PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh Thành phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh Thành cho biết, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi phát hiện được số lượng rất lớn đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, đồ gốm thời Nguyên (1271-1368) và thời Minh (1368 - 1644) có số lượng rất đáng kể, tương đối phong phú về loại hình và dòng gốm, đặc biệt là có nhiều sản phẩm vô cùng đặc sắc và quý hiếm được sản xuất bởi các ngự xưởng nổi tiếng ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây. Đây là những đồ sứ được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần và thời Lê. Phát hiện quan trọng này khơi gợi nhiều về mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế giữa triều đại nhà Nguyên và nhà Minh với Kinh đô Thăng Long – Đại Việt trong lịch sử.
Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long khá phong phú về chất lượng và phẩm cấp, với những dòng gốm đơn sắc (men ngọc, men nâu) và gốm hoa lam. Những sưu tập gốm này được mang đến từ nhiều lò khác nhau ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Các di vật đồ gốm thời Nguyên – Minh đa phần đã bị vỡ mảnh, không còn nguyên hình dáng, do đó việc đầu tư nghiên cứu so sánh để xác định loại hình, chức năng, niên đại, nguồn gốc lò sản xuất đối với các sưu tập mảnh đồ sứ Trung Quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
PGS.TS. Bùi Minh Trí phát biểu trình bày tham luận tại Tọa đàm
Với gần 30 tham luận nhận được, tọa đàm là dịp để các chuyên gia gốm sứ trao đổi về đặc trưng, niên đại và nguồn gốc lò sản xuất của các sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tìm thấy tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đồng thời tăng cường hiểu biết sâu rộng về đồ gốm sứ Trung Quốc, từ đó có thể bàn luận sâu rộng hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử thời Nguyên – Minh. PGS.TS. Bùi Minh Trí cho biết thêm: “Những thông tin trao đổi tại Tọa đàm là cũng là những công bố đầu tiên về đồ gốm Trung Quốc thời Nguyên, Minh được phát hiện tại Hoàng Thành Thăng Long, Việt Nam. Kết quả khoa học được công bố sẽ giúp cho giới khoa học trong nước và quốc tế nhận biết về các loại hình đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống Hoàng cung Thăng Long, cùng những đánh giá đa chiều về thị hiếu trong chốn cung đình thời bấy giờ. Nguồn tư liệu quan trọng này cũng gợi mở nhiều vấn đề rất thú vị và hấp dẫn trong nghiên cứu về mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc và Đại Việt trong lịch sử”.
Chia sẻ tại Tọa đàm về sưu tập gốm sứ thời Nguyên tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, TS. Lương Chánh Tòng, Đại học Công nghệ Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu trữ khoảng 200 hiện vật được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau trong lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng, những sưu tập hiện vật với các loại vật dụng điển hình như hũ, âu, bát, đĩa... men ngọc hoàn hảo, được sưu tầm, lưu giữ và chuyển giao giai đoạn trước năm 1975 có nguồn gốc xuất xứ khá rõ ràng, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa về gốm sứ thời Nguyên nói chung, tạo cơ sở khoa học và bổ sung thêm nguồn tư liệu so sánh, đối chiếu cho việc nghiên cứu, chỉnh lý khoa học các sưu tập hiện vật hiện đang lưu giữ tại một số khu di tích, sưu tập bảo tàng, sưu tập tư nhân, cũng như các cuộc khai quật. Tuy nhiên, do hiện vật gốm thời Nguyên qua tư liệu khảo cổ học vẫn còn ít, loại hình chưa phong phú và chưa được công bố một cách rộng rãi, cho nên nhiều nhóm di vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh vẫn xếp chung vào nhóm gốm Tống - Nguyên, Nguyên - Minh, thậm chí là cả thời Thanh...Công tác chỉnh lý, phân loại, nhận diện và bóc tách niên đại các nhóm đồ gốm trên chưa được công bố kết quả nghiên cứu gốm sứ Trung Quốc từ các cuộc khai quật khảo cổ học.
Toàn cảnh Tọa đàm
Đóng góp thông tin về gốm men ngọc Long Tuyền tìm thấy ở Đông Nam Á, TS. Xiang Kunpeng, Bảo tàng Cổ cung Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, trong những năm gần đây, một số lượng lớn gốm men ngọc Long Tuyền đã được tìm thấy tại một số di chỉ trên đất liền và các vùng biển có liên quan đến tàu đắm ở Đông Nam Á, có niên đại từ đầu thời Nam Tống kéo dài đến giữa thời nhà Minh. Việc phát hiện ra đồ gốm men ngọc Long Tuyền ở Đông Nam Á đã phản ánh một mức độ nhất định về tình hình xuất khẩu của loại đồ gốm này đến khu vực trong lịch sử. Đồ gốm sứ men ngọc Long Tuyền được khai quật ở Đông Nam Á (hoặc được phát hiện ở dưới nước) gồm có bát, đĩa, chậu, bình, lư hương, hũ, Mai bình, tước, chậu, hộp, ấm, chén lớn... trong đó bát, đĩa và hũ là nhiều hơn cả. Đồ dùng được người địa phương chủ yếu sử dụng là: đồ dùng trong sinh hoạt, đồ cúng tế, đồ tùy táng, đồ dùng mai táng, đồ dùng trang trí... Một số lượng lớn gốm men ngọc của Long Tuyền đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á đã có tác động lớn đến ngành thủ công chế tác đồ gốm ở những địa phương đó.
Bên cạnh việc các đại biểu trong nước và quốc tế cũng tập trung thảo luận sâu về một số vấn đề chính về Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long và Việt Nam các nhà khoa học còn có nhiều ý kiến trao đổi về Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh và các lò sản xuất tại các tỉnh ở Trung Quốc; quá trình giao lưu kinh tế - văn hóa giữa Trung Quốc với Đại Việt thời Nguyên - Minh nhìn từ trao đổi đồ gốm sứ qua đó giúp các học giả hai bên có thêm những thông tin hữu ích hơn về tiến trình giao lưu kinh tế giữa Trung Quốc và Đại Việt thời bấy giờ cũng như mở ra các hướng nghiên cứu mới trong ngắn, trung và dài hạn.
Theo Vass.gov.vn