- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà
- Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2019, 260 trang.
- Tóm tắt nội dung:
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, cuốn sách gồm 4 chương. Chương 1 “Quan niệm chung về phương pháp nhận thức” gồm 4 tiết: Giới thiệu; Khái niệm phương pháp; Phương pháp nhận thức: đặc điểm và phân loại; Kết luận chương. Chương 2 “Các thao tác của nhận thức” gồm 11 tiết: Giới thiệu; Mô tả, giải thích, so sánh, phân tích, tổng hợp; Trừu tượng hóa, khái quát hóa, đi từ cụ thể đến trừu tượng, cụ thể hóa, đi từ trừu tượng đến cụ thể; Hình thức hóa, mô hình hóa, định lượng, định tính, thống kê; Định nghĩa từ ngữ; Sử dụng khái niệm; Phán đoán; Suy luận diễn dịch; Suy luận quy nạp, suy luận tương tự; Chứng minh, bác bỏ; Kết luận chương. Chương 3 “Các nguyên tắc nhận thức khoa học” gồm 11 tiết: Giới thiệu; Nguyên tắc khách quan; Nguyên tắc vận động; Nguyên tắc toàn diện; Nguyên tắc cụ thể; Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn; Nguyên tắc thống nhất giữa lịch sử và lôgic; Nguyên tắc chuyển hóa từ số lượng thành chất lượng và ngược lại; Nguyên tắc phủ định của phủ định; Nguyên tắc xâm nhập lẫn nhau giữa các mặt đối lập; Kết luận chương. Chương 4 “Các bước tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học” gồm 6 tiết: Giới thiệu; Xác định đề cương nghiên cứu; Xây dựng căn cứ chứng minh giả thuyết; Chứng minh giả thuyết; Công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí khoa học; Kết luận chương.
Trong Chương 1, tác giả trình bày nội hàm của khái niệm phương pháp và các loại phương pháp nhận thức. Theo tác giả, phương pháp là cách thức hoạt động mà con người lựa chọn để đạt được mục tiêu; để đạt được một mục tiêu đặt ra, chủ thể hoạt động có thể lựa chọn các phương pháp khác nhau; hoạt động mà không có phương pháp phù hợp thì không thể hoặc khó có thể đạt được mục tiêu. Hoạt động bao gồm hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức; tương ứng, phương pháp hoạt động gồm có phương pháp hoạt động thực tiễn và phương pháp hoạt động nhận thức (gọi tắt là phương pháp nhận thức). Hoạt động nhận thức gồm nhiều thao tác như: mô tả, giải thích, so sánh, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa, đi từ cụ thể đến trừu tượng, cụ thể hóa, đi từ trừu tượng đến cụ thể, hình thức hóa, mô hình hóa, định lượng, định tính, thống kê, định nghĩa từ ngữ, sử dụng khái niệm, phán đoán, suy luận diễn dịch, suy luận quy nạp, suy luận tương tự, chứng minh, bác bỏ, v.v.. Tên gọi của mỗi thao tác nhân thức ấy cũng là tên gọi của một phương pháp nhận thức, tùy từng vấn đề nhận thức và sự lựa chọn của người nhận thức. Phương pháp nhận thức bao gồm: phương pháp mô tả, phương pháp giải thích, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, v.v..
Trong Chương 2, tác giả trình bày nội dung của 23 thao tác của nhận thức; đó là mô tả, giải thích, so sánh, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa, đi từ cụ thể đến trừu tượng, cụ thể hóa, đi từ trừu tượng đến cụ thể, hình thức hóa, mô hình hóa, định lượng, định tính, thống kê, định nghĩa từ ngữ, sử dụng khái niệm, phán đoán, suy luận diễn dịch, suy luận quy nạp, suy luận tương tự, chứng minh, bác bỏ. Bạn đọc có thể tìm hiểu nội dung của mỗi thao tác này trong các từ điển triết học. Tuy nhiên, ở cuốn sách này, bạn đọc có thể dễ dàng hiểu được nội dung của chúng, vì mỗi thao tác đó được tác giả trình bày ngắn gọn, rõ ràng với các ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, về các thao tác sử dụng khái niệm, phán đoán, suy luận diễn dịch, suy luận quy nạp, suy luận tương tự, chứng minh, bác bỏ, tác giả trình bày ngắn gọn hơn và rõ ràng hơn so với cách trình bày của nhiều sách giáo khoa về lôgic học hình thức. Về thao tác định nghĩa từ ngữ, tác giả cho rằng: khi nói và viết cho người khác, người nói và người viết phải xác định rõ ràng nghĩa của các từ hay cụm từ sử dụng để làm cho người khác hiểu đúng ý của mình; nếu người nghe và người đọc hiểu lầm ý của người nói và người viết, thì bài nói và bài viết ấy là chưa thành công; mỗi người có quyền sử dụng một từ bất kỳ với một nghĩa bất kỳ; chúng ta không nên tranh luận với nhau về các từ, nhưng cần giải thích rõ ràng các từ sử dụng nếu muốn thảo luận với nhau; nếu chúng ta nói và viết cho mình, thì chúng ta không phải định nghĩa các từ mà chúng ta sử dụng. Về thao tác chứng minh, tác giả cho rằng: khi thừa nhận một luận điểm nào đó là đúng thì chúng ta cần phải đưa ra các căn cứ để chứng minh tính đúng đắn của luận điểm ấy; các luận điểm dùng làm căn cứ chứng minh phải đúng và đủ; tùy từng luận điểm chứng minh mà chúng ta cần đưa ra các căn cứ lý luận hay căn cứ thực tiễn hoặc cả hai loại căn cứ đó. Căn cứ lý luận là cơ sở lý luận; căn cứ thực tiễn là cơ sở thực tiễn. Căn cứ lý luận hay căn cứ lý thuyết là các luận điểm đúng cho mọi trường hợp, chứ không phải chỉ đúng cho một số trường hợp. Căn cứ thực tiễn là các luận điểm đúng cho một số trường hợp, chứ không phải nhất thiết đúng cho mọi trường hợp.
Trong Chương 3, tác giả trình bày nội dung của 9 nguyên tắc nhận thức khoa học. Đó là: nguyên tắc khách quan, nguyên tắc vận động, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc cụ thể, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nguyên tắc thống nhất giữa lịch sử và lôgic, nguyên tắc chuyển hóa từ số lượng thành chất lượng và ngược lại, nguyên tắc phủ định của phủ định, nguyên tắc xâm nhập lẫn nhau của các mặt đối lập. Bạn đọc có thể tìm hiểu nội dung của các nguyên tắc nhận thức khoa học nói trên trong các sách giáo khoa về triết học Mác – Lênin. Tuy nhiên, ở cuốn sách này, bạn đọc có thể dễ dàng hiểu được nội dung của các nguyên tắc ấy, vì ở mỗi nguyên tắc ấy tác giả trình bày quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, và sự chú giải của tác giả đối với quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin. Sự chú giải ở mỗi nguyên tắc ấy đều được tác giả trình bày bằng những luận điểm ngắn gọn, rõ ràng với các ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, khi chú giải quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về nguyên tắc chuyển hóa từ số lượng thành chất lượng và ngược lại, nguyên tắc phủ định của phủ định, nguyên tắc xâm nhập lẫn nhau của các mặt đối lập, tác giả trình bày quan điểm của ông dưới dạng các công thức chung, sau đó đưa ra các ví dụ minh chứng cho các công thức chung ấy. Theo tác giả, tính đúng đắn của các công thức chung này được chứng minh bằng vô số ví dụ; chúng ta không thể tìm được một ví dụ nào bác bỏ tính đúng đắn của các công thức chung ấy.
Trong chương 4 này, tác giả trình bày các bước tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học. Các bước đó là: xác định đề cương nghiên cứu đề tài, xây dựng căn cứ chứng giả thuyết đề tài, chứng minh giả thuyết đề tài, công bố kết quả nghiên cứu đề tài trên tạp chí khoa học.Xác định đề cương nghiên cứu đề tài là xác định: tên đề tài,lý do nghiên cứu đề tài, tình hình nghiên cứu đề tài, mục đích nghiên cứu đề tài, khách thể nghiên cứu đề tài, đối tượng nghiên cứu đề tài, câu hỏi nghiên cứu đề tài, giả thuyết nghiên cứu đề tài, cơ sở lý luận nghiên cứu đề tài, cách tiếp cận nghiên cứu đề tài, phương pháp nghiên cứu đề tài, sản phẩm nghiên cứu đề tài. Giống như ở các chương 2 và 3, ở chương 4 bạn đọc có thể dễ dàng tìm hiểu nội dung của các bước tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học vì nội dung của mỗi bước được tác giả trình bày ngắn gọn và rõ ràng với các ví dụ cụ thể.
Để giải đáp đúng đắn một vấn đề cụ thể bất kỳ nào đó, chúng ta cần phải tự giác hoặc tự phát xác định đúng các phương pháp nhận thức riêng cho vấn đề cụ thể ấy. Nhưng muốn tự giác xác định đúng các phương pháp nhận thức riêng cho vấn đề cụ thể ấy, chúng ta cần nắm vững các phương pháp nhận thức chung cho mọi vấn đề. Cuốn sách “Bàn về các phương pháp nhận thức” là tài liệu bổ ích cho bạn đọc trong việc tìm hiểu các phương pháp nhận thức chung.
Ban biên tập