Nghiên cứu - Trao đổi » Kinh tế

Về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác

08:46 - 19/10/2018

Học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội từ khi ra đời đã cung cấp cho giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ một vũ khí lý luận khoa học để đấu tranh giải phóng con người. Học thuyết đó đã và đang bị nhiều người phê phán. Trong thời đại hiện nay, trước những biến đổi to lớn của thực tiễn xã hội, đặc biệt trước sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô, sự phê phán học thuyết đó của C.Mác càng tăng cường hơn không chỉ từ phía các thế lực thù địch, mà ngay cả từ hàng ngũ những người mác-xít.

1.    Mở đầu
 
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 2(87) - 2015 có đăng bài báo tựa đề “Học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội dưới ánh sáng thời đại ngày nay” của tác giả Nguyễn Chí Dũng. Những vấn đề được đặt ra trong nội dung bài là không đơn giản và không nhỏ. Với mục đích để hiểu rõ hơn vấn đề, tôi xin trao đổi với tác giả bài báo một số điểm được nêu ra trong bài báo này. Sự trao đổi chỉ giới hạn xung quanh những nhận định của tác giả trong mục 2 của bài báo với tựa đề Tính khoa học và hạn chế trong học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội. Theo tựa đề này có 2 vấn đề phải làm rõ: tính khoa học trong học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội thể hiện ở điểm gì? những hạn chế trong học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là gì?
 
2. Tính khoa học trong học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội thể hiện ở điểm gì?
 
Tác giả Nguyễn Chí Dũng đưa ra nhận định khái quát sau: “Như mọi người đều biết, một trong những phát kiến lớn nhất của C.Mác chính là việc ông đã áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng để xem xét lịch sử phát triển của xã hội loài người và chỉ ra rằng: lịch sử phát triển ấy chẳng qua là lịch sử của những sự thay thế nối tiếp nhau của những phương thức sản xuất. Còn nguồn gốc thay đổi của phương thức sản xuất, sự mất đi của hình thái kinh tế - xã hội này và sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội khác chính là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất (yếu tố động) và quan hệ sản xuất (yếu tố tương đối tĩnh) quyết định, trong đó lực lượng sản xuất là yếu tố quan trọng, quyết định xu hướng và sự thay đổi” [2, tr.34]; “Phân tích sâu sắc những yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, C.Mác chỉ ra rằng, chất của công cụ sản xuất là cái quan trọng nhất quy định chất của quan hệ sản xuất. Với ý nghĩa đó nó càng là cái quan trọng nhất, quy định chất của phương thức sản xuất hay một hình thái kinh tế - xã hội xác định trong lịch sử” [2, tr.34]. Cũng theo tác giả, quá trình phát triển các hình thái kinh tế - xã hội theo tiến trình “cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và đang cố gắng thiết lập hình thái cộng sản chủ nghĩa”. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội ra đời trong lịch sử tương ứng bị quyết định bởi các công cụ sản xuất với một “chất” xác định theo lược đồ: sự ra đời của xã hội cộng sản nguyên thủy tương ứng bị quyết định bởi cây gậy chọc hốc và chiếc cung tên; sự ra đời của xã hội chiếm hữu nô lệ bị quyết định bởi cái cuốc với sự hợp sức có tổ chức của lao động nô lệ; sự ra đời của xã hội phong kiến bị quyết định bởi sự xuất hiện của chiếc cày làm cho năng suất lao động cao; sự ra đời của xã hội tư bản bị quyết định bởi sự xuất hiện của máy hơi nước, hệ thống máy móc.
 
Theo sự trình bày như trên của tác giả, người đọc phải đặt ra câu hỏi: sự nhận định của tác giả bài báo trên đối với học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội có chính xác không? Phải chăng C.Mác cho rằng lực lượng sản xuất, trong đó có “chất của công cụ sản xuất, là cái quan trọng nhất quyết định sự thay đổi phương thức sản xuất và kéo theo sự thay đổi các hình thái kinh tế - xã hội”? Có phải câu nói của C.Mác (mà tác giả nêu trong bài báo) “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu sản xuất nào” là nhằm khẳng định rằng “chất của công cụ sản xuất là cái quan trọng nhất, quy định chất của quan hệ sản xuất” hay không?
 
Theo tôi, sự khái quát của tác giả Nguyễn Chí Dũng chưa phản ánh đúng thực chất tính khoa học trong học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội. Với cách giải thích đó, nội dung tinh túy nói lên tính khoa học thực sự trong học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội bị biến mất. Tác giả không nói gì đến quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, không nói gì đến yếu tố con người trong lực lượng sản xuất. Quan điểm coi công cụ sản xuất là cái quan trọng nhất quy định sự biến đổi của quan hệ sản xuất là quan điểm duy kỹ thuật, quan điểm đó tìm nguyên nhân cuối cùng của sự thay đổi xã hội ở sự thay đổi của công cụ sản xuất, mà không tính đến nhân tố con người và hoạt động của con người. Quan điểm đó không thể giải thích được vì sao một xã hội mới lại ra đời thay thế xã hội cũ. Điều đó trái với quan điểm của C.Mác.
 
C.Mác xem xã hội là một cơ thể sống động được cấu thành từ sự hoạt động của con người trong những điều kiện tự nhiên sẵn có và những điều kiện do con người tạo ra. Sự vận động biến đổi của xã hội do những yếu tố cấu thành xã hội quyết định. Để nhận thức được quy luật chi phối sự vận động của xã hội, xu hướng vận động, phát triển của xã hội thì phải nghiên cứu một cách toàn diện sự tác động lẫn nhau của những yếu tố cấu thành xã hội hiện thực tạo nên các quan hệ xã hội hiện thực.
 
Nếu cho rằng trong hai nhân tố người và nhân tố vật của lực lượng sản xuất, nhân tố con người là thứ yếu, nhân tố vật (công cụ sản xuất) là cái quan trọng nhất, cái quyết định nhất thì điều đó không đúng với quan điểm của C.Mác. Đối với C.Mác, để thấy lực lượng sản xuất là yếu tố động, cần phải xem xét mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, phải thấy sự phát triển của lực lượng sản xuất diễn ra dưới tác động của quan hệ sản xuất. Trong quan niệm của C.Mác con người vừa là chủ thể của lịch sử, vừa là sản phẩm của lịch sử. C.Mác bao giờ cũng xuất phát từ con người hiện thực, con người hoạt động trong những điều kiện lịch sử nhất định để nghiên cứu sự vận động, phát triển xã hội. Không phải công cụ sản xuất quyết định tính năng động của lực lượng sản xuất, mà chính hoạt động sản xuất vật chất của con người là nhân tố quyết định. Công cụ sản xuất muốn trở thành một sức hoạt động thì phải có con người, hơn nữa công cụ sản xuất không phải tự nhiên sinh ra được, mà nó cũng do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong những quan hệ xã hội nhất định. Cho nên cái quyết định trình độ phát triển của lực lượng sản xuất không phải là chất của công cụ sản xuất, mà phải là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó trình độ phát triển của con người là quyết định nhất. Trình độ của công cụ sản xuất chỉ là một biểu hiện, một thước đo, một tiêu chí đánh giá quan trọng của trình độ phát triển năng lực sản xuất của con người với tư cách là một nhân tố của lực lượng sản xuất mà thôi. C.Mác luôn xem xét các nhân tố của lực lượng sản xuất trong mối quan hệ biện chứng với nhau và trong các quan hệ sản xuất hiện thực của xã hội. Nếu không thấy điều này thì không thấy được tính khoa học thực sự của học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội.
 
C.Mác không cho rằng chất của công cụ sản xuất là cái quyết định nhất của lực lượng sản xuất và cũng không cho rằng chất của công cụ sản xuất là cái quan trọng nhất quy định sự biến đổi của quan hệ sản xuất. Khi xem xét vai trò của công cụ sản xuất, C.Mác luôn gắn với hoạt động của con người (con người với tư cách là cá nhân tương đối độc lập, hoặc con người với tư cách một sức hoạt động tổng thể). Ngay từ năm 1847, trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học, khi phê phán quan điểm duy tâm của ông Pruđông về lịch sử các phạm trù kinh tế, C.Mác cho rằng, con người làm ra da, vải, lụa trong phạm vi những quan hệ sản xuất nhất định; những quan hệ xã hội nhất định ấy cũng do con người sản sinh ra giống như vải, lanh [1, 1995, t.4, tr.187]. Sau khi khẳng định như vậy C.Mác đã viết: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay, đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”, “Chính những người thiết lập nên những quan hệ xã hội phù hợp với năng lực sản xuất vật chất của họ, cũng là những người sản sinh ra những nguyên lý, những ý niệm, những phạm trù phù hợp với những quan hệ xã hội của họ” [1, 1995, t.4, tr.187].
 
Ở đoạn trích trên, mặc dù C.Mác chủ đích chống lại quan điểm duy tâm của Pruđông cho rằng các phạm trù kinh tế là cái tồn tại trước và sản sinh ra các quan hệ kinh tế - xã hội hiện thực. Nhưng trong đó, khi đề cập đến mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, đến sự biến đổi quan hệ sản xuất thì C.Mác nhấn mạnh đến vai trò chủ thể hoạt động của con người, chứ không phải chỉ nhấn mạnh công cụ sản xuất thuần túy. Chính con người, hay loài người làm thay đổi lực lượng sản xuất xã hội, trong đó có công cụ sản xuất và làm thay đổi cả quan hệ sản xuất nữa, chứ không phải là công cụ sản xuất tự bản thân nó làm thay đổi quan hệ sản xuất. Quá trình hoạt động đó phải được xem xét một cách lịch sử cụ thể, không thể tùy tiện tưởng tượng ra được. Cũng trong tác phẩm đó khi nói về vai trò của những hoạt động chính trị xã hội của giai cấp công nhân đối với sự thay đổi xã hội từ xã hội nọ sang xã hội kia, C.Mác còn nói: “Trong tất cả những công cụ sản xuất, thì lực lượng sản xuất hùng mạnh nhất là bản thân giai cấp cách mạng”. Trong luận điểm này rõ ràng nhân tố con người là quan trọng nhất của lực lượng sản xuất.
 
Trong bộ Tư bản, khi nghiên cứu những yếu tố giản đơn của quá trình lao động (gồm sự hoạt động có mục đích, hay bản thân sự lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động [1, 1993, t.23, tr.267]), C.Mác đã chỉ ra rằng, nếu đứng về mặt kết quả của quá trình sản xuất mà xem xét toàn bộ quá trình đó thì “cả tư liệu lao động và đối tượng lao động đều biểu hiện ra là tư liệu sản xuất, còn bản thân lao động biểu hiện ra là lao động sản xuất” [1, 1993, t.23, tr.271]. Tư liệu sản xuất thực chất là biểu hiện của lao động quá khứ. Quá trình lao động để tạo ra sản phẩm mới chính là sự kết hợp giữa lao động sản xuất (lao động sống) với lao động quá khứ. Lao động quá khứ, trong đó có công cụ sản xuất, nếu không được lao động sống của con người vận dụng thì không có tác dụng gì đối với xã hội, và còn không thể được bảo tồn trong sản phẩm mới được. Về điểm này C.Mác viết: “Một cái máy không dùng vào quá trình lao động là một cái máy vô ích. Ngoài ra, nó còn bị hư hỏng đi do sức mạnh hủy hoại của sự trao đổi chất của tự nhiên. Sắt thì han rỉ, gỗ thì bị mục. Sợi không dùng để dệt hoặc đan thì chỉ là một số bông bị hư hỏng. Lao động sống phải nắm lấy những vật đó, cải tử hoàn sinh cho chúng, biến chúng từ những giá trị sử dụng chỉ có tính chất khả năng thành những giá trị sử dụng hiện thực và tác động” [1, 1993, t.23, tr.271].
 
Trong đoạn trích trên C.Mác xem lao động sống của con người là nhân tố chủ động, nhân tố quyết định nhất của lực lượng sản xuất. Công cụ sản xuất nếu không có lao động sống của con người thì không thể hoạt động được và như vậy không thể là nhân tố quyết định nhất sự biến đổi của lực lượng sản xuất cũng như quan hệ sản xuất được.
 
Cũng trong bộ Tư bản, khi nghiên cứu sự ra đời và phát triển của máy móc, C.Mác cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của máy móc không phải do tự máy móc quyết định, mà do con người hoạt động trong những quan hệ xã hội nhất định quyết định; chẳng hạn do nhu cầu trao đổi, do thị trường mở rộng, do cạnh tranh để tìm lợi nhuận siêu ngạch, v.v.. Trong tập 1 bộ Tư bản, C.Mác chỉ ra rằng, sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phải có các điều kiện cơ bản là sự tích lũy một lượng tiền đủ lớn trong tay nhà tư bản và sự ra đời một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường, đó là hàng hóa sức lao động. Ở phần thứ năm của chương XIV (Giá trị thặng dư tuyệt đối và giá trị thặng dư tương đối), để nhấn mạnh đến vai trò của con người, C.Mác còn viết: “Phương thức sản xuất này” (tức phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa) “giả định phải có sự thống trị của con người đối với tự nhiên” [1, 1993, t.23, tr.725]. Sau này V.I.Lênin cũng khẳng định: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động” [6, t.38, tr.430].
 
Khi viết rằng “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”, C.Mác không nhằm khẳng định rằng công cụ sản xuất có vai trò quyết định đối với phương thức sản xuất và từ đó quyết định sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử. Để làm sáng tỏ nhận định này, chúng ta cần xem C.Mác đã nêu ra luận điểm trên ở đâu và trong văn cảnh nào. Trong tập 1 bộ Tư bản, ở phần thứ ba của chương V, mục I (Quá trình lao động), sau khi phân tích sự thay đổi tư liệu lao động trong lịch sử do sự “chế biến” của con người, C.Mác đã viết: “Việc sử dụng và sáng tạo ra những tư liệu lao động, tuy đã có mầm mống ở một vài loài động vật nào đó, nhưng vẫn là một nét đặc trưng riêng của quá trình lao động của con người, và vì thế cho nên Phranclin đã định nghĩa con người là: ..., một động vật chế tạo dụng cụ. Đối với việc đánh giá những hình thái kinh tế - xã hội đã biến mất, những di vật của những tư liệu lao động cũng có một tầm quan trọng giống như là sự cấu tạo của những xương hóa thạch đối với việc tìm hiểu tổ chức của các loài động vật đã tiêu vong. Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào. Các tư liệu lao động không những là cái thước đo sự phát triển sức lao động của con người, mà còn là một chỉ tiêu của những quan hệ xã hội trong đó lao động được tiến hành” [1, 1993, t.23, tr.269]. C.Mác đã coi tư liệu sản xuất, trong đó công cụ sản xuất là bộ phận cơ bản, ở vị trí rất quan trọng, là cái dấu hiệu đặc trưng cho một thời đại kinh tế xác định trong lịch sử. Nhưng theo C.Mác thì riêng bản thân tư liệu sản xuất hay công cụ sản xuất không thể làm biến đổi quan hệ sản xuất và dẫn đến biến đổi phương thức sản xuất. Muốn tạo nên sự biến đổi phương thức sản xuất, thì tư liệu sản xuất phải kết hợp với lao động sống của con người. Cho nên C.Mác nói tư liệu sản xuất “là thước đo sự phát triển sức lao động của con người”, “là chỉ tiêu (tiêu chí) của những quan hệ xã hội”, là điều kiện, phương tiện để con người thay đổi quan hệ sản xuất. C.Mác không nói tư liệu sản xuất hay công cụ lao động là cái làm cho quan hệ sản xuất thay đổi. Như vậy C.Mác không cho rằng tư liệu sản xuất, hay “chất của công cụ sản xuất là cái quan trọng nhất quy định chất của quan hệ sản xuất”.
 
3. Những hạn chế trong học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là gì?
 
Trong bài báo, tác giả Nguyễn Chí Dũng đưa ra nhận định rằng: “Trước hết nói về chủ nghĩa tư bản (CNTB). Trong toàn bộ các tác phẩm đồ sộ của mình, bao giờ C.Mác cũng gắn sự nảy sinh, phát triển và diệt vong của chế độ xã hội này với sự ra đời, phát triển tiến bộ của nền công nghiệp, nhất là đại công nghiệp cơ khí, mà mở đầu là sự xuất hiện của máy hơi nước và sau đó là hệ thống máy công tác... Như vậy là, công cụ sản xuất đặc trưng của xã hội tư bản không gì khác hơn là nền đại công nghiệp cơ khí, sản xuất bằng máy móc có năng suất cao. Nhưng đến khi luận chứng cho sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa cộng sản, một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, thì C.Mác cũng không đi xa hơn bao nhiêu so với thời đại của ông trong việc phân tích, luận chứng cái chất mà lực lượng sản xuất mới phải có. Nếu như về mặt quan hệ sản xuất, ông cho rằng xã hội mới dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, mọi người đều bình đẳng trong lao động và trong hưởng thụ, thì về mặt lực lượng sản xuất, đặc biệt là công cụ sản xuất, ông chưa bao giờ chỉ rõ ở trình độ phát triển nào, với loại máy móc nào hoặc công cụ lao động hiện đại nào trong chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ được xây dựng. Hầu như tiêu chí cơ bản mà ông xác định vẫn chỉ là: Nền đại công nghiệp cơ khí ở trình độ phát triển cao, sản phẩm làm ra dồi dào để xã hội có thể ghi lên lá cờ của mình khẩu hiệu: “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”... Từ đây, nếu chúng ta trở ngược lại với lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác sẽ thấy xuất hiện mâu thuẫn: trên cùng một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, xã hội loài người đã làm xuất hiện hai hình thái kinh tế - xã hội khác biệt: tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Điều gì xảy ra ở đây? Nếu cả hai hình thái kinh tế - xã hội này đều ra đời như một tất yếu, song song tồn tại, thì lý luận mác - xít về hình thái kinh tế - xã hội không đúng. Còn nếu lý luận của C.Mác là đúng, thì một trong hai hình thái đã được xây dựng, sẽ không có cơ sở tồn tại. Phải chăng đây chính là yếu tố then chốt, cơ bản, quyết định tính khoa học và một số hạn chế có tính thời đại trong học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội” [2, tr.35 - 36]. Lập luận này của tác giả mới xem thì thật là lôgic, chặt chẽ, nhưng ta hãy xem thực chất nó có như vậy không.
 
Trong bộ Tư bản, C.Mác nói đến sự ra đời của máy móc và đại công nghiệp (ở chương XIII của tập 1 bộ Tư bản) và coi đó là một trong những đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Nhưng đó không phải là điểm trọng tâm của toàn bộ tác phẩm này của C.Mác. Chính C.Mác nói trong lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất tập 1, bộ Tư bản rằng: “Trong tác phẩm này, đối tượng nghiên cứu của tôi là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ sản xuất và trao đổi thích ứng với phương thức sản xuất ấy” [1, 1993, t.23, tr.19] và “mục đích cuối cùng của tác phẩm này là tìm ra quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại”. Với việc xác định đối tượng và mục đích nghiên cứu của tác phẩm như vậy, C.Mác nói đến máy móc và đại công nghiệp như một trong những yếu tố quan trọng cấu thành trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tổng thể của xã hội tư bản thôi. Điểm cốt lõi của tác phẩm Tư bản là nghiên cứu các quá trình kinh tế diễn ra trong hiện thực, phân tích các quá trình đó để vạch rõ mối quan hệ giữa con người với con người trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, vạch rõ cái mâu thuẫn giữa một bên là những con người sở hữu khối tư liệu sản xuất với một bên là những con người mất hết quyền sở hữu đối với những tư liệu sản xuất. C.Mác không nghiên cứu sự phát triển của máy móc đại công nghiệp, để chứng minh rằng máy móc, đại công nghiệp cơ khí là nhân tố quyết định nhất quyết định sự ra đời phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, mà nghiên cứu việc sử dụng máy móc đại công nghiệp theo kiểu tư bản chủ nghĩa; hơn nữa ông không chỉ mô tả việc sử dụng máy móc đại công nghiệp theo kiểu tư bản chủ nghĩa, mà điều quan trọng là vạch ra nguồn gốc và hậu quả xã hội của việc sử dụng máy móc đại công nghiệp theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Trong tác phẩm đó, C.Mác phê phán những nhà kinh tế học phủ nhận mâu thuẫn của việc sử dụng máy móc theo kiểu tư bản chủ nghĩa, coi mâu thuẫn của việc sử dụng máy móc theo kiểu tư bản chủ nghĩa “chỉ là cái bóng dáng bề ngoài của một hiện thực tầm thường” [1, 1993, t.23, tr.631] đồng thời phê phán cả những nhà kinh tế học cho rằng “không thể có cách sử dụng máy móc nào khác ngoài cách sử dụng theo kiểu tư bản chủ nghĩa” [1, 1993, t.23, tr.631]. Với việc nghiên cứu toàn diện các yếu tố cấu thành nên lực lượng sản xuất của xã hội tư bản (con người, máy móc, đại công nghiệp cơ khí, các tư liệu sản xuất khác...), sự vận động của chúng trong mối quan hệ biện chứng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lịch sử (hình thức sở hữu, phân phối, trao đổi...), C.Mác đã chỉ ra các quy luật kinh tế (quy luật giá trị thặng dư, cạnh tranh, độc quyền, tích lũy tư bản, bần cùng hóa giai cấp vô sản…). Các quy luật đó chi phối sự vận động, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời chi phối sự ra đời phát triển và sự tự phủ định mình của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.
 
Tác giả Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Trên cùng một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, xã hội loài người đã làm xuất hiện hai hình thái kinh tế - xã hội khác biệt: tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Điều gì xảy ra ở đây? Nếu cả hai hình thái kinh tế - xã hội này đều ra đời như một tất yếu, song song tồn tại, thì lý luận mác - xít về hình thái kinh tế - xã hội không đúng. Còn nếu lý luận của C.Mác là đúng, thì một trong hai hình thái đã được xây dựng, sẽ không có cơ sở tồn tại. Phải chăng đây chính là yếu tố then chốt, cơ bản, quyết định tính khoa học và một số hạn chế có tính thời đại trong học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội”. Về nhận định trên của tác giả có mấy vấn đề cần bàn thảo sau.
 
Một là, học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội có cho rằng trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phải đồng loạt như nhau trên toàn thế giới không? Trong Tư bản, khi nghiên cứu sự phát triển lực lượng sản xuất, C.Mác luôn bám sát thực tế lịch sử và nhận thấy lực lượng sản xuất thường phát triển không đồng đều giữa các ngành trong một nước và giữa các nước trên thế giới. C.Mác lấy nước Anh (là nước tư bản điển hình nhất đến thế kỷ XIX) để nghiên cứu và ông đã nhận thấy việc sử dụng máy móc nói riêng, sự phát triển lực lượng sản xuất nói chung phát triển sớm nhất trong ngành dệt, tiếp theo đó là ngành kéo sợi, sau đó lan sang các ngành chế tạo máy, ngành khai khoáng... Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa lớn mạnh lên dần từ ngành này sang ngành khác, từ khu vực này sang khu vực khác, không phải đồng loạt cùng một lúc. Đến một lúc nào đó nó mới thực sự chiếm ưu thế so với phương thức sản xuất cũ trong toàn bộ nền sản xuất của một quốc gia. Vậy, nói rằng mỗi trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất có những quan hệ sản xuất tương ứng là nói đến quy luật chung của sự vận động của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong các ngành của nền sản xuất. C.Mác đã trừu tượng đi sự khác biệt về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất giữa các ngành sản xuất để nói lên cái quy luật chung đó thôi. Còn khi xem xét một cách toàn diện và cụ thể sự vận động của một xã hội nhất định nào đó, thì quy luật chung đó thể hiện dưới hình thức đặc thù, điều đó đòi hỏi phải xem xét một cách lịch sử cụ thể. Lấy cái hình thức chung đó như một công thức cứng nhắc để áp dụng cho cái đặc thù rất đa dạng mà không xem xét một cách cụ thể là không đúng.
 
Hai là, sự ra đời, phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử diễn ra như thế nào? Học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội có đưa ra một công thức chung để bắt lịch sử loài người phải tuân theo không? Hoàn toàn không. Trong các tác phẩm của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định rằng, bằng các sự kiện lịch sử, các ông chỉ chứng minh xu hướng chung của sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội, còn con đường cụ thể của lịch sử thì tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Học thuyết của các ông không bắt lịch sử xã hội phải theo một con đường duy nhất. Với bộ Tư bản, C.Mác chỉ nghiên cứu sự ra đời phát triển phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa làm cơ sở cho sự ra đời phát triển của xã hội hiện đại, của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa ở một nước điển hình là nước Anh. Đó là sự vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội và cũng là sự chứng minh bằng lịch sử thực tế cho học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của mình. Điều đó không buộc mọi nước khác phải đi như nước Anh. Về điểm này có thể dẫn ra một ý kiến khác của C.Mác. Trong “Lời bài viết cho lần xuất bản thứ hai” của quyển I bộ Tư bản, C.Mác đã chế giễu một số nhà nghiên cứu Phương Tây (do họ không hiểu phương pháp nghiên cứu được C.Mác sử dụng trong bộ Tư bản) rằng: “Một mặt họ trách tôi là đã đề cập khoa kinh tế chính trị một cách siêu hình, nhưng mặt khác lại trách rằng - bạn thử đoán xem là cái gì? - tôi chỉ biết có phê phán mổ xẻ cái hiện có, chứ không nêu ra được công thức nấu nướng nào (theo kiểu của Công tơ ư?) cho hiệu ăn của tương lai cả” [1,1993, t.23, tr.32]. Điều đó chứng tỏ rằng, C.Mác chỉ căn cứ vào hiện thực để tìm ra quy luật thực tế của lịch sử, chứ không tưởng tượng ra những sự kiện của tương lai hay nặn từ trong đầu mình ra những mô hình tương lai của xã hội. Trên cơ sở tìm ra quy luật của các sự kiện thực tế, C.Mác đưa ra những dự đoán khoa học cho tương lai. Đây chỉ là những dự đoán về xu hướng phát triển tiếp theo tất yếu của cái xã hội hiện tại, mà không phải là những chi tiết cụ thể nào đó bắt buộc xã hội tương lai phải tuân theo. Đòi hỏi phải vạch rõ những chi tiết của xã hội tương lai như “một công thức nấu nướng” là không đúng với tư tưởng của C.Mác. Ông không làm cái việc đó, vì ông hiểu xã hội là một cơ thể sống rất phức tạp. Sự vận động của nó không thể theo một công thức đơn giản. Nó phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nhau, những điều kiện đó không giống nhau ở khắp mọi nơi và không nhất thành bất biến. Ông luôn coi trọng việc nghiên cứu một cách cụ thể những điều kiện cụ thể. Khi nghiên cứu một xã hội cụ thể và tìm ra quy luật hình thành, phát triển của xã hội cụ thể đó thì chỉ có thể dự báo một cách đại thể xu hướng phát triển của nó trong tương lai. Sự chuyển hóa của xã hội hiện tại sang cái xã hội tương lai như thế nào và cái xã hội tương lai có đặc điểm gì? Chúng ta chỉ có thể vạch ra trước một số nét cơ bản của xã hội tương lai mà thôi. C.Mác và Ph.Ăngghen đã ý thức rõ điều đó nên ở nhiều chỗ các ông đã giải thích rằng, nhiệm vụ của các ông không phải là nặn từ trong đầu ra những công thức để xây dựng một xã hội tương lai, không cố công tìm ra những nét đặc thù của xã hội tương lai từ trong đầu óc của mình, mà chỉ nghiên cứu cái xã hội hiện tại, tìm ra quy luật vận động của cái xã hội hiện tại (xã hội tư bản chủ nghĩa) và từ đó chứng minh rằng xã hội hiện tại nhất định phải bị thay thế bằng một xã hội khác do những điều kiện mà nó tạo ra, và do những quy luật hoạt động trong những điều kiện đó.
 
Trên thực tế, khi nghiên cứu sự ra đời và phát triển quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác cũng chỉ ra quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời từ trong lòng xã hội phong kiến, khi trình độ lực lượng sản xuất còn là trình độ thủ công. Không phải chỉ khi máy móc xuất hiện thì quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mới xuất hiện. Rõ ràng khi đó cùng một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có thể có các quan hệ sản xuất khác nhau tồn tại. Tức là cùng một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có những bộ phận, những yếu tố của các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau tồn tại. Hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa không phải ra đời là hoàn thiện ngay trên tất cả các bộ phận của nó, mà nó phải hoàn thiện dần. Ban đầu khi mới ra đời, xét một cách cụ thể, nó không thể nào loại trừ ngay cái hình thái kinh tế - xã hội phong kiến mà nó vừa thoát thai ra từ đó. Vậy, có thể cho rằng, cùng một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vẫn có hai hình thái kinh tế - xã hội khác nhau được không? Nếu được thì điều đó có mâu thuẫn với học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội không? Theo quan điểm của C.Mác, có thể được với nghĩa đó là sự thể hiện của xu hướng chung trong điều kiện lịch sử cụ thể; đó là quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử. Điều đó không có gì mâu thuẫn với thực chất học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội cả, mà chỉ mâu thuẫn với cách hiểu không đúng về học thuyết C.Mác mà thôi.
 
4. Kết luận
 
Tuy rằng học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội không phải là “chân lý tuyệt đối”, không phải tuyệt đối đúng trong mọi thời đại, mà cần phải được bổ sung và phát triển, nhưng việc chỉ ra những hạn chế và phát triển học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là điều không đơn giản. Để bổ sung và phát triển học thuyết đó chúng ta phải nghiên cứu rất cẩn trọng, nghiêm túc như tinh thần mà C.Mác đã làm. Trước hết hãy đọc kỹ tác phẩm của C.Mác, hiểu cho đúng tư tưởng của ông đã rồi mới nói đến chuyện phê phán và bổ sung một cái gì đó. Tôi đọc chưa được nhiều, kiến thức còn nông cạn, mạo muội trao đổi đôi điều như vậy, chắc còn nhiều sai sót, mong sao nhận được sự góp ý của bạn đọc để chỉnh sửa cho đúng đắn hơn.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20, 23 (1993), t.3, 4 (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[2] Nguyễn Chí Dũng (2015), “Học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội dưới ánh sáng thời đại ngày nay”; Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 (87).
 
[3] Nguyễn Hùng Hậu (2014), “Bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11.
 
[4] Vũ Văn Hiền (2015), “Chủ nghĩa Mác và thế giới đương đại”, Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[5] Nguyễn Minh Hoàn (2015), “Chủ nghĩa Mác và triết học Mác qua sự đánh giá của các học giả Phương Tây”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 10.
 
[6] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, t.1, 20, 33, 36, 37, 39, 41, 43, 44, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
 
[7] Lê Hữu Nghĩa (2015), “Về một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin hiện nay”, Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[8] Nguyễn Quốc Phẩm (2015), “Thực chất của luận điệu “Chủ nghĩa Mác - Lênin đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 10.
 

Tác giả: PGS.TS. Dương Văn Thịnh
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5(102) - 2016
Tags: Tính khoa học hạn chế học thuyết C.Mác hình thái kinh tế - xã hội Dương Văn Thịnh khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục