Tác giả: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn (Chủ biên)
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2017, 351 trang.
Tóm tắt nội dung:
Phần 1: Kinh tế thế giới và một số nước, khu vực 2016 -2017. Trong phần 1 gồm có 02 chương.
Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới. Trong chương này, các tác giả đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2017, và đưa ra dự báo là khả quan hơn năm 2016 nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế chủ chốt thế giới như Mỹ và Trung Quốc. Các khoản chi tài khóa lớn dự kiến sẽ giúp Mỹ duy trì đà tăng trưởng tốt có được và giúp Trung Quốc thoát khỏi sự trì trệ gây ra bởi thay đổi mô hình tăng trưởng.
Chương 2: Kinh tế một số nước và khu vực. Trong chương này, các tác giả trình bày kinh tế của các nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á. Mỹ: Năm 2016 Mỹ vẫn là trọng tâm tăng trưởng ổn định của thế giới trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm. Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2016, nhưng nền kinh tế nước này được cho là vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định và cũng được kỳ vọng là nền kinh tế đầu tàu dẫn dắt kinh tế thế giới phục hồi trong năm 2017. Kinh tế Châu Âu: Năm 2016 là năm mà khu vực Châu Âu có nhiều biến động sâu sắc. Con thuyền Liên minh Châu Âu (EU) trải qua năm 2016 với biết bao sóng gió ghập ghềnh và những biến động trên nhiều mặt, từ đối nội đến đối ngoại, từ chính trị đến kinh tế, xã hội… Năm 2017 dự báo vẫn sẽ là năm mà EU đứng trước những nguy cơ và sẽ loay hoay để tìm lời giải cho các vấn đề của khối này. Mặc dù gặp nhiều khó khăn song hy vọng với sức mạnh và thành tựu được xây dựng qua nhiều thập kỷ, Liên minh Châu Âu (EU) được kỳ vọng sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhật Bản: Sau ba năm triển khai chính sách Abenomics, kinh tế Nhật Bản đã lấy lại đà tăng trưởng, theo đó niềm tin kinh doanh phục hồi, xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm thấp nhất hơn một năm qua, các số liệu cân bằng thương mại trong năm 2016 cho thấy một hình ảnh khởi sắc nhất trong các hoạt động thương mại quốc tế của Nhật Bản kể từ năm 2011. Trung Quốc: Năm 2016, kinh tế Trung Quốc thích ứng với trạng thái "bình thường mới", tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại, cải cách đi vào chiều sâu, chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh kết cấu kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, phát triển theo hướng sáng tạo, chú trọng nâng cao hơn về chất, kinh tế vận hành trong không gian hợp lý. Đông Nam Á: Mặc dù tốc độ và xu hướng tăng trưởng của các nền kinh tế có những khác biệt, tăng trưởng kinh tế bình quân của khu vực Đông Nam Á năm 2016 vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Châu Á trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp và các bất ổn an ninh chính trị ngày càng gia tăng.
Phần 2: Kinh tế Việt Nam. Trong phần 2 gồm có 05 chương.
Chương 3: Tổng quan kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong chương này, các tác giả đưa ra mục tiêu tối thượng của các chính sách kinh tế là tối đa phúc lợi dài hạn của xã hội một cách bền vững và công bằng, với phúc lợi bao gồm cả các khía cạnh vật chất và phi vật chất của đời sống của người dân.
Chương 4: Khu vực doanh nghiệp. Trong chương này, các tác giả phân tích mức độ liên kết giữa các nhóm doanh nghiệp khác nhau. Nếu mối liên hệ này yếu tạo ra một nền kinh tế đa tốc độ, có tác động tiêu cực làm gia tăng bất bình đẳng do khu vực doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, cụ thể là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, không tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước. Ngược lại nếu mối liên kết chặt chẽ sẽ giúp các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoạt động hiệu quả và tăng trưởng tốt nhờ "tính kinh tế quy mô ngoại vi".
Chương 5: Lao động, việc làm và an sinh xã hội. Trong chương này, các tác giả đánh giá tình hình lao động và việc làm, thông thường một số chỉ số tổng hợp hay được sử dụng, trong đó bao gồm lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và số giờ làm việc, và thu nhập của người lao động.
Chương 6: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động đến Việt Nam
Trong chương này, các tác giả đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tích cực đến tiêu dùng, giá cả và môi trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác các nước tư bản phát triển, đặc biệt là các nước trình độ công nghệ cao, quá trình điều chỉnh ở Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức hơn do phát sinh ra những vấn đề mới liên quan đến tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất. Tác động này có sự khác biệt giữa các ngành theo phân loại truyền thống.
Chương 7: Phát triển bền vững về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: một số vấn đề nổi bật. Trong chương này, các tác giả đánh giá vấn đề môi trường tại các khu vực như đô thị, nông thôn và các làng nghề cũng đang ở mức báo động. Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh tạo ra sức ép về nhà ở, nước sinh hoạt, năng lượng, dịch vụ y tế và song song với nó là lượng chất thải (nước, rác thải) tăng, giảm diện tích cây xanh, diện tích nước mặt, tăng mật độ giao thông và lượng khí thải, bụi chì do đó cũng tăng theo.
Phần III: Kết luận và khuyến nghị chính sách. Trong phần này, các tác giả đã đưa ra những kết luận để Việt Nam có thể thực hiện vững chắc quá trình phục hồi, tạo cơ sở để chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng mới với tốc độ cao hơn song cũng ổn định và bền vững hơn, phần này sẽ đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế để nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn; đặt nền móng cho phương thức tăng trưởng dựa trên lợi thế quy mô với nền tảng là công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thanh Thủy