Tác giả: PGS.TS. Đinh Công Tuấn (Chủ biên)
Nxb Khoa học xã hội, năm 2016, 332 trang
Tóm tắt nội dung:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nợ công và tác động của khủng hoảng nợ công tới thể chế kinh tế, chính trị Liên minh châu Âu. Trong chương này, các tác giả đã phân tích khái quát các cơ sở lý luận thực tiễn về nợ công và khủng hoảng nợ công Châu Âu, trong đó nhấn mạnh đến lý thuyết về “3 trụ cột” trong cấu trúc Liên minh Châu Âu và tiến trình nhất thể hóa Châu Âu. Hiệp ước Maastricht (ký kết năm 1991) đã đưa ra 3 trụ cột chính của EU: 1) Cộng đồng Châu Âu (EC); 2) Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP); 3) Chính sách hợp tác nội vụ và tư pháp (JHA). Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, EU đã bổ sung thêm các Hiệp ước khác như: Hiệp ước Amsterdam (1999), Hiệp ước Nice (2003), đặc biệt là bản Dự thảo Hiệp ước Hiến pháp Châu Âu Lisbon (2004). Các Hiệp ước đó đã làm hoàn thiện thêm thể chế kinh tế, chính trị của Liên minh Châu Âu.
Chương 2: Tác động của khủng hoảng nợ công Châu Âu đến thể chế kinh tế, chính trị, xã hội EU. Trong chương này, các tác giả đã phân tích những diễn biến, nguyên nhân và giải pháp cứu trợ khủng hoảng nợ công tại một số quốc gia thuộc khu vực này. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp có bốn nguyên nhân cơ bản sau: thứ nhất, Hy Lạp không tuân thủ chặt chẽ các quy định trong Liên minh kinh tế tiền tệ (EMU); thứ hai, Hy Lạp đã phạm sai lầm khi tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa thu chính phủ và chi tiêu chính phủ; thứ ba, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp bị giảm sút trong so sánh tương quan với các nước thành viên EU; thứ tư, trong khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2008, Chính phủ Hy Lạp đã phải chi tiêu một khoản tài chính rất lớn để kích cầu kinh tế, gánh nặng ngân sách ngày càng tăng, giới đầu tư mất niềm tin vào năng lực kiểm soát và thanh toán nợ của chính phủ. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp đã lan rộng đến Tây Ban Nha, Italia và gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ khu vực, làm bộc lộ những điểm yếu nhất của khu vực đồng euro.
Chương 3: Xu hướng điều chỉnh, hoàn thiện các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội EU trong tương lai. Trong chương 3, các tác giả đã đưa ra các giải pháp của EU nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công này. Từ cuối năm 2009, Liên minh Châu Âu đã cùng nhau xây dựng một cơ chế giải cứu gồm nhiều giai đoạn để giúp các nước EU thoát khỏi cảnh nợ nần, tránh cho các nền kinh tế bị tan vỡ, đã dành một khoản tiền rất lớn để xây dựng Quỹ bình ổn. Đánh giá về khủng hoảng nợ công ở Liên minh Châu Âu, các tác giả đã đưa ra 4 nhận định sau: thứ nhất, khủng hoảng nợ công đã làm rung chuyển và biến đổi hệ thống chính trị EU; thứ hai, khủng hoảng nợ công đã đe dọa đến sự tồn tại của Liên minh Kinh tế - Tiền tệ Châu Âu, đồng tiền chung euro và khu vực đồng tiền chung euro (eurozone); thứ ba, khủng hoảng nợ công làm cho các nước thành viên EU bị chia rẽ và xuất hiện phân hóa xã hội sâu sắc; thứ tư, khủng hoảng nợ công đã bộc lộ sự quản trị tài chính - tiền tệ, kinh tế yếu kém của Liên minh Châu Âu; thứ năm, khủng hoảng nợ công bộc lộ rõ hơn những khác biệt chênh lệch về phát triển, đặc biệt là về kinh tế giữa các nước thành viên.
Mai Ngọc