Thực hiện các chính sách an sinh xã hội là nhằm bảo đảm phân phối những thành quả tăng trưởng kinh tế theo hướng bảo đảm công bằng xã hội và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhóm xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội - Nguồn: baoangiang.com.vn
Quan điểm của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong lãnh đạo đất nước. Trong hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song chính sách an sinh xã hội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã khẳng định: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định quyền an sinh xã hội cơ bản cho người dân. Điều 34 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”. Bộ Luật Lao động sửa đổi (năm 2012) tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động yếu thế trên thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (năm 2013) mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (năm 2014) mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức; khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Tình hình thực hiện chính sách an sinh xã hội trong thời gian qua
Về chính sách ưu đãi đối với người có công
Tính đến hết năm 2016, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, trong đó có khoảng 1,43 triệu đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Trong 5 năm (2012 - 2016) đã giải quyết cho trên 220 nghìn đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi hằng tháng được điều chỉnh tăng qua các năm (mức hiện nay cao hơn 20% so với mức của năm 2012).
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức và cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc với các hoạt động, như tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ. Hằng năm các cấp chính quyền Trung ương và địa phương phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công và gia đình người có công với cách mạng (thắp nến tri ân tại nghĩa trang và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đến thăm và tặng quà các gia đình người có công với cách mạng...). Cả nước đã có 121.047 xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với nước.
Với trách nhiệm của Nhà nước, sự chung tay góp sức của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của người có công và gia đình người có công với cách mạng, đến nay, 98,5% số hộ gia đình người có công đã đạt được mức sống bằng và trên mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn nơi cư trú.
Về việc làm và thị trường lao động
Thông qua các chính sách phát triển kinh tế và thị trường lao động, bình quân mỗi năm tạo thêm 1,6 triệu việc làm mới. Năm 2016, cả nước có 53,3 triệu lao động có việc làm, tăng 463 nghìn người so với năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp chung trong toàn quốc là 2,29%.
Hệ thống Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm từ Trung ương đến địa phương thực hiện cho vay bình quân khoảng 2.000 - 2.500 tỉ đồng/năm. Thông qua Quỹ này, giai đoạn 2012 - 2015 đã hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 400 nghìn lao động, góp phần khôi phục các ngành, nghề truyền thống, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động. Ngoài ra, hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng thu được nhiều kết quả. Năm 2016, đã có 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các phiên giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động từng bước gắn kết người lao động và người sử dụng lao động.
Về giảm nghèo
Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo bao gồm: hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo; miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh các trường dân tộc nội trú và bán trú; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm xuất khẩu lao động; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện... Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được thực hiện hiệu quả với sự nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng, đồng thời phát động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau. Một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai, như chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn...
Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, cận nghèo được cải thiện, người nghèo đã có tài sản và được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng 1,6 lần so với cuối năm 2011. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,65%, từ 9,88% xuống 8,23%, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm 5,5% so với cuối năm 2015.
Về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hằng năm, đến cuối năm 2016 số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 23,63% lực lượng lao động, số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 0,37% và số tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 20,5%.
Số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội tăng đến 2.521,1 nghìn người năm 2016 (chiếm 26,8% số người từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề tăng, được giới thiệu việc làm đều tăng mạnh.
Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua hệ thống bưu điện. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang khẩn trương thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số thủ tục, quy trình thao tác và số lượng hồ sơ, chỉ tiêu trên hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia.
Về trợ giúp xã hội
Hiện nay, cả nước đang trợ giúp bằng tiền mặt hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2,73 triệu đối tượng, chiếm gần 3% dân số, trong đó có hơn 1,6 triệu người cao tuổi; trên 900 nghìn người khuyết tật; 216 nghìn trẻ em. Mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng tương ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nguồn lực thực hiện của các địa phương.
Các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đã có bước phát triển nhất định. Cả nước hiện có 418 cơ sở trợ giúp xã hội gồm 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41.450 đối tượng. Nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành hiệu quả tại các tỉnh và thành phố, như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trợ giúp khẩn cấp cho những người, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai đã được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về bảo đảm an sinh cho người dân trong tình trạng khẩn cấp. Riêng giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, Chính phủ đã hỗ trợ 306.936 tấn gạo trong 89 lần cho các địa phương để thực hiện cứu đói cho hơn 15.601.934 nhân khẩu thiếu lương thực; hỗ trợ gần 3.000 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Về bảo đảm giáo dục tối thiểu
Các chương trình, chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được triển khai hiệu quả. Phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến cấp trung học cơ sở, trong đó tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mầm non đạt 99% (từ năm 2013), trẻ em đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học là 99% (từ năm 2015), cấp trung học cở là trên 90% (từ năm 2014), tỷ lệ trẻ em khuyết tật đi học đạt 60% (từ năm 2014).
Hệ thống dạy nghề tiếp tục được đổi mới, gắn với nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng, tăng số học sinh tuyển mới. Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tăng cơ hội và chất lượng việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp. Giai đoạn 2012 - 2016 đã hỗ trợ cho gần 3 triệu lượt lao động nông thôn học nghề, trong đó 0,3 triệu lao động thuộc hộ nghèo; 0,56 triệu lao động là người dân tộc thiểu số, hơn 20 nghìn lao động là người khuyết tật. Sau học nghề, gần 80% số người lao động có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ.
Về bảo đảm y tế tối thiểu
Năm 2016, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 81,7%. Tính đến cuối năm 2016 có trên 16 triệu đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và nhân dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Ngành bảo hiểm xã hội và ngành y tế tập trung thực hiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Năm 2016 ước khoảng 148.970.582 lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hệ thống y tế cơ sở được hoàn thiện, trước tiên tập trung vào các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn bao gồm cả hạ tầng trạm y tế, bệnh viện và cán bộ y tế; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để tăng chất lượng dịch vụ và giảm tải cho tuyến trên; hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.
Về bảo đảm nhà ở tối thiểu
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 1 đã hoàn thành hỗ trợ cho 531 nghìn hộ, giai đoạn 2 dự kiến hỗ trợ thêm 311 nghìn hộ. Các chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhà ở xã hội tại đô thị, đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh tiếp tục được thực hiện, đáp ứng cho khoảng 70% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu được giải quyết chỗ ở và khoảng 220.000 sinh viên.
Về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường
Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã chú trọng tới người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, giúp cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là các đối tượng được hưởng chính sách.
Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh trong cả nước đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường. Tập quán và hành vi vệ sinh của người dân đã được cải thiện.
Về bảo đảm tiếp cận thông tin
Thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thông tin và truyền thông giữa các khu vực, vùng, miền trong cả nước, thông qua tăng cường cán bộ thông tin và truyền thông, tăng cường cơ sở vật chất và nội dung thông tin. Thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; cấp ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn.
Nhìn chung, các chính sách về an sinh xã hội ngày càng phù hợp hơn về phạm vi đối tượng, tiêu chí xác định đối tượng, mức hưởng và điều kiện hưởng nên đã góp phần tăng hiệu quả cũng như mức độ bền vững. Các địa phương cũng đã tích cực, chủ động thực hiện tốt các chính sách trên địa bàn, một số địa phương, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh... cân đối được nguồn ngân sách đã chủ động nâng các mức hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, nâng chuẩn nghèo địa phương và hỗ trợ thêm một số chương trình, chính sách khác.
Ngoài ngân sách nhà nước, nguồn lực huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ cũng khá lớn. Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kể từ năm 2000 đến nay, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở đã huy động được 31.150,228 tỷ đồng để thực hiện chương trình an sinh xã hội ở các địa phương(1). Ngoài ra, các nguồn hỗ trợ thông qua các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các cá nhân, tổ chức khác, cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, song hệ thống an sinh xã hội của nước ta vẫn còn một số hạn chế thách thức như sau:
Thứ nhất, một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình (khoảng 3%) vẫn còn khó khăn trong cuộc sống. Việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công chưa bảo đảm về mặt thời gian hoặc xây dựng đề án còn chậm.
Thứ hai, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60% - 70%. Số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Thứ ba, mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội là một thách thức lớn do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực nông thôn đang chiếm khoảng 67% lực lượng lao động, lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động trong khu vực phi chính thức. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với tiềm năng.
Thứ tư, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng và tác động lâu dài đến đời sống nhân dân, đòi hỏi phải sử dụng một nguồn lực lớn từ Trung ương đến địa phương để hỗ trợ. Trong khi đó, nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; chưa động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của tư nhân và các tổ chức xã hội; nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách còn ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng tham gia của người dân, doanh nghiệp và các đối tác xã hội.
Thứ năm, các chính sách chưa được triển khai đồng bộ, phân bổ nguồn vốn chưa kịp thời, một số chính sách ban hành còn chậm nên không thể kịp thời bố trí kinh phí để triển khai.
Thứ sáu, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về an sinh xã hội ở một số địa phương còn yếu. Nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền chưa đa dạng, chưa toàn diện và hiệu quả chưa cao.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng tinh gọn, giảm chồng chéo. Ưu tiên hoàn thiện chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng nghèo, đặc biệt khó khăn, tránh cào bằng, hỗ trợ theo nhu cầu và tạo động lực phấn đấu cho đối tượng thụ hưởng, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tự an sinh. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách.
Hai là, về huy động nguồn lực, ưu tiên ngân sách trung ương để thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế, đồng báo dân tộc thiểu số, dân tộc rất ít người và các vùng khó khăn nhất. Tăng cường xã hội hội hóa, tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, bảo trợ các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng, doanh nghiệp và cá nhân ở nước ngoài.
Ba là, về nâng cao hiệu quả công tác quản lý, các bộ, ngành và địa phương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, niêm yết công khai và hướng dẫn cụ thể cho người dân. Xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công, tách bạch chức năng quản lý đối tượng với chức năng chi trả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện các quy trình nghiệp vụ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công và an sinh xã hội và bộ chỉ số an sinh xã hội.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị liên quan tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và tăng cường phản biện xã hội. Hoàn thiện hệ thống theo dõi giám sát cho từng lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc hoạt động báo cáo định kỳ, cập nhật liên tục và chính xác số liệu qua các cấp quản lý; không phê duyệt, cấp kinh phí khi không báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Năm là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội. Cập nhật thông tin về chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật qua các kênh khác nhau, bằng nhiều hình thức khác nhau. Phổ biến giới thiệu các mô hình quản lý, các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội..., khuyến khích các đối tượng yếu thế tự vươn lên bảo đảm an sinh, khắc phục tính ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước./.
--------------------------------------------------------
(1) Riêng năm 2016, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ thông qua “Quỹ vì người nghèo” hơn 945 tỉ đồng, hỗ trợ trực tiếp chương trình an sinh xã hội trên 2.571 tỉ đồng
Nguyễn Trọng Đàm
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn