GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu chào mừng Tọa đàm.
Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích trao đổi học thuật nhân dịp giới thiệu bộ sách “Việt kiệu thư” của tác giả Lý Văn Phượng (1512 - 1542), được dịch thuật và bổ chú công phu, nghiêm túc bởi nhóm chuyên gia của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, gồm PGS.TS. Đặng Hồng Sơn, TS. Vũ Đường Luân và ThS. Nguyễn Ngọc Phúc, mới được Nhà xuất bản
Khoa học xã hội và MaiHaBooks liên kết xuất bản, phát hành.
Dự Tọa đàm, về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, có GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng, PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo; về phía Nhà xuất bản Khoa học xã hội, có PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Q. Giám đốc, Tổng biên tập, ThS. Nguyễn Bạch Ly, Trưởng phòng Biên tập Khoa học nhân văn; về phía MaiHaBooks có bà Hà Thị Hương Mai, Giám đốc, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc xuất bản; cùng nhiều nhà khoa học, các thầy cô giáo và độc giả quan tâm đến ấn phẩm đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Sử học…
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trao đổi một số nội dung đáng chú ý của ấn phẩm.
Bốn diễn giả tham gia tọa đàm là các nhà khoa học và dịch giả đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, gồm: GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc; PGS.TS. Đặng Hồng Sơn; TS. Vũ Đường Luân; ThS. Nguyễn Ngọc Phúc; điều phối chương trình là PGS.TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Thông qua nhìn nhận, đánh giá giá trị tư liệu của các bộ thư tịch cổ đương thời, nội dung trọng tâm của buổi tọa đàm thảo luận những hiểu biết về Việt Nam của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI. Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt vì thế kỷ XV, XVI đã diễn ra nhiều diễn biến phức tạp trong quan hệ giữa triều Minh với các triều Hồ, Lê sơ và Mạc. Phía chính quyền Đại Việt, sau nhiều biến động chính trị - xã hội, vương triều Lê sơ dần suy yếu, nhà Mạc thay thế, nhà Minh nhân cơ hội đó liên tục sách nhiễu, gây sức ép. Điều này dẫn đến những sự kiện dồn dập diễn ra tại khu vực biên giới, những cuộc thảo luận giữa triều Minh - Lê sơ, Minh - Mạc về quan hệ đối ngoại… Trong bối cảnh đó, xuất hiện các ghi chép có hoàn cảnh biên soạn khác nhau, do nhiều đối tượng, từ sử quan, trí thức quan lại xuất thân Nho học, có cả những viên tướng từng trực tiếp cầm quân xâm lược Đại Việt sao soạn. Các ghi chép này nhằm nhiều mục đích, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, từ hình thế núi sông, nhân vật lịch sử, phong tục tập quán, về các sự kiện liên quan đến quan hệ Việt - Trung của quan lại, triều đình người Hán.
Bộ sách “Việt kiệu thư” của tác giả Lý Văn Phượng là bộ tư liệu rất đồ sộ gồm 20 quyển chữ Hán, bản dịch được Nhà xuất bản Khoa học xã hội và MaiHaBooks xuất bản gồm 3 tập. Điểm đặc biệt của bản dịch “Việt kiệu thư” được xuất bản lần này là có tới gần 3.500 chú thích.
Trong phần trao đổi, PGS.TS. Đặng Hồng Sơn nhấn mạnh đến sự thú vị của những văn bản, kế sách, biểu hiến kế của quan lại triều Minh khi nhà Mạc thành lập. Trong “Việt kiệu thư”, có thể đọc một loạt biểu, hiến kế của quan lại triều Minh như thế. “Nhiều biểu tấu bàn nên đánh hay không, nên đối xử với An Nam như thế nào. Có những suy nghĩ khác nhau, quan điểm khác nhau. Tôi nhớ có biểu nói tại sao không nên đánh An Nam, vì đánh rất dễ nhưng quan trọng là bình định được”. Cũng theo PGS. Sơn, biểu cũng nói về việc người An Nam có thể rút vào rừng núi. Quan trọng hơn, nếu quân Minh không tiếp được lương thực thì không giữ được lâu dài. “Việt kiệu thư” ra đời thời điểm đó vừa là dạng địa phương chí về một vùng đất, đồng thời tập hợp tư liệu phục vụ cho các hoạt động quân sự nam Trung Hoa thời bấy giờ”.
GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc trao đổi về vai trò sử liệu của ấn phẩm “Việt Kiệu Thư” tại Tọa đàm.
Theo GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: “Thế kỷ XVI là lúc nhà Lê suy tàn, sau đó nhà Mạc lên thay. Quan hệ bang giao với nhà Minh của nhà Mạc, sau này là Lê - Trịnh, có nhiều vấn đề. Nhưng đúng lúc đó lại xuất hiện bộ sách Việt Kiệu Thư. Tôi cho đó là bộ sách giá trị nhất về Việt Nam dưới lăng kính các học giả Trung Quốc”.
ThS. Nguyễn Ngọc Phúc, một trong các dịch giả chia sẻ về việc dịch và bổ chú nhiều nội dung liên quan đến địa danh, nhân vật của ấn phẩm “Việt Kiệu thư”.
PGS.TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng:
“Do tính chất là một tập sử liệu nhằm phục vụ việc quân sự, Việt kiệu thư chứa trong mình nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt. Trước hết, đó là nguồn sử liệu về mối quan hệ giữa triều Hồ, Lê sơ, và Mạc với nhà Minh. Ở những phần sử chí về lịch triều, các sử liệu không có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sử lớn hơn. Nhưng, những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV-XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới. Đây rõ ràng là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao bổ sung cho các pho chính sử của cả hai phía”.
Nguồn: Vass.gov.vn