Nghiên cứu - Trao đổi » Xã hội

Đơn giản hóa việc định nghĩa thuật ngữ

09:10 - 14/09/2018

Định nghĩa một thuật ngữ nào đó là một thao tác quan trọng trong tranh luận để tránh hiểu lầm ý của nhau. Vì vậy, trong một công trình nghiên cứu khoa học (bài báo, luận văn, luận án, báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, cuốn sách…), người trình bày cần phải định nghĩa các thuật ngữ dễ gây hiểu lầm. Định nghĩa thuật ngữ là một thao tác quan trọng nhưng đơn giản. Vì vậy, người trình bày có thể trình bày định nghĩa một thuật ngữ trong một chú thích, chứ không cần phải sa đà vào việc bàn luận về thuật ngữ. Chỉ cần người đọc không hiểu lầm ý của người viết về một thuật ngữ nào đó thì việc định nghĩa thuật ngữ ấy là thành công.

 
1. Mở đầu
 
Trong các công trình nghiên cứu khoa học (bài báo, cuốn sách, luận văn, luận án, đề tài…), người trình bày thường dành một phần dung lượng để định nghĩa một số thuật ngữ (từ, cụm từ) chủ chốt. Điều này là cần thiết để tránh tình trạng hiểu lầm nhau. Tuy nhiên, nhiều người lại làm phức tạp hóa thao tác định nghĩa thuật ngữ. Chẳng hạn, trong công trình nghiên cứu về thực trạng năng lực tư duy lý luận của con người, có tác giả dành khá nhiều dung lượng của công trình để định nghĩa các thuật ngữ “năng lực”, “tư duy”, “lý luận”, “năng lực tư duy”, “năng lực tư duy lý luận”. Điều đó làm giảm đi dung lượng dành cho trình bày các quan điểm về vấn đề nghiên cứu. Sở dĩ họ làm phức tạp hóa thao tác định nghĩa thuật ngữ là do họ hiểu không đúng về mục đích, hình thức và yêu cầu của định nghĩa thuật ngữ.
 
2. Mục đích của định nghĩa thuật ngữ
 
Định nghĩa một thuật ngữ nào đó là chỉ ra nghĩa của nó, qua đó giúp người đọc hiểu được rằng người viết sử dụng thuật ngữ ấy để chỉ cái gì (chỉ đối tượng nào). Mục đích của định nghĩa thuật ngữ là để làm cho người đọc không hiểu lầm ý của người viết. Nếu ta viết cho mình đọc thì ta không cần định nghĩa các thuật ngữ. Vì viết cho người khác đọc và để tránh tình trạng người đọc hiểu lầm ý của mình nên ta mới cần định nghĩa. Nhưng nếu một thuật ngữ nào đó chỉ có một nghĩa và đã được định nghĩa rõ ràng trong các từ điển thông dụng đến mức không ai có thể hiểu lầm thì ta cũng không cần phải định nghĩa thuật ngữ đó. Không phải thuật ngữ nào sử dụng cũng cần phải định nghĩa. Chẳng hạn khi viết “cá không ăn muối cá ươn”, thì không cần định nghĩa các thật ngữ (các từ) “cá”, “không”, “ăn”, “muối”, “ươn” bởi các thuật ngữ này đã được định nghĩa rõ trong các từ điển phổ thông và mọi người đều hiểu nghĩa của chúng. Đối với thuật ngữ mới mà nhiều người đọc chưa biết nghĩa của nó, hoặc đối với những thuật ngữ có nhiều nghĩa thì người viết cần định nghĩa. Chúng ta không cần định nghĩa tất cả các thuật ngữ khi trình bày. Tuy nhiên, để người đọc không hiểu lầm ý của mình thì ta cần phải chú ý đến các thuật ngữ có thể bị hiểu lầm và cần định nghĩa các từ đó. Ví dụ, khi viết “văn hóa là động lực của sự phát triển” thì ta cần cho người đọc biết thuật ngữ “văn hóa” được dùng theo nghĩa nào, bởi vì thuật ngữ này có rất nhiều nghĩa.
 
Người viết có thể sử dụng một thuật ngữ nào đó với nghĩa tùy ý, tức là để chỉ bất kỳ đối tượng nào mà mình muốn. Ta có thể sử dụng một thuật ngữ nào đó với nghĩa đã có hoặc chưa có trong từ điển, với nghĩa mà người khác đã sử dụng hoặc chưa từng sử dụng. Mỗi thuật ngữ lúc đầu do một người đưa ra và sử dụng (tức là trước đó chưa ai từng sử dụng). Lúc này thuật ngữ đó là mới với tất cả những người khác, do đó người sử dụng càng cần phải định nghĩa.
 
3. Hình thức của định nghĩa thuật ngữ
 
 Khi định nghĩa thuật ngữ A chúng ta có thể viết theo hình thức “A là B” (A=B hoặc A: B). Trong đó, B là một thuật ngữ (hoặc từ hoặc cụm từ) khác đồng nghĩa mà mọi người đã biết. Vì người đọc đã biết nghĩa của B nhưng chưa biết nghĩa của A, cho nên khi người viết định nghĩa A là B thì người đọc sẽ hiểu được những câu có chứa thuật ngữ A. Ví dụ, ở định nghĩa “hình chữ nhật là hình bình hành có 1 góc vuông”, thuật ngữ mà mọi người chưa biết và cần được định nghĩa là “hình chữ nhật”, cụm từ đồng nghĩa với nó mà mọi người đã biết là “hình bình hành có 1 góc vuông”. Ví dụ khác, ở định nghĩa “UN là Liên Hợp Quốc”, thuật ngữ mà mọi người chưa biết và cần được định nghĩa là UN, từ đồng nghĩa với nó mà mọi người đã biết là “Liên Hợp Quốc”. Hai thuật ngữ đồng nghĩa thì có thể thay thế cho nhau mà không làm cho nghĩa của câu thay đổi. Do vậy, căn cứ vào định nghĩa A=B, ta có thể thay A bằng B ở bất kỳ câu nào có A; điều đó không làm thay đổi nghĩa của câu.
 
Trong hình thức của định nghĩa (A= B), B có thể là một cụm từ với hình thức B=(a+b+…+c). Ví dụ, ở định nghĩa “hình chữ nhật là hình bình hành có 1 góc vuông”, A là “hình chữ nhật”, B là “hình bình hành có 1 góc vuông”, a là “hình bình hành”, b là “có 1 góc vuông”.
 
Hình thức của định nghĩa thuật ngữ A có thể như sau: “A là thuật ngữ dùng để chỉ B”. Ví dụ, số chẵn là thuật ngữ dùng để chỉ các số 2, 4, 6, 8… Hình thức “A là thuật ngữ dùng để chỉ B” và hình thức “A=B” chỉ là hai cách diễn đạt khác nhau (do thêm cụm từ “thuật ngữ dùng để chỉ”). Hai hình thức này đều được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, hình thức “A=B” ngắn gọn hơn.
 
4. Yêu cầu của định nghĩa thuật ngữ
 
Yêu cầu đầu tiên của định nghĩa thuật ngữ là phải rõ ràng, bởi vì có rõ ràng thì người đọc mới không hiểu lầm. Khi sử dụng một thuật ngữ nào đó, người sử dụng phải định nghĩa thuật ngữ ấy một cách rõ ràng. Trong trường hợp sử dụng một thuật ngữ nhiều lần và mỗi lần sử dụng theo một nghĩa khác nhau thì người sử dụng phải định nghĩa thuật ngữ ấy nhiều lần một cách rõ ràng. Chẳng hạn, khi viết “dân tộc Việt Nam có lịch sử bốn ngàn năm. Ở Việt Nam hiện có 54 dân tộc cùng sinh sống”, thuật ngữ dân tộc được sử dụng hai lần với hai nghĩa khác nhau; để tránh hiểu lầm thì người sử dụng cần có hai định nghĩa về thuật ngữ “dân tộc”.
 
Có ý kiến cho rằng, định nghĩa thuật ngữ không những phải rõ ràng mà còn phải đúng. Thực ra, có quan điểm đúng và quan điểm sai, nhưng không có định nghĩa đúng và cũng không có định nghĩa sai. Cần phân biệt quan điểm về đối tượng nào đó với nghĩa của thuật ngữ chỉ đối tượng ấy. Đưa ra một định nghĩa thuật ngữ không phải là đưa ra một quan điểm. Về một đối tượng, có thể có hai quan điểm khác nhau (chẳng hạn, có quan điểm cho rằng, nó có một thuộc tính nào đó, và có quan điểm ngược lại cho rằng không phải nó có thuộc tính ấy), trong đó có một quan điểm đúng và một quan điểm sai. Nhưng một đối tượng có thể được chỉ bởi nhiều thuật ngữ khác nhau. Người này có thể dùng thuật ngữ A để chỉ đối tượng này, người khác có thể dùng thuật ngữ A để chỉ đối tượng khác. Cả hai cách sử dụng thuật ngữ đó đều có giá trị như nhau. Không thể nói rằng, định nghĩa A như thế này là sai, còn định nghĩa A như thế kia là đúng. Chẳng hạn, định nghĩa rằng “hình thang là thuật ngữ dùng để chỉ tứ giác có hai cạnh song song và hai cạnh còn lại không song song” và định nghĩa rằng “hình thang là thuật ngữ dùng để chỉ tứ giác có ít nhất hai cạnh đối song song” đều có giá trị như nhau. Mỗi người có thể sử dụng thuật ngữ hình thang theo một trong hai nghĩa này hoặc theo nghĩa khác nào đó. Ví dụ khác, định nghĩa “nước là chất lỏng, không màu, không mùi, trong suốt khi nguyên chất” và định nghĩa “nước là vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị - xã hội và cùng thuộc về một nhà nước”(1) tuy là hai định nghĩa khác nhau nhưng đều có giá trị như nhau. Không thể nói trong hai định nghĩa ấy, định nghĩa này là đúng và định nghĩa kia là sai. Văn hóa cũng là một thuật ngữ có nhiều nghĩa (theo một số người nó có tới hơn 300 nghĩa), nhưng các từ điển chỉ nêu được vài định nghĩa về văn hóa. Các định nghĩa ấy tuy khác nhau nhưng đều có giá trị như nhau. Chúng ta có thể nói rằng, định nghĩa này về văn hóa là rõ ràng hay không rõ ràng, chứ không thể nói rằng định nghĩa này về văn hóa là đúng hay không đúng. Chính vì thế mà V.I.Lênin có lần nói rằng, tranh luận về thuật ngữ là không thông minh nhưng cần phải giải thích rõ ràng thuật ngữ nếu muốn thảo luận.
 
Yêu cầu khác của định nghĩa thuật ngữ là phải ngắn gọn. Đối với một thuật ngữ, có nhiều định nghĩa đều đạt được mục đích làm cho người đọc không hiểu lầm người viết. Để định nghĩa A, ta có thể viết A=B, A=C hoặc A=D. Bởi vì, B, C, D đều là các thuật ngữ mà mọi người đã biết và cùng có nghĩa với A. Tuy nhiên, chúng ta cần định nghĩa ngắn gọn nhất vì đó là định nghĩa dễ hiểu nhất. Ví dụ,định nghĩa “tam giác cân là tam giác có hai cạnh bằng nhau” ngắn gọn hơn định nghĩa “tam giác cân là tam giác có hai cạnh bằng nhau, có hai góc bằng nhau, có hai đường chéo bằng nhau”.
 
5. Kết luận
 
Định nghĩa một thuật ngữ nào đó là một thao tác quan trọng trong tranh luận để tránh hiểu lầm ý của nhau. Vì vậy, trong một công trình nghiên cứu khoa học (bài báo, luận văn, luận án, báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, cuốn sách…), người trình bày cần phải định nghĩa các thuật ngữ dễ gây hiểu lầm. Định nghĩa thuật ngữ là một thao tác quan trọng nhưng đơn giản. Vì vậy, người trình bày có thể trình bày định nghĩa một thuật ngữ trong một chú thích, chứ không cần phải sa đà vào việc bàn luận về thuật ngữ. Chỉ cần người đọc không hiểu lầm ý của người viết về một thuật ngữ nào đó thì việc định nghĩa thuật ngữ ấy là thành công.
 
Ghi chú
  
(1) Hoàng Phê (chủ biên) (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr.722.
 
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 2 - 2015)
Tags: Nguyễn Ngọc Hà PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà thuật ngữ định nghĩa thuật ngữ khoa học xã hội nghiên cứu khoa học Viện hàn lâm khoa học xã hội Viện Hàn Lâm Tạp chí khoa học xã hội
Tin cùng chuyên mục