Nghiên cứu - Trao đổi » Xã hội

Giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật

08:16 - 23/08/2018

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sự du nhập ngày một gia tăng các sản phẩm văn hóa, lối sống từ bên ngoài vào khiến cho nhu cầu, thị hiếu, lý tưởng, quan điểm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bị lệch chuẩn. Trước thực tế đó, vấn đề giáo dục thẩm mỹ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết phân tích thực trạng giáo dục thẩm mỹ và đề xuất những giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay.

1. Đặt vấn đề
 
Cái đẹp nảy sinh và phát triển trên nền văn hóa xã hội. Giáo dục quan điểm thẩm mỹ là một trong những nội dung quan trọng để đào tạo con người, bồi dưỡng và xây đắp cho con người một giá trị tinh thần có tính đặc thù - giá trị thẩm mỹ. Giá trị đó là một trong những thành tố không thể thiếu của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa và phong phú, tạo ra trong con người trình độ và năng khiếu, trí tuệ và tình cảm, tư duy và hoạt động sáng tạo một cách tự giác theo những quy luật khách quan và “theo quy luật của cái đẹp”. Giáo dục thẩm mỹ cần đi đôi với bồi đắp kiến thức giúp cho mỗi con người hiểu biết những giá trị đó. Văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng trong giáo dục thẩm mỹ. Vậy ở nước ta hiện nay, vai trò của văn hóa nghệ thuật trong giáo dục thẩm mỹ như thế nào?
 
2. Thành tựu trong giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật
 
Trước những biến động phức tạp của nhu cầu và quan điểm thẩm mỹ của công chúng hiện nay, công tác giáo dục thẩm mỹ của văn hóa nghệ thuật đã đạt được những thành tựu nhất định trong tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại cũng như trong phục hồi, kế thừa các tư tưởng văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, xây dựng con người Việt Nam mới tích cực, sáng tạo, từng bước hoàn thiện bản thân và làm giàu mỹ quan dân tộc. Cụ thể như sau: Thứ nhất, trong lĩnh vực âm nhạc: Đây là loại hình nghệ thuật gần gũi nhất với công chúng. Nó đem đến cho công chúng những giai điệu và tiết tấu mới từ cuộc sống sinh động, muôn màu, muôn vẻ đang diễn ra chung quanh, góp phần đắc lực xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội. Từ đầu thế kỷ XX nhạc Rock, Pop, Hiphop đã ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam, hàng ngày, hàng giờ được quảng cáo trên các sóng truyền thanh, truyền hình, băngrôn, ápphích và được biểu diễn tại các kỳ liên hoan âm nhạc, các cuộc thi, các sàn diễn, phòng trà... Với hai trung tâm lớn là Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, nhạc Rock thâm nhập vào Việt Nam với sức lôi cuốn mạnh mẽ giới trẻ bẳng sự ồn ào náo nhiệt từ đầu những năm 1990. Cuộc thi nhạc Rock năm 2008 tại Tp. Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 30.000 người hâm mộ. Hiện tại, cứ hai năm một lần, Việt Nam lại tổ chức cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn” để chọn lựa các tài năng trẻ trong nước. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các cuộc thi âm nhạc, nghệ thuật lớn nhỏ có phạm vi toàn quốc do các nhà đài tổ chức, như: cuộc thi “Những bài hát đi cùng năm tháng”, “Giọng hát Việt - The voice”, “Vietnam Idol”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Những bài hát còn xanh”, “Tìm kiếm tài năng - Vietnam got talent”, “Bước nhảy hoàn vũ”... Thậm chí các hội thi cho các bé thiếu nhi, thiếu niên cũng phong phú không kém với “Giọng hát Việt nhí - The voice kids”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Tìm kiếm tài năng Rồng vàng”, “Đồ Rê Mí”... Đặc biệt, gần đây có chương trình “Giai điệu tự hào” được công chúng trong và ngoài nước có những phản hồi tích cực. Những ca khúc với giai điệu thâm trầm, lắng đọng nhưng truyền tải những thông điệp lớn lao về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mỗi buổi ghi hình là một đạo lý, là một bài học làm người, là những thước phim ngắn về lịch sử “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, về tinh thần đoàn kết “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”... Những đạo lý này đã được biểu hiện rõ trong nền các ca khúc cách mạng, trữ tình đi cùng năm tháng của dân tộc. Các chương trình nói chung đã đem lại sự thích thú đặc biệt trong lòng đông đảo khán giả Việt Nam, hiệu quả giáo dục thẩm mỹ cho người dân hướng tới và yêu chuộng cái đẹp, cái hay, thừa nhận những giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống đã thực sự đem lại những hiệu quả rất tích cực. Đáng chú ý là, bên cạnh sự đánh giá của ban giám khảo, trong hầu hết các cuộc thi luôn có giải thưởng cho thí sinh có phiếu bình chọn cao nhất từ khán giả. Hình thức bình chọn rất phong phú và đa dạng (khán giả có thể nhắn tin trực tiếp từ điện thoại, like video trên trang chủ của Đài Truyền hình, thậm chí có thể nhắn tin bằng hình thức ví momo một lần thao tác sẽ gửi được 15 tin nhắn). Điều đó cho thấy, cách tiếp cận tới đông đảo các đối tượng khán thính giả đã có tác dụng giáo dục quan điểm thẩm mỹ rộng rãi, từ người trẻ cho đến người già, ai ai cũng thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình về những đối tượng thẩm mỹ mà mình được tiếp cận.
 
Thứ hai, trong lĩnh vực điện ảnh: Điện ảnh thế giới, từ Phương Đông tới Phương Tây, từ Trung Quốc, Ân Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines đến Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Vê - nê - zuê - la,... bắt đầu được công chiếu rộng rãi ở nước ta, kể cả phim có giá trị nghệ thuật đặc thù lẫn phim giải trí có giá trị thương mại. “Đây là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự biến đổi trong đời sống văn hoá nghệ thuật của người dân Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập” [4]. Nếu như trước đây, công chúng Việt Nam chỉ được làm quen với thị hiếu nghệ thuật qua các bộ phim của các nước xã hội chủ nghĩa thì ngày nay, với sự mở cửa giao lưu mọi mặt cùng với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông hiện đại, phim ảnh nước ngoài đang tràn ngập đời sống văn hoá nghệ thuật của người dân Việt Nam. Truyền hình và mạng internet là những công cụ đắc lực gắn kết các nền văn hóa kim - cổ, Đông - Tây.
 
Đầu thế kỷ XX, các nhà làm phim Việt Nam cũng cố gắng làm những phim thu hút khán giả. Người đi đầu trong trào lưu làm phim thương mại là đạo diễn Lê Hoàng (với Gái nhảy (2003) của Hãng phim Giải phóng được công chiếu vào đầu năm 2003). Hai diễn viên chính Minh Thư và Mỹ Duyên đã thu hút một số lớn khán giả. Tuy gặp phải sự phê bình mạnh mẽ của báo chí và đồng nghiệp, phim vẫn đạt kỷ lục về doanh thu, khoảng 12 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ nhu cầu thẩm mỹ của công chúng cho loại hình này khá cao. Theo đà phát triển của xã hội, điện ảnh cũng đã trở thành một thị trường với nhiều hãng phim tư nhân tham gia. Không chỉ hoạt động vì mục đích thương mại, các bộ phim đã đem lại cho công chúng xem đài những thị hiếu thẩm mỹ mới mẻ, phong phú và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, góp phần giúp mỗi người vun đắp nên quan điểm thẩm mỹ của mình tròn trịa hơn.
 
Thứ ba, trong lĩnh vực nhiếp ảnh: “Trong suốt thời gian diễn ra hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ngành nhiếp ảnh Việt Nam đã hoàn toàn dành sự nghiệp phục vụ cho các nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Mọi quan niệm và chức năng nghệ thuật của nhiếp ảnh đều được dùng để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Cho đến thời kỳ đổi mới, nhiếp ảnh mới bắt đầu được thể hiện đầy đủ các chức năng của nó. Chức năng thẩm mỹ và giải trí được quan tâm” [4]. Thông qua công tác giáo dục khéo léo bằng nghệ thuật, tự do văn hoá được thể hiện rõ ràng, một số loại hình nghệ thuật trước đây không được thừa nhận thì nay đã được xã hội đón nhận. Tập sách Ảnh khoả thân Xuân thì của Thái Phiên đã được xuất bản năm 2007 tại Nhà xuất bản Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh là tác phẩm đầu tiên về ảnh khỏa thân được xuất bản thành sách. Đây là một trong những đổi mới gây ấn tượng nhất trong văn hoá Việt Nam hiện đại.
 
Thứ tư, Trong các hoạt động thể thao: Thể thao nước ta nhanh chóng hội nhập quốc tế, với sự tham gia các kỳ đại hội thể thao khu vực và thế giới. Thống kê cụ thể cho thấy, thể thao Việt Nam đang tranh chấp vị trí hàng đầu Đông Nam Á ở các môn thể thao Olympic, như điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo, karatedo, bóng đá, vật, judo, và pencaksilat, thể dục thể hình, wushu, cầu mây. Trên đấu trường châu lục, thể thao Việt Nam có khả năng tranh chấp Huy chương vàng ở một số nội dung (cự ly, hạng cân) ở các môn thể thao, như: điền kinh, thể dục dụng cụ (nam) taekwondo, và một số môn ngoài Olympic như cử tạ, xe đạp, judo, vật (nữ), karatedo, thể hình, wushu, billiard. Ở cấp độ thế giới và Olympic cũng đã có cờ vua (vô địch thế giới), cử tạ (nam), taekwondo. Một số môn thể thao khác đã giành Huy chương vàng thế giới nhưng không có trong chương trình Olympic như wushu, silat, đá cầu, thể hình... Hiện nay, các cúp quốc tế bóng đá, bóng chuyền, wushu, taekwondo, khiêu vũ thể thao... liên tục được tổ chức tại Việt Nam. Đặc biệt là Việt Nam đã tổ chức thành công rực rỡ một kỳ Thể thao Đông Nam Á: Sea Games 22 năm 2003, với việc lần đầu tiên Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn. Đây là những thành tựu rất mới mà chỉ có đổi mới và hội nhập đất nước mới tạo được ra. Bên cạnh đó, “cái mới trong thể thao không chỉ dừng lại ở những con số thành tích, mà quan trọng là chúng ta đã có những đổi mới tư duy trong quan niệm về thể thao: từ việc chỉ coi trọng thể thao phong trào sang việc quan tâm đến thể thao chuyên nghiệp” [4]. Ngày 30 tháng 11 năm 2000, Việt Nam đã chính thức thành lập bóng đá chuyên nghiệp, cho phép các đội bóng được ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, được phép thuê cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài. Có thể nói, đây là những minh chứng sinh động cho thấy Việt Nam đang hội nhập thực sự quốc tế. Các môn thể thao trước đây được coi là “xa xỉ” thì nay cũng được du nhập và đang dần trở thành một bộ phận của thể thao Việt Nam như tennis, golf...
 
Thứ năm, trong các cuộc thi sắc đẹp: Thi sắc đẹp “trước đây bị coi là xa lạ và thậm chí cấm kỵ”, nay đã được công khai thừa nhận và được tổ chức liên tục dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau: từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đến Hoa hậu miền, Hoa hậu của các tỉnh - thành, Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long, Hoa hậu ảnh, Hoa hậu thể thao, Hoa hậu báo Tiền Phong, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu biển, Hoa hậu áo dài Việt Nam, Hoa hậu Đền Hùng... Riêng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1988, chỉ hai năm sau khi “đổi mới” đất nước (1986), và từ đó cứ hai năm được tổ chức một lần. Nếu kể cả các cuộc thi hoa hậu khác thì gần như hàng năm các cuộc thi sắc đẹp đều được tổ chức. Gần đây, Việt Nam đã tạo được uy tín cho việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu thế giới: Hoa hậu Việt Nam năm 1992 Hà Kiều Anh đã đạt được rất nhiều danh hiệu trong các cuộc thi sắc đẹp thế giới, Hoa hậu Việt Nam năm 1996 Nguyễn Thiên Nga cũng lọt vào top 10 cuộc thi Hoa hậu Hữu Nghị Việt Nam và thế giới năm 1999, Á hậu 2 khu vực Đông Nam Á cuộc thi Hoa hậu Hữu Nghị Việt Nam và thế giới năm 1999. Bên cạnh đó, còn nhiều Hoa hậu Việt Nam lọt vào top 20, 15, 17 thế giới như Hoa hậu Việt Nam năm 2002 Phạm Thị Mai Phương (top 20 Hoa hậu thế giới), Hoa hậu Việt Nam năm 2004 Nguyễn Thị Huyền (top 15 Hoa hậu thế giới), Hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thúy (top 17 Hoa hậu thế giới). Đặc biệt, năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức thi Hoa hậu Hoàn vũ. Đây là một trong những minh chứng về quan điểm thẩm mỹ tiến bộ của xã hội đã thừa nhận cái đẹp không chỉ trong tâm hồn mà cả cái đẹp hình thể.
 
Các cuộc thi sắc đẹp trong nước với tư cách là cuộc thi người đẹp quốc gia là một trong những sự kiện văn hóa lớn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả và giới truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình trung ương và địa phương, đông đảo các nhiếp ảnh gia, nhà quay phim, đạo diễn, các nhà thiết kế thời trang và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có tên tuổi hàng đầu Việt Nam tham gia đưa tin, phản ánh diễn biến, hoạt động chuyên môn phục vụ cuộc thi có sức ảnh hưởng lớn đến quan điểm thẩm mỹ xã hội. Không chỉ có giá trị tuyên dương cái đẹp hình thể, các cuộc thi sắc đẹp còn góp phần tích cực cho nhiều chương trình gây quỹ từ thiện, trao học bổng, trao quà cho người nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, nạn nhân thiên tai,... đem lại những giá trị nhân văn cao cả để giúp đỡ, động viên những người gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Đặc biệt, trong một vài năm gần đây, kịch bản đêm chung kết cuộc thi thường có mời thêm sự giao lưu của các cựu Hoa hậu Việt Nam làm tăng thêm tính hấp dẫn cho chương trình. Các giải phụ cũng nhiều hơn, phong phú hơn; thành phần ban giám khảo cũng đa dạng hơn, có sự tham gia của chuyên gia nhân trắc học, các nhà thiết kế thời trang và những người có tên tuổi và uy tín cao hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật,... để nâng cao tính chuyên nghiệp và độ chính xác trong việc đánh giá và chấm điểm các thí sinh.
 
Thứ sáu, trong lĩnh vực biểu diễn người mẫu, thời trang: Loại hình người mẫu, biểu diễn thời trang cũng có bước phát triển nhanh chóng. Đây cũng là một loại hình văn hóa hoàn toàn mới, chỉ xuất hiện từ khi Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế. Khác với loại hình thi hoa hậu, biểu diễn người mẫu đang có xu hướng phát triển từ một loại hình hoạt động văn hoá thành một nghề có thu nhập kinh tế. Để hỗ trợ công tác giáo dục phát triển loại hình biểu diễn này, ngày 27 tháng 10 năm 2006, Bộ Văn hoá - Thông tin đã ra quyết định thành lập Hội Người mẫu Việt Nam hoạt động như một hội nghề nghiệp. Các trường nghệ thuật cũng đào tạo chuyên sâu hơn loại hình biểu diễn này. Đặc biệt, vài năm gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với công ty truyền thông MultiMedia tổ chức game show truyền hình thực tế Người mẫu Việt Nam: (Vietnam's Next Top Model) được khá nhiều bạn trẻ quan tâm. Cuộc thi là một cuộc tranh tài quy tụ các cô gái, chàng trai trẻ khắp cả nước nhằm tìm kiếm và trao danh hiệu Người mẫu Việt Nam, khuyến khích các bạn trẻ có tài năng và đam mê có điều kiện phát huy khả năng của mình. Cùng với người mẫu là các cuộc thi thời trang được tổ chức đều đặn các mùa trong năm: thời trang mùa Hè, thời trang Thu - Đông, Xuân - Thu luôn được cập nhật thường xuyên thiết kế của những nhà thiết kế trong cả nước. Các xu hướng thời trang này mô hình chung đã nâng tầng quan điểm thẩm mỹ nói chung cũng như thẩm mỹ trong phong cách ăn mặc cho đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.
 
Thứ bảy, trong hoạt động truyền hình thực tế: Truyền hình thực tế phát triển mạnh trong những năm gần đây trên sóng truyền hình cũng là một nhân tố tích cực tác động đến đời sống thẩm mỹ và quan điểm thẩm mỹ của đông đảo người dân. Truyền hình thực tế xuất hiện tại Việt Nam không lâu, nhưng ít nhiều đã thu hút được sự chú ý của người xem và dư luận. Được quảng cáo là một dạng chương trình chân thực và hấp dẫn với những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không hề sắp đặt trước trong kịch bản, mang chất liệu thực tế mà không hư cấu. Thay vì các diễn viên chuyên nghiệp, các nhân vật trung tâm có thể là những người bình thường nhằm để thu hút xúc cảm hoặc tiếng cười vô tư của người xem mà không chịu sự chi phối của thị hiếu hình tượng. Ngày nay, hai mảng chính của truyền hình thực tế là các cuộc thi có giải thưởng lớn và các bộ phim ghi hình tình huống hài hước theo dạng sêri. Nếu năm 2007, truyền hình thực tế chỉ mới bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam, thì năm 2014 đánh dấu sự lên ngôi và bùng nổ của các show Truyền hình thực tế trên khắp các kênh truyền hình, như: “Điều ước thứ 7”, “Việt Nam Idol”, “Gương mặt thân quen”, “Việt Nam next top model”, “Ơn giời cậu đây rồi”, “Cuộc đua kỳ thú”, “Nhân tố bí ẩn”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “Master Chef’... Truyền hình thực tế liên tục đổ bộ, chiếm sóng “giờ vàng” trên các kênh truyền hình. Được đánh giá là mảnh đất màu mỡ để khai thác, các format truyền hình thực tế thay nhau ra đời với kịch bản ngày một được đầu tư mạnh mẽ hơn để tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thu hút người xem. Sự phong phú về đề tài trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đã đem lại những tác động không nhỏ đến việc hình thành quan điểm thẩm mỹ của đa số khán thính giả xem đài.
 
Thứ tám, trong tổ chức các ngày lễ: Công tác giáo dục thẩm mỹ trong xã hội cũng đem lại những hiệu quả bất ngờ, đời sống văn hóa tinh thần của con người, trong đó có thế hệ trẻ được nâng cao rõ rệt. Công tác tư tưởng trong các ngày lễ truyền thống ở Việt Nam (như ngày lễ Vu lan nhớ ơn mẹ, Tết Nguyên Đán, tết bánh trôi bánh chay, ngày Nhà giáo, ngày Thầy thuốc, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Báo chí truyền thông, ngày Quốc khánh,...) được nâng cao và có hiệu quả rõ rệt. Những ý nghĩa thiêng liêng của từng ngày lễ như một phần trong con người mỗi người dân Việt Nam. Mặt khác, những nét đẹp trong văn hóa nước ngoài được Việt Nam đón nhận như lễ Valentine, lễ Noel, lễ Phục sinh,... cũng phát triển sôi nổi, làm các hoạt động văn hóa của dân tộc ta thêm phong phú, hiện đại, xã hội có thêm những biểu hiện sinh động, tạo chất kết dính hơn với văn hóa thế giới.
 
3. Hạn chế trong giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật
 
Bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận trong sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ, nâng cao các giá trị văn hóa dân tộc nói chung, công tác giáo dục thẩm mỹ thông qua văn hóa nghệ thuật ở nước ta vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Đó là:
 
-    Những cuộc thi sắc đẹp tràn lan xã hội những năm gần đây đã gây ra những bức xúc không nhỏ trong xã hội. Việc có quá nhiều cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam như hiện nay sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt đến giá trị đích thực của vương miện hoa hậu Việt Nam. Trong khi điều kiện kinh tế
 
-    xã hội nước ta còn khó khăn, việc lạm dụng đưa ra một loạt các cuộc thi hoa hậu làm giảm giá trị của cuộc thi và tăng tính xô bồ, thiếu chuyên nghiệp trong công tác chuẩn bị và thi diễn. Thực tế cho thấy, không ít cuộc thi hoa hậu xảy ra các hiện tượng như: ban tổ chức làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp, giám khảo thiếu trình độ chuyên môn, thí sinh chưa đủ trình độ văn hóa, công tác kiểm tra hồ sơ còn tắc trách...
 
-   Âm nhạc cũng là một thể loại ngợi ca thì nhiều mà “tai tiếng” cũng không ít. Một thực trạng đáng buồn hiện nay là các phương tiện truyền thông quá ca tụng, tôn vinh các “nhạc sĩ’, “ca sĩ’ trẻ, thậm chí còn rất trẻ lên tận chín tầng mây với những ca khúc dường như thiếu hẳn quan điểm thẩm mỹ. Các nhà lý luận phê bình thì gọi đó là “những phế phẩm nghệ thuật”, làm cho mọi người lầm tưởng đó là âm nhạc. Trong khi đó có rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã có những cống hiến lớn cho xã hội về mặt nghệ thuật âm nhạc với những thành tựu rất đáng trân trọng, hiện vẫn đang tiếp tục biểu diễn, sáng tác và giảng dạy, vẫn chưa một lần được nhắc đến, được tôn vinh. Mặt khác, nhu cầu thưởng thức âm nhạc hiện nay của xã hội rất đa dạng. Mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi ngành nghề, mỗi môi trường... đều có những thị hiếu thưởng thức riêng. Giới trẻ ngày nay xa lạ với nghệ thuật của cha ông, chỉ biết thưởng thức, ưa chuộng nghệ thuật, âm nhạc nước ngoài. Những nghệ thuật đó mang nặng tính giải trí. Một bộ phận dân cư thành phố có thói quen nghe và hát nhạc Pop, Rock, Hiphop... trong khi đó không thể phân biệt được tuồng, chèo, cải lương - một trong những thể loại âm nhạc đặc sắc, truyền thống của dân tộc.
 
-    Sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai càng làm cho hồn cốt của văn hóa Việt mờ dần bản sắc. Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc cho rằng: “Âm nhạc dân tộc vẫn sống lây lất vì rất ít người xem hoặc muốn có người xem cũng phải “sân khấu hóa” như quan họ đang làm, có nghĩa là phá vỡ luật lệ, quy tắc của ca hát quan họ cổ truyền và vi phạm tiêu chí quy định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO). Như vậy có nghĩa là bản sắc, căn cước của quan họ gốc không còn nữa”. Rõ ràng để tồn tại thì cần đổi mới, nhưng xu hướng cách tân, cải tiến âm nhạc dân tộc không đúng, không phù hợp đã làm phai nhạt bản sắc, làm biến chất, biến dạng các loại hình ca nhạc dân gian đặc sắc do hàng trăm thế hệ nghệ nhân sáng tạo trong nhiều thế kỷ qua.
 
-    Một điều đáng lo ngại là, hiện nay để chạy theo thị hiếu, hiện tượng nhạc nhái, nhạc cover, sao chép nhạc nước ngoài,... trở nên khá phổ biến. Ngoài vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhạc sĩ còn cho thấy một điểm đáng lo khác là tư tưởng vọng ngoại đang dần phát triển trong công chúng, nhất là trong thanh thiếu niên. Công chúng thích nghe nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... hơn là thứ ngôn ngữ âm nhạc của chính dân tộc mình. Đó là chưa kể từ đó dẫn đến sự ngộ nhận trong tư tưởng và lối sống, xem trọng những nền văn hoá khác, âm nhạc các nước khác hơn nền văn hoá, âm nhạc của dân tộc mình. Điều đó là một mối nguy hại lớn cho quan điểm thẩm mỹ xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến cả hệ thống tư duy văn hóa tương lai.
 
Việc gìn giữ, giới thiệu và nâng cao giá trị văn hoá âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu chiến lược, chiến thuật, lẫn việc hoạch định chính sách của cấp quản lý vĩ mô. Và điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là: người nghe ngày nay vừa là điểm xuất phát vừa là đích đến của âm nhạc, không chỉ bởi những chức năng thẩm mỹ, những giá trị mỹ học của âm nhạc mà còn vì âm nhạc là sản phẩm của, do và vì con người; vì vậy mỗi sáng tác âm nhạc chí ít cũng cần có những quan điểm thẩm mỹ rõ ràng.
Các môn thể thao trước đây được coi là “xa xỉ” như tennis, golf,... cùng với những khu nghỉ dưỡng kèm theo du lịch sinh thái đã tạo nên một bộ mặt đẹp cho nông thôn Việt Nam và các vùng lân cận thành phố. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng đang làm nảy sinh những vấn đề về văn hoá môi trường, về chiến lược an ninh lương thực và an sinh xã hội. Người dân ở một số địa phương gần các sân golf đã lên tiếng kêu than về việc họ không còn ruộng, vườn để sản xuất lương thực.
 
4. Một số giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật
 
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao quan điểm thẩm mỹ toàn bộ xã hội về các giá trị thẩm mỹ của dân tộc, và ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy các giá trị thẩm mỹ truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần khơi dậy những thị hiếu căn bản của cha ông trong mỗi thế hệ hôm nay.
 
Hai là, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức giáo dục thẩm mỹ (như: báo cáo chuyên đề, thông tin, quảng cáo, bài trừ các tệ nạn mê tín, dị đoan, văn hóa phẩm độc hại, đẩy mạnh tuyên truyền những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc, của các vùng, miền trong cả nước...); đồng thời tổ chức các cuộc thi, lồng ghép trong các hoạt động giao lưu, đặt tên phố gắn với các danh nhân, anh hùng dân tộc, lễ tưởng niệm dâng hương các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước, giỗ tổ Hùng Vương, những liên hoan văn nghệ mừng các ngày lễ lớn...; nâng cao sự hiểu biết và đam mê nghệ thuật, nâng tầm quan điểm thẩm mỹ nói chung cho đông đảo mọi người.
 
Ba là, gắn giáo dục thẩm mỹ với các giá trị truyền thống dân tộc với hoạt động thực tiễn trong cuộc sống, xây dựng tinh thần say mê trong học tập và lao động sáng tạo. Mọi nền tảng tri thức, kể cả thẩm mỹ không phải tự nhiên sẵn có mà phải được giáo dục có hệ thống, có quá trình mà điều kiện chủ yếu nhất là phải thông qua hoạt động thực tiễn, để phân biệt được rạch ròi các tiêu chuẩn cái đẹp, cái xấu, nhờ đó mà quan điểm thẩm mỹ của con người ngày càng thêm phong phú. Vì vậy, công tác giáo dục thẩm mỹ cần chú trọng đến tính thiết thực và tính thời sự, phải phù hợp với hoạt động ngành, nghề công tác, công việc, lứa tuổi. Thông qua các cuộc thi, hội diễn, giao lưu văn hóa,... sẽ dần dần bồi đắp cho mỗi người những giá trị thẩm mỹ tích cực.
 
Bốn là, loại trừ những văn hóa phẩm độc hại đi đôi với việc thẩm mỹ hóa các quan hệ xã hội; đấu tranh, từng bước loại bỏ các thói quen xấu, hủ tục lạc hậu; đồng thời, khôi phục các lễ hội truyền thống, trang phục truyền thống, văn hóa phi vật thể, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, di sản văn hóa của dân tộc,... để khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách của mỗi con người Việt Nam, qua đó gìn giữ và giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc nói chung, trong đó có giáo dục quan điểm thẩm mỹ.
 
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa làm công tác tuyên truyền, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, có năng lực, tinh thần thái độ nhiệt tình, trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng tuyên truyền, thực hiện kết hợp giảng dạy kiến thức với truyền thụ các quan điểm thẩm mỹ dân tộc, làm cơ sở định hướng cho thế hệ tương lai tiếp thu những giá trị thẩm mỹ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
 
Sáu là, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và đồng bộ để khích lệ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tích cực học tập các giá trị truyền thống dân tộc; đồng thời phải có các chế tài đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn và răn đe các hành vi, biểu hiện vi phạm về thuần phong mỹ tục của dân tộc.
 
Bảy là, nâng cao năng lực quản lý của các tổ chức Đảng và Nhà nước trong các hoạt động phát triển giáo dục thẩm mỹ, thực hiện quản lý chặt chẽ các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, kiểm duyệt các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng thời lượng phát sóng, các kênh về các chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí mang quan điểm thẩm mỹ truyền thống có chất lượng cao trên truyền hình và phát thanh trung ương và địa phương phù hợp với tâm lý các đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, cần đầu tư thích đáng về mọi mặt để có những tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa hấp dẫn, sâu sắc, có giá trị thẩm mỹ, tái hiện sinh động đời sống thẩm mỹ lịch sử, làm lay động thị hiếu, cuốn hút tâm hồn, tình cảm của công chúng, xứng tầm với bề dày truyền thống dân tộc. Qua đó, truyền tải các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, định hướng suy nghĩ, lối sống phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng.
 
Tám là, sáng tạo ngày càng nhiều những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao. Mỗi sáng tạo nghệ thuật là một thế giới thẩm mỹ huyền diệu có sức mạnh đem lại những xúc cảm, thị hiếu, lý tưởng, quan điểm thẩm mỹ phong phú và đa dạng cho người xem. Nghệ thuật có sức mạnh cải biến con người, làm con người thay đổi tình cảm hay nhu cầu thẩm mỹ của họ. Đưa nghệ thuật vào cuộc sống, phổ biến rộng rãi các hình ảnh và nội dung của nghệ thuật trong đời sống thẩm mỹ sẽ góp phần nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng. Khi những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng càng được phổ biến rộng thì thị hiếu của người dân càng nâng cao, quan điểm thẩm mỹ đúng đắn sẽ phổ quát rộng rãi toàn bộ đời sống thẩm mỹ, những giá trị thẩm mỹ thiếu lành mạnh, trong sáng sẽ bị đẩy lùi và không còn điều kiện phát triển. Điều quan trọng là phải sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao và phổ biến rộng rãi để phục vụ công cuộc lành mạnh hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở nước ta trong điều kiện hiện nay.
 
Chín là, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội. Đối với thế hệ trẻ, cần phải thực hiện phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thẩm mỹ. Từ đó, xây dựng ý thức tự giác trong học tập, định hướng trong nhận thức và hành động, có lập trường tư tưởng vững vàng, có quan điểm thẩm mỹ rõ ràng để cho thế hệ trẻ một mặt thẩm thấu các giá trị thẩm mỹ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một mặt có được hành trang căn bản cho con đường tương lai.
 
5. Kết luận
 
Mục tiêu của giáo dục thẩm mỹ là xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy những giá trị thẩm mỹ và giá trị đạo đức truyền thống của cha ông, tiếp thu và cải biến những tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong giáo dục thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng. Giáo dục thẩm mỹ thông qua văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cần tiếp tục được đổi mới hơn nữa để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
 
Tài liệu tham khảo
 
[1]      Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX): Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2]      Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]      Nguyễn Văn Huyên (Chủ biên) (2001), Văn hóa tham mỹ và sự phát triển con người Việt Nam trong thế kỷ mới, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[4]      http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn, truy cập ngày 06/09/2015.
[5]      http://nld.com.vn.
[6]      https://vi.wikipedia.org.
 
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ánh
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 1 - 2016)
Tags: Nguyễn Ngọc Ánh Giáo dục thẩm mỹ văn hóa nghệ thuật khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục