Tin tức

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Đại học Kyoto

08:00 - 02/12/2022

Sáng ngày 30/11/2022, tại Hội trường tầng 6, trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Kyoto tổ chức tọa đàm khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Đại học Kyoto” với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ khối thư viện các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm và sự có mặt của đông đủ cán bộ, viên chức Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hội thảo vinh dự được đón tiếp TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch điều hành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dự và chỉ đạo Tọa đàm.

Hình ảnh: Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Đại học Kyoto số 1
TS. Đặng Xuân Thanh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc, TS. Đặng Xuân Thanh đã nhiệt liệt cảm ơn sự có mặt của toàn thể đại biểu và tham gia thuyết trình của GS. Shoichiro Hara (Đại học Kyoto) với tham luận chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu Mydatabase dành cho các nhà khoa học. Phó Chủ tịch mong muốn, bài tham luận sẽ gợi mở cho Viện Hàn lâm những hướng đi cụ thể hơn trong việc thực hiện các kế hoạch về chuyển đổi số về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
 
Theo đó, GS. Hara đã có thuyết trình (trực tuyến từ Đại học Kyoto, Nhật Bản) rất chi tiết về các bước tiến hành trong việc nghiên cứu, tạo lập hệ cơ sở dữ liệu dùng trong và dữ liêu của các nhà khoa học tại Nhật Bản, giới thiệu tổng quan về các phần mềm này, nhấn mạnh vấn đề chuẩn hóa quy trình, các bước nghiên cứu đánh giá, tạo lập dữ liệu, xuất bản dữ liệu, chia sẻ (share data) trên môi trường Internet. GS. Hara nhấn mạnh đây là bước quan trọng để bắt đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung và cho rằng nhiệm vụ của người xây dựng dữ liệu chính là tập hợp được nguồn dữ liệu cần thiết để cung cấp cho người dùng cuối, kết hợp với nền tảng công nghệ nào được lựa chọn (sử dụng), phải trả lời được câu hỏi này thì mới có thể phát triển được hệ cơ sở dùng chung, đóng góp vào hệ cơ sở dữ liệu quốc gia.
 
Bên cạnh so sánh chi tiết về sự khác biệt trong xây dựng cơ sở dũ liệu dùng chung với xây dựng cơ sở dữ liệu Mydatabase về tính phổ biến/cá nhân/về sở hữu cá nhân/tập thể/lưu trữ dữ liệu nhất quán/đặc thù/phần mềm chung/phần mềm riêng. GS. Hara chia sẻ: dữ liệu (riêng) của các nhà khoa học được tập hợp lại thành các trường dữ liệu (được chuẩn hóa), được số hóa và được upload lên Mydatabase. Từ đó xây dựng thành một hệ thống cơ sở dữ liệu dành riêng cho ngành nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn. Đây chính là hệ dữ liệu dùng chung mà từ đó các nhà khoa học lại có thể truy cập ngược lại và sử dụng nguồn tài nguyên này phục vụ cho các mục tiêu nghiên cứu khác nhau mà không cần biết về công nghệ, hệ cơ sở dữ liệu và công tác chuyển đổi số là một sự hậu thuẫn rất lớn cho việc phát triển ngành khoa học này trong tương lại và là một nhiệm vụ cần phải làm ngay với sự chỉ đạo được quy chuẩn ngay từ cấp quốc gia.
 
Hình ảnh: Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Đại học Kyoto số 2

Toàn cảnh Tọa đàm

Chia sẻ về một số vấn đề liên quan đến công tác hiện đại hóa hoạt động của hệ thống thư viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. PGS.TS. Lê Hải Đăng, Viện Phó Viện Thông tin khoa học xã hội cho biết: hiện nay thư viện Viện thông tin đang sở hữu khoảng 1.400.000 đầu/tên tài liệu (tương ứng với khoảng trên 2.200.000 đơn vị tài liệu) của hơn 10 loại hình tài nguyên thông tin bao gồm: sách, báo, tạp chí, báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên ngành, luận văn, luận án, tranh, ảnh, bản đồ, bản vẽ, bản dập, băng đĩa, microfilm và một số cơ sở dữ liệu trực tuyến mua quyền truy cập.
 
Với 02 dự án hiện đại hóa hoạt động thư viện được triển khai trong giai đoạn 2015-2018 và 2018-2019 về xây dựng hệ thống thư viện điện tử - thư viện số - ngân hàng dữ liệu và xây dựng và phát triển ngân hàng dữ liệu cho hệ thống thư viện điện tử - thư viện số tập trung. Hiện nay công tác hiện đại hóa thư viện đã từng bước đạt được những kết quả rất khả quan. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn trong hoạt động tạo lập ngân hàng dữ liệu cụ thể là chưa thực hiện được các khóa tập huấn kĩ năng định kì, chưa có phần mềm quản lý truy cập, tường lửa, chưa có chính sách phục vụ nhất quán dẫn đến các đơn vị không dám tải tài liệu trên phần mềm thư viện số, chưa có kinh phí số hóa tài liệu hàng loạt hoặc đầu tư mua cơ sở dữ liệu trực tuyến. Tuy nhiên, dựa trên định hướng số hóa phải được thực hiện trong thời gian tới hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm đang hướng tới việc tuân thủ chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo; kế thừa và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện điện tử - thư viện số của Viện Hàn lâm; Tăng cường năng lực chuyển đổi số cho hệ thống thư viện nhằm phục vụ đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên và cộng đồng yêu khoa học….
 
Hình ảnh: Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Đại học Kyoto số 3
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm

Tổng kết Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Thanh đã nhấn mạnh việc học hỏi mô hình tạo lập hệ cơ sở dữ liệu, nhất là hệ cơ sở dữ liệu dành cho các nhà khoa học My database từ chia sẻ kinh nghiệm của GS. Hara, Đại học Kyoto và cho rằng, chuyển đổi số là một lộ trình dài với rất nhiều khó khăn xuất phát nội sinh từ Viện Hàn lâm có liên quan đến thể chế, chính sách, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kế hoạch triển khai, đo lường chỉ số… nhưng chắc chắn là nhiệm vụ phải làm mà Viện cần phải thực hiện trong thời gian tới. Những chia sẻ của GS. Hara là những gợi mở cần thiết để Viện Hàn lâm làm cơ sở triển khai xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và xây dựng các cơ sở dữ liệu khoa học góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiệp vụ và chia sẻ thông tin trên nền tảng công nghệ, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển bền vững ngành khoa học xã hội và nhân văn trong thời gian tới.
 
Theo Vass.gov.vn
 
 
Tags:
Tin cùng chuyên mục