Văn học Trung Quốc là một nền văn học lớn gắn với nhiều nhà văn tên tuổi, lịch sử phát triển có nhiều nét tương đồng với lịch sử văn học Việt Nam. Trung Quốc có đội ngũ học giả giàu kinh nghiệm với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị gợi mở cho giới nghiên cứu văn học Việt Nam. Sáng tác văn học Trung Quốc thế kỷ mới có nhiều điểm nổi bật và có sự phân nhánh rõ rệt. Nhà văn Trung Quốc vẫn bám sát hiện thực đời sống, quan tâm đến đạo đức nhân văn, đi theo hướng đa nguyên hóa, chuyển hướng sáng tác trên mạng, có sự thay đổi cả về phương thức sáng tác, quan niệm sáng tác, kỹ thuật sáng tác... nên đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của độc giả. Từ năm 2000 trở lại đây, văn học Trung Quốc được dịch nhiều ở Việt Nam. Độc giả và giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã có nhiều tranh cãi về một số tác phẩm văn học Trung Quốc... Một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã bàn về sự ảnh hưởng bởi đề tài, phong cách của văn học Trung Quốc đến sáng tác của một số nhà văn Việt Nam...
Mục tiêu tổng quát của đề tài: Hệ thống hóa và tổng hợp thông tin tư liệu về nghiên cứu văn học Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI tại Việt Nam và trên hai tạp chí của Trung Quốc: Bình luận Văn học và Phê bình văn học Trung Quốc của Viện Hàn lâm KHXH Trung Quốc.
Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, Kiến nghị và Phụ lục, phần nội dung của đề tài gồm 4 chương:
Chương 1: Một số khái niệm, thuật ngữ liên quan trong nghiên cứu văn học Trung Quốc
Lược qua những khái niệm và thuật ngữ tiêu biểu liên quan đến nghiên cứu văn học cổ đại, văn học hiện đại và văn học đương đại Trung Quốc. Các quan điểm về khái niệm, thuật ngữ liên trong nghiên cứu văn học Trung Quốc được tổng hợp từ các nguồn tài liệu tiếng Trung, tiếng Việt và tài liệu online.
Chương 2: Thông tin nghiên cứu về văn học cổ đại Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Cung cấp thông tin nghiên cứu về văn học cổ đại Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI qua một số bài viết về những vấn đề tiêu điểm và có giá trị ngữ văn học đăng tải trên hai tạp chí: Bình luận Văn học文学评论của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc; Phê bình văn học Trung Quốc中国文学批评của
Học viện Khoa học xã hội (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc) từ năm 2000 đến nay. Bên cạnh đó, mục cuối của chương II, nhóm thực hiện đề tài cung cấp thông tin về tình hình nghiên cứu văn học cổ đại Trung Quốc tại Việt Nam qua hai thập niên đầu thế kỷ XXI, từ đó đối chiếu, so sánh giới học giả Việt Nam đã bắt nhịp được với sự phát triển của văn học Trung Quốc những năm gần đây hay không và họ đã tiếp cận các vấn đề trong nghiên cứu văn học Trung Quốc như thế nào?
Chương 3: Thông tin nghiên cứu về văn học hiện đại Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI.
Tập trung thông tin về những thành tựu nghiên cứu chung về văn học hiện đại Trung Quốc (1919 – 1949) qua những bài viết của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đăng tải trên hai tạp chí Bình luận Văn học và Phê bình Văn học Trung Quốc từ năm 2000 đến nay.
Chương 4: Thông tin nghiên cứu về văn học đương đại Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Cung cấp một vài nét chính về thành tựu nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc trên hai tạp chí nghiên cứu văn học của Trung Quốc là tạp chí Bình luận Văn học và tạp chí Phê bình văn học Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2022.
Đề tài được nhận xét là có cấu trúc logic, văn phong mạch lạc và giản dị, sử dụng các phương pháp thu thập thông tin, phương pháp phân tích, phương pháp phân loại và hệ thống hoá, phương pháp nghiên cứu văn học sử và hướng tiếp cận liên ngành.
Hội đồng đánh giá cao kết quả của nhóm thực hiện đề tài, trong đó: (i) Làm rõ một số khái niệm và thuật ngữ liên quan trong nghiên cứu văn học cổ đại, hiện đại, đương đại Trung Quốc; (ii) Hệ thống được khối lượng tư liệu lớn và cập nhật về nghiên cứu văn học Trung Quốc; (iii) Bao quát về thời gian (từ cổ đại, qua hiện đại, đến đương đại), về không gian (phạm vi các bài nghiên cứu từ Việt Nam đến Trung Quốc, trên phạm vi cả nước) giúp cho các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về văn học Trung Quốc có định hướng đầu tư cơ sở dữ liệu; (iv) Góp phần định hướng và cách tiếp cận thông tin, giúp người nghiên cứu có cách lựa chọn tư liệu nghiên cứu phù hợp với mục đích nghiên cứu, nội dung nghiên cứu riêng của từng nhà khoa học.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đạt loại xuất sắc, dự kiến sẽ được in thành sách sau khi chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng nghiệm thu và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.