Nghiên cứu - Trao đổi » Xã hội

Tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học và việc áp dụng tại Việt Nam

08:12 - 27/11/2018

Hiện nay, các tạp chí khoa học xã hội ở Việt Nam đang từng bước đổi mới và nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là theo tiêu chuẩn các tạp chí được xếp hạng bởi Viện Thông tin khoa học Mỹ (ISI) và Cơ sở dữ liệu (Scopus) của Nhà xuất bản Elsevier Hà Lan.

1. Mở đầu
 
 
ISI và Scopus đã xét chọn chất lượng của các tạp chí trên thế giới một cách khắt khe và kỹ lưỡng để đưa vào cơ sở dữ liệu của họ. Đến nay, danh sách ISI bao gồm khoảng 10.000 tạp chí; Scopus bao gồm 18.500 tạp chí. Mặc dù có những ý kiến chưa thống nhất, nhưng ISI và Scopus vẫn là một trong rất ít cách phân loại được thừa nhận và sử dụng rộng rãi khi bàn luận về chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu. Các tạp chí khoa học thuộc ISI và Scopus là những tạp chí được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Liên Hợp Quốc, các chính phủ và các tổ chức quốc tế thường sử dụng thống kê của ISI trong quản lý và hoạch định các chính sách khoa học, kỹ thuật. Các thống kê và đánh giá về khoa học, công nghệ và kỹ thuật nếu không theo ISI thì bị lệch so với thống kê quốc tế. Bài viết này trình bày những tiêu Chuẩn quốc tế của Tạp chí khoa học; thực trạng áp dụng của các tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam và một số kiến nghị.
 
2. Tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học
 
Có nhiều tiêu chuẩn quốc tế của các tạp chí khoa học, song tựu trung lại có 5 tiêu chuẩn chủ yếu sau đây.
 
Thứ nhất, về thể thức xuất bản: - Tên tạp chí cụ thể, rõ ràng; - ngôn ngữ thể hiện là tiếng Anh (nếu xuất bản bằng ngôn ngữ khác thì thông tin thư viện bài viết bao gồm: tên tác giả, tóm tắt, từ khóa, tài liệu trích dẫn, tham khảo của bài viết thể hiện bằng tiếng Anh); - kỳ hạn xuất bản phải đúng theo quy định của tạp chí (01 tuần/kỳ, 01 tháng/kỳ, 03 tháng/kỳ, 06 tháng/kỳ…).
 
Thứ hai, về hình thức trình bày: - Bìa tạp chí ghi rõ các thông tin về số, tập, tháng, năm xuất bản, về mã số chuẩn quốc tế ISSN, về tên, địa chỉ cơ quan xuất bản tạp chí; - không in quảng cáo, ảnh không liên quan đến nội dung các bài báo khoa học đăng trong tạp chí; - không ghi học hàm, học vị của các thành viên Hội đồng Biên tập tạp chí và các tác giả; - không ghi tên người phản biện khoa học (Referee) của bài báo được đăng.
 
Thứ ba, về Hội đồng Biên tập: Hội đồng Biên tập tạp chí gồm các nhà khoa học có uy tín khoa học ở trong nước và quốc tế. Trong đó, ít nhất hơn 1/3 số thành viên Hội đồng Biên tập tạp chí là các nhà khoa học có uy tín ở quốc tế.
 
Thứ tư, về nội dung khoa học của tạp chí:- Tạp chí khoa học đăng tải các bài báo khoa học của các nhà khoa học ở trong nước và quốc tế; - tạp chí khoa học phải có cơ chế phản biện (peer review) bài báo (đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất không thể thiếu được cho một tạp chí khoa học; mỗi bài báo có ít nhất hai nhà khoa học có uy tín phản biện theo nguyên tắc kín; - dung lượng bài báo: tối đa không quá 9.000 từ; - bài báo khoa học phải kèm theo các thông tin về: tên bài báo với khoảng 15 - 18 từ (một số tạp chí yêu cầu tối đa 25 từ), về tác giả, về địa chỉ thư tín của tác giả để người đọc có thể liên hệ được, về tóm tắt với khoảng 200 - 250 từ, về từ khóa với khoảng 3 - 5 từ, (những từ ngữ chính thể hiện nội dung bài viết và có sự hiện diện trong phần tóm tắt), về mã số phân loại chuyên ngành của bài báo, ngày tòa soạn nhận được bài báo, ngày phản biện đánh giá và sửa chữa, ngày bài báo được duyệt đăng, về trích dẫn (rõ ràng và tìm được trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ISI; Scopus); - bài báo khoa học gồm các phần chủ yếu: giới thiệu (không quá 800 từ, vấn đề nghiên cứu là gì phương pháp nghiên cứu vấn đề như thế nào),  kết quả và thảo luận: (nghiên cứu tìm được kết quả gì, các kết quả tìm được có ý nghĩa gì), kết luận và đề nghị, tài liệu tham khảo.
 
Thứ năm, về Website tạp chí: Tạp chí khoa học có website riêng hoặc hệ thống trực tuyến (Online submission system) trong quản lý xuất bản tạp chí; các thông tin trên website được cập nhật giống như bản in của tạp chí giấy.
 
3. Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ở các tạp chí khoa học xã hội tại Việt Nam
 
Tính đến ngày 21 tháng 3 năm 2016 Việt Nam có 356 tạp chí khoa học được đưa vào danh mục tạp chí tính điểm của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN). Trong số đó, chỉ có một tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VHLKH&CNVN) được vào danh sách SCIE cuối năm 2015, hai tạp chí Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam và Acta Mathematica Vietnamica của VHLKH&CNVN được vào danh sách Scopus.
 
Như vậy, trong số 356 tạp chí nói trên, Việt Nam chỉ có ba tạp chí khoa học công nghệ nằm trong danh sách ISI và Scopus, chiếm khoảng 0,84%; không có tạp chí khoa học xã hội nào của Việt Nam nằm trong ISI và Scopus. Trong khi đó, các quốc gia ASEAN khác như Malaysia đã có 48 tạp chí, Thái Lan có 21 tạp chí được xếp vào Scopus.
 
Các tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới, nâng cấp về cả chất lượng, thể thức và hình thức trình bày, nhưng cho đến nay việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học trong hệ thống ISI và Scopus vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với các tiêu chuẩn quốc tế trên đây, các tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam chỉ đáp ứng được rất ít tiêu chí. Kết quả khảo sát thực tế 100 tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam (trong đó, các cơ sở giáo dục đại học, các Bộ ban ngành, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 66 tạp chí khoa học; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có 34 tạp chí) cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, về thể thức trình bày:
 
Ngôn ngữ thể hiện chủ yếu bằng tiếng Việt. Có 6 tạp chí khoa học xã hội bằng tiếng Anh, gồm: Vietnam Banking Review; Vietnamese studies; Vietnam Social Sciences Review; Vietnam's Socio-Economic Development Review; Vietnam Economic Review; Philosophical review. Phần lớn tạp chí khoa học xã hội ở Việt Nam xuất bản không đúng kỳ hạn xuất bản.
 
Thứ hai, về hình thức trình bày:
 
Tên một số tạp chí chưa rõ địa chỉ cơ quan khoa học chủ quản, tên tiếng Anh của tạp chí chưa chính xác. Hiện tại có 13 tạp chí trùng tên (cùng có tên là Tạp chí khoa học) của 13 cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh; Đại học Huế; Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh; Viện Đại học Mở Hà Nội; Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Tây Nguyên; Trường Đại học Hà Tĩnh. Thực trạng trên rất khó để phân biệt khi truy cập trên internet. Nhiều thông lệ quốc tế khác về hình thức cũng chưa được ban biên tập các tạp chí khoa học nghiên cứu áp dụng.
 
Tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: 100% tạp chí có chỉ số ISSN, tên cơ quan xuất bản cụ thể rõ ràng; 03 tạp chí không ghi học hàm, học vị của Hội đồng Biên tập (chiếm 1,7%, gồm Tạp chí Khảo cổ học; Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội; Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á); phần lớn tạp chí không in quảng cáo.
 
Thứ ba, về tổ chức Hội đồng Biên tập:
 
Có 02 tạp chí tổ chức Hội đồng Biên tập tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế. Hội đồng Biên tập gồm các nhà khoa học có uy tín ở trong nước và quốc tế (chiếm 1/3 số thành viên): Tạp chí Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong khi đó, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 100% Hội đồng Biên tập các tạp chí khoa học là các nhà khoa học trong nước.
Thứ tư, về nội dung khoa học của tạp chí:
 
Tạp chí đăng tải bài báo khoa học phần lớn là của các nhà khoa học trong nước. Rất ít tạp chí đăng tải bài của các học giả nước ngoài (nếu có đăng, chủ yếu ở mục thông tin khoa học).
 
Thông tin, kết cấu bài viết của các tạp chí khoa học xã hội ở Việt Nam về cơ bản chưa tuân thủ theo thông lệ quốc tế. Các tạp chí thuộc các cơ sở giáo dục đại học đã ghi đủ các dữ liệu bài viết, gồm tóm tắt, từ khóa và kết cấu bài gồm 4 mục chính theo thông lệ quốc tế. Có 4 tạp chí ghi thông tin ngày nhận bài, chỉnh sửa bài và ngày đăng bài (gồm: Tạp chí Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tạp chí Khoa học Đại học Huế; Tạp chí Phát triển và hội nhập, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính). Hầu hết các tạp chí khoa học của các Bộ ban ngành không ghi tóm tắt, từ khóa và không kết cấu bài viết gồm 4 phần theo thông lệ quốc tế. Tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chỉ có 13 tạp chí có tóm tắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh, hoặc chỉ có tiếng Anh, chiếm 46%; 10 tạp chí có từ khóa, chiếm 35,7%; 7 tạp chí có lời mở đầu, kết luận, chiếm 25%; 01 tạp chí ghi ngày nhận bài, chỉnh sửa và ngày đăng bài, chiếm 0,3% (Tạp chí Tâm lý học).
 
Nhiều tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam không có cơ chế phản biện khoa học bài báo. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam với các tạp chí khoa học quốc tế. Khi tác giả gửi bài đến, một vài người trong Hội đồng Biên tập xem qua và quyết định đăng hay không. Chẳng những đăng bài mà còn phải trả nhuận bút cho tác giả. Có lẽ do cách làm như thế nên đại đa số những bài báo trên các tạp chí này có chất lượng khoa học rất thấp. Có rất nhiều lỗi và sai sót cơ bản trong những bài báo. Cách trình bày hết sức sơ sài và tùy tiện, làm cho người đọc thấy hình như tác giả không tôn trọng độc giả.
 
 Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, song, có hai nguyên nhân cần lưu tâm: thứ nhất, Việt Nam chưa có khung khổ quy định chung về thể thức xuất bản, hình thức trình bày nội dung bài báo cho các tạp chí khoa học; thứ hai, kinh phí cho hoạt động tạp chí hạn hẹp.
Việc không đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học, đặc biệt là tiêu chí tổ chức Hội đồng Biên tập và cơ chế phản biện bài báo đã giải thích rõ lý do tại sao những công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam không có nhiều người đọc, ngay cả những người trong giới khoa học xã hội cũng ít đọc và số trích dẫn càng ít hơn.
Đây cũng chính là những thách thức lớn nhất cho các tạp chí khoa học xã hội Việt Nam trong hội nhập tiêu chuẩn quốc tế.
 
4. Một số kiến nghị
 
Để xây dựng tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, cần thực hiện một số việc sau:
 
Thứ nhất, xây dựng lộ trình và có trọng tâm xây dựng trước một số tạp chí theo chuẩn quốc tế, bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng nội dung bài viết.
 
Thứ hai, tổ chức Hội đồng Biên tập theo tiểu chuẩn quốc tế, xây dựng quy chế và kinh phí hoạt động của Hội đồng Biên tập.
 
Thứ ba, xây dựng quy trình tiếp nhận bài viết, phản biện, biên tập, xuất bản, phát hành, điều quan trọng là các tạp chí chú trọng yêu cầu phản biện khoa học thật nghiêm túc (có thể ở trong hoặc ngoài nước một cách phù hợp) để nâng cao chất lượng khoa học của bài báo.
 
Thứ tư, xây dựng một cơ sở dữ liệu của quốc gia, liệt kê tất cả những bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX, hay thậm chí thế kỉ XIX (nếu có) đến nay phục vụ cho nghiên cứu, trích dẫn.
 
5. Kết luận
 
Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có các tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam. Các tạp chí khoa học xã hội của Việt Nam không thể đứng ngoài quỹ đạo hội nhập các tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học. Nếu không có sự chuẩn bị, không có định hướng thì không bao giờ xây dựng được những tạp chí của chúng ta theo chuẩn quốc tế.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1]     Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (2016), Công văn số 37/HĐCDGSNN về Yêu cầu về chất lượng khoa học và thể thức đăng bài trong các tạp chí khoa học được tính điểm, ngày 4 tháng 4.
 
[2]     Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (2016), Tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016, Nxb Bách khoa, Hà Nội.
 
[3]    Trần Văn Nhung (2016), ”Một vài thông tin về mã số chuẩn quốc tế cho tạp chí và sách, về sự phân loại tạp chí khoa học và cách trình bày một bài báo trong tạp chí khoa học”, Tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016, Nxb Bách khoa, Hà Nội.
 
[4]     Eugene Gafield, “Citation Indexes for Science: A New Dimension in Documentation through Association of Ideas”, Science, 122(3159), 1955.
 
[5]     Adler, R., Ewing, J., Taylor, P., “Citation Analysis”, Statistical Science, 24(1), 1-14, 2009.
 
[6]iiihttp://www.ykhoanet.com/binhluan/nguyenvantuan/071229_nguyenvantuan-nguyendinhnguyen_chatluong-nckh-vietnam.htm
 
[7]    http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=K   
    
[8]     http://scimagojr.com
 
[9]     http://www.scopus.com
 
[10]iiihttp://www.vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/ThamKhaoTapChi/View_Detail.aspx
 
Tác giả: Kim Ngọc - Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
ĐT: 0913513745. Email: Kimngoc_vapec@yahoo.com
 
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8(105) - 2016
Tags: tạp chí khoa học tiêu chuẩn quốc tế ISI Scopus Kim Ngọc khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục