh thần tranh đấu. Chương 3, tác giả tập trung triển khai, phân tích và đánh giá qua việc khảo sát đội ngũ các nhà thơ nữ tiêu biểu, có nhiều đột phá mới mẻ trong giai đoạn từ 1986 đến nay như: Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Đinh Thị Như Thúy, Lê Ngân Hằng, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Bình Nguyên Trang, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi… Qua các trường hợp cụ thể nêu trên, tác giả đã chỉ ra được ba cấp độ thể hiện ý thức nữ quyền như: Ý thức xác lập bản thể nữ; thiết tạo quan niệm mới về phụ nữ; bi kịch của sự nhận thức và ý thức phản tỉnh. Trong Chương cuối, về nghệ thuật thể hiện ý thức nữ quyền, tác giả đã luận giải một cách thỏa đáng ở các phương diện như: biểu tượng, giọng điệu và ngôn ngữ.
Trong Lời
Giới thiệu sách, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) đánh giá: “Bằng tình yêu và sự đam mê tâm huyết với những giá trị thơ ca của phái đẹp, Nguyễn Thị Hưởng đã tha thiết dắt bạn đọc đi theo cùng trò chuyện, phân tích, suy ngẫm và cả…tưởng tượng nữa, theo cách của mình về một số gương mặt nữ thi nhân tiêu biểu – những người không chỉ làm đẹp cho đời bằng chính thiên chức, bổn phận của mình mà còn bằng cả tiếng nói thơ ca riêng có”. Với cái nhìn khách quan khoa học, với khả năng thẩm bình tinh tế, nhạy cảm, tác giả Nguyễn Thị Hưởng đã mang đến cho người đọc những góc nhìn mới mẻ, những kiến giải thuyết phục cùng tiếng lòng đồng cảm sâu sắc với thơ ca của phái nữ.
Khi nghiên cứu về thơ nữ từ 1986 đến nay, công trình còn là một gợi ý hữu ích cho những hướng đi tiếp theo về các vấn đề cách tân trên phương diện nội dung tư tưởng và diễn ngôn nghệ thuật; hệ thống biểu tượng ngôn ngữ thân thể; những đóng góp của thơ nữ trong diễn trình vận động của văn học dân tộc thời kì Đổi mới và hội nhập hiện nay. Cuốn sách là tư liệu hữu ích đối với độc giả quan tâm và yêu mến các gương mặt của Thơ nữ Việt Nam từ 1986 đến nay. Tạp chí
Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Văn Nhượng