Hoạt động khoa học » Giới thiệu sách

Giới thiệu sách: Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc

15:15 - 17/01/2018

Tác giả: Hoàng Thế Anh (Chủ biên) Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2017, 336 trang

Hình ảnh: Giới thiệu sách: Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc số 1
 
Tóm tắt nội dung:
 
Chương 1: Bối cảnh và nội hàm chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trong chương này, nhóm tác giả trình bày bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước tác động đến việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. Bối cảnh quốc tế và khu vực là các vấn đề: toàn cầu hóa; kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tài chính - tiền tệ; liên kết liên khu vực; cạnh tranh trên thị trường giữa các nước ở phạm vi toàn cầu và khu vực; sự phát triển của khoa học kỹ thuật và hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế. Bối cảnh trong nước là thực trạng cơ cấu đầu tư, tiết kiệm, tiêu dùng, kinh tế thành thị - nông thôn, ngành nghề mất cân bằng; sản lượng công nghiệp dư thừa; dân số Trung Quốc bước vào giai đoạn già hóa và giá thành lao động tăng lên.
         
Về nội hàm chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc có sự chuyển đổi từ “phương thức tăng trưởng” sang “phương thức phát triển kinh tế”. Có thể thấy, bối cảnh quốc tế tác động đến kinh tế Trung Quốc trên các phương diện đã gây sức ép, thúc đẩy Trung Quốc phải chuyển đổi phương thức kinh tế.
 
Chương 2: Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế bên trong Trung Quốc. Chương này, các tác giả tập trung phân tích những chuyển đổi theo hướng thị trường và vai trò của nhà nước. Dưới sự điều tiết của nhà nước và thị trường kinh tế ở Trung Quốc có sự chuyển đổi từ chức năng của Chính phủ đến cải cách giá cả, thị trường đất đai, thị trường khoa học - công nghệ. Trong đó các tác giả nhấn mạnh đến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên các phương diện: tốc độ phát triển kinh tế; tỷ lệ đóng góp của đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong tăng trưởng; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề từ chuyển đổi cơ cấu đến đào thải các ngành nghề sản xuất dư thừa và chuyển đổi hướng từ phát triển kinh tế nâu sang phát triển kinh tế xanh.
 
Bên cạnh đó, Trung Quốc tập trung tiến hành cải cách hệ thống tài chính, tiền tệ từ trung ương đến địa phương bằng việc tăng cường quản lý ngân sách, nợ công, lãi suất ngân hàng, chính sách tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
 
Chương 3: Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đi ra ngoài. Theo các tác giả, việc mở cửa đối ngoại giúp Trung Quốc tăng sức cạnh tranh. Kinh tế đối ngoại, đặc biệt là ngoại thương cũng có những đặc trưng mới, đó là: sự phụ thuộc vào ngoại thương chuyển từ tăng sang giảm; đối tác thương mại của Trung Quốc đa dạng hơn; xuất nhập khẩu của doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng; cơ cấu hàng hóa tiếp tục được nâng cấp. Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn được Trung Quốc chú trọng cho nên FDI tăng nhanh. Việc đầu tư ra nước ngoài là một trong những chiến lược quan trọng của Trung Quốc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển và có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc chú trọng phát triển kinh tế biển nên đề ra chiến lược “một vành đai, một con đường” nhằm tìm kiếm cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, cũng là việc thể hiện vai trò nước lớn trong khu vực và trên thế giới của Trung Quốc.
 
Chương 4: Dự báo sự chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc và tác động đến Việt Nam. Dựa trên bối cảnh kinh tế, chính trị của Trung Quốc trong thời gian tới, các tác giả dự báo sự chuyển đổi phương thức kinh tế của Trung Quốc. Cụ thể là: cải cách cơ cấu để giữ vững ổn định nền kinh tế thị trường; thiết lập hệ thống sáng tạo mở và mạng lưới hội nhập toàn cầu; nắm bắt cơ hội phát triển xanh, đối phó với thách thức môi trường và thực hiện phát triển bền vững; bảo đảm cơ hội cho mọi người đều được hưởng chế độ bình đẳng về việc làm, về an sinh xã hội; mở rộng không gian phát triển kinh tế ra bên ngoài để khẳng định vị thế. Cuối cùng, các tác giả dự báo khả năng tác động của việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam trên các phương diện: thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu; phát triển kinh tế biển; tỷ giá đồng Nhân dân tệ…
                                                                                                
Triệu Hạnh
 
Tags: Tạp chí khoa học xã hội khoa học xã hội Hoàng Thế Anh Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc
Tin cùng chuyên mục