Nghiên cứu - Trao đổi » Kinh tế

Nâng cao chất lượng tăng trưởng trong điều kiện cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam

09:05 - 16/05/2019

Nền kinh tế Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ trong thời gian gần đây về giữ vững ổn định kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế lạm phát. Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã có bước cải thiện rõ, tăng 5 bậc, đạt thứ hạng 55/137. Kinh tế đã có sự khôi phục rõ nét và sau một số năm, năm 2017, Việt Nam đã đạt và vượt tất cả 13 chỉ tiêu kế hoạch, tạo ra thế và lực mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn theo “mô hình cũ”, nhân tố nội lực và đổi mới sáng tạo chưa cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là về thể chế kinh tế, thích ứng hơn với điều kiện mới của hội nhập và cạnh tranh.

1. Mở đầu      

Kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây có nhiều điểm sáng đáng được ghi nhận, kể cả trong tương quan kinh tế toàn cầu [1] [4]. Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam luôn đạt mức cao, nhưng có xu hướng giảm dần [3]. Đồng thời, khi phân tích sâu, có thể thấy các thành tựu đạt được vẫn dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ, các yếu tố mới tuy có nhưng chưa nhiều, gây khó khăn cho việc phát triển và tham gia cạnh tranh toàn cầu [5, 11]. Bài viết phân tích các thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây; những hạn chế về chất lượng tăng trưởng; đưa ra định hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập.

2. Thành tựu tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây

Trong quá trình phát triển kinh tế, năm 2017 đánh dấu bước phát triển mới của nền kinh tế [1]. Lạm phát đạt dưới 4%; tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt 6,81%,- mức cao nhất trong 10 năm gần đây (chủ yếu trong đó là tăng dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế tác, chế biến, nông nghiệp chất lượng cao hướng vào xuất khẩu, vì sản lượng công nghiệp khai mỏ, nhất là khai thác dầu thô, giảm liên tục mấy năm nay). Điều này cho thấy có sự chuyển biến nhất định (dù còn ở giai đoạn khởi đầu) trong cơ cấu lại nền kinh tế  gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng với tăng trưởng cao, tỷ lệ lạm phát được kiềm chế còn dưới 4%, nợ công đã giảm so với  giới hạn 65% GDP đề ra, do mức bội chi ngân sách2 đã được khống chế phần nào. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đã đạt 2.385 USD/người, với cơ cấu kinh tế đang chuyển biến mạnh, theo hướng tăng du lịch, dịch vụ và công nghiệp chế tác, chế biến... Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tổng giá trị xuất khẩu đạt 214 tỷ USD/năm, chủ yếu dựa vào hàng công nghiệp chế tác. Các chỉ tiêu về tăng trưởng đi cùng với giảm nghèo đa chiều, phát triển xã hội, tạo việc làm, chăm lo tốt hơn trong bảo vệ môi trường [1] [7] [5].

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Thường niên Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2017-2018 về năng lực cạnh tranh (NLCT) toàn cầu, dựa trên 12 trụ cột và 113 tiêu chí [10]. Báo cáo đánh giá chỉ tiêu cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2017 - 2018 cho thấy, Việt Nam tăng năm bậc so với năm 2016. Theo báo cáo GCR này [10], Việt Nam được xếp hạng 55 trên 137 quốc gia, là thứ hạng cao nhất của Việt Nam kể từ khi kinh tế thế giới (WEF) đưa ra chỉ số GCI về NLCT toàn cầu. Với thứ hạng này, Việt Nam năm 2017 được xếp trên một số nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines (56), Campuchia (94), Lào (98); nhưng xếp dưới Indonesia (36), Thái Lan (32), Malaysia (23), Singapore (3), và Trung Quốc (27) và Ấn Độ (40). Điều này cho thấy, trong khi Việt Nam có bước tiến bộ đáng kể thì nhiều nước khác cũng không chịu đứng yên. Tuy nhiên, về chiều hướng chung, trong 5 năm qua, GCI của Việt Nam đã cải thiện 20 bậc, từ hạng 75 (năm 2012) lên hạng 55 (năm 2017). Hơn nữa, trong mối tương quan toàn cầu, dựa trên trị số và thứ hạng tổng sắp, Việt Nam đã dịch chuyển từ nhóm nước nửa dưới lên nhóm nước nửa trên trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu.


Bảng 1: Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam [11]

Báo cáo năm

2012-2013

2013-2014

2014-2015

2015-2016

2016-2017

2017-2018

Thứ hạng GCI

75/144

70/148

68/144

56/140

60/138

55/137

Điểm GCI

4.1

4.2

4.2

4.3

4.3

4.4


Trước hết, nói về chỉ số GCI về NLCT toàn cầu. Đây là chỉ tiêu được xây dựng trong tương quan toàn cầu, dựa trên các số liệu thống kê chính thức và cả rất nhiều cuộc điều tra toàn diện. Báo cáo GCR [11] mới nhất công bố NLCT 2017 - 2018 đã dựa vào các số liệu chính thức năm 2015 - 2016, và dựa vào 12.775 phiếu điều tra có trả lời đầy đủ trong số 14.375 phiếu gửi đi từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2017 thu được từ 133 nước (tức là chủ yếu dựa vào thông tin chi tiết với trên 150 câu hỏi thuộc 15 lĩnh vực), từ đó đánh giá việc thực hiện 12 trụ cột cạnh tranh của các nền kinh tế. Như vậy, đây là đánh giá tương quan kinh tế toàn cầu dựa trên thực trạng một số năm đã qua, nhất là số liệu chính thức 2015 và các số liệu sơ bộ năm 2016. Cần thấy rằng, chỉ số cạnh tranh toàn cầu GCI này phản ánh bước tiến mấy năm gần đây của nước ta, dù các nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thể chế đã có từ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, được nhấn mạnh tại Đại hội XII [2], nhiều cải cách thực hiện liên tục 4 năm qua với các Nghị quyết 19-CP từ ngày 18 tháng 3 năm 2014 đến Nghị quyết 19-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017, Nghị quyết 35-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016... Xem xét kết quả liên tục các năm cho thấy chiều hướng tiến bộ của nước ta (cũng như các nước trong vùng) so với tình hình chung toàn cầu, thứ hạng NLCT nước ta tuy đã tăng 20 bậc trong 5 năm qua. Đồng thời, qua phân tích thấy các yếu kém cần chỉnh sửa để không ngừng cải thiện NLCT.

Nhìn theo thang điểm tuyệt đối (từ 1-7) thì xu hướng cải thiện được thể hiện khá rõ nét ở chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, nhất là nhóm yếu tố điều kiện đầu vào cơ bản (thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục phổ thông) và nhóm yếu tố thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế (giáo dục đại học, hiệu quả của thị trường hàng hóa và thị trường lao động, độ phát triển của thị trường tài chính, độ sẵn sàng về công nghệ, và quy mô của thị trường). Trong khi đó, điểm số bình quân của nhóm yếu tố thứ ba (đổi mới sáng tạo và mức độ tinh thông của thị trường) vẫn ở mức thấp, không cải thiện nhiều. Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều nền kinh tế có mức độ phát triển và quy mô dân số tương đồng trong khu vực, nhưng có những cải thiện đáng kể về năng lực cạnh tranh, đó là Indonesia, Philippines... Ở nhóm yếu tố thứ nhất (đầu vào), Việt Nam chỉ tăng hai bậc, trong khi Indonesia đã tăng 36 bậc, Philippines tăng 26 bậc, Trung Quốc tăng 13 bậc và Ấn Độ tăng 11 bậc. Ở nhóm yếu tố thứ hai (hiệu quả), Việt Nam cùng với Trung Quốc, Campuchia có bước tiến khá tốt khi tăng lần lượt là 9, 13 và 10 bậc; còn thứ hạng của Indonesia, Philippines và Ấn Độ đều giảm ít nhiều. Ở nhóm yếu tố thứ ba (đổi mới khoa học công nghệ và thuần thục kinh doanh), thứ hạng của Việt Nam đã thấp, lại bị giảm 8 bậc, trong khi Trung Quốc tăng 21 bậc, Philippines tăng 4 bậc, và Indonesia tăng 3 bậc. Điều đó cho thấy, quá trình chuyển biến về chất lượng còn chậm so với nhu cầu của cạnh tranh toàn cầu và hội nhập quốc tế ở những yêu cầu có chất lượng cao.

Trong nhóm yếu tố thứ nhất, bên cạnh sự tiến bộ (dù vẫn còn ở mức thấp) về y tế và giáo dục phổ thông (từ hạng 88 năm 2007 lên 67 năm 2017) và cơ sở hạ tầng (từ 89 lên 79), hai yếu tố còn lại có xu hướng suy giảm. Yếu tố môi trường kinh tế vĩ mô giảm 26 bậc từ 51 về 77, yếu tố thể chế giảm 9 bậc từ 70 về 79. Điểm yếu ở nhóm yếu tố này bao gồm: kiểm soát hối lộ - tham nhũng (hạng 109 năm 2017), bảo vệ sở hữu trí tuệ (99), tính hiệu quả của luật pháp trong giải quyết tranh chấp (82), độ minh bạch trong ban hành chính sách (82), thâm hụt ngân sách (117), tình trạng nợ công (92), chất lượng hạ tầng giao thông hàng không (103)... Đặc biệt, các yếu tố về thiết chế quản trị của khu vực tư nhân còn yếu: hiệu lực của báo cáo và thanh tra tài chính (115), hiệu quả của hội đồng quản trị (130), quy định về bảo vệ cổ đông nhỏ (98).

Đối với nhóm yếu tố thứ hai, ngoài quy mô thị trường (hạng 31) và hiệu quả của thị trường lao động (57), các yếu tố còn lại có thứ hạng khá thấp, trong khoảng từ 70-90. Đặc biệt, NLCT về hiệu quả của thị trường hàng hóa và lao động còn kém, chẳng hạn: các quy định - thủ tục về đầu tư nước ngoài (105), độ cạnh tranh của thị trường (108), độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng (112), mức độ sẵn có của công nghệ mới (112), chất lượng giáo dục đại học và đào tạo quản lý (hạng 120).

Nhóm yếu tố thứ ba là nhóm yếu đã lâu của Việt Nam, với thứ hạng thấp (70-100) và không cải thiện nhiều. Những điểm yếu bao gồm: năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp (79), chất lượng nghiên cứu khoa học (90), mức độ sẵn có của chuyên gia và kỹ sư (78), số lượng và chất lượng nhà cung ứng địa phương (105 và 116), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - dựa vào lao động, tài nguyên hay chất lượng sản phẩm (102), độ rộng của chuỗi giá trị (106), công tác quảng bá tiếp thị của doanh nghiệp (105). Các báo cáo quốc tế về phát triển bền vững, về đổi mới sáng tạo, về phát triển nguồn lực con người, cải thiện môi trường kinh doanh... đều cho thấy sự cải thiện nhất định [5, 7, 8, 10, 11], nhưng cũng bộc lộ cả một số chỉ tiêu cụ thể còn yếu kém.

Bảng 2: Một số chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam gần đây [6]

Chỉ tiêu

Thứ hạng
của Việt Nam

Trị số
của Việt Nam

Bình quân vùng Châu Á-Thái Bình Dương

Tổng thu nhập (GDP) bình quân đầu người năm 2016

107/153

5.667 USD/người

12.194 USD/người

Chỉ số về phát triển con người (HDI) năm 2016 của Việt Nam (theo UNDP)

96/157 (tăng 20 bậc so với năm 2015)

68,3 (2016)  từ mức 66,6 (2015)

67,1 (2016) và 71 (2015)

Chỉ số về môi trường kinh doanh (DB) năm 2017 (theo Ngân hàng Thế giới)

82/190  (tăng 8 bậc so với năm 2016)

 

 

Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2017 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)

68  (tăng 20 bậc so với năm 2016)

 

 

Chỉ số về môi trường tự nhiên năm 2016 của Liên Hợp Quốc (UN)

118/157

58,5

61,1


Đối với các chiều cạnh phát triển bền vững, chỉ số phát triển bền vững (SDG) năm 2016 là 88/149, đến năm 2017 đã tăng lên 68/157 nền kinh tế, tăng 20 bậc [5]. Khi so sánh chỉ tiêu SDG của hai năm kề liền 2016 và 2017, có thể thấy một số tiêu chí đã có sự cải thiện khá, như về chất lượng giáo dục, giảm bất bình đẳng, cuộc sống đô thị, hợp tác phát triển... Tuy nhiên, trên những tiêu chí đi vào chất lượng thì trị số của Việt Nam đều còn khiêm tốn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ tiêu DB về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam [10] so với 190 nền kinh tế liên tục được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp, thua các nước ASEAN-4. Các chỉ tiêu phân tích có so sánh quốc tế về phát triển nguồn con người, theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) [7], có sự tiến bộ, ngày càng được hoàn thiện và nâng cao. Đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới(WIPO) [8] cho thấy, thứ hạng 47 của Việt Nam tuy đứng sau Singapore (7), Trung Quốc (22), Malaysia (37), nhưng đều đứng trên các nước Đông Nam Á khác, vì mặc dù thu nhập thấp hơn nhiều nước, nhưng hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã đạt thành tích khá, đứng thứ 10 thế giới. Có thể sự khác biệt này là do các doanh nghiệp FDI đóng góp gián tiếp cho nền kinh tế Việt Nam.

Đánh giá của WEF có vẻ chính xác hơn vì các doanh nghiệp FDI tuy có mang theo công nghệ và tạo ra sản phẩm cạnh tranh khá, nhưng chưa tạo ra sự lan tỏa đủ mạnh tới nền kinh tế nội địa của Việt Nam, kể cả khu vực các doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy nguyên nhân sâu xa là gì? Dường như những chuyển biến này chưa dựa vững chắc trên những thay đổi trong tư duy phát triển. Từ đó, các quy định về thể chế, trước hết là luật lệ, quy tắc, tổ chức bộ máy chưa chuyển động theo kịp yêu cầu của tình hình mới. Mô hình tăng trưởng “mới”  dường như chưa hình thành và vận hành theo sát những đòi hỏi của thị trường hiện đại và hội nhập [9].

3. Những hạn chế chất lượng tăng trưởng kinh tế

Phát triển kinh tế Việt Nam đã đạt được thành tựu, song còn dưới tiềm năng. Từ chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến thành quả thực tế còn khoảng cách xa. Do đó, kinh tế Việt Nam tuy trong mối tương quan với toàn cầu đạt khá, nhưng trên thực tế đã bộc lộ nhiều yếu kém.

Về NSLĐ và hiệu quả, kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực và thế giới. Một trong những nguyên nhân về cơ cấu ngành kinh tế là ở chỗ có đến 45% lao động còn làm việc trong nông nghiệp năng suất thấp, quá trình đô thị hóa không đạt hiệu quả như kỳ vọng, tuy tỷ lệ đô thị hóa đạt cao 3-4%/năm, nhưng khu vực ven đô, khu vực mới đô thị hóa còn khó khăn. Với các ngành công nghiệp và dịch vụ, NSLĐ cũng thấp. Điều đó một phần do trình độ tay nghề của người lao động chưa cao. Hiện nay, số lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ trên 3 tháng chỉ chiếm 20% lực lượng lao động, trong khi một nửa lực lượng lao động gần như chưa qua trường lớp đào tạo nào. Ngay với các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI, năng suất cũng không cao, vì đầu tư FDI còn bị giới hạn ở những khâu giá trị gia tăng thấp (chủ yếu tận dụng các ưu đãi đầu tư, lao động rẻ tiền, nhưng lại không tạo ra sức lan tỏa ra toàn nền kinh tế). Nhiều doanh nghiệp FDI tận dụng lao động nữ dưới 35 tuổi với tiền lương thấp, đào tạo sơ sài...

Phân tích thành quả kinh tế năm 2017 cho thấy, tuy tỷ lệ đầu tư tăng cao đến khá cao so với GDP, nhưng tốc độ bình quân đạt 6,81% và chỉ tiêu tỷ suất vốn ICOR có thể lên tới gần 6 điểm (tức là để tăng 1 đồng GDP mới cần đầu tư tăng thêm đến 6 đồng). Tỷ suất hiệu quả TFP tăng liên tục mấy năm qua, nhưng chi phí vốn để tăng giá trị gia tăng ngày càng cao. Chẳng hạn, năm 2000, để tăng 1 đồng giá trị gia tăng cần 2,33 đồng vốn, thì năm 2010 là 2,63 và đến năm 2013 là 3,13. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI không những không được cải thiện, mà còn có xu hướng kém đi khá rõ. Tình trạng “chuyển giá” của các doanh nghiệp FDI khá rõ khi có tới 50% doanh nghiệp FDI “thua lỗ” kéo dài, nhưng vẫn đầu tư thêm. Hiệu quả thực tế không cao do chi phí vốn ngày càng cao. Về thành tích xuất khẩu và phát triển công nghiệp, có tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 70% giá trị xuất khẩu là do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm. Hơn thế, giá trị xuất khẩu một số sản phẩm điện tử, máy tính hay dệt may của các doanh nghiệp FDI cũng được thực hiện với công nghệ không cao, tận dụng lao động trẻ ít qua đào tạo và cả những “ưu đãi” nhất định của một số địa phương, trong khi Nhà nước lại thiếu các quy định về tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Như vậy, dường như có tình trạng “rỗng ruột” của nền kinh tế nội địa, với chất lượng công nghệ không cao. Các cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 1/3 doanh nghiệp công nghiệp có công nghệ tương đối cao. Trước những biến động mạnh mẽ của cách mạng công nghệ, chắc chắn các đánh giá này sẽ bị thay đổi xấu thêm. Về kinh tế tri thức dựa trên chỉ số KEI theo đánh giá của WB, Việt Nam vẫn ở trong nhóm nước thứ hạng trên 100, điều đó chủ yếu là do yếu kém về thể chế. Dù Việt Nam có ưu điểm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nhưng chất lượng ICT không cao. Thêm vào đó, cạnh tranh về tăng trưởng của thế giới đang có nhiều biến động khó lường, khi xu hướng hội nhập lại đan xen với chủ nghĩa bảo hộ đang tăng lên ở một số nước lớn.

Cùng với sự phát triển kinh tế, các chỉ tiêu mang tính chất lượng liên quan đến phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường bền vững tuy có chuyển biến, nhưng lại chưa bám sát các yêu cầu của thế giới mới. Chẳng hạn, 20-30 năm trước, Việt Nam chú ý đến tăng trưởng và giảm nghèo, có chương trình toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo đầu những năm 2000. Nhưng khi đất nước đã đạt được bước tiến quan trọng trong lĩnh vực giảm nghèo, thì cần phải có những bước tiến mạnh hơn theo các tiêu chuẩn “đa chiều” (cả kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển và cùng thụ hưởng thành quả phát triển, kể cả người nghèo, tầng lớp trung lưu và giàu có). Quan điểm phát triển hài hòa (inclusive development) đang được chấp nhận ngày càng rộng rãi, nhưng các yêu cầu khắt khe về môi trường và cả về quyền con người đang trở nên nghiêm trọng cả ở thành thị và nông thôn.

4. Định hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới [5], năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về cơ bản đều thấp hơn mức bình quân của vùng, nhưng Việt Nam có quy mô thị trường bình quân hơn 95 triệu dân, có thành tựu y tế và giáo dục tiểu học đáng ghi nhận. Yếu kém nhất của Việt Nam là trụ cột về thể chế, đổi mới công nghệ và kinh doanh. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang trong tiến trình phục hồi nhất định, trước hết là tại các nền kinh tế lớn. Chẳng hạn, năm 2017, Việt Nam tăng trưởng GDP đạt 6,81% thì kinh tế Hoa Kỳ cũng tăng 3,1%, Trung Quốc cũng tăng 6,9% (điều đó góp phần làm cho kinh tế toàn cầu khôi phục rõ nét). Khi xác định phương hướng phát triển thời gian tới, có thể lưu ý một số điểm như sau:

Một là, cần đảm bảo tiếp tục duy trì các thành tựu trong ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý, tiếp tục kiềm chế lạm phát ở mức dưới 3%, giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, cân đối tài khóa... Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, có lẽ không nên để áp lực tăng trưởng quá mức 7% khi các điều kiện về chất lượng tăng trưởng chưa đảm bảo, các tiền đề về môi trường thể chế chưa có đổi mới tương xứng. Để giải quyết vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện “cơ cấu dân số vàng”3, đòi hỏi phải tạo việc làm có năng suất cao cho người dân, nhất là cho thanh niên mới đến tuổi lao động. Liên quan đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, cần coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế và nông nghiệp, trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu và vấn đề sử dụng nguồn lực công, trong đó có ngân sách  của Nhà nước.

Hai là, cần kiên trì thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trên cơ sở đổi mới công tác quy hoạch (theo Luật Quy hoạch đã được thông qua), cần đổi mới đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế có hiệu quả ngày càng cao, theo hướng phát triển bền vững. Thực hiện nghiêm các chương trình hành động của Chính phủ như Nghị quyết 622/2017/NQ-CP ngày 10/5/2017, Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội tháng 11 năm 2016...  

Ba là, đẩy mạnh thực hiện tinh giản bộ máy, giảm chi phí quá lớn về ngân sách, để tạo nên đột phá trong cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị năm 2016. Trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập, các nguồn thu từ thuế nhập khẩu, từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA hay từ tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng giảm đi. Do đó, con đường lành mạnh hóa ngân sách phải dựa trên nguồn thu từ kinh tế nội địa và chi tiêu chặt chẽ, cùng với đổi mới mạnh mẽ bộ máy quản lý và toàn bộ hệ thống chính trị, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 của Đảng đã thông qua. Cần có chính sách tiền tệ thận trọng, từng bước hạ thấp mặt bằng lãi suất, xử lý nợ xấu và an toàn hệ thống tiền tệ, ngân hàng.

Bốn là, bám sát các diễn biến của kinh tế thế giới và kinh tế nội địa, để điều hành kinh tế thanh thoát hơn, đổi mới thể chế mạnh mẽ theo kinh tế thị trường hội nhập. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi ngày càng có kết quả tích cực, cần khắc phục tư duy trì trệ, cản trở không gian chính sách mở rộng, thích ứng với môi trường kinh tế chính trị thế giới và trong nước đang có chuyển biến nhanh, nhanh chóng thích nghi, thích ứng và chọn được các “kịch bản” phát triển “tối ưu”, đảm bảo cho Việt Nam không ngừng tiến lên trong mọi tình huống, không để bị bất ngờ.

5. Kết luận

Trong mấy năm qua, sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực; chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được từng bước thực hiện. Tình hình kinh tế xã hội đã được phục hồi từng bước, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh về cơ bản đang chuyển biến tích cực. Các so sánh quốc tế cho thấy sự chuyển biến đúng hướng này. Cần khẳng định những thành tựu này, để tiếp tục vững bước tiến lên trong bất cứ hoàn cảnh nào của môi trường tự nhiên, kinh tế và chính trị quốc tế. Nhưng nền kinh tế còn nhiều mặt yếu kém (nhất là các chỉ tiêu dựa trên các đòi hỏi chất lượng). Ngày nay, nhiều đòi hỏi về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và của sản phẩm đã rất khác thời kỳ các nước chưa có nhiều giao lưu. Do đó, nếu không có sự tiến bộ không ngừng và toàn diện thì những thành tựu hôm qua có thể lại trở thành rào cản mới cho phát triển vượt lên cùng thời đại. Trước đây, Việt Nam cố gắng làm ra cho nhiều sản phẩm, nhưng nay lại cần đòi hỏi NSLĐ, chất lượng, giá thành và cả phương thức làm ra các sản phẩm và dịch vụ đó. Nhiều nước sẽ từ chối mua sản phẩm Việt Nam nếu đó là sản phẩm được làm ra bằng lao động trẻ em, vi phạm pháp luật quốc tế... Con đường để Việt Nam tiếp tục phát triển trong thế giới đang có nhiều chuyển biến là cần đổi mới tư duy phát triển, coi trọng sức sáng tạo của người dân, coi trọng sự tương tác của nền kinh tế thị trường hoạt động dưới sự điều hành của Nhà nước pháp quyền và sự tham gia rộng rãi của người dân, tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ trong cả thể chế kinh tế và chính trị, gắn bó tốt với kinh tế thị trường hiện đại, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mọi người (dù đó là những người yếu thế, tầng lớp trung lưu hay người giàu), không để ai bị gạt ra ngoài trong quá trình phát triển.

Chú thích

2 Dự kiến cuối năm 2017, dư nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Con số này giảm 1% so với cách đây một năm. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công năm nay lại tăng 0,27 triệu tỷ đồng.

3 Cơ cấu dân số vàng là tình trạng 1 lao động nuôi 2 người, hay là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc...

Tài liệu tham khảo

[1]     Chính phủ (2017), Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (Khóa XIV), tháng 10, Hà Nội.

[2]     Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

[3]     Tổng cục Thống kê (2016), Báo cáo về Năng suất lao động, Nxb Thống kê, Hà Nội.

[4]     Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo kinh tế năm 2017, Tổng Cục Thống kê, Hà Nội.

[5]     World Bank, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, Hà Nội.

[6]     (2017), International spillovers in achieving the goals. Global Responsibilities.

[7]     United Nations (2016, 2017), The Sustainable Development Goals Report.

[8]     UNDP (2016), Human Development Report.

[9]     WIPO (2017), The Global Innovation Index 2017. Innovation Feeding the World.

[10]   World Bank (2016, 2017), Doing Business 2016 and 2017.

[11]  World Economic Forum (2017), Global Competitiveness Report.

Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2018
Tác giả: Nguyễn Quang Thái
Tags: Tạp chí khoa học xã hội khoa học xã hội tăng trưởng kinh tế cơ cấu nền kinh tế
Tin cùng chuyên mục