Nghiên cứu - Trao đổi » Xã hội

Hỗ trợ kinh tế giữa người cao tuổi và con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay

08:18 - 26/12/2018

Hỗ trợ kinh tế giữa cha mẹ và con cái liên quan đến đặc điểm về văn hóa, đạo đức, kinh tế của thành viên gia đình. Ở những nước Đông Á như Việt Nam, hỗ trợ kinh tế thường từ con cái đến cha mẹ hơn là từ cha mẹ đến con cái. Hỗ trợ kinh tế từ con cái cho cha mẹ, và ngược lại, phụ thuộc nhiều vào các đặc điểm sức khỏe, kinh tế, xã hội của chính cha mẹ, cũng như phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ từ thể chế và cộng đồng đối với người cao tuổi (NCT) hiện nay.

1. Mở đầu
 
Nền văn hóa coi trọng chữ hiếu là trụ cột tư tưởng quan trọng của việc hỗ trợ cho NCT. Nghĩa vụ đạo đức của con cái trưởng thành là chăm sóc cha mẹ già. Chữ hiếu được thể hiện qua cách người ta cảm nhận, suy nghĩ và chăm sóc cha mẹ già của mình. Biểu hiện của chữ hiếu không đơn thuần biểu hiện ở sự hỗ trợ NCT trên bề mặt xã hội, mà nó có những tầng sâu hơn trong nhận thức và tư tưởng về giá trị gia đình, giá trị của con cái.
 
Ở Việt Nam, gia đình đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc NCT về mọi mặt [3], đồng thời NCT giúp đỡ con cái trong gia đình về kinh tế như đóng góp thu nhập và hỗ trợ vốn sản xuất. Điều này giúp cho NCT duy trì được quyền lực, vị thế, uy tín và mối liên hệ với con cháu [7]. Hỗ trợ tài chính từ cha mẹ cho con cái là đương nhiên khi con còn nhỏ. Ngay cả khi con cái đã trưởng thành, sống riêng, có gia đình riêng, thì số lượng và số tiền cha mẹ hỗ trợ cho con cái vẫn duy trì [11].
 
Trong bối cảnh chuyển đổi xã hội nhanh chóng và hiện đại hóa, tầm quan trọng của hỗ trợ gia đình đang bị thách thức. Con cái có xu hướng sống xa cha mẹ do nhu cầu di cư và việc làm. Tốc độ cuộc sống nhanh và áp lực hơn cũng làm giảm mức độ chăm sóc cha mẹ của con cái. Hệ thống giá trị về chữ hiếu cũng đang thay đổi nhiều về tính chất và cách biểu hiện. Dường như đang có xu hướng giảm dần tầm quan trọng của đạo hiếu truyền thống trong xã hội hiện đại dù người ta vẫn tiếp tục cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ và chăm sóc cha mẹ già [6]. NCT ở khu vực nông thôn có thể có những mong đợi cao hơn NCT ở đô thị về các mối quan hệ gắn bó trong gia đình và trách nhiệm của con cái, của chữ hiếu do những gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau của các thành viên trong cộng đồng nông thôn cao hơn.
 
Sử dụng số liệu khảo sát 480 NCT từ 60 tuổi trở lên ở nông thôn và đô thị của tỉnh Nình Bình và tỉnh Tiền Giang năm 2015, bài viết này phân tích mức độ và những yếu tố (cá nhân, gia đình, thể chế và cộng đồng) ảnh hưởng đến hỗ trợ kinh tế từ con cái đến NCT và từ NCT đến con cái; chỉ ra những đặc điểm quan hệ liên thế hệ về hỗ trợ kinh tế trong gia đình Việt Nam hiện nay.
 
2. Hỗ trợ kinh tế đối với NCT
 
2.1. Nguồn sống chính của NCT
 
Nguồn sống chính của NCT khác nhau theo các đặc điểm kinh tế, xã hội. Các nguồn sống chính của NCT ở thành thị là lương hưu, sự hỗ trợ của con cái, buôn bán kinh doanh. Với NCT ở nông thôn, nguồn sống cao nhất của NCT là lao động của chính họ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (NLN) và tiểu thủ công nghiệp (TTCN), nguồn sống thứ hai là sự hỗ trợ của con cái và nguồn sống thứ ba là lương hưu. Nhóm NCT dưới 69 tuổi sống chủ yếu dựa vào sức lao động của bản thân lao động, lương hưu của nhà nước và hỗ trợ từ con cái. Khi cha mẹ càng nhiều tuổi, thì con cái càng có vai trò quan trọng hơn trong hỗ trợ cha mẹ già. Hình 1 cho thấy, khi ở tuổi ngoài 80, gần 50% NCT sống dựa hoàn toàn vào con cái, và khoảng 25% NCT sống nhờ lương hưu.  Con cái đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ cha mẹ có trình độ học vấn thấp (người thường không có việc làm ở khu vực chính thức khi còn trẻ và về già không có nguồn lương hưu). Ngoài hỗ trợ từ con cái, nhóm NCT có học vấn thấp hơn có tỷ lệ phải lao động kiếm sống cao hơn. Trong khi đó, với nhóm NCT có trình độ học vấn cao hơn (từ trung học phổ thông hay cao đẳng đại học trở lên), đa số họ có nguồn sống chính là từ lương hưu.
 
Như vậy, với nhóm NCT thuộc tầng xã hội thấp (như ở nông thôn, nghèo, học vấn thấp hay ở độ tuổi cao), an sinh kinh tế chính của họ là hỗ trợ từ con cái, sự lao động của NCT. Với nhóm NCT thuộc tầng xã hội cao hơn (như ở đô thị, học vấn cao), thì nhà nước đóng vai trò chính trong cung cấp an sinh kinh tế và xã hội cho họ (Hình 1).
 
Hình 1. Nguồn sống chính của NCT theo địa bàn cư trú, giới tính, tuổi, mức sống và học vấn (Số người được khảo sát = 480) [2]
 
2.2. Mức độ hỗ trợ tiền bạc từ con cái và cho con cái của NCT
 
Đa số NCT nhận hỗ trợ tiền bạc từ con cái thường xuyên (31,7%) hoặc thỉnh thoảng (38,5%), trong khi đó, hỗ trợ tài chính của cha mẹ cho con cái là thấp hơn. Kết quả này tương đồng với một số nghiên cứu trước đây về hỗ trợ vật chất của con cái cho cha mẹ, theo đó, chiều hỗ trợ tiền bạc, vật chất từ con cái đến cha mẹ là chính. Sự hỗ trợ về mặt vật chất của con cái đối với NCT không chỉ thể hiện qua những yếu tố kinh tế một cách trực tiếp (như cho tiền, vật dụng, thức ăn...) mà còn được thể hiện gián tiếp thông qua sự đầu tư vào việc nâng cao chất lượng nhà ở, mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt trong hộ gia đình như ti vi, tủ lạnh (Hình 2).
 
Hình 2. Hỗ trợ tiền bạc giữa cha mẹ và con cái (Số người được khảo sát = 480) [2]
 
Sự quan tâm hỗ trợ của con cái đến NCT phụ thuộc khá nhiều vào việc họ có cùng chung sống với nhau hay gần nhau không. Về hoạt động sản xuất, con cái sống cùng sẽ hỗ trợ được cho NCT rất nhiều, trong khi sự hỗ trợ của con cái sống riêng là không đáng kể. Về tiền sinh hoạt, con sống cùng thường hỗ trợ nhiều hơn theo tháng, trong khi con sống riêng thỉnh thoảng mới biếu tiền sinh hoạt cho cha mẹ. Một chỉ báo nữa liên quan đến những hỗ trợ về vật chất, tiền bạc của con cái với NCT là hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, nhưng số liệu cho thấy tỷ lệ con cái hỗ trợ nội dung này thấp, vì như số liệu về cơ cấu việc làm cho thấy tỷ lệ NCT buôn bán kinh doanh không nhiều mà chủ yếu là làm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, vốn cần nhiều sức lao động và thời gian hơn là các khoản đầu tư. Biếu quà cho cha mẹ cũng là một hình thức hỗ trợ vật chất. Con cái sống cùng có xu hướng biếu quà thường xuyên cao hơn còn con cái sống riêng thường là biếu theo vài tháng một lần hoặc vào các dịp lễ tết. Có thể nói, nếu so sánh con sống riêng và sống chung, NCT nương tựa được về kinh tế, sản xuất vào con cái mình sống chung hơn rất nhiều so với con cái sống ở nơi khác (Hình 3).
 
Hình 3. Quan tâm hỗ trợ của con cái NCT trong năm 2015 [2]
 
3. Đặc điểm của NCT có hỗ trợ kinh tế từ con cái và cho con cái
 
Hỗ trợ của con cái cho cha mẹ và ngược lại được đo trên bốn mức độ: thường xuyên; thỉnh thoảng; hiếm khi và không bao giờ. Ngoài phân tích cơ bản về các đặc điểm hỗ trợ kinh tế giữa NCT và con cái, phân tích hồi quy logistic được sử dụng nhằm làm rõ yếu tố tác động đến mức độ thường xuyên NCT trợ giúp con cái tiền bạc và con cái trợ giúp NCT tiền bạc với các đặc điểm nhân khẩu xã hội (biến số địa bàn cư trú, tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân học vấn, số con, mức sống…), vai trò hỗ trợ của gia đình (biến số người chăm sóc chính hàng ngày), vai trò của Nhà nước (biến số nguồn thu nhập từ lương, trợ cấp; có bảo hiểm y tế và vai trò của cộng đồng (biến số có tham gia các hội và câu lạc bộ).
 
3.1. Đặc điểm về địa bàn cư trú
 
Phân tích tương quan hai biến cho thấy có sự khác biệt về hướng hỗ trợ vật chất và tiền bạc giữa NCT và con cái theo địa bàn cư trú. NCT ở nông thôn được con cái hỗ trợ tiền bạc, vật chất thường xuyên hơn NCT thành thị. Trong khi đó, NCT ở đô thị cho rằng hỗ trợ tiền bạc, vật chất cho con thường xuyên hơn NCT nông thôn (Hình 4, 5).
 
Phân tích từ mô hình hồi quy cho thấy sâu sắc hơn những biến số mang đặc điểm nào của cha mẹ có tác động quan trọng đến mức độ con cái trợ giúp cha mẹ vật chất, tiền bạc (Hình 1, Bảng 1). Những cha mẹ ở miền Nam có khả năng nhận trợ giúp tiền bạc từ con cái nhiều hơn cha mẹ miền Bắc, với hệ số tương quan là 1,1292. Điều này là thống nhất ở cả mô hình hồi quy và tương quan hai biến.
 
3.2. Đặc điểm về giới
 
Ở xã hội với chuẩn mực gia trưởng cao như Việt Nam, con trai được kỳ vọng sẽ là người chăm sóc chính cho cha mẹ ở cả hai mặt tài chính và tình cảm, thậm chí cả công việc nhà, vì vậy nam giới có thể thể hiện tính gia trưởng mạnh hơn so với phụ nữ. Ở các nước phát triển, mối quan hệ vững chắc giữa các thế hệ thường theo hướng đi từ cha mẹ tới con cái, vì mọi người thường giàu có hơn khi có tuổi, và mức sinh cũng thấp.
 
Có thể mô hình hỗ trợ chăm sóc sẽ thích hợp hơn nếu hai thế hệ sống cùng một nhà hoặc rất gần nhau, nhưng theo mô hình gia trưởng thông thường thì bố mẹ chồng thường sống ở nơi khác nên việc chăm sóc thường xuyên khó có thể thực hiện được. Trong nghiên cứu này, NCT là nam giới nhận sự hỗ trợ từ con cái ít hơn NCT là nữ giới (Hình 4). Họ cũng hỗ trợ con cái mình thường xuyên hơn NCT là nữ giới (Hình 5). Có nghĩa là tính gia trưởng trong nhận và hỗ trợ kinh tế cho con cái ở nam giới thể hiện rõ nét hơn.
 
3.3. Đặc điểm về tuổi

Tuổi là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến mức độ và chiều hỗ trợ giữa cha mẹ và con cái ở Việt Nam hiện nay. Hỗ trợ vật chất của con cái tăng dần theo độ tuổi của cha mẹ (Hình 4). Điều này xảy ra ngược chiều với chiều hỗ trợ từ cha mẹ cho con cái, theo đó, khi cha mẹ già hơn, thì mức độ thường xuyên hỗ trợ vật chất, tiền bạc cho con cái cũng giảm dần (Hình 5). Một trong những khả năng là sức khỏe yếu hơn nên cũng ít khả năng hỗ trợ vật chất cho con cái hơn, trong khi khả năng làm việc có thu nhập giảm đi, nhu cầu chi phí chăm sóc sức khỏe tăng hơn. Khi cha mẹ già hơn, con cái cũng trưởng thành hơn và ít cần sự hỗ trợ hơn.
 
3.4. Đặc điểm về học vấn
 
Học vấn có liên hệ khá chặt chẽ với chiều hỗ trợ vật chất và tiền bạc giữa NCT và con cái. Học vấn của NCT càng cao, mức độ thường xuyên nhận hỗ trợ vật chất, tiền bạc từ con cái càng giảm. Đây là mối quan hệ mang ý nghĩa thống kê. NCT có học vấn cao có thể có điều kiện kinh tế tốt hơn và vì thế họ có mức độ hỗ trợ tiền bạc, vật chất cho con cái thường xuyên hơn rất nhiều so với NCT có học vấn thấp hơn.
 
3.5. Đặc điểm về mức sống
 
Mức sống ở biến số có ý nghĩa thống kê ở bảng tương quan. Nhóm NCT khá giả nhất có hỗ trợ tiền bạc, vật chất từ con cái thấp hơn và hỗ trợ cho con cái cao hơn. Nhóm NCT nghèo nhất là nhóm cần hỗ trợ từ con cái về kinh tế thường xuyên nhất, và cũng ít có khả năng hỗ trợ kinh tế cho con cái nhất. Điều này cũng phù hợp với những kết quả về quan hệ giữa học vấn và mức độ hỗ trợ.
 
Mô hình hồi quy cho thấy, NCT có mức sống khá giả hơn thì hay hỗ trợ vật chất và tiền bạc cho con cái hơn (Hình 2, Bảng 1).
 
3.6. Đặc điểm về tình trạng hôn nhân
 
Tình trạng hôn nhân của cha mẹ là một yếu tố được dự báo có ảnh hưởng tới mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Ở các xã hội có mối liên kết gia đình vững chắc trong khi chỉ duy trì hệ thống phúc lợi xã hội hạn chế thường chứng kiến mức độ trao đổi lớn hơn giữa các thế hệ thông qua các hình thức hỗ trợ, đặc biệt trong trường hợp chỉ có hoặc bố hoặc mẹ còn sống. Theo tình trạng hôn nhân, nhóm NCT kết hôn có mức độ nhận hỗ trợ tiền bạc, vật chất từ con cái thấp nhất và ít phải hỗ trợ kinh tế cho con thường xuyên nhất nhưng đây không phải là biến số mang ý nghĩa thống kê trong hồi quy (Bảng 1).
 
3.7. Đặc điểm về số con
 
Cùng với sự đi lên của trình độ học vấn, chất lượng chăm sóc y tế tốt hơn, tốc độ đô thị hóa tăng lên, và khả năng tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện hiện đại của truyền thông đại chúng, tỷ lệ sinh đã giảm nhanh chóng trong những thập kỷ qua. Sinh con vẫn là một chức năng quan trọng của gia đình, nhưng quan điểm về số lượng con đã thay đổi đáng kể.
 
Với quan niệm xưa, đông con đông của, NCT nhiều con hơn có được hỗ trợ kinh tế thường xuyên hơn những NCT ít con hơn? Kết quả cho thấy, số con càng đông, mức độ hỗ trợ vật chất, tiền bạc của con cái cho cha mẹ già càng thường xuyên hơn. Trong khi đó, hỗ trợ tiền bạc từ cha mẹ cho con cái không hoàn toàn theo một xu hướng nhưng dường như những gia đình đông con hơn thì cha mẹ ít thường xuyên hỗ trợ vật chất và tiền bạc cho con cái. Gia đình có 1 - 2 con thì cha mẹ già có mức độ thường xuyên hỗ trợ cho con cái kinh tế nhất (Hình 4, 5). Trong mô hình hồi quy, với những NCT có từ 3 - 4 con, họ có khả năng được con cái hỗ trợ tiền bạc và vật chất nhiều hơn so với những nhóm cha mẹ có ít hoặc nhiều con hơn (Hình 1, Bảng 1).
 
3.8. Đặc điểm về tình trạng sức khỏe
 
Tình trạng sức khỏe được chia làm hai loại, sức khỏe nói chung đo theo bốn cấp độ: tốt, khá, trung bình và kém; tình hình bệnh tật của NCT được đo qua ba chỉ báo:  không bị bệnh, bị khuyết tật và bị bệnh mãn tính như tim, huyết áp, mỡ máu. Số liệu cho thấy tình trạng sức khỏe của cha mẹ có mối quan hệ mang tính thống kê đến mức độ hỗ trợ vật chất hay tiền bạc liên thế hệ. Nhóm cha mẹ có sức khỏe kém hay được con cái hỗ trợ tiền bạc vật chất nhất so với những nhóm có sức khỏe tốt hơn (Hình 4). Ngược lại, khi cha mẹ có sức khỏe tốt, họ cũng thường xuyên hỗ trợ con cái vật chất tiền bạc hơn nhóm sức khỏe đã kém (Hình 5). Mô hình hồi quy cũng thấy, NCT có sức khỏe tốt thì có khả năng hỗ trợ vật chất, tiền bạc cho con cái nhiều hơn so với nhóm NCT bệnh tật hay khuyết tật. Tuy nhiên, với chiều hỗ trợ từ con cái cho cha mẹ, nhóm cha mẹ có tình trạng sức khỏe tốt ít được con cái hỗ trợ tiền bạc, vật chất hơn nhóm cha mẹ bị bệnh tật hay khuyết tật. Hệ số tương quan của nhóm cha mẹ có sức khỏe tốt là -.776, có mối quan hệ ngược chiều với mức độ hỗ trợ của con cái về tiền bạc và vật chất, có nghĩa là sức khỏe cha mẹ càng giảm, con cái càng hỗ trợ vật chất và tiền bạc cho cha mẹ (Hình 1, Bảng 1).
 
3.9. Đặc điểm về mô hình sắp xếp nơi ở
 
Mô hình sắp xếp nơi ở của NCT có ảnh hưởng đến mức độ hỗ trợ liên thế hệ về các phương diện. Mức độ hỗ trợ vật chất từ con cái đến cha mẹ thường xuyên nhất là cho nhóm NCT sống một mình và thấp nhất là cho nhóm NCT sống với con cháu. Mức độ hỗ trợ vật chất từ cha mẹ đến con cái thường xuyên nhất là ở nhóm NCT sống với bạn đời. Như vậy, kết quả này cùng với những kết quả trên cho thấy, những NCT sống với bạn đời thường là nhóm có điều kiện, có thể tự chủ, và có điều kiện để lo cho bản thân và thành viên gia đình khác (Hình 4, 5). Mô hình hồi quy cho thấy, những NCT sống với con cháu có khả năng hỗ trợ tiền bạc vật chất nhiều hơn so với nhóm NCT ở một mình hay với bạn đời (Hình 2, Bảng 1).
 
3.10. Đặc điểm về việc làm
 
Đối với nhiều NCT, việc làm vẫn tiếp tục là nguồn tài chính đáng kể ngay cả sau khi họ đã qua độ tuổi lao động. Nghiên cứu về vai trò của người cao tuổi ở Châu Á có xu hướng tập trung vào những đóng góp gián tiếp của họ, đó là, trợ giúp chăm sóc trẻ em hoặc công việc gia đình giúp cho các con họ có thể tập trung các công việc sản xuất và tái sản xuất khác [6]. Cha mẹ già thường vẫn tiếp tục cung cấp vật chất cho con cái họ, chứ không chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ những công việc thiết thực như chăm sóc trẻ hay việc nhà.
 
Với chiều hỗ trợ từ con cái đến cha mẹ, mức độ hỗ trợ tiền bạc và vật chất thường xuyên nhất là cho nhóm cha mẹ không làm gì, làm việc nhà, và làm cho bản thân. Nhóm NCT làm thuê, nghỉ hưu, hoạt động xã hội và nhà nước ít có hỗ trợ kinh tế của con cái nhất. Với chiều hỗ trợ vật chất từ cha mẹ đến con cái, nhóm cha mẹ nghỉ hưu và hoạt động xã hội cho nhà nước hỗ trợ cho con cái nhiều nhất (Hình 4, 5).
 
3.11. Đặc điểm về nguồn thu nhập
 
Nguồn thu nhập của cha mẹ là biến số có ảnh hưởng quan trọng và có quan hệ ngược chiều với việc con cái hỗ trợ cha mẹ về kinh tế. NCT có nguồn thu nhập chính từ buôn bán, dịch vụ ít được hỗ trợ vật chất và tiền bạc nhất, sau đó là NCT có nguồn thu nhập chính từ trợ cấp, lương hưu, và nhóm được hỗ trợ nhiều hơn là nhóm có nguồn thu chính từ làm thuê và sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, so với nhóm có con cái hỗ trợ (Hình 4, 5).
 
Hình 4. Trợ giúp vật chất, tiền bạc của con cái cho NCT theo đặc điểm của NCT [2]
 
Hình 5. Trợ giúp vật chất, tiền bạc của NCT cho con cái  theo các đặc điểm của NCT [2]
 
Bảng 1. Mô hình hồi quy logistic về mức độ NCT nhận trợ giúp tiền bạc vật chất từ con cháu
 

 

Mức độ NCT nhận trợ giúp tiền bạc vật chất từ con (Hình 1)

(B)

Mức độ NCT trợ giúp tiền bạc vật chất cho con (Hình 2)

(B)

Hệ số chặn (Intercept)

1,570

-5,754

Giá trị R bình phương Cox&Snell

0,234

0,300

Số người được khảo sát

441

440

Địa bàn cư trú

 

 

Nông thôn

Biến đối chứng

 

Đô thị

-0,188

-0,151

Vùng miền

 

 

Miền Bắc (Ninh Bình)

Biến đối chứng

 

Miền Nam (Tiền Giang)

1,084***

0,165

Giới tính

 

 

NCT nữ

Biến đối chứng

 

NCT nam

-0,250

0,501

Tình trạng hôn nhân

 

 

Chưa kết hôn

21,068

-21,407

Kết hôn

-0,109

-0,432

Ly hôn

20,689

-1,216

Góa

Biến đối chứng

 

Mô hình sắp xếp nơi ở

 

 

Sống một mình

Biến đối chứng

 

Sống với bạn đời

0,989

0,771

Sống với con cháu

0,693

1,516*

Sống với người khác

-0,110

1,467

Mức sống

 

 

Nghèo

Biến đối chứng

 

Trung bình

-0,161

1,531***

Khá giả

0,084

2,358***

Số con

 

 

Không con

-42,400

1,325

Có 1-2 con

Biến đối chứng

 

Có 3-4 con

0,884*

-0,055

Có 5 con trở lên

0,519

0,231

Chú thích: các giá trị trong bảng là hệ số hồi quy B, Mức ý nghĩa thống kê***p<0,00l  ** p<0,05  * p<0,01
 
Mô hình hồi quy cũng cho thấy, NCT có nguồn thu nhập từ buôn bán kinh doanh, có lương hưu và trợ cấp thì hay hỗ trợ tiền bạc, vật chất cho con cái hơn (Hình 2, Bảng 1). Sự hỗ trợ này giúp con cái trưởng thành được cải thiện về mức sống và sự đảm bảo về tài chính, và đây là những tác động tích cực nổi bật. Đối với người cao tuổi, yếu tố nhận được lương hưu hay trợ cấp từ hệ thống an sinh có quan hệ cùng chiều với khả năng hỗ trợ kinh tế cho con. Ngược lại, nhóm này cũng ít nhận hỗ trợ tiền bạc hay vật chất từ con cái hơn (Bảng 1).
 
3.12. Đặc điểm về mức độ tham gia cộng đồng
 
Theo chiều hỗ trợ từ con cái tới cha mẹ, mức độ NCT tham gia vào các hoạt động cộng đồng không có ảnh hưởng mang ý nghĩa thống kê đến việc nhận hỗ trợ tài chính từ con cái, Theo chiều từ cha mẹ tới con cái, những NCT có tham gia hoạt động Hội NCT ít hỗ trợ vật chất và tiền bạc cho con cái hơn.
 
3.13. Đặc điểm về người chăm sóc chính hàng ngày
 
Không có sự khác biệt về việc NCT tự chăm sóc, có bạn đời chăm sóc, con cháu ở cùng chăm sóc, hay con dâu, con gái chăm sóc đến chiều hỗ trợ tiền bạc, vật chất từ con cái đến NCT. Tuy nhiên, với chiều hỗ trợ từ cha mẹ đến con cái, những NCT tự chăm sóc bản thân hàng ngày có khả năng hỗ trợ tiền bạc, vật chất cho con cái nhất. Có nghĩa là, khi NCT đã tự chủ cuộc sống, tự chăm sóc được bản thân thì đồng nghĩa với việc họ tự chủ về kinh tế và có thể quan tâm thêm đến đời sống vật chất của con cái.
 
4. Kết luận
 
Hỗ trợ tiền bạc, vật chất  từ con cái đến cha mẹ là phổ biến hơn, mặc dù cha mẹ vẫn có những hỗ trợ nhất định cho con. Hỗ trợ từ con cái cho cha mẹ càng thường xuyên và đa dạng hơn nếu cha mẹ và con cái sống chung. Nhóm NCT thuộc tầng xã hội thấp hơn, như ở nông thôn, mức sống nghèo, học vấn thấp, tuổi cao, sức khỏe yếu, sống cùng con cái, làm việc ở khu vực phi chính thức, có an ninh kinh tế là hỗ trợ từ con cái. Ngoài ra, với nhóm này, việc tự lao động kiếm sống cũng chiếm số lượng đáng kể. Nhóm NCT thuộc tầng xã hội cao hơn, như sống ở đô thị, học vấn cao, mức sống khá giả, không sống cùng con cái, có thể tự chăm sóc bản thân, làm việc ở khu vực chính thức, thì nhà nước đóng vai trò chính trong cung cấp an sinh kinh tế và xã hội cho họ, thể hiện qua việc họ nhận lương hưu hay trợ cấp hàng tháng.
 
Giới là một yếu tố cần suy ngẫm. Theo đó, NCT là nữ có mức độ thường xuyên nhận hỗ trợ vật chất, tiền bạc từ con cái hơn là NCT là nam giới. Hỗ trợ vật chất của con cái tăng dần theo độ tuổi của cha mẹ và ngược lại, hỗ trợ của cha mẹ giảm dần khi tuổi cao hơn. Theo số con, số con càng đông, mức độ hỗ trợ vật chất, tiền bạc của con cái cho cha mẹ già càng thường xuyên. Trong khi đó, hỗ trợ tiền bạc từ cha mẹ cho con cái không hoàn toàn theo một xu hướng, nhưng dường như những gia đình đông con hơn thì cha mẹ ít thường xuyên hỗ trợ vật chất và tiền bạc cho con cái.
 
Những thay đổi về nhân khẩu, dịch tễ và xã hội gần đây cũng đang trở thành thách thức đối với hệ thống chăm sóc không chính thức. Ví dụ, sự già hóa dân số, những thay đổi trong cấu trúc gia đình, và sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động đều ảnh hưởng đến khả năng xử lý, sắp xếp của một gia đình khi một người thân đang già đi. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, do tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm, nên tính trung bình, các cặp vợ chồng có thể có nhiều cha mẹ hơn con cái. Sự thay đổi từ một xã hội có tỷ lệ tử vong cao và tỷ lệ sinh cũng cao sang một xã hội có tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh thấp dẫn tới sự gia tăng số lượng các thế hệ sống trong cùng một thời điểm, và sự suy giảm số lượng thành viên trong các thế hệ này. Tuổi thọ tăng lên khiến thời gian giữ các vai trò trong quan hệ gia đình cũng được kéo dài hơn, ví dụ vai trò làm cha mẹ của những người con trưởng thành. Tuổi thọ tăng cũng làm số lượng NCT ngày càng tăng. Vì vậy, con cái chăm sóc bố mẹ già có thể cũng sẽ là NCT.
 
Ở Việt Nam, trong ba thập niên vừa qua, dân số Việt Nam đang thay đổi về cả số lượng và cấu trúc, theo đó, NCT đang tăng lên và dân số đã bước vào thời kỳ già hóa.
 
Về xã hội, Việt Nam là nước có mức độ di dân cao, và là nước có tỷ lệ xuất khẩu lao động cao, đó là một trong những lí do tạo nên sự khác nhau về phân bố của nhóm NCT, tăng số hộ gia đình đơn thân chỉ có ông bà sống với cháu, cũng như đặt ra những vấn đề về chăm sóc và hỗ trợ NCT. Về khía cạnh giới, phụ nữ Việt Nam tham gia quan trọng vào thị trường lao động. Đóng góp kinh tế của phụ nữ giúp vị thế kinh tế và xã hội của phụ nữ tăng lên, và làm thay đổi khá nhiều mối quan hệ chăm sóc trong gia đình. Thông thường, những người phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi lao động được kỳ vọng trong công việc chăm sóc các thành viên gia đình nói chung, trong đó có chăm sóc NCT. Việc tham gia vào thị trường lao động đã làm giảm khả năng chăm sóc cha mẹ già của họ. Người trẻ tuổi rời thôn quê để đi tìm việc cũng nhiều lên và điều này đang làm giảm đi sự chăm sóc, hỗ trợ của gia đình truyền thống đối với cha mẹ già khi con cái hầu hết đi làm ăn xa, và số lượng không nhỏ người già phải thay con chăm sóc cháu khi họ ra thành thị tìm việc làm. Bối cảnh xã hội này có ảnh hưởng quan trọng đến mức độ chăm sóc, hỗ trợ của con cái với cha mẹ cũng như của cha mẹ với con cái.
 
Lời cảm tạ
 
Tác giả chân thành cảm ơn Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã tài trợ cho nghiên cứu này trong đề tài mã số I3.3-2013.10 “Chăm sóc người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang chuyển đổi: Những chiều cạnh chính sách và cấu trúc”.
 
Chú thích
 
2 Trong mô hình hồi quy logistic, do mỗi hệ số hồi quy (B) là logarit của tỷ số chênh tương ứng nên luôn có mối quan hệ đồng biến với xác suất xảy ra khả năng (Con cái hỗ trợ vật chất, tiền bạc cho cha mẹ). Vì vậy, khi một hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê và càng lớn (nhỏ) hơn 0 thì xác suất xảy ra khả năng ứng với chỉ báo này càng tăng (giảm) so với nhóm đối chứng. Các so sánh đều với giả thuyết là các biến số độc lập khác trong mô hình không đổi.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1]     Lê Ngọc Lân (2012), “Một số yếu tố tác động đến việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi trong gia đình Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 2.
 
[2]     Trần Thị Minh Thi (2015), Tính toán từ số liệu đề tài “Chăm sóc người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang chuyển đổi: Những chiều cạnh chính sách và cấu trúc”, mã số I3.3-2013.10, Hà Nội.
 
[3]     VNAS (2011), Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2011: Các kết quả chủ yếu, Hà Nội.
 
[4]    Casper, Lynne M., và Suzanne M, Bianchi (2002), Continuity and Change in the American Family, Thousand Oaks. California: Sage Publications.
 
[5]     Chan, A, (1996), “How Do Parents and Children Help One Another? Socioeconomic Determinants of Intergenerational Transfers in Peninsular Malaysia”, Journal of Population (Jakarta), 2(1).
 
[6]     Chow, N, (2006), “The practice of filial piety and its impact on long-term care policies for elderly people in Asian Chinese communities”, Asian Journal of Gerontology & Geriatrics,  1(1).
 
[7]    Hermalin, A., C. Roan and A. Perez (1998), The Emerging Role of Grandparents in Asia. Comparative Study of the Elderly in Asia Research Reports 98-52, PopulationStudiesCenter. University of Michigan. Ann Arbor. Michigan.
 
[8]     Knodel, John and Chayovan, Napaporn (2011), Intergenerational Family Care for and by Older People in Thailand, PopulationStudiesCenter Research Report 11-732.
 
[9]     Shunqin, Yan (2015), “Review of Effects of “Attachment” of the Elderly on Physical and Mental Health of Old Chronic Patients”, Studies in Asian Social Science, Vol. 2. No. 2.
 
[10] http://www.edis.ifas.ufl.edu/pdffiles/FY/FY62500.pdf
 
[11] http://www.soc.duke,edu/~efc/Docs/pubs/IntergenerationalTies_tociruclate17March2007.pdf
 
Tác giả: Trần Thị Minh Thi - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Email: thichuong@gmail.com

Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (109) - 2016

Tags: Hỗ trợ kinh tế người cao tuổi Gia đình Việt Nam Trần Thị Minh Thi khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục