- Tác giả: Phan Tân
- Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, Q1, năm 2017, 174 trang.
- Tóm tắt nội dung:
Phần một: Bối cảnh của một xã hội nhường nhịn và thiếu nhường nhịn
Tác giả lược qua chiều dài lịch sử dân tộc với các sự kiện cụ thể, con người cụ thể của lịch sử đã có những hành động nhường nhịn và thiếu nhường nhịn, từ đó soi chiếu vào thực tại xã hội hiện thời thông qua các biểu hiện thiếu hụt của sự phát triển đó là kỷ cương, phép nước, sự băng hoại tha hóa của một bộ phận dân cư; sự yếu kém trong kinh doanh nhưng lại bất chấp trong tranh cướp giành phần lợi về cho cá nhân... Tác giả đặt vấn đề rằng, để lý giải tận cùng những vấn đề nêu trên và xây dựng một hệ thống giá trị, chuẩn mực quy tắc sống trong xã hội - xây dựng một xã hội nhường nhịn ở Việt Nam hiện nay là việc làm hết sức cần thiết.
Phần hai: Xã hội thiếu nhường nhịn
Qua các thông tin được phản ánh trên báo chí, trên các trang mạng liên quan đến chủ đề nhường nhịn và thiếu nhường nhịn, tác giả đã tổng hợp, phân tích cho thấy rõ ràng còn có những hành vi thiếu nhường nhịn trong ăn, mặc, ở, đi lại; thiếu nhường nhịn trong du lịch, lễ hội; thiếu nhường nhịn trong giáo dục, đào tạo...
Sự thiếu nhường nhịn đã gây ra sự rối loạn xã hội không đáng có, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của không ít người dân; đặc biệt là làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong con mắt người nước ngoài.
Những sự thiếu nhường nhịn này thể hiện qua sự tranh giành, tranh cướp vì mục đích mình phải hơn người khác; trong khi đó trái ngược với sự hơn thua này là sự thua thiệt, yếu kém trong sản xuất, kinh doanh - một lĩnh vực rất cần sự cạnh tranh vì sự phát triển.
Phần ba: Đi tìm thêm nguyên nhân
Trong phần này, tác giả đi sâu vào phân tích nguyên nhân cho sự thiếu nhường nhịn, một phần từ yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt được thể hiện qua các lời răn dạy từ ca dao, tục ngữ; sự thiếu ý thức pháp luật... nhưng hơn hết đó là sự méo mó về văn hóa chuyển đổi, mà ở đó chúng ta đã vô tình cổ súy cho sự lệch lạc quá lâu những chữ danh, chữ lợi, kích thích bạo lực, kích thích tranh cướp; ở đó thiếu sự định hướng đúng đắn về giáo dục, nặng về ganh đua thành tích, thiếu tinh thần hòa bình, tình nhân loại và hướng thiện; ở đó chúng ta đã thiếu định vị cho cá nhân bản thân mỗi con người - không tự xác định cần thay đổi mình trước khi chờ đợi sự thay đổi mang tầm vĩ mô toàn bộ cấu trúc.
Phần 4: Xây dựng xã hội nhường nhịn: đất nước - xã hội - con người có thể, tại sao không!
Xây dựng được một xã hội nhường nhịn làm nền tảng cho một xã hội cạnh tranh lành mạnh, vì thịnh vượng - văn minh là mục tiêu tác giả mong muốn được trình bày trong cuốn sách này.
Trước hết là một khát vọng xã hội mà ở đó cần có những người tử tế, những hành động tử tế. Xã hội nhường nhịn mà ở đó nền tảng căn bản văn hóa xã hội phải được xây dựng trên hệ giá trị tình người, tình nhân bản, tinh thần nhân đạo nhân nghĩa. Mỗi con người phải tự định vị bản thân, biết sống làm gương; bên cạnh đó là một thể chế dân chủ cần thiết để con người không phải lo âu về các lợi thế mà mình không có, một xã hội đầy tinh thần cộng đồng trách nhiệm.
Xã hội nhường nhịn mà ở đó và trên hết mọi người tự xây dựng cho mình “văn hóa xấu hổ”, "văn hóa chịu trách nhiệm", "văn hóa từ chức".
Phần cuối của cuốn sách là sự gợi mở tiếp theo cho một nghiên cứu cơ bản. Các cặp phạm trù được gợi ý như: nhường nhịn/ nhẫn nhục; nhường nhịn/ cạnh tranh; nhường nhịn/ tranh cướp; con người nhường nhịn, xã hội nhường nhịn... đã được định nghĩa rõ ràng với mục đích làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo v.v..
Phương Thủy