Tác giả: TS. Lê Văn Mỹ (Chủ biên)
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2017, 330 trang
Tóm tắt nội dung:
Chương 1: Vai trò của nước lớn đối với hợp tác khu vực. Trong chương này, nhóm tác giả trình bày những vấn đề: (i) các khái niệm cơ bản về nước lớn, hợp tác khu vực; (ii) các quan niệm về vai trò của nước lớn trong hợp tác khu vực như quan niệm của chủ nghĩa hiện thực, quan niệm chủ nghĩa tự do, quan niệm của một số lý thuyết khác; (iii) quan niệm về phản ứng của nước nhỏ đối với các nước lớn trong hợp tác khu vực; và (iv) vai trò của nước lớn trong hợp tác ở một số khu vực trên thế giới.
Chương 2: Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Trong chương này, nhóm tác giả lần lượt trình bày các vấn đề: (i) giới thiệu về tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) trên các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, con người và sinh kế, các hoạt động phát triển dựa vào nguồn tài nguyên của lưu vực; (ii) các khung khổ hợp tác trong GMS bao gồm hợp tác trong Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế, Hợp tác GMS của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); (iii) chương trình hợp tác của GMS với ADB trên các phương diện: lịch sử phát triển, cơ chế phối hợp chính sách, chiến lược 3 C và khung khổ chiến lược, kết quả thực hiện, triển vọng Chương trình GMS của ADB.
Chương 3: Trung Quốc với hợp tác GMS. Các tác giả trình bày các vấn đề: (i) ý đồ chiến lược của Trung Quốc tham gia hợp tác GMS về kinh tế, ngoại giao, an ninh chính trị; (ii) phương thức thực hiện hợp tác GMS của Trung Quốc là đẩy nhanh kết nối hạ tầng cơ sở, tăng cường viện trợ, chủ động đề xuất và tích cực tham gia các sáng kiến thúc đẩy thương mại nội vùng GMS, tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư song phương với các nước tiểu vùng, dùng quan hệ chính trị lôi kéo các nước GMS, khuếch trương “sức mạnh mềm” với hạt nhân là văn hóa Hán; (iii) tác động của việc tăng cường tham dự của Trung Quốc đối với khu vực GMS ở cả 2 phương diện tích cực và tiêu cực; (iv) dự báo sự tham gia của Trung Quốc với hợp tác GMS trong thời gian tới chịu sự ảnh hưởng của nhân tố quốc tế và khu vực.
Chương 4: So sánh vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong hợp tác GMS. Trong chương này, nhóm tác giả trình bày: (i) vai trò của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc với GMS trên các yếu tố: Mỹ với sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc với GMS; (ii) vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đặt trong sự so sánh và dự báo xu hướng cạnh tranh giữa các nước.
Chương 5: Việt Nam với hợp tác GMS. Nhóm tác giả trinh bày: (i) quá trình tham gia hợp tác GMS của Việt Nam ở vai trò, chính sách và hiện trạng Việt Nam tham gia hợp tác GMS; (ii) can dự của Trung Quốc và các nước lớn vào GMS - tác động đến Việt Nam; (iii) đánh giá cơ hội và thách thức trong hợp tác GMS đối với Việt Nam, vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà cần nắm bắt để khẳng định vai trò trong khu vực và hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng giới thiệu.
Triệu Hạnh